Ông bố tội nghiệp

Chia sẻ

Người đàn ông ấy ngoài 70 tuổi, đi xe ôm tìm đến văn phòng tư vấn tâm lý. Ông trình bày mong muốn của mình một cách rất “lễ phép”, rằng: “Vợ chồng tôi đau khổ lắm, lấy nhau muộn, mãi mới được đứa con giờ lại hư hỏng.

Tôi đã nghĩ bao đêm để viết một cái đơn gửi tới các cơ quan chức năng, chính quyền, công an, cầu mong họ giúp đỡ chúng tôi giáo dục cháu. Tuy nhiên, do ít học nên trình bày hơi lủng củng. Đây là lá đơn tôi đã viết, chưa dám gửi. Mong các bác đọc kỹ giúp để hiểu sự tình và sửa chữa câu cú giúp tôi để tôi gửi đi. Có gì chưa phải mong các bác (tư vấn) bỏ qua, vì trình độ hiểu biết hạn hẹp. Với lại tôi đang hoang mang, mất niềm tin vô độ”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Lần đầu tiên chúng tôi nhận “sửa lỗi chính tả” cho một lá đơn của một người bố gửi các cơ quan chức năng, nhờ can thiệp, giáo dục con mình. Thấy thái độ thật lòng, chân thành của người bố, đồng thời thấy sự việc nằm trong “phạm vi tư vấn”, nên chúng tôi mời người đàn ông đó vào phòng uống nước, chờ chúng tôi đọc đơn của ông.

Xin được trích lá đơn như sau:

... Kính gửi các cơ quan chức năng!

Tôi làm đơn này xin trình bày với quý các cơ quan sự việc như sau: Tôi có con trai cả là N.Đ.P, cháu sinh năm 1989. Hiện nay cháu đang tham gia nghĩa vụ quân sự, đóng ở vùng 3 Hải quân, trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Cháu đi từ tháng 2/2019, cũng sắp ra quân, nên vợ chồng tôi rất lo.

Lý do để chúng tôi phải lo lắng là trước đây cháu có quá khứ bất hảo. Gia đình giáo dục nhiều lần, sử dụng các biện pháp nặng có, nhẹ có, nhưng cháu không thay đổi. Cụ thể, năm học lớp 6, cháu P đã bị các bạn xúi giục, cắm xe máy, rồi nói với bố mẹ là mất để bố mẹ phải mua xe mới. Tuy nhiên, sau lần ấy, cháu cũng không cắm bất cứ đồ vật gì của gia đình nữa.

Khi học cấp 3, cháu P nhà tôi có giao du với đám bạn xấu, đánh lô đề, hút thuốc lào, đã có hút cỏ... nhưng gia đình chưa có bằng chứng. Trong giai đoạn này P quen bạn gái tên D, một cô gái học giỏi, rất ngoan, con nhà lành. D đã khuyên P rất nhiều nhưng P không nghe. Sau đó, chúng tôi có theo sát và có thuê người kèm cặp, giám sát, nhưng thực tế P vẫn chơi bời lêu lổng. P chưa bao giờ bỏ học, đi về đúng giờ, không đi chơi khuya... P chỉ tạo vỏ bọc, tính P không bao giờ gây gổ, đánh nhau, tham gia giao thông cẩn thận. Nhưng thực sự P rất lì lợm, khó bảo.

Năm cuối cấp 3, gia đình tôi đã thuê thầy kèm cặp học hành 4 môn Toán, Lý, Hóa và Anh, nên năm 2016, cháu P thi đại học đạt 21 điểm, thuộc tốp đầu của lớp. Gia đình tôi đã rất vui mừng.

Nhưng rồi học được nửa năm ở khoa Hệ thống điện, trường đại học Điện lực, chúng tôi lại phát hiện P vẫn trở lại con đường cũ. P lại giao du với đám bạn xấu, bỏ cả học đi đá bóng, rồi lại hút cỏ Mỹ. Giai đoạn này cô bé tên D cũng chia tay P. Khi gia đình phát hiện, chúng tôi quyết định cho nghỉ học luôn. Chúng tôi ép cháu đi xét nghiệm, thì kết quả dương tính với cỏ Mỹ. Từ đây gia đình xác định P sẽ đi làm sớm, không theo con đường học hành nữa. Gia đình gửi P về quê ở Thạch Thất, cùng với ông bà nội, các chú… làm mộc. Nhờ ông bà chăm sóc, các chú dạy bảo, P chăm chỉ làm, tỏ ra ngoan ngoãn.

Tháng 2/2019, gia đình tôi cho cháu đi nghĩa vụ quân sự. Hiện nay cháu đóng quân ở Sơn Trà, Đà Nẵng. Nhưng dịp Tết vừa qua cháu có về nghỉ, gia đình tôi phát hiện P vẫn giao du với đám bạn xấu, vẫn lô đề và hút cỏ. Gia đình không gửi cho cháu nhiều tiền, không biết cháu lấy tiền đâu để ăn chơi như vậy? Tôi cũng đã viết thư cho thủ trưởng đơn vị, được biết trong quân ngũ, P chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định của đơn vị, không vi phạm bất kỳ lỗi gì. Tuy nhiên, gia đình rất hoang mang lo lắng, vì thực tế gia đình đã hết cách dạy dỗ, giáo dục cháu.

Gia đình chúng tôi mong muốn, trong thời gian ở quân ngũ, nhờ Công an địa phương liên lạc với đơn vị và bản thân cháu P, thông báo để P biết rằng nhà chức trách đã biết P là thành phần bất hảo nằm trong sổ đen của Công an và thuộc diện Công an theo dõi. Công an cũng định kỳ điện thoại nhắc nhở, răn đe, giáo dục cháu giúp chúng tôi.

Khi cháu P ra quân, trở về địa phương, gia đình nhờ chính quyền gọi lên để răn đe, cảnh cáo và dọa nạt. Chính quyền xã có thể gọi cháu P lên viết bản tường trình nêu ra những sai phạm, đối chất, nắm bắt nguyên nhân, tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, khúc mắc của P, nếu P ngoan cố, Công an xã đưa lên gặp Công an huyện để được giáo dục. Mong các cơ quan pháp luật và chính quyền thật mạnh tay, trường kỳ, sâu sát... theo đúng nghiệp vụ của ngành Công an.

Thú thật, đọc xong lá đơn người cha già gửi các cơ quan chức năng kêu cứu, mong được hỗ trợ trong công tác chăm sóc, giáo dục con… trong tôi nảy sinh nhiều cảm xúc đan xen, vừa thương ông, vừa thương người con của ông. Giá ông không phải là “thân chủ”, là khách hàng của dịch vụ tư vấn, mà là ông anh, ông chú của tôi, thế nào tôi cũng “hơi nặng lời” với ông một chút. Thật ra cậu con trai, đang là quân nhân, không có gì đáng nói. Người cần được tư vấn chính là ông…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thứ nhất, ông là người đang làm trầm trọng hóa vấn đề. Ông viết đơn kêu cứu tới các cơ quan chính quyền, pháp luật, nhờ họ vào cuộc ráo riết đã là một việc làm thiếu cân nhắc và không cần thiết. Theo như trong đơn ông kể, thì ngày còn bé có lần cắm xe máy lấy tiền tiêu, có lần bắt gặp hút cỏ Mỹ, có tham gia lô, đề… nhưng đó là từ thời thanh niên “trẻ trâu”. Con người ta ai cũng có lúc sai lầm, nhưng quan trọng là người ta vượt qua được nó, vươn lên, vậy mà người cha này ghi sổ đen từng lỗi nhỏ của con, cộng dồn tội, rồi quy kết thành những tội danh mang tính chụp mũ như lì lợm, bất trị, không thể dạy được…

Thứ hai, ông bố là người không tin tưởng con, không để cho con tự quyết định bất cứ điều gì. Đang học đại học, thấy con có chút sai lầm, không nhắc nhở, uốn nắn, cho cơ hội sửa sai, mà đình chỉ học tập luôn. Một sinh viên đại học bị bố ép bỏ học, về đi làm thợ mộc… là một bước ngoặt quá lớn, gây sốc, vậy mà người cha vẫn làm theo ý mình. Con hai mấy tuổi rồi, đã là quân nhân, đang được tu dưỡng, rèn luyện trong môi trường quân ngũ, không vi phạm bất cứ điều gì, vậy mà người bố gọi điện trao đổi với thủ trưởng của con, cứ làm như con là tội phạm, bố phải tố giác. Các thủ trưởng cũng nhận xét con ông không có vấn đề gì, vậy mà ông không tin tưởng, không yên tâm. Lẽ ra ông phải biết, khi vào môi trường quân đội thì sẽ không để xảy ra hiện tượng chiến sĩ nghiện ngập, say xỉn.
Thứ ba, cái nhìn của ông về con người nói chung, sự hướng thiện nói riêng rất hạn chế. Giáo dục con người cần lắm sự thấu hiểu, sẻ chia, tin tưởng, khơi gợi những suy nghĩ, hành vi tích cực, nhưng ông lại sử dụng những biện pháp mang tính hành chính, mệnh lệnh, theo dõi, giám sát, kỷ luật, răn đe. Không chỉ vậy, ông còn dự định lôi kéo cả hệ thống các cơ quan pháp luật, chính quyền vào cuộc. Đây là biện pháp giáo dục rất tệ hại, thiếu nhân văn.

Chuyên viên tư vấn đã khuyên ông bố “vứt bỏ ngay lá đơn này đi”, không gửi tới bất cứ cơ quan, tổ chức nào cả. Thứ hai, ông cần nhìn nhận người con trai với đôi mắt tử tế, thân thiện, bao dung, độ lượng, kiên nhẫn và tích cực hơn. Hãy nhớ con ông đang là chiến sĩ quân đội nhân dân, đang trong quân ngũ, không phải là kẻ phạm tội. Những lỗi lầm của quá khứ, hãy tập quên đi. Hãy nghĩ đến ngày con ra quân, có định hướng gì về tương lai, nghề nghiệp cho con thì chỉ tư vấn, hướng dẫn, còn hãy để con tự quyết định. Nếu con trai ông không muốn làm ở xưởng gỗ gia đình, mà muốn đi học nghề, đi làm công ty hay thử đi xa hơn để lập thân, hãy tôn trọng điều đó. Nếu con ông chưa có ý định lấy vợ, làm nhà, thì đừng bắt ép. Khi phát hiện thấy con có dấu hiệu khả nghi nào đó như chơi cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá, ma túy… hãy nói với con ngay với tư cách người cha, không cần chửi bới, đánh đập, xúc phạm. Đừng quên, con trai ông đã là thanh niên trưởng thành…

Thế mới biết, người cha, người mẹ nào cũng yêu con, thương con, muốn giáo dục con nên người, nhưng yêu thương thế nào cho đúng, giáo dục thế nào cho có hiệu quả là một môn khoa học, một môn nghệ thuật, khoa học của trí tuệ và nghệ thuật nắm giữ trái tim.

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.