Tí tuổi đã yêu cấm hay buông?

Chia sẻ

Tình yêu tuổi học trò (từ THCS, THPT) không còn là điều gì quá mới mẻ đối với xã hội và các bậc phụ huynh. Có học sinh nhờ tình yêu trong sáng mà học hành tiến bộ nhưng không ít phụ huynh khi biết “chuyện tình yêu của con” lại ra sức cấm đoán. Phải cấm hay cứ buông mới là cách hay đây?

Bố mẹ đau đầu vì con “tí tuổi đã yêu”

Cả hai vợ chồng đều là giáo viên, nên chị Nga rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ hai con. Với riêng chị, các con cần phải học giỏi, thậm chí là rất giỏi thì mới xứng đáng với truyền thống gia đình, mới làm đẹp mặt bố mẹ với thiên hạ. Vì thế, chị không cho phép các con được “dính líu” tới điều gì khác ngoài sách vở. Nhưng đúng là, càng cấm, chị càng nhận về cho mình “trái đắng” khi dạy con.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cô con gái đầu của chị hát rất hay. Năm học lớp 7 – cũng là khi con bước vào tuổi dậy thì, cô bé được nhà trường cử đi tham gia một cuộc thi văn nghệ cấp quận. Cùng thi với con là một cậu bạn học trên một lớp, rất điển trai và biết chơi đàn. Với các cô gái tuổi ô mai, cậu bạn thật sự là “nam thần”! Hai bạn dần mến nhau và cậu bé kia công khai tỏ tình với con gái chị Nga. Tình cảm ấy được thể hiện bằng những bức thư tay, những quyển truyện, bài hát và vài ba món quà nho nhỏ, tất cả đều được giấu kín với người lớn. Nhưng chị Nga vẫn phát hiện ra. Lần đó, chị đốt hết nhật ký và thư từ, ném sạch số quà tặng của con gái và mở một cuộc họp gia đình. Dù chồng chị đã khuyên không nên làm quá mọi chuyện vì con gái vẫn còn quá nhỏ để hiểu được hết, nhưng chị không thể bình tĩnh nữa rồi. Chị cho rằng con gái đã bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ, không biết tu chí học hành, “rồi sau này ra ngoài đường mà liếm lá à con?”. Nghiêm trọng hơn, ông bà ngoại của cô bé – cũng là những giáo viên đạo mạo đã về hưu, cũng hùa vào mắng chửi cháu gái là hư hỏng. Cô bé – vì quá sợ hãi và hoảng loạn, sau đó đã thi trượt vào trường chuyên, tiếp tục hứng những trận đòn tinh thần và dần càng xa lánh mẹ mình!

Khác với chị Nga, chị Hòa lại bình thản đón nhận chuyện con gái “biết yêu” và sẵn sàng làm người bạn sẻ chia với con. Bởi chị rất sợ, nếu mình không rộng lòng, thì con sẽ che giấu, lúc ấy, chính mình làm mẹ mà không thể hiểu về con – thì còn sai trái hơn nhiều. Vì thế, không chỉ không cấm con có tình cảm khác giới, mà chị còn chẳng ngăn cản chuyện con có nhiều người bạn ở giới tính thứ 3. Chị tâm sự thật lòng: “Mình cũng không mong muốn các con yêu sớm, tình yêu tuổi ẩm ương nhiều nguy hiểm. Nhưng nếu đã xác định được nó nguy hiểm thì càng phải đứng một đội với con, đừng để con sang “bên kia chiến tuyến”, đừng để con một mình trong những lúc yêu và cả lúc con thất tình”. Tình yêu tuổi ô mai có thể nhanh đến nhanh đi, chị luôn dặn đi dặn lại con rằng “đừng quá đà để có em bé”.

Có cán bộ dân số kể rằng: Chị đi tuyên truyền cho các phụ huynh về chăm sóc và theo dõi con tuổi dậy thì, nhưng chính chị cũng rất đau đầu khi làm mẹ một cô bé đang tuổi “ẩm ương”. Các con đã chớm biết yêu, nhưng cũng rất cứng đầu, không phải lúc nào cũng biết nghe lời cha mẹ. Đã vậy, giờ đây còn có thế giới mạng vô cùng nhiều thông tin, các con nghĩ rằng nhờ đó mà tự hiểu biết, nhưng thông tin đúng hay sai lại chưa đủ trình độ để kiểm chứng. Con thì “cứng đầu”, bố mẹ mà cũng cố ngăn cản, cấm đoán thì chỉ có trở thành “kẻ thù” với nhau mà thôi!

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thực tế, đã có trường hợp em học sinh nọ phải nghỉ học để sinh em bé, đó là một cái kết rất buồn. Và cũng có nhiều phụ huynh rất e ngại nói chuyện giáo dục giới tính với các con. Chị cán bộ dân số trên kể rằng: Chuyện học sinh yêu sớm, trong ba lô đi học luôn có sẵn một bộ quần áo để thay cho đồng phục trước khi vào nhà nghỉ với nhau đã xảy ra rất nhiều. Những hệ lụy đó, chẳng phụ huynh nào muốn nó xảy ra với con mình cả…

Tình yêu tuổi học trò: Cần sự đồng hành của thầy cô, cha mẹ

Bên cạnh những mặt tiêu cực thì cũng có những mặt tích cực nếu mối quan hệ đó được định hướng và duy trì đúng đắn. Điều đó càng đòi hỏi cha mẹ, thầy cô cùng đồng hành với học trò khi các em bắt đầu có những rung động đầu đời.

Các chuyên gia tâm lý nhận định: Chuyện yêu của lứa tuổi cấp 2, cấp 3 ngày nay rất bình thường và tự nhiên. Về mặt sinh học, trẻ em thời nay lớn sớm, do đó tính dục và tình dục cũng phát triển sớm hơn. Cộng thêm sự cởi mở của xã hội về tình yêu, giới tính... khiến nhiều trẻ dễ mắc vào “lưới tình”.

Đã từng có nhiều phụ huynh cấm con học cấp 2 yêu sau đó thất bại và phải nhờ đến trung tâm tư vấn tâm lý vì trẻ dấm dúi tiếp tục yêu đương, thậm chí có hành vi vượt giới hạn. Bị phản đối, các con thành kẻ nói dối, tránh tiếp xúc với bố mẹ. Có em sợ bố mẹ phát hiện tới mức hốt hoảng: “Bố mẹ mà biết thì em chết mất!”. Có em bị bố đánh vì không cho đi gặp bạn trai, nên đã gọi điện đến Tổng đài 111 để “tố” bị bố bạo hành. Khoảng cách giữa bố mẹ và con cái xa dần. Đôi khi quá xa, muốn níu kéo lại thì đã quá muộn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bởi vậy, đối mặt với chuyện yêu của con cái, bố mẹ cần có biện pháp. Bởi lẽ nếu trẻ yêu, nhất là lén lút yêu mà không được giáo dục đúng hướng với sự theo dõi của người lớn, sẽ rất dễ dẫn đến những hành vi sai lệch.

Bố mẹ nên thể hiện sự tôn trọng, trò chuyện và lắng nghe con chia sẻ về đối phương để biết đó là ai, nhân cách thế nào. Phụ huynh cũng cần nói chuyện với con về tâm lý lứa tuổi để trẻ biết tuổi này sẽ có những cảm xúc, chuyện tình cảm có thăng trầm, hợp tan ra sao, khéo léo nêu nguy cơ trong học tập, các mối quan hệ, hoặc chuyện yêu nếu đi quá xa để con chuẩn bị tâm lý và biết kỹ năng phòng tránh. Chắc hẳn, bố mẹ nào cũng sẽ có một thời học trò sôi động, với những “mối tình hoa phượng” vẫn chưa quên. Nếu trở thành “quân sư quạt mo” cho con, những câu chuyện như “Hồi đó, mẹ yêu thế này…” cũng chính là sự dễ thương xóa nhòa khoảng cách, lo lắng giữa hai thế hệ.

Một năm ở Việt Nam có khoảng 300.000 ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên. Đây chắc chắn là nỗi lo lớn nhất của cha mẹ khi con yêu sớm. Phương án tối ưu nhất chính là phải “vẽ đúng đường cho hươu chạy”, trang bị kiến thức, hướng dẫn cho con biết thế nào để tình yêu đúng đắn (đúng đắn cả về giới tính), thế nào là tình yêu đẹp… Cha mẹ giúp con hiểu về tình dục an toàn; tình yêu và tình dục khác nhau thế nào; cho con hiểu rằng: Không phải cứ yêu là phải có tình dục và không hẳn có tình dục mới là tình yêu.

Tình cảm ở lứa tuổi học trò xuất phát từ sự bồng bột, nhất thời; yêu thích vì những lý do rất ngô nghê như thấy bạn xinh, bạn học giỏi; bạn hay nhìn mình... Tình cảm dễ đến, dễ đi song nếu không được định hướng đúng, được sẻ chia thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời người trong cuộc. Tình yêu học trò nếu được định hướng, chia sẻ quan tâm từ phía cha mẹ, thầy cô để phát huy những giá trị tích cực thì hoàn toàn không đáng lo lắng. Thậm chí còn là những kỷ niệm, ký ức đẹp đối với những ai đã trải qua.

P.CHI

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.