Một sớm Tây Hồ

Chia sẻ

Một cô bạn từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội công tác, nhất quyết đòi tôi đưa đi dạo hồ Tây buổi sáng sớm, ăn bánh tôm hồ Tây hoặc thưởng trà sen nơi này. Tôi tò mò hỏi: “Hà Nội bao chỗ sang chảnh, cũng có không ít địa danh cổ kính, đẹp say đắm lòng người... tại sao nhất định phải là hồ Tây?”.

Cô bạn không nhìn tôi, gương mặt trầm tư, ánh mắt hướng về xa xăm cứ như phía đó đích xác là hồ Tây, rồi thong thả nói: “Hà Nội nổi tiếng với nhiều hồ nước, mà hồ Tây hẳn là lớn nhất. Nghe nhiều người nói, đến hồ Tây buổi sớm là có thể cảm nhận sự khoan khoái, thấy được tinh hoa đất trời hội tụ. Sáng sớm ở hồ Tây, sương sớm ở hồ Tây… cái gì gắn với hồ Tây hình như cũng đẹp, cũng trong trẻo, mát lành và nên thơ...”.

“Không sinh ra ở Hà Nội, chưa từng tới Hồ Tây mà nói như người trải nghiệm, gắn bó nơi này lắm” - tôi cười, đáp lại ánh mắt long lanh đang chìm đắm trong những hình dung về một hồ Tây thanh bình của cô bạn. Nhưng quả thật bạn tôi nói không sai, và đó cũng là cảm nhận của rất nhiều người con Hà Nội khi nói đến nơi này.

Một sớm Hồ Tây.Một sớm Hồ Tây.

Thường thì, bất cứ ai nghĩ tới Hà Nội cũng thấy một đô thị ồn ào, đông đúc, hối hả, vội vã. Vậy mà chỉ cần đặt chân tới hồ Tây, thả hồn vào khoảng không rộng mở, thoáng đãng trước mặt, cảm nhận từng làn gió nhẹ lùa vào mái tóc, hít hà vào sâu trong lồng ngực hương cỏ cây quyện với “vị” mát lạnh của hơi nước bốc lên… ta sẽ thấy nhịp sống của Hà Nội chậm lại và yên bình đến lạ.

Tôi cũng giống nhiều bạn trẻ, vào sáng sớm thứ Bảy, Chủ nhật, thường chọn hồ Tây làm điểm đến cho riêng mình, thong dong trên chiếc xe đạp hoặc lựa một quán nước ven hồ ngồi lại, nhâm nhi thứ trà đậm vị sen. Hoa sen chỉ nở trong khoảng tháng 6, tháng 7. Và chỉ trong những ngày này, du khách mới được hưởng hương vị của trà ướp trong những bông hoa sen ngậm sương sớm vừa ngọt vừa thơm.

Trong lúc chờ trà ngấm, họ thường nói với nhau dăm ba câu chuyện, mọi chủ đề quay vòng quanh sen. Nhưng nhiều người cũng thích lựa cho mình một góc riêng, thư thả thưởng trà, thưởng sen, thả hồn mình vào thiên nhiên tinh khiết trong lành, tận hưởng cảm giác thư thái, suy tư về những điều bình dị, tốt đẹp giữa cuộc sống xô bồ.

Hồ Tây thời điểm nào cũng đẹp, nhưng với riêng tôi, khoảng thời gian sáng sớm thường đem đến nhiều cảm xúc đặc biệt, nhất là những ngày nhiều sương. Cả mặt hồ tĩnh lặng được bao phủ bởi một màu trắng đục, hư hư ảo ảo, chẳng biết “là khói, là sương, hay mây trời nghiêng đổ”, khiến nơi đây quyến rũ, kỳ bí tới mê mẩn. Chẳng thế mà vẻ đẹp Tây Hồ từ xa xưa đã đi vào nhiều câu thơ, câu hát: “Mịt mù khói tỏa ngàn sương, nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.

Ngày hè, từ 5h30, trời đất đã sáng bừng dù mặt trời mới chỉ đang ló dạng nơi xa xa. Hồ Tây quả thật như một tấm gương trong vắt khổng lồ, gói gọn bầu trời vàng óng, mượt mà trong lòng mình. Mặt trời mỗi lúc một tỏ. Những hạt sương ngủ quên trên chồi lá chạm phải nắng sớm cũng bừng tỉnh, long lanh tỏa sáng. Thi thoảng một cơn gió mạnh thổi qua lại khiến chúng rớt xuống mái tóc, bờ vai của người đi bộ ven hồ. Thiên nhiên và con người bỗng gần gũi, giao cảm, quyện vào làm một. Không ồn ào, náo nhiệt, hồ Tây sáng sớm sâu lắng, yên bình như vậy nhưng khiến con người trở nên khoan khoái, tràn đầy năng lượng để đón chào ngày mới tươi vui.

Có những buổi sáng cuối tuần, tôi đi xe chậm rãi một vòng quanh hồ chỉ để ngắm nhìn, quan sát những đền chùa cổ kính uy nghiêm, những hàng cây xanh tỏa bóng mát. Trong sân Phủ Tây Hồ, cây si cổ thụ mấy trăm năm tuổi, cành rễ lan tỏa ra một khoảng đất rộng lớn khắp sân, có chỗ cắm cả xuống mặt nước cũng lặng lẽ tận hưởng sự yên tĩnh gần như tuyệt đối của mặt hồ khi không bị ai quấy rầy.

Mặt nước hồ Tây thường ngày tĩnh lặng, nhưng những buổi mưa giông cũng cuộn lên dữ dội. Gió ào ạt thổi, đuổi mưa nối đuôi nhau giữa khoảng không gian rộng lớn không bị ngăn cản, cuộn theo cả sóng trên mặt hồ tạo thành tiếng vỗ ì oạp, dạt dào như bao nỗi niềm gửi gắm nơi đây.

Hồ Tây là vậy, bao giờ cũng vọng lên trong tâm tưởng người Hà Nội như một nơi lưu giữ kỷ niệm rất riêng, một khoảng lặng yên bình, thơ mộng và đằm sâu văn hóa kinh kỳ.

PHÙNG THU

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.