Tội ác không thể nhân danh “nhân đạo”

Chia sẻ

Ngày 2/8 cơ quan CSĐT, Công an TP Thái Bình đã bắt khẩn cấp bà Chử Thị Mỹ Lệ (51 tuổi, trú tại xã Tân Bình, TP Thái Bình) để điều tra hành vi giết cháu nội là bé Trần Dương M.

Hành vi của bà nội đầu độc cháu bằng thuốc chuột sẽ phải chịu những xử phạt thích đáng.Hành vi của bà nội đầu độc cháu bằng thuốc diệt chuột sẽ phải chịu xử phạt thích đáng. (Ảnh: TL)

Vụ việc được phát hiện sau khi bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu cho cháu M phát hiện có dấu hiệu bị đầu độc. Bà Lệ sau đó cũng thừa nhận với lực lượng chức năng là đã bơm thuốc chuột vào sữa cho cháu M uống.

Nguyên nhân khiến bà Lệ có hành vi độc ác ấy, là xuất phát từ việc muốn làm “điều nhân đạo”, giải thoát cháu khỏi cuộc sống bệnh tật, đau đớn khổ sở mà cháu phải gánh chịu cả đời khi bị đa dị tật bẩm sinh với chứng bại não, tim bẩm sinh, hở hàm ếch.

Vợ chồng con trai bà Lệ sinh cháu M vào tháng 9/2019 bị đa dị tật bẩm sinh. Cháu M sống cùng bố mẹ ở Hà Nội, sau đó được gửi về bà nội chăm sóc. Bà Lệ khai trong quá trình chăm sóc cháu, chứng kiến cháu đau đớn vì bệnh tật nên đã hai lần bơm thuốc diệt chuột vào sữa cho cháu nội uống (1 lần ở nhà và 1 lần ở bệnh viện Nhi Thái Bình).

Dư luận đã rất chấn động trước vụ việc này, bởi bản thân bà Lệ là bác sĩ sản khoa có tay nghề, hiểu biết chuyên môn, đạo đức nghề y và pháp luật. Theo đánh giá của đồng nghiệp, bà Lệ làm nghề y, phấn đấu từ tuyến xã lên Trung tâm y tế huyện rồi được điều động về bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư giữ chức Phó khoa Sản. Trong quá trình công tác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có điều tiếng gì với đồng nghiệp.

Hàng xóm láng giềng đều đánh giá cao bác sĩ này về chuyên môn tốt, đông khách hàng tin tưởng. Họ chứng kiến, bà Lệ đã nhiều lần khóc vì thương cháu, muốn bản thân gánh hết bệnh tật để cháu được sống lành lặn, khỏe mạnh. Con dâu bà Lệ, mẹ cháu M cũng thừa nhận mẹ chồng là người yêu thương con cháu hết mực. Chính bà Lệ đã đồng hành cùng cô từ lúc mang thai cháu M cho đến khi cháu sinh ra bị đa dị tật bẩm sinh, chăm sóc và yêu thương cháu hết mực. Do đó, đa số đều tin vào lời khai của bà Lệ về “mục đích nhân đạo” khi đầu độc cháu, hơn là hành vi của một người bà độc ác, vô nhân tính.

Nhưng đứng trên góc độ đạo đức lẫn pháp luật, hành vi đầu độc cháu là một tội ác và nó không thể biện minh hay nhân danh bất cứ lý do nào. Dù đó là lý do “nhân đạo”.

Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có quyền được sống, cha mẹ, xã hội, pháp luật có nghĩa vụ bảo vệ quyền được sống trẻ em. Dù đứa trẻ ấy mắc bệnh tật, thì cũng không ai có quyền chấm dứt sự sống của trẻ, kể cả cha mẹ - người đã sinh ra trẻ, hay bác sĩ - người đang chữa trị cho trẻ.

Với hành vi đầu độc cháu nội, bà Lệ đang bị cơ quan chức năng điều tra về tội Giết người theo Điều 123 Bộ Luật Hình sự. Chiếu theo quy định của pháp luật, các luật sư cho rằng, tùy thuộc vào kết quả giám định chất độc (thuốc diệt chuột) có trong cơ thể cháu M, bà Lệ sẽ phải đối mặt với mức án tù chung thân hoặc tử hình (khoản b, giết người dưới 16 tuổi). Trong trường hợp cháu M được cấp cứu kịp thời không tử vong, bà Lệ vẫn phải đối diện với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù bởi phạm tội đã hoàn thành về hành vi dù chưa đạt về hậu quả.

Pháp luật có hình phạt nghiêm khắc đối với những hành vi tội ác xâm hại đến mạng sống của con người. Trong vụ án này, ngoài hình phạt của pháp luật còn có hình phạt lương tâm, sẽ theo người bà suốt cả cuộc đời. Và bên cạnh đó là nỗi ám ảnh của con cháu bà, của những người thân trong gia đình khi nạn nhân và thủ phạm đều là máu mủ tình thân.

Ở một góc độ khác, chúng ta có thể làm giảm đi nỗi đau của những gia đình có con bị dị tật bẩm sinh, tránh được bi kịch đầu độc cháu, nếu công tác tầm soát dị tật thai nhi và sàng lọc, chẩn đoán trước sinh được làm tốt. Bởi hiện nay, y học hiện đại đã áp dụng có hiệu quả việc sàng lọc trước sinh bằng cách sử dụng các biện pháp thăm dò đặc hiệu trong thời gian người mẹ mang thai để chẩn đoán, xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở thai nhi. Từ đó, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra cho thai nhi, hạn chế tới mức thấp nhất việc trẻ sinh ra có nguy cơ mắc các bệnh Down, dị tật ống thần kinh và các dị tật bẩm sinh khác, giúp giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.