Nàng dâu “Châu báu”

Chia sẻ

Tôi gặp chị Châu vào một dịp khá đặc biệt, ấy là ngày họp bàn lo việc sang cát cho vợ đầu của anh Huy - chồng chị.

Cách đây 5 năm, chị Mai - vợ đầu của anh Huy không may qua đời, do bị một tên say rượu phóng xe máy đâm vào khi đang trên đường đi khám thai về nhà. Thai nhi đã được 5 tháng. Mẹ chị Mai đau đớn, quằn quại khóc bên cạnh linh cữu con đến ngất lên ngất xuống mấy ngày. Ngày ấy, tôi phải ở cùng bác 24/24 để canh chừng và chăm sóc, động viên.

Gần 3 năm sau, anh Huy tái hôn. Tôi có nhận được thiệp mời. Lúc mở ra, cái tên Hạ Châu - Lâm Huy in chữ hồng đậm nổi bật trên nền giấy họa tiết hoa chìm trắng bạc nhẹ nhàng khiến tôi thoáng giật mình. Tôi băn khoăn hỏi bố: “Nếu con không nhầm, cô dâu có phải chính là người si mê anh rể Huy từ nhiều năm trước, từ khi lúc chị họ còn sống?”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bố tôi “ừ” một tiếng, gật đầu xác nhận. “Vậy thì khó khăn cho chị Châu rồi” - tôi nghĩ thầm trong bụng. Từ lúc chị Mai còn sống, bác tôi đã biết chuyện Châu có cảm tình với con rể mình nên không mấy vui vẻ, trong bụng thầm tức thay con gái, thậm chí còn có ý nghĩ sẽ nhắc nhở, dằn mặt Châu nếu cô có bất cứ hành vi nào đáng ngờ.

Cá nhân tôi cũng chỉ nghe nói chứ chưa từng trực tiếp gặp chị Châu. Đúng hôm đám cưới của chị diễn ra cũng là ngày đầu tiên tôi vào TP. Hồ Chí Minh nhận công tác nên vắng mặt. Biết tôi không dự, bác tôi mừng lắm, bác còn đích thân gọi điện lên tận Thái Nguyên - nơi gia đình tôi đang ở, đề nghị bố mẹ tôi tìm cớ thoái thác để không tham gia đám cưới của “cháu rể cũ”.

Nhưng bố tôi nhìn xa trông rộng hơn, ông khuyên bác gái đừng cứng nhắc quá. “Giờ làm gì chị cũng phải suy nghĩ kỹ, còn “để cửa” cho con gái cái Mai, cũng là cháu ngoại của chị được sống hạnh phúc. Mà chị cứ “giẫy” ra như thế, nhỡ sau này vợ thằng Huy vì xích mích với chị rồi giận cá chém thớt lên con gái cái Mai, lúc ấy ai là người khổ? Rồi vì chuyện này, không khéo chị mất luôn con rể. Thằng Huy dù sao cũng là phận rể. Bao năm qua, vợ mất nhưng nó vẫn qua lại, thăm nom chị như bố mẹ đẻ dù điều đó không còn là trách nhiệm, nghĩa vụ như trước. Thằng Huy tốt như vậy, chẳng lẽ chị muốn nó “gà trống nuôi con” mới thỏa lòng?”.

Về chuyện của anh Huy, chị Châu tôi cũng không biết nhiều. Mới đầu tôi thi thoảng có hỏi thăm tình hình anh chị qua bố, nhưng ông thường không kể chi tiết, chỉ tặc lưỡi nói qua quýt: “Ôi giời, bác gái con lúc nào chả ghê gớm thế. Châu cũng rất được, hiếu thảo, biết điều nên rồi đâu sẽ vào đó cả thôi. Con cứ yên tâm, tập trung ổn định công việc của mình”. Dần dần, vì công việc quá bận nên tôi cũng bẵng đi, không nhớ gì về chuyện nhà anh Huy. Đến tận hôm nay, 5 năm sau ngày chị họ qua đời, tôi mới trở ra Bắc, về thăm các bác, anh chị em.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chẳng biết có phải vì lâu không về hay trong nhà có nhiều gương mặt mới nên tôi thấy đôi chút lạ lẫm. Nhìn quanh không thấy anh Huy, tôi buột miệng hỏi bác trai: “Vợ chồng con cái anh Huy hôm nay cũng về chứ bác?”.

- Có, phải về cả chứ. Nhưng thằng Huy xin phép trưa mới có mặt vì hôm nay cơ quan tổ chức đại hội, nó trong ban chấp hành nên không thể vắng. Lát nữa về sẽ qua trường đón con gái sang cùng. Còn chị Châu cháu về nhà từ sáng sớm, đang nhặt rau, dọn dẹp với các chị em ngoài sân kia kìa.

Tôi nhìn theo hướng ánh mắt và cái hất hàm của bác ra phía sân. Ngoài đó có 5-6 người đang vừa làm, vừa trò chuyện rất vui vẻ, thoải mái. Bác gái cũng đứng bên, miệng nhai trầu đỏ chót, thi thoảng lại góp vài câu vào cuộc “tám” của mấy cô cháu gái. Không khí thân thiện ấy có vẻ đã “lây lan” ra cả xung quanh, nên thoáng chốc tôi thấy mọi người trong nhà cũng đều nhìn ra ngoài, trong mắt ánh lên nụ cười.

Tôi khẽ chau mày, ghé sát tai bố hỏi nhỏ: “Chị Châu là ai trong số mấy người đó vậy ạ, con chịu không nhận ra”.

- Áo xanh đậm, ngồi gần bác gái con nhất ấy.

Câu trả lời của bố khiến tôi giật mình. Trước khi về, tôi đã nghĩ có khi hôm nay không được gặp chị Châu. Với tính khí của bác Tùng gái, nếu chị Châu ở đây, bác hẳn phải khó chịu lắm, rồi thể hiện sự bực dọc bằng cách đi ra đi vào hậm hực, nói năng cấm cảu như trước nay vẫn vậy. Trong lúc nhà có việc, để mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, có khi chị Châu không xuất hiện.

Nhưng ngược hoàn toàn với những gì tôi nghĩ, bác tôi và chị Châu đang trò chuyện với nhau rất bình thường. Quan sát cả buổi sáng, tôi thấy rõ hai người thậm chí rất thân thiết, mọi cử chỉ, lời nói đều tự nhiên, chân thành, không giả tạo.

Buổi trưa, nhân lúc mọi người tề tựu ở nhà trên để bàn chuyện thủ tục, lễ lạt, tôi kéo chị họ (con gái lớn của bác Tùng) ra một góc riêng, thủ thỉ:

- Từ khi nào bác gái thay đổi và yêu quý chị Châu như vậy? Em cứ tưởng…

- Cậu tưởng gì? - chị họ tôi cười khẽ. Ngày xưa thì đúng là như cậu nghĩ. Thời gian đầu, mẹ chị vì xót con quá nên mọi sự trút cả lên đầu Châu. Đến cái chết của Mai bà còn đổ vấy, bảo là “tại cái Châu cả”. Bà bảo vì nó thích thằng Huy nên tìm mọi cách hãm hại Mai. Có hôm chả hiểu ai kích động gì, mẹ chị nói lớn trước mặt Châu: “Tại cô mà gia đình con tôi tan nát. Đồ rắn độc, sát nhân”… Bọn chị phải động viên, khuyên can mẹ mãi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chị họ tôi kể thêm: Châu không hay than thở với ai. Nhưng vô tình một lần chị thấy Châu lặng lẽ khóc thầm. Chị hỏi gạn mãi cô ấy mới tâm sự: “Em quả là có thích, ngưỡng mộ anh Huy, nhưng tình cảm đó hoàn toàn trong sáng. Anh Huy lấy vợ, em nhất tâm chúc phúc cho anh ấy, không mảy may có ý phá hoại. Chuyện cưới em, hoàn toàn do anh Huy chủ động. Anh bảo lý do chọn em vì em giống Mai, lương thiện, nhân hậu. Người khác có thể tủi phận vì bị so sánh, nhưng em lại vui, bởi mình có thể bằng được chị Mai. Từ đó em đã tự hứa sẽ hiếu lễ, chăm sóc hai bác thay phần chị Mai. Từ nhỏ em đã phải chịu nhiều khổ cực, mẹ kế không quan tâm, yêu thương nên luôn khát khao bản thân và những người xung quanh được sống hạnh phúc”.

- Hóa ra, chính Châu khuyên cậu Huy phải thường xuyên đưa con gái về thăm bố mẹ chị; để ông bà đỡ buồn, bớt trống trải và lo lắng. Cùng phận đàn bà, em biết đấy, nghe Châu nói vậy chị cũng động lòng và đồng cảm - chị họ tôi kể.

- Nhưng mẹ chị đâu có dễ dàng chấp nhận thế? - tôi hỏi.

- Ừ, vì Châu sống tốt, nói sao làm vậy nên được mọi người ghi nhận, yêu quý và bênh vực. Mẹ chị mà chớm định làm khó Châu vô cớ, cả nhà lập tức xúm lại bênh vực, khuyên nhủ. Mưa dầm thấm lâu, rồi chính bà cũng cảm nhận được sự chân thành của Châu. Không phải con dâu mà mẹ chị ốm đau, nằm viện, cô ấy cũng xin nghỉ phép để vào chăm; hàng tuần đều đặn cùng chồng về nhà ông bà nấu nướng, dọn dẹp. Châu đối xử với con gái Mai như con ruột của mình… Nói thật, có quan sát hàng ngày mới thấy được sự kiên trì, hiếu lễ hiếm có của Châu. Tới giờ, mẹ chị cũng phải thừa nhận “nàng dâu” ấy chính là “Châu báu”.

Nghe chị họ kể, tôi chỉ biết im lặng đứng nghe. Ở thời này, quả khó tìm được nàng dâu như vậy. “Hèn gì, lúc chị Châu chăm sóc bác gái tôi trong bữa cơm, hai con người không ruột thịt, chẳng chính thức là mẹ chồng - nàng dâu, nhưng ánh mắt trao nhau vô cùng trìu mến, yêu thương”. Bất chợt, tôi và chị họ không hẹn mà cùng hướng mắt nhìn về phía phòng khách, nơi mọi người đang tập trung bàn việc. Và dường như trong căn nhà ấy, nỗi buồn đã tan biến, chỉ còn niềm vui, tình yêu thương vương lại.

HÀ CHÂU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.