Con rể “cao thủ”, bố vợ “thất thủ”

Chia sẻ

Ông Độ từng là người thành đạt, là niềm tự hào của gia đình và dòng họ. Ông nghỉ hưu cũng đã gần chục năm, đúng nghĩa “hạ cánh an toàn”. Thế mà hôm nay, ngôi nhà êm ấm của ông đang dậy sóng. Bà Độ vừa gào khóc vừa hét toáng lên trong điện thoại, gọi 2 con gái và cả 2 con rể mau mau về để “xử lý bố chúng mày”...

Đầu đuôi cơn bão cấp 10, gió giật cấp 13 đổ vào nhà ông Độ là bởi sáng nay ông thẽ thọt xin vợ cho ông nhận đứa con trai 2 tuổi mà cô gái ở quê đã sinh cho ông. Vợ chồng ông chỉ có 2 con gái, nên cuối đời có được đứa con trai là phúc đức lắm. Bà Độ nghe chồng nói xong thì như đất trời sụp đổ. Người chồng, người cha mà mẹ con bà luôn tự hào, hóa ra cũng chỉ là kẻ phản bội. Miệng thì nói đạo đức, còn đi răn dạy cho cán bộ ở nhiều hội nghị, thế mà tư cách chả ra gì. Vừa sểnh vợ con, về quê mấy bữa, nói là về với họ hàng để tự tay “nấu nồi cao xịn” ra cho vợ chữa xương khớp.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ai dè, ở quê 10 ngày, “no cơm ấm cật, dậm giật chân tay” đúng y như các cụ nói, nay cúi đầu thú nhận với vợ là dạo về quê nấu cao đó, do phải thức trực nấu mấy ngày mấy đêm liên tục (không được tắt lửa), nên cô hàng xóm vẫn thân tình qua lại nấu cháo gà ăn đêm bồi dưỡng cho ông đã phát sinh tình cảm. Cô thì xấp xỉ tứ tuần chưa tìm được mái ấm, ông thì đang khao khát có chút con trai nối dõi, thế là không ngờ cô mang thai rồi sinh con trai thật. Lúc đầu thì cô nói do cô ngưỡng mộ ông từ lâu, được có với ông đứa con thì cô mãn nguyện rồi, cô tự lo cho nó, không dám làm phiền gì tới ông. Nhưng khi đứa bé dần lớn lên, nó lại cứ giống ông như lột, ông bà cụ thân sinh ra ông là hàng xóm của cô, suốt ngày bế ẵm thằng cu tý, cứ chặc lưỡi mong nhận nó cho các cụ có tý cháu đích tôn. Thành ra ông cứ suy nghĩ mãi. Ngày nào ông cũng nghĩ “phải nhận con, nhưng nhận bằng cách nào?”. Cuối cùng ông đành thẽ thọt xin vợ.

Không ngờ bà vợ kiên quyết không chịu. Bà có đủ lý lẽ: Ông là người có danh có giá, nay nhận một đứa con rơi, lại bỏ rơi với một cô gái quê mùa, thế thì nhục lắm, nhục cho cả họ; ông lại có 2 đứa con gái xinh đẹp giỏi giang, lại lấy 2 tấm chồng cũng học hành đàng hoàng, con nhà tử tế, đang lúc chúng nó vào guồng thăng tiến vị trí này nọ, nay mà bung ra chuyện bố chúng có con riêng vợ bé, thì mặt mũi nào chúng còn dám nhìn ai, lý lịch có vấn đề thì chỉ cần có ai đó phát một cái đơn tố cáo nặc danh là coi như “toi”, chả có ông thủ trưởng nào đi bảo vệ mà đề bạt cho nữa. Đó là chưa kể bà nhục nhã thế này thì sao còn dám nhìn mặt mũi các ông bà thông gia. Họ cũng là các gia đình danh gia vọng tộc. Mà chắc gì thằng bé là con ông? Người ta mơ ước ông, mơ cả tiền bạc tài sản của ông nên đem cá thả vào ao ông, đem nghé buộc vào nhà ông, thế rồi ông đem của cải nhà cửa chia cho nó! Thế là ông bị lừa rồi! Vợ con ông sắp mất hết rồi. Bao nhiêu năm vợ chồng đói khổ, chung lưng đấu cật, bà lo cho ông ăn học thành tài. Nay ông phản bội vợ con, tài sản nhà này sắp đội nón ra đi theo cái “con đĩ” với cái thằng con rơi... Hu hu...

Bà Độ khóc cho khản cả giọng. 2 cô con gái vốn cũng được bố mẹ chiều chuộng quan tâm, nay thấy mẹ khóc lóc, phân tích thế cũng hùa theo mẹ mà trách cứ bố. Tất cả mấy mẹ con nhất quyết không đồng ý cho ông Độ nhận con rơi con vãi. Mà thằng bé còn ít tuổi hơn cả các cháu ngoại của ông. Bỗng dưng 2 cô tiểu thư cành vàng lá ngọc nhận một thằng em trai ít tuổi hơn cả con mình, ối, nghe nó vô lý quá! Không đời nào.

2 anh con rể ngồi nghe, cũng không biết thế nào cho phải. Anh rể cả thì lúng túng ra mặt, nên khi bà Độ hỏi ý kiến anh cả nên thế nào, anh liền đẩy qua cho em rể út vốn vẫn được coi là thông minh, nhạy bén:

- Chú Thông phát biểu trước xem nên thế nào!

Thông e hèm:

- Anh cả ủy quyền cho con nói trước. Con xin mẹ bớt giận, cho con nói thẳng nói thật... Không phải con bênh bố. Nhưng ta cứ theo khoa học xem.

Bà Độ sốt ruột:

- Khoa học là thế nào? Anh nói rõ ra xem?

- Dạ, thì mẹ nói không biết thằng bé có phải con của bố thật không, hay là cô kia lừa nhà mình. Vậy thì ta cứ cho bố với thắng bé đó xét nghiệm ADN một cái, có kết quả rồi thì ta bàn tiếp.

Bà Độ nổi điên:

- Thế là anh ủng hộ bố vợ anh làm sai à? Xét nghiệm xong mà đúng là anh cho ông ấy nhận con rơi à? Thế cái nhà này sắp chia làm đôi à?

Vợ và chị vợ của Thông cũng nhao nhao phản đối. Thông gãi đầu gãi tai:

- Thì mẹ với mọi người cứ bình tĩnh đã nào! Ta cứ nghĩ cho đơn giản đi, rằng là 50% đứa bé kia không phải con của bố. Nếu không phải thì ta không phải bàn nhận hay không nhận nữa. Còn nếu... đúng thì ta vẫn còn có quyền không nhận mà. Ta đã nhận ngay đâu mà ầm lên.

Mọi người thấy cũng có lý, anh rể cả cũng ủng hộ:

- Con nghĩ chú Thông nói cũng đúng. Ta cứ xét nghiệm. Cứ tin là không đúng đi. Vì... bố nhiều tuổi rồi, chắc gì đã của bố...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ông Độ thấy các con rể có học và là đàn ông nên cũng thoáng hơn, hiểu biết hơn, nên ông cả mừng bèn thống nhất với Thông ngày giờ và địa điểm xét nghiệm ADN. Ông gọi mẹ con cô gái ra Hà Nội, đến thẳng nơi lấy mẫu. Thông đã chờ ở đó làm mọi thủ tục, rất nhanh gọn. Ông Độ nhìn thằng bé, bế nó, nựng nó, ông cả mừng vì nhìn qua đã thấy nó giống ông như đúc khuôn. Lấy mẫu xong rồi, Thông còn chủ động lái ô tô đưa ông cùng mẹ con cô gái đi ăn phở, gọi là “chiêu đãi phở Hà Nội trứ danh, quốc tế người ta còn thích, tội gì 2 mẹ con một lần ra Thủ đô mà không được hưởng thụ”. Ông Độ cảm động vô cùng trước tấm chân tình của con rể. Bố nó là bạn học lớp đào tạo cán bộ nguồn với ông trước đây, 2 ông đưa con cái đến nhà nhau chơi nhằm giới thiệu, thật may là 2 đứa lấy nhau, nên ông được thằng con rể thông minh lanh lợi, khôn khéo mọi nhẽ. Hôm nay Thông quả đã làm ông bớt ngại với mẹ thằng cu tý. Ăn xong, Thông lại tự tay lái xe đưa mẹ con cô ra bến xe về quê, lại còn trả tiền mua vé nữa. Ông Độ dấm dúi đưa cục tiền cho mẹ thằng bé, Thông cũng vờ như không thấy. Chờ xe chuyển bánh rồi, Thông gọi taxi cho bố vợ, xin phép “Con phải đi làm, nghỉ nhiều cũng ngại, nhưng bố cứ yên tâm, con luôn ủng hộ bố! Nếu đúng thằng bé là con của bố thì nhất định bố phải nhận!”. Ông Độ mát lòng mát dạ, về nhà phải cố giấu vợ niềm vui đang phơi phới trong lòng.

Tối đó, vợ Thông dằn vặt chồng:

- Anh cứ nhảy vào giúp cho thằng con hoang nhận bố, cái chung cư cao cấp mình đang ở này nhưng vẫn mang tên bố, rồi thì mẹ con nó nhảy vào đòi chia, anh có chịu mất không? Vợ chồng chị Nga ở chung với bố mẹ, nhỡ bố nhận thằng bé rồi đưa nó ra cho ăn học thì chả chả biết rồi có yên được không?

Thông cười tít mắt:

- Hôm nay tranh thủ lúc đi lấy mẫu, anh nói bố ngày mai bố đến công chứng sang tên nhà cho vợ chồng mình rồi. Bây giờ em gọi điện cho mẹ, hẹn mẹ đi. Còn việc của chị Nga ta tính sau.

Vợ Thông cũng phải phục chồng khôn khéo thật. Cô điện thoại hẹn mẹ. Đương nhiên mẹ cô lúc nào chả ủng hộ con gái. Từ lâu bà muốn phân chia luôn nhà này cho vợ chồng Thông, còn vợ chồng Nga ở với bố mẹ thì sang tên luôn cho ngôi biệt thự đó, sau nay chúng thờ tự bố mẹ. Chỉ là ông Độ chưa quyết, cứ để các con phụ thuộc mình, xem chúng có biết yêu thương nhau và yêu thương bố mẹ không rồi mới cho. Nay ông đã đồng ý, thì bà mừng như cởi tấm lòng. Sang tên cho chúng, nếu nhỡ chẳng may cái thằng bé kia mà là giọt máu rơi của ông thật thì tài sản cũng vẫn do con gái bà quản lý rồi, không cho lọt vào tay mẹ con nhà nó. Việc sang tên nhà đất diễn ra nhanh gọn và đơn giản vì Thông đã dịch vụ trước.

Mọi chuyện suôn sẻ, ông Độ vui lắm, hồ hởi chờ ngày nhận kết quả ADN. Ông thật không ngờ, Thông phóng xe đến nhà, ấp úng, ái ngại mãi, mới đưa cho ông cái giấy kết quả: thằng bé không phải con ông! Ông Độ không tin vào mắt mình. Thông gãi đầu “Con cũng không tin! Nhìn qua thấy thằng bé cũng... giông giống bố! Hay là... hay là... cô ấy mơ tưởng bố nhiều trong lúc mang thai nên đứa bé nó hao hao giống bố? Khoa học người ta nói thế!”. Bà Độ thì reo lên vui mừng: “Đấy ông thấy chưa! Ông suýt bị lừa nhé! Gái quê bây giờ đáo để thật! Tôi cũng không ngờ đấy! Ông già từng này tuổi rồi mà để cái con quê mùa kia nó lợi dụng, nó lừa cho, đẹp mặt nhỉ?”.

Ông Độ bị vợ xúc xiểm, cục tức nổi lên, ông cũng nghĩ mình cũng 65 tuổi rồi, liệu có khi chả còn khả năng thật, thế mà cô này lại bẫy ông, miệng thì nói “xin anh đứa con, thông minh đẹp giai như anh là em hạnh phúc rồi, em không đòi hỏi danh phận gì cả”, thế mà ông đưa bao nhiêu tiền gọi là nuôi con, cũng chả thấy cô từ chối bao giờ. Không lẽ ông từng này tuổi, từng giữ các vị trí không nhỏ, thế mà bị cô ta lừa. Ôi trời, chỉ mấy bát cháo gà mà qua mặt ông ư? Ông Độ tức quá, lại bị tẽn tò trước mặt vợ và con rể, ông nổi điên không thể kiềm chế, rút điện thoại xa xả mắng cô gái tới tấp: Cô lừa tôi, tôi mà dễ dàng bị lừa thế à, cô là loại gái này gái nọ, lại còn khóc à, tưởng dùng nước mắt lừa tôi tiếp à? Quát tháo tưng bừng cho hả giận cái cô gái chỉ đáng tuổi con mà dám lừa ông, mặc cho cô òa khóc tức tưởi, ông cúp máy, bỏ về phòng nằm vật ra giường.

Sau ngày đó, ông Độ cứ ốm dặt dẹo, rồi ông đột quỵ. Nghe tin ông nằm viện, một ông bạn vong niên cùng quê đến thăm. Lúc này, ông Độ mới biết cái kết quả ADN dạo nọ là con rể ông “đạo diễn”, bằng cớ là thằng bé năm nay vào lớp 1, nó càng lớn càng giống ông hồi bé, y như 2 giọt nước...

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.