Hàng hóa thương hiệu Việt: Cơ hội chiếm lĩnh "sân nhà" và đòn bẩy EVFTA

Chia sẻ

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nguồn cung sản phẩm toàn cầu bị đứt gãy cũng là khoảng thời gian đặc biệt để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường nội địa, khảng định sức cạnh tranh với hàng ngoại. Đặc biệt khi Hiệp định EVFTA Việt Nam-EU có hiệu lực, nhiều sản phẩm hàng hoá giảm thuế EU tràn vào thị trường.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải kiểm tra hàng hóa dự trữ cho công tác phòng chống dịch tại siêu thị Co.opmartThứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải kiểm tra hàng hóa dự trữ cho công tác phòng chống dịch tại siêu thị Co.opmart. 

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm hàng hóa thương hiệu ViệtNgười tiêu dùng chọn mua sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt

Đầu ra ổn định và bền vững ở “sân nhà”

Miến dong Minh Dương là sản phẩm của làng nghề truyền thống xã Minh Khai, huyện Hoài Đức. Song khác với những sản phẩm cùng loại của làng nghề, miến dong Minh Dương vượt qua các vòng tuyển loại khắt khe để có mặt tại hàng ngàn cửa hàng tiện ích, siêu thị và các hệ thống phân phối trên toàn quốc. Sự khác biệt này tạo cho sản phẩm sự phát triển ổn định và đầu ra đảm bảo, nhất là trong giai đoạn thị trường có biến động như dịch bệnh Covid -19 vừa qua. “Trái ngọt” này là thành quả của cả quá trình đầu tư nghiên cứu, sản xuất với sự kết hợp những kinh nghiệm quý nghề truyền thống với yêu cầu, tiêu chuẩn cao trong tuyển lựa nguyên liệu đầu vào, kiểm soát chặt chẽ trong từng khâu sản xuất trên dây chuyền sản xuất hiện đại. Không chỉ đầu tư chất lượng sản phẩm, nhãn mác bao bì cũng được nhà sản xuất chú trọng từ thiết kế bao bì đến lựa chọn đối tác in ấn, nhằm mục đích là cung cấp các sản phẩm tốt nhất cả về hình thức đến chất lượng, được người tiêu dùng chấp nhận và tin dùng.

Vượt lên trên những thách thức mà hầu hết các làng nghề truyền thống đang phải đối mặt như tình trạng ô nhiễm môi trường, sản phẩm thiếu tính đa dạng, chưa đảm bảo an toàn thực phẩm, thiếu minh bạch nguồn gốc xuất xứ… các mặt hàng nông sản thương hiệu Minh Dương là một trong số không nhiều các sản phẩm làng nghề của Hà Nội có được vị trí trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị làng nghề, tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương và từng bước chinh phục thị trường xuất khẩu tại một số nước châu Âu.

Dệt may là một trong những mặt hàng Việt chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ nhiều năm qua. Trước khi EVFTA có hiệu lực thực thi, thị trường Việt Nam đã ghi nhận sự có mặt của các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới. Cùng với đó là hàng may mặc giá rẻ từ Trung Quốc khiến cho các phân khúc của thị trường, từ bình dân đến cao cấp, sản phẩm may mặc của Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt và chật vật. Tuy nhiên, với quyết tâm phát triển thị trường trong nước, đem các thương hiệu thời trang đến với đông đảo người tiêu dùng, các thành viên của Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam không ngừng đầu tư cải tiến mẫu mã, mở rộng chuỗi cửa hàng phân phối sản phẩm nhằm gia tăng thị phần, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng, góp phần tạo nên bước chuyển mình đột phá trong cả thiết kế, cơ cấu lại giá thành sản phẩm lẫn tư duy phục vụ khách hàng để nhanh chóng bắt kịp xu hướng thời trang.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong thời điểm hiện nay, việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh, đối phó với thách thức, khó khăn khi Việt Nam đã chính thức tham gia EVFTA là cần thiết. Bên cạnh đó, cần đưa ra những giải pháp triển khai hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường, liên kết, hợp tác đầu tư…

Nhờ đó, các thương hiệu thời trang như Paul Downer, DGC, S.PEARL, HeraDG, Forever Young… của Tổng công ty may Đức Giang hay các sản phẩm thời trang cao cấp như Eternity GrusZ, May10 M series, áo dài cách tân, dòng sản phẩm Eco gần gũi với thiên nhiên, không gây hại cho môi trường và người sử dụng của Tổng công ty May 10 được thị trường đón nhận. Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến qua website, fanpage được tăng cường, đưa sản phẩm thời trang đến từng gia đình tạo thêm nguồn thu ổn định và quảng bá hàng hoá rộng rãi.

Sự lớn mạnh của các mặt hàng nông sản thực phẩm, dệt may, hàng điện tử gia dụng… từ việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong những năm qua đã góp phần “phủ sóng” hàng Việt tại thị trường nội địa, tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp nhằm đa đạng hoá sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hoá, giảm giá thành sản phẩm để tiếp cận, chinh phục khách hàng.

Cơ hội bứt phá

Cuối tháng 7, Hà Nội bước vào giai đoạn 3 phòng chống dịch bệnh Covid-19, hệ thống phân phối (siêu thị và cửa hàng tiện ích) trên địa bàn TP đã “kích hoạt” hàng hóa dự trữ, trong đó các hàng hóa chủ lực (lương thực, thực phẩm, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang, đồ gia dụng…) đều là hàng Việt. Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, những khu vực trưng bày nổi bật nhất đều dành cho hàng Việt.

Bà Hoàng Kim Dung – Giám đốc miền Bắc siêu thị Co.opmart cho biết: thực hiện sự chỉ đạo của TP, siêu thị đã dự trữ lượng hàng hóa từ 3-4 lần. Sau hơn 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 90% hàng hóa tại siêu thị là hàng Việt, được người tiêu dùng hưởng ứng và mua sắm. Thời điểm này, chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam” năm 2020 đang được phát động nên siêu thị đã lồng ghép thực hiện các hoạt động quảng bá, kích cầu tiêu dùng như: tổ chức riêng khu trưng bày hàng hóa Việt Nam; giảm giá mạnh các mặt hàng thiết yếu, phục vụ chống dịch tại hệ thống siêu thị Co.opmart Hà Nội... Đặc biệt, hệ thống áp dụng giảm giá sâu cho gần 30.000 sản phẩm hàng Việt Nam nhằm mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển hiệu quả, bình ổn thị trường cung cầu hàng hóa.

Tại hệ thống 134 siêu thị VinMart và 2.900 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc đã có 1.200 nhà cung ứng được kết nối để đảm bảo đầy đủ hàng; trong đó chủ yếu các sản phẩm sản xuất trong nước. Đặc biệt, trong những tháng qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nguồn hàng của VinMart cũng như hệ thống siêu thị tại Hà Nội luôn dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng.

Tỷ lệ hàng Việt duy trì ở mức cao tại các hệ thống siêu thị trong nước như tại Co.opmart (90-93%), Vissan (95%), Vinmart (63% theo mã hàng); tại các siêu thị nước ngoài chiếm từ 60% đến 96% như tại Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu), AEON (80% theo mã hàng), MegaMarket (95% theo mã hàng)… Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Bà Nguyễn Thị Nhung – tập thể Đài Tiếng nói VN ở phố Đại La cho biết: Nhiều năm nay, gia đình bà không mua sắm và sử dụng các mặt hàng ngoại nhập, nhất là dòng sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Hàng Việt Nam, theo bà Nhung, có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, với các mặt hàng lương thực, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, có mã số mã vạch nên các gia đình tin dùng, yên tâm về chất lượng và đảm bảo sức khỏe. 

Với bà Hồ Thị Loan ở phố Hàng Bài, những năm trước đều sử dụng gạo Thái nhưng hiện nay đã chuyển sang sử dụng gạo Đồng Tháp được bày bán tại một cửa hàng tiện ích trên phố Lương Văn Can. Bà Hồ Thị Loan nhận xét: Gạo Việt Nam trước đây đóng theo bao tải, người tiêu dùng khó có thể kiểm soát được về thương hiệu, nguồn gốc, chất lượng, trong đó có chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học… Gần 3 năm trở lại đây, gạo Việt Nam đã thay đổi hẳn, được bao gói cẩn thận, thông tin về trọng lượng, nguồn gốc, chất lượng, quá trình canh tác được minh bạch, công khai và người tiêu dùng có thể kiểm soát qua mã code hiển thị trên bao bì nên chúng tôi yên tâm và ủng hộ ngay hàng Việt.

Đáng mừng, ngoài hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, kênh phân phối truyền thống tại các chợ dân sinh, chợ đầu mối đã được các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng nên theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, tỷ lệ hàng Việt tại đây chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá: khi thế giới bị phong toả vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị sụt giảm, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì bán lẻ hàng hoá tại Việt Nam nổi lên như bức tường thành vững chắc bảo vệ kinh tế Việt Nam trước những biến động từ bên ngoài. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2020 tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng doanh thu bán lẻ hàng hoá vẫn tăng 3,4%. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, thị trường nội địa được đánh giá là “mảnh đất” tiềm năng cần được các doanh nghiệp khai thác tối đa.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, hàng Việt Nam đang được yêu thích hơn hàng đa quốc gia tại Việt Nam; trong đó, các mặt hàng sữa, bánh kẹo, trà, café, thịt, hải sản đông lạnh, mì ăn liền được người tiêu dùng lựa chọn nhiều. Để đạt được điều đó, các doanh nghiệp Việt đã không ngừng thay đổi tư duy, quản trị để cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm với chất lượng được cải tiến, mức giá cạnh tranh; xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp cả nước để sản phẩm dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận người tiêu dùng, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn vươn đến cả các vùng sâu vùng xa.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng bộ phận dịch vụ Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam đánh giá, đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt tạo dần chỗ đứng, niềm tin với người tiêu dùng nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng thị trường nội địa trong mùa dịch bệnh.

EVFTA: Tận dụng lợi thế để phát triển

Ở thời điểm hàng hóa tiêu dùng trong nước đang được trao cơ hội để bứt phá, phát triển thì ngày 1/8 vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và được thực thi. Những cam kết của EU khi thực thi EVFTA về lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, đem đến xung lực mới cho cả nền kinh tế Việt Nam. Nhưng mặt khác, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, EVFTA cũng tạo ra sức ép cạnh tranh và áp lực lớn cho hàng hóa trong nước khi hàng hóa từ EU với chất lượng cao nổi tiếng toàn cầu như mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm... được nhập khẩu vào Việt Nam.

Kết quả điều tra năm 2019 của Viện Nghiên cứu xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy: 67% người được hỏi cho rằng kể từ khi có cuộc vận động “Người Việt Nam ưa dùng hàng Việt Nam” đều tự xác định khi mua hàng sẽ ưu tiên dùng hàng Việt; 52% khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt; 36% cho rằng trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc từ nước ngoài đã dừng mua (hoặc mua ít hơn), thay vào đó là mua hàng Việt Nam.

Theo lộ trình, khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm từ EU vào Việt Nam sẽ giảm về đến 0%. Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam giai đoạn 2020-2022. Theo đó, trong 2 năm tới, nhiều mặt hàng nhập khẩu như thịt lợn đông lạnh giảm từ mức thuế từ 13,1% xuống còn 11,2% và 9,3%; thịt bò đông lạnh sẽ giảm thuế từ 15% xuống còn 10% và 5%... Vừa phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt vừa phải nỗ lực khắc phục bất cập nội tại (quy mô sản xuất nhỏ) và tồn tại của thị trường trong nước (vấn nạn hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu sản phẩm).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định: Thực thi EVFTA đặt nước ta đứng trước cuộc cạnh tranh kinh tế gay gắt, nhiều thách thức mới, hàng hóa nước ngoài nhập vào nhiều hơn dẫn đến cạnh tranh với hàng trong nước, trong khi quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, sức cạnh tranh không cao.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm hàng hóa thương hiệu ViệtNgười tiêu dùng chọn mua sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt

Các thương hiệu hàng hóa Việt đang chiếm ưu thế trong các siêu thị trong nướcCác thương hiệu hàng hóa Việt đang chiếm ưu thế trong các siêu thị trong nước

Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, áp lực cạnh tranh từ việc thực thi EVFTA tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, các ngành sản xuất trong nước cơ cấu lại thị trường, tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để hoàn thiện sản phẩm hàng hóa theo quy chuẩn, tiêu chuẩn cao để phù hợp với chuẩn mực mới về giá trị cũng như sự chuyển đổi trong các kênh mua sắm, vừa đảm bảo thâm nhập vào thị trường xuất khẩu rộng lớn của châu Âu vừa tăng sức cạnh tranh ở thị trường trong nước đầy tiềm năng và nhiều dư địa để phát triển.

TS Nguyễn Minh Phong nhận định: Thị trường trong nước nói chung và Hà Nội nói riêng với 10 triệu dân là thị trường tiềm năng, có sức mua rất lớn. Với vị thế trung tâm, Hà Nội còn đóng vai trò quan trọng trong kết nối và lưu chuyển hàng hóa nên cần tạo những nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống thương mại và các giải pháp kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng hàng hóa bảo đảm chất lượng, tăng cường khâu chế biến, mẫu mã, giảm giá và tăng ưu đãi cho khách hàng. “Đây là cơ hội để chúng ta thay đổi nhận thức và cách làm, phải coi thị trường trong nước quan trọng như thị trường nước ngoài để giới thiệu, cung ứng ra thị trường hàng hóa chất lượng cao như nhau; đồng thời hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm đặc thù, đặc sản để nâng cao lợi thế của hàng Việt Nam so với hàng nhập khẩu và cạnh tranh tốt trên sân nhà”.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, với chương trình nhận diện hàng Việt Nam có tên gọi: “Tự hào hàng Việt Nam” đang được triển khai trong năm 2020, ngành công thương chuyển hướng mạnh mẽ vào các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đơn vị trực tiếp sản xuất, cung ứng các sản phẩm dịch vụ Việt Nam đến người tiêu dùng thông qua các hoạt động cụ thể như: Tiếp tục xây dựng các chương trình nghiên cứu và đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và xây dựng thương hiệu; Theo sát dõi diễn biến thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng hóa thương hiệu Việt kết hợp với bán hàng bình ổn thị trường… Bên cạnh đó, kiểm tra, giám sát tiêu thụ hàng hoá của Việt Nam trong các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống và tình trạng doanh nghiệp lợi dụng uy tín hàng Việt Nam, dán mác hàng Việt Nam trên hàng hóa có xuất xứ nước ngoài để tiêu thụ, trục lợi, làm ảnh hưởng xấu đến hàng Việt.

NGUYỄN HƯƠNG - HẠNH LÊ 

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.