Một "mắt xích" lỏng có thể gây hậu quả lớn

Chia sẻ

Bước vào làn sóng thứ 2, dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến mới. Biến thể gen của virus SARS-CoV-2 làm gia tăng tỷ lệ người mắc không có triệu chứng, tốc độ lây lan cao gấp 2-3 lần, diễn biến bệnh nhanh và phức tạp hơn.

Cán bộ Trạm y tế và công an phường Mễ Trì lập biên bản xử phạt trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng ngày 10/8Cán bộ Trạm y tế và công an phường Mễ Trì lập biên bản xử phạt trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng ngày 10/8. (Ảnh: T.H)

Chỉ cần một “mắt xích” lơi lỏng, thiếu đi sự đồng lòng của lực lượng phòng, chống dịch, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là ý thức cảnh giác của người dân, công cuộc phòng chống dịch sẽ gặp nhiều khó khăn.

Cán bộ hội viên phụ nữ phường Hàng Bột, quận Đống Đa cùng Đoàn Thanh niên kéo loa tay tuyên truyền người dân cài đặt ứng dụng Bluezone.Cán bộ hội viên phụ nữ phường Hàng Bột, quận Đống Đa cùng Đoàn Thanh niên kéo loa tay tuyên truyền người dân cài đặt ứng dụng Bluezone. (Ảnh: T.T)

PCR âm tính vẫn phải cách ly 14 ngày

Có thể thấy, so với đợt 1, Hà Nội đã có nhiều kinh nghiệm, sự đồng lòng của các cơ quan, đơn vị và chung sức của người dân. Tuy nhiên, lần này công tác phòng chống dịch khó khăn hơn, dịch lây lan nhanh hơn. Từ ngày 28/7 đến nay, sau hơn 100 ngày không có ca mắc mới, thành phố đã có thêm 7 bệnh nhân Covid-19 (trong đó 6 trường hợp trực tiếp liên quan tới ổ dịch Đà Nẵng; 1 trường hợp gián tiếp, là F1 của bệnh nhân Covid-19 447). Chưa kể, ca bệnh của Hải Dương cũng được xem như bệnh nhân của Hà Nội, do đây là trường hợp có lịch trình đi lại phức tạp; số F1, F2 chủ yếu ở Hà Nội…

Đáng nói, các bệnh nhân đi lại nhiều địa bàn, tiếp xúc nhiều người. Những điểm đến mà bệnh nhân nhớ được, cơ quan chức năng đã nhanh chóng khoanh vùng. Nhưng vẫn còn nhiều điểm tiếp xúc của bệnh nhân trong cộng đồng, trên đường di chuyển… nên có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều ca mắc Covid-19 trong thời gian tới.

Mức xử phạt 13 hành vi vi phạm các quy định về phòng chống Covid-19

Mức xử phạt trên được quy định tại văn bản số 925/STP-PBGDPL của Sở Tư pháp Hà Nội, cụ thể như sau:

1. Người không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 300.000 đồng.

2. Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 5.000.000 đồng, nếu vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tối đa đến 7.000.000 đồng.

3. Người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh Covid-19 bị phạt tiền tối đa đến 2.000.000 đồng.

4. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh tại vùng có dịch thì bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, 20.000.000 đồng đối với tổ chức.

5. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid-19 thì bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, 20.000.000 đồng đối với tổ chức.

6. Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch bị phạt tiền tối đa đến 20.000.000 đồng.

7. Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly để phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị xử phạt hành chính tối đa đến 10 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự trong trường hợp lây truyền dịch bệnh cho người khác.

8. Hành vi trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà làm gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự.

9. Người nào khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự.

10. Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể bị phạt tiền tối đa đến 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự.

11. Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự.

12. Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát xa, cơ sở thẩm mỹ…) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự.

13. Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự.

Nhằm sớm phát hiện và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng, từ ngày 8/8, Hà Nội bắt đầu triển khai làm xét nghiệm RT- PCR cho tất cả các trường hợp đã qua Đà Nẵng và có các biểu hiện ho sốt, khó thở; đi qua các điểm dịch của Đà Nẵng mà Bộ Y tế khuyến cáo; người đi Đà Nẵng về từ ngày 15/7 - 28/7; nhóm đối tượng F1 tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh... của người về từ Đà Nẵng, thuộc 13 quận, huyện là: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân và huyện Phúc Thọ.

Hiện nay, RT-PCR là phương pháp xét nghiệm hiệu quả, giúp phát hiện các trường hợp mắc Covid-19 mới ngay khi bệnh nhân chưa có biểu hiện bệnh rõ ràng. Tuy nhiên, trường hợp BN812 (ở Hà Nội, là F1 của BN447) - xét nghiệm lần thứ 3 mới phát hiện dương tính là một lời cảnh báo tới người dân rằng: Dù xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR lần 1 cho kết quả âm tính thì nguy cơ mắc Covid-19 vẫn luôn tiềm ẩn.

PGS. TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) lý giải: Xét nghiệm RT-PCR với những người mới nhiễm virus vẫn có thể cho kết quả âm tính, sau một thời gian ủ bệnh, test lại mới cho kết quả dương tính. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình huống như vậy, chẳng hạn: Thời điểm lấy mẫu xét nghiệm virus chưa nhân lên đủ để cho kết quả dương tính; hoặc người lấy mẫu không lấy được dịch có chứa virus…

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng nhận định: Có tới 70-80% bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng và tự khỏi. Vì đã qua thời gian vàng xét nghiệm nên có thể có bệnh nhân Covid-19 đã khỏi. Xét nghiệm RT-PCR vẫn cho kết quả âm tính, nhưng trước đó bệnh nhân đã lây bệnh cho người khác rồi. Như vậy, RT- PCR 1 lần cũng vẫn có thể không phát hiện được người nhiễm Covid-19, nguy hiểm ở chỗ có thể tạo tâm lý chủ quan (như test nhanh).

Bởi vậy, PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo người dân, đặc biệt trường hợp được chỉ định xét nghiệm RT-PCR, dù có kết quả âm tính cần tự cách ly theo dõi hoặc thực hiện giãn cách xã hội đủ 14 ngày theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tăng chế tài xử phạt vi phạm

Từ ngày 1/7 tới nay đã có trên 100.000 người trở về Hà Nội từ Đà Nẵng. Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, khoảng thời gian từ 10-16/8 là tuần cao điểm của dịch bệnh, lượng bệnh nhân mắc Covid-19 có thể tăng lên khi Hà Nội làm xét nghiệm RT-PCR với những người trở về từ Đà Nẵng. Bởi vậy, mỗi người cần nâng nguy cơ phòng dịch lên 1 mức, tự giác thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản như: đeo khẩu trang, giãn cách an toàn và sử dụng nước rửa tay sát khuẩn…

Từ ngày 8/8, Hà Nội tiến hành lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR các trường hợp về từ Đà Nẵng (từ ngày 15/7 đến nay)Từ ngày 8/8, Hà Nội tiến hành lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR các trường hợp về từ Đà Nẵng từ ngày 15/7 đến nay. (Ảnh: T.H)

Nhiều người dân vẫn lơ là, không tuân thủ quy định về phòng dịch của thành phốNhiều người dân vẫn lơ là, không tuân thủ quy định về phòng dịch của thành phố (Ảnh: T.H)

Trên tinh thần đó, thành phố cũng đã có nhiều hành động quyết liệt: Truy vết nhanh, cách ly kịp thời, xét nghiệm ngay các trường hợp tiếp xúc với nguồn lây nhiễm; Cấm triệt để hoạt động kinh doanh quán bar, karaoke, hàng quán vỉa hè, các lễ hội, sự kiện thể thao tập trung đông người…; Khởi động trở lại “bộ máy” chống dịch như giai đoạn trước; BCĐ phòng, chống dịch từ thành phố tới cơ sở duy trì hoạt động 24/24 giờ; Hơn 10.000 tổ phản ứng nhanh sẵn sàng hoạt động...; Tái kích hoạt các điểm cách ly tập trung; Các cơ sở y tế tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch, nâng cao năng lực điều trị cho bệnh nhân…

Trước đó, ngay sau khi Hà Nội xuất hiện 2 ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng vào ngày 28 và 29/7, để hạn chế sự lây lan dịch bệnh, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền và đưa ra chế tài xử phạt đối với 13 hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19.

Tại phường Mễ Trì, nơi có ca nhiễm Covid-19 liên quan đến Đà Nẵng đầu tiên, ngay khi nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố về việc xử phạt nghiêm những trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng (mức phạt tối đa 300.000 đồng), ngày 8/8, lực lượng phòng chống dịch của phường Mễ Trì đã tiến hành tuyên truyền qua loa phát thanh, tới các khu vực chợ, cửa hàng… có người vi phạm để nhắc nhở trực tiếp. “Đa phần nhân dân Mễ Trì đều nắm được quy định và tuân thủ, nhưng không ít người từ nơi khác đến hoặc đi qua địa phận của phường vẫn chưa thực hiện nghiêm chỉnh quy định về đeo khẩu trang phòng dịch” - BS Nguyễn Hữu Giáp - Trạm phó TYT phường Mễ Trì cho biết.

Ghi nhận của phóng viên báo PNTĐ tại buổi ra quân kiểm tra tình hình thực hiện quy định phòng, chống dịch tại khu vực ngã 3 chợ Mễ Trì Hạ, phường Mễ Trì chiều 10/8 cho thấy: Chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, cán bộ y tế và công an phường đã tiến hành lập biên bản tại chỗ gần 20 trường hợp không đeo khẩu trang với mức xử phạt 200.000 đồng/người. “Trong buổi ra quân trước đó (17h ngày 9/8), lực lượng chức năng phường Mễ Trì cũng xử phạt được 15 trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch trên địa bàn” - BS Giáp thông tin.

Tương tự, tại nhiều địa bàn như quận Hoàn Kiếm, những ngày gần đây, công an các phường trên địa bàn quận liên tục ra quân tuyên truyền, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, phòng chống dịch Covid-19. Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp mỗi ngày, thực tế vẫn có người dân chủ quan, đặc biệt tại khu vực phố đi bộ và các khu vực ăn uống, quán nước vỉa hè…

Dồn lực, giữ bằng được an toàn cho Thủ đô

Tại buổi làm việc của Bộ Y tế với BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Trung ương đặt niềm tin cao với TP Hà Nội trong kiểm soát bệnh tật và đại dịch Covid-19. Hệ thống chính trị đã làm việc hiệu quả, phát huy kết quả giai đoạn 1 và trong giai đoạn 2 cũng hết sức khẩn trương.

Trong giai đoạn này, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ, trên quan điểm “hỗ trợ tối đa, cấp độ cao nhất trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội để giữ an toàn cho Thủ đô trong mọi tình huống” - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định. Cụ thể, Bộ Y tế đã rút đội xét nghiệm hàng đầu từ Đà Nẵng về để sẵn sàng tăng cường cho Hà Nội; ủng hộ Hà Nội làm thật nhanh việc xét nghiệm bằng RT-PCR.

100% các cấp Hội Phụ nữ triển khai cài đặt “khẩu trang điện tử” - Bluezone

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, theo chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội đã nhanh chóng chỉ đạo các cấp Hội và người dân tích cực phòng chống dịch Covid-19. Hiện nay đã có 100% Hội LHPN các cơ sở trực thuộc TP đã triển khai việc cài đặt “khẩu trang điện tử” - Bluezone. Các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục tuyên truyền, duy trì và thành lập mới các tổ nhóm, đội xung kích tham gia phòng chống dịch tại các quận Đống Đa, Ba Đình, Đông Anh, Phú Xuyên; Thành lập điểm tuyên truyền lưu động tại quận Hà Đông, Đan Phượng, Quốc Oai… để cấp phát gần chục nghìn tờ rơi về tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19. Tại những quận, huyện: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ, Hoài Đức nơi có bệnh nhân Covid-19, Hội Phụ nữ đẩy mạnh tuyên truyền tới cán bộ, hội viên PN và các tổ chức, cá nhân không đăng tải thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của hội viên PN và nhân dân Thủ đô. Thành lập các tổ nhóm PN tham gia hậu cần hỗ trợ lực lượng đang làm nhiệm vụ tại các điểm cách ly, vận động hội viên các xã, thị trấn quyên góp nhu yếu phẩm, rau củ, quả, gạo, thực phẩm…, ủng hộ, giúp đỡ động viên bà con trong vùng cách ly và cán bộ, chiến sỹ, các lực lượng đang làm nhiệm vụ.

THANH THANH

Bộ Y tế cũng cử 4 đơn vị là BV Bạch Mai, BV Nhi TW và BV Nhiệt đới TW và Viện Vệ sinh dịch tễ TW hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm. Tổng quy mô xét nghiệm RT-PCR là 75.000 mẫu Ngoài ra, còn những đơn vị khác luôn sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội khi được yêu cầu, với công suất có thể lên đến gần 100.000 mẫu - trong đó có 22.000 mẫu xét nghiệm Elisa.

Về điều trị, theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế sẵn sàng tiếp nhận điều trị tất cả bệnh nhân cho Hà Nội. Hiện Bộ Y tế giao BV Bệnh nhiệt đới TW đảm trách. Bệnh viện Bạch Mai đã chuẩn bị sẵn 1.000 giường bệnh, gồm 500 giường tại cơ sở 1 và 500 giường ở cơ sở 2 Hà Nam để sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội. Nếu số lượng bệnh nhân tăng lên thì chúng ta có kịch bản tiếp theo để đảm bảo điều trị.

Khẳng định đây là giai đoạn quan trọng, chúng ta phải chạy đua với thời gian, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: Những ngày tới, TP có thể sẽ xuất hiện thêm ca bệnh, nhưng chúng ta không lo lắng mà bình tĩnh xử lý, khoanh vùng từng điểm nhỏ như đã thực hiện rất tốt vừa qua thì sẽ kiểm soát được dịch bệnh.

Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rõ nguy cơ dịch bệnh là thường trực, vì vậy, phải tuyệt đối cảnh giác, phải truy vết được ca bệnh bằng cách kết hợp nhiều giải pháp như: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, kết hợp sử dụng các ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch bệnh như NCOVI, Bluezone, Hà Nội SmartCity… Phát huy vai trò, sự hợp tác, đồng thuận không chỉ lực lượng phòng, chống dịch, cấp ủy, chính quyền địa phương mà đặc biệt là phải nâng cao ý thức cảnh giác của người dân.

THẢO HƯƠNG  

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.