Cuộc chơi của đồng tiền

Chia sẻ

Trong một quán cà phê, mấy cô gái tuổi sinh viên sau khi cầm điện thoại sống ảo chán chê thì thở dài: “Ước gì có ai đó nuôi mình đến hết đời nhỉ?”. Còn dạo gần đây, đâu đâu trên mạng xã hội cũng thấy người ta nhắc đến cụm từ “Sugar Baby”, “Sugar Daddy”. Một xu hướng hẹn hò, hay ẩn chứa điều gì khác “lôi cuốn” giới trẻ hơn nữa?

Theo nghĩa đen, “Sugar Daddy” có nghĩa là “Ông bố ngọt ngào” (nghĩa gốc là “Kẹo mút”) và “Sugar Baby” là “Đứa con ngọt ngào”. Còn trên thực tế, “Sugar Daddy” ám chỉ những người đàn ông có độ tuổi ngoài 30, có kinh tế, muốn có mối quan hệ “tình cảm” và sẽ “chu cấp” tài chính cho các “Sugar Baby” (thường là các cô gái được hoặc tự “quảng cáo” có ngoại hình quyến rũ cùng một số tiền mà mình muốn được “bao nuôi” hàng tháng).

Mối quan hệ lịch sự hay cuộc đổi chác tình - tiền?

Trên mạng xã hội, những nhóm kín “mua” mối quan hệ có lẽ đã hoạt động chuyên nghiệp chẳng kém các sàn thương mại điện tử là mấy. Theo nội dung những bài viết trong nhóm với mối quan hệ này, mức giá được các “con nuôi” đưa ra để bố/mẹ nuôi chu cấp khoảng từ 5-15 triệu đồng/tháng, do hai bên thỏa thuận. Bù lại, con gái/con trai cũng sẽ đáp ứng mọi yêu cầu từ bố/mẹ nuôi, như không kiểm soát, không ràng buộc, tôn trọng cuộc sống riêng tư của nhau, cam kết không có nhiều bố/mẹ nuôi cùng lúc… Bên cạnh đó, còn có dịch vụ môi giới nếu những người có nhu cầu tìm bố nuôi/con nuôi thấy ngại.

Minh họaMinh họa

Nếu xem đây là một cuộc tuyển dụng, các cô gái cũng sẽ tạo cho mình một bản CV đáng ngưỡng mộ như “ngoan, hiền, 3 vòng đầy đủ, kỹ năng tốt” nhằm “nâng giá” bản thân. Các cô cũng không chỉ đòi hỏi Sugar Daddy phải giàu có, chu cấp đầy đủ, mà còn yêu cầu cao về ngoại hình, tính cách và cả “cách thức, tần suất” hẹn hò…

Và chuyện tình dục như một cam kết ngầm khi hai bên chấp nhận mối quan hệ này. Bởi lẽ, ngoài nhu cầu cần tìm người tâm sự, các “bố nuôi” còn chi tiền để tìm “con gái nuôi” trẻ đẹp, đặc biệt là sinh viên càng tốt.

Đó là những điểm nhìn thấy rõ nhất khi người ta xem những bài đăng trên các group kín tìm bố nuôi. Còn thực chất, ban đầu, mối quan hệ này hình thành do đâu?

Theo Chuyên gia tâm lý - giáo dục, PGS. TS Trần Thành Nam (giảng viên trường ĐHQG Hà Nội), hiện tượng “Sugar Daddy - Sugar Baby” khá phổ biến ở nước ngoài, nơi mà sinh viên thường sẽ tự lập rất sớm, tự trang trải chi phí cho việc học hành. Vậy nên, tồn tại một thực tế là các nữ sinh sẽ phải tìm kiếm nguồn hỗ trợ học phí trong khi gia đình không chu cấp.

Còn với các “Sugar Daddy” - những người có quyền, có tiền nhưng vì “cô đơn” hoặc muốn có một mối quan hệ thân mật mà không ràng buộc nên cần những dịch vụ như thế. Một bên cần tiền, một bên cần giải tỏa tâm lý – nhưng không phải là tình dục. Và những người làm mối thường quảng cáo không có vấn đề tình dục trong hẹn hò. Nếu đạt chuẩn những yếu tố đó, thì mối quan hệ này khá sòng phẳng và an toàn.

Nhưng trên thực tế, vẫn có những “ông bố nuôi” lớn tuổi, đã có gia đình, muốn gặp các cô gái trẻ để kiếm tìm tình dục ngoài luồng. Họ có tiền nên không muốn quan hệ với gái mại dâm mà cần đối tác vừa đẹp vừa có học thức. Các “con gái nuôi” nghĩ rằng mình không phải gái mại dâm, họ được trả tiền để ở bên và lắng nghe tâm sự của các “bố nuôi” này mà thôi. Nếu có tình dục tức là sự tự nguyện, là đưa đẩy của cảm xúc chứ không phải mua bán.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bởi vậy, vẫn còn hai chiều ý kiến quanh mối quan hệ này, nhiều người cho đây là sự lựa chọn sòng phẳng, một dạng hẹn hò bù đắp, công bằng cho cả hai bên và quyền quyết định là của cá nhân mỗi người, nhưng cũng có ý kiến rằng, đây là sự đổi chác cho những ai mong muốn kiếm tiền nhanh mà không phải lao động vất vả. Nhưng có một điều không thể tranh cãi, đó là mối quan hệ này không thể gọi là tình yêu, và đồng tiền – trong bóng tối của xã hội, đang dạo chơi trên cơ thể phụ nữ và làm méo mó những tình cảm cần được trân trọng.

Những “viên kẹo ngọt” không hề dễ ăn!

Nhiều bạn trẻ vẫn ngỡ ngàng và khó chấp nhận cách sống này – mọi thứ đều dùng tiền để định giá. Nhưng có một thực tế cần phải nhìn nhận sau những biến tướng của mối quan hệ kiểu này, đó chính là lối sống thực dụng ngày càng phổ biến trong giới trẻ hiện đại. Không ít bạn trẻ có giấc mộng việc nhẹ lương cao, cuộc sống an nhàn không xô bồ, không nghiệt ngã mà vẫn… sang chảnh, để rồi sa ngã vào những lời mời gọi không đứng đắn!

Chưa bàn đến yếu tố pháp luật và văn hóa của mỗi nước, cũng không trách vội “cuộc đời không sinh ra mình ở vạch đích”, các chuyên gia tâm lý, xã hội học cho rằng, biến tướng dễ thấy nhất của loại hình dịch vụ này chính là tạo ra một sự lười lao động trong giới trẻ, coi rẻ giá trị của người phụ nữ, biến tình cảm thành thứ mua được bằng tiền. Những viên kẹo, không hề ngọt và “dễ ăn” như các cô, các cậu nhẹ dạ vẫn nghĩ!

Ảnh minh họaẢnh minh họa

PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, việc hẹn hò như vậy không có hợp đồng, cũng chẳng có cơ sở pháp lý. Các em chỉ được chào mời, được hứa hẹn là đi chơi cùng để trò chuyện, tâm sự nhưng nếu bị lạm dụng tình dục thì ai sẽ bảo vệ các em? Các em có biết trước được các ông bố nuôi giống hoàn toàn giới thiệu trước đó? Các bố nuôi có ép các em làm những điều kinh khủng, chỉ vì ai có tiền thì sẽ có quyền? Sẽ ra sao nếu các cô con nuôi bị đánh ghen? Hay vô tình tiếp tay cho hoạt động phạm tội của các “bố già”? Thậm chí trong một số mối quan hệ có thể dẫn tới mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh truyền nhiễm đường tình dục… Nếu xảy ra những tình huống như thế, liệu các em có dám chia sẻ điều này ra không?

Nhiều cô gái trẻ thừa nhận rằng, họ luôn mơ về một “Sugar Daddy” hào phóng, lịch thiệp và có ngoại hình ưa nhìn. Tuy nhiên trên thực tế không phải cô gái nào cũng may mắn gặp được “cha nuôi” lý tưởng của đời mình. Còn xét về mặt xã hội, PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, các dịch vụ như thế này sẽ làm lệch lạc trong cách sống của lớp trẻ khi quan niệm rằng chỉ cần trẻ và đẹp chứ không cần quá trau dồi tri thức cho bản thân.

Những giá trị đạo đức tốt đẹp, lâu đời, những giá trị văn hóa sống cùng lịch sử, đúng trong mọi thời đại lại không được các bạn bồi đắp, tu dưỡng, phát huy. Thay vào đó, các bạn tìm đến những xu hướng mới nhưng bằng suy nghĩ lệch lạc, biến nó thành điều tầm thường, thậm chí kinh khủng, để lại hậu quả ở nhiều mức độ. Các bạn gái trẻ không phát triển đạo đức mà tìm kiếm những giá trị vật chất tầm thường từ chính việc kinh doanh cơ thể mình là một sự khủng hoảng. Thật đáng buồn khi các bạn gái này lại phần lớn là sinh viên, có trình độ học thức. Nhưng điều đó cũng khiến những vị phụ huynh trăn trở về cách giáo dục và dõi theo con em mình.

Mọi thành công, kết quả đều cần phải có quá trình làm việc và cố gắng, tiền bạc hay địa vị không thể tự nhiên mà đến được và nó càng không thể đến nhanh trong một sớm một chiều. Và tình cảm cũng vậy, nếu dùng tiền để mua bán, thì chắc chắn thứ tình cảm ấy cũng có hạn sử dụng. Các cô gái trẻ có nghĩ rằng, tuổi xuân của mình chỉ có một – và thứ duy nhất ấy đang được chính mình rao bán với giá vài triệu mỗi tháng. Cuối cùng, khi tuổi trẻ qua đi, các bạn tích lũy được gì, hay chỉ biết ngồi tiếc nhớ những nhàn hạ quá vãng?

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.