Nỗi lo “kỳ lạ” của bà mẹ có con “hư”

Chia sẻ

Trời xẩm tối, một người phụ nữ gọi điện thoại cho tôi, nói rằng: “Bác ơi, em đang đứng ở cửa nhà bác. Em phải hỏi khắp nơi mới biết địa chỉ nhà bác. Em muốn nhờ bác tư vấn giúp em, cứu con trai em với, không thì em không biết làm thế nào với cháu.

Vợ chồng em có mỗi nó là con trai…”. Vẫn biết người ta có cần mình người ta mới tìm, nhưng một trong những nguyên tắc làm việc của chúng tôi là “làm việc gì ở chỗ đó”. Nghĩa là khám bệnh phải ở bệnh viện, phẫu thuật phải ở phòng phẫu thuật, thu thanh phải ở phòng thu và tư vấn phải ở văn phòng tư vấn. Chính vì thế, khi hỏi qua tình hình, biết đây không phải là “ca cấp cứu”, nên tôi xin phép hẹn vị khách ngày hôm sau tại phòng tư vấn tâm lý.

Đúng hẹn, người phụ nữ đi xe máy đến từ huyện ngoại thành.Vừa câu trước, câu sau đã trào nước mắt, mếu máo nói: “Em khổ lắm, không cứu được thì con sẽ hỏng mất. Em xem trên mạng, nhiều thanh niên bây giờ không học hành, đua đòi, lười làm, vướng vào tệ nạn xã hội, nếu không lại bị người ta dẫn dụ đi theo cái đạo lạ, về nhà phá phách cũng chết. Có lẽ tại chúng em hiền lành quá, hiểu biết cũng hạn chế, nên không dạy được cháu từ bé…”. Nghe người mẹ rào đón câu chuyện, tôi cứ nghĩ cậu con trai này hư hỏng nặng, không đi trại cai nghiện thì cũng đánh nhau bị công an bắt hay vay nợ một món lớn, bây giờ người ta đến siết nợ, nhưng hóa ra không nghiêm trọng đến mức như vậy.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cậu con trai năm nay đã 22 tuổi rồi, tên Tú. Nhà có ba chị em thì hai chị gái đã lấy chồng, còn cậu út ở cùng bố mẹ. Tuy ở nông thôn nhưng gia đình không làm nông nghiệp, mà có xưởng sản xuất tấm lợp khá lớn, nổi tiếng cả một vùng. Ngày học phổ thông, Tú học giỏi, chăm ngoan, các thầy cô giáo đều yêu quý, lôi kéo hết vào đội tuyển học sinh giỏi Toán lại đến Lý, Anh Văn. Thi đại học năm đầu, đỗ ngay 2 trường. Gia đình có nền tảng kinh doanh, nên muốn Tú học Quản trị kinh doanh, sau này về nhà làm cùng bố và anh rể. Tuy nhiên, Tú theo bạn bè học Công nghệ thông tin của ĐH Bách Khoa. Được một năm thì bỏ học với lý do “không hợp với sở thích và học xong cũng không biết làm gì”.

Ở nhà ít hôm, Tú xin bố mẹ cho ra Hà Nội học Tiếng Anh vì muốn tìm kiếm học bổng để đi du học. Gia đình tạo mọi điều kiện, cho con thuê nhà ở trọ gần trường ĐH Hà Nội để con theo lớp học cho tiện, mặc dù con có thể đi xe máy đi đi về về như nhiều sinh viên khác. Hơn nữa, mỗi tuần Tú cũng chỉ học có 3 buổi, còn lại là tự học. Nhà chỉ có một cậu con trai, kinh tế không đến nỗi nào, nên bố mẹ muốn con được an tâm nhất, tập trung cho việc học tập. Được nửa năm, Tú về nhà phàn nàn với bố mẹ rằng Tiếng Anh học thì không khó, nhưng xin học bổng du học thì khó, hơn nữa, Tú cũng chưa biết mình sẽ học ngành gì, trường gì, nên cũng chán. Thấy trên trang web của các trường toàn đào tạo những ngành, nghề xa lạ, không muốn học. Tú muốn sau này có cuộc sống bình yên, không tranh giành, cướp giật, không bon chen cạnh tranh, chỉ làm nhẹ nhàng, từ tốn, đủ ăn đủ tiêu, những công việc mang tính tạo phúc, giúp đỡ người khác. Tú cũng không chỉ ra cụ thể đó là nghề gì, việc gì, học ở đâu thì tốt, tuy nhiên có một điều chắc chắn em không muốn làm công việc mà gia đình đang làm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Gọi là “doanh nhân”, nhưng bố mẹ Tú xuất thân nông dân chất phác, ngoài lĩnh vực mình đang kinh doanh ra thì hiểu biết về mọi lĩnh vực xã hội khác còn hạn chế. Bố mẹ Tú lo vì thấy con chạy hết chỗ này sang chỗ khác, bỏ dở nhiều việc, mấy năm rồi mà vẫn không đâu vào đâu. Nhưng, vẫn không có cách nào để nói hay hướng dẫn, nên đành “nó bảo sao thì nghe vậy”. Để con ở nhà chơi rông cũng sợ, bố Tú nói với anh rể bố trí việc cho Tú ở xưởng của gia đình. Tú được anh rể, trợ lý của “giám đốc bố” giao nhiệm vụ “phát triển kinh doanh”, nghĩa là được nhận một danh sách số điện thoại của khách hàng tiềm năng, hàng ngày gọi điện đến các số điện thoại ấy, giới thiệu sản phẩm của xưởng đang có, mời chào họ mua với giá cả và chính sách ưu đãi… Làm được một tuần thì Tú bỏ ngang vì gọi điện cả chục cuộc mà không nhận được kết quả nào, toàn bị khách từ chối nói chuyện hoặc miễn cưỡng nghe. Công việc này quá sức với một chàng trai mới lớn như Tú.

Nghỉ ở nhà một thời gian, Tú bỗng nhận ra mình thích nghề Y học cổ truyền, liền lên mạng tìm kiếm, thấy nghề này đào tạo ở Trung Quốc nhiều. Thế là chuyển sang học tiếng Trung để xin đi học ở Trung Quốc. Học được một năm Tú thi lấy chứng chỉ bậc một, cần học thêm nữa để đạt bậc hai mới đủ điều kiện để các trường bên ấy nhận. Tuy nhiên, sau Tết vừa rồi, do dịch cúm Covid-19 bùng phát, việc học bị đình trệ, Tú không đến Trung tâm nữa mà tự học ở nhà. Rồi thông tin tiêu cực từ bên Trung Quốc cũng như các trường đào tạo ngành nghề Đông y khiến Tú mất dần hứng thú. Bây giờ Tú không học gì nữa, chẳng làm gì, chỉ nằm nhà nghe nhạc, lên mạng. Bố mẹ hỏi thì Tú nói: “Cho con một năm nữa để suy nghĩ xem học gì, làm gì, chứ bây giờ con thấy mình đang như người đi biển mà không có phương hướng, không biết đi về đâu”. Đang tuổi thanh niên, sức dài vai rộng, không học, không làm gì, không giao lưu bạn bè, không ra ngoài, bố mẹ lo Tú sẽ bị “tự kỉ”, hoặc chán nản quá mà tham gia những trò thiếu lành mạnh trên mạng hay ngoài xã hội. Đó là lý do người mẹ hốt hoảng, tìm người tư vấn cho mình, cho gia đình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sau khi trò chuyện với người mẹ, tôi đã thống nhất với bà một số điều sau: Thứ nhất, con trai bà chưa phải là hư hỏng, cháu chỉ đang mất phương hướng trong cuộc sống. Thật ra, nhiều đứa trẻ đã thể hiện xu hướng, tính cách, nhu cầu, định hướng nghề nghiệp cho mình ngay từ còn ít tuổi, thường cuối năm cấp hai, đầu cấp ba. Nhưng cũng có những học sinh chỉ chăm chú học tốt những môn học ở trường, lực học khá, ngoan hiền, được thầy cô khen, nhưng lại là người thụ động, không xác định mình sẽ là ai, làm gì, ở đâu, sống ra sao trong những năm tới. Thứ hai, không phải con cái làm theo nghề nghiệp của bố mẹ mới là tốt. Nếu con không thích, không muốn, cha mẹ không nên ép buộc, để con tự lựa chọn ngành, nghề hay con đường tương lai của mình. Thứ ba, có một lĩnh vực được gọi là “tư vấn định hướng nghề nghiệp”, ở đó các nhà chuyên môn gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi và thực hiện một số bài trắc nghiệm, đánh giá về năng lực, sở trường, xu hướng của thanh niên và đưa ra những lời khuyên cho việc chọn lai nghề nghiệp và hướng đi tương lai. Đây là việc làm bình thường của một xã hội hiện đại. Chính vì thế, gia đình cần động viên, đưa con đến gặp các nhà tư vấn để được giúp đỡ, tháo gỡ tình trạng mất phương hướng như hiện nay. Người mẹ vui mừng, cảm ơn và hứa “tôi sẽ đưa cháu đến để bác xem giúp nhé, có khi cháu nó cũng biết bác đấy, nó ở trên mạng suốt mà!”.

… Chúng tôi đã gặp gỡ, trò chuyện với chàng trai tên Tú, cùng bạn ấy thực hiện những bài test cần thiết, để chính chàng trai đó nhận ra mình là ai, có điểm mạnh, điểm yếu gì, có những mong muốn, hoài bão gì, tôn thờ những giá trị sống nào, kỹ năng sống, đặc biệt kỹ năng giao tiếp của bạn ấy ra sao… để rồi giới thiệu cho bạn ấy một số ngành, nghề tương ứng với những thông tin cá nhân của bạn ấy. Cuối cùng, Tú vui vẻ nhận ra mình muốn được làm công việc khá tự do, đi đây đi đó, giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội, cộng đồng, lấy niềm vui được chia sẻ, được phục vụ làm lẽ sống, muốn được đóng góp cho xã hội bằng trí tuệ và trái tim của mình, không quá quan trọng lợi ích vật chất… Bạn ấy đã vui vẻ và sẽ đăng ký theo học ngành Công tác xã hội của một trường đại học ở Thủ đô.

Giúp được mẹ con người phụ nữ, trả lại niềm vui cho đứa con và người mẹ, chúng tôi thấy rất vui và cảm nhận thấy công việc của mình thật có ý nghĩa. Đúng như người xưa từng dạy: “Cho nhau ngàn vạn lạng vàng/ Không bằng chỉ giúp quãng đàng mà đi!”.

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.