Học nghề ở tuổi 15

Chia sẻ

Sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021 của Hà Nội, đã có khoảng trên 60% học sinh được tiếp nhận vào các trường THPT công lập, 40% học sinh còn lại vẫn còn nhiều cơ hội để... vào đời.

Học trung cấp nghề cũng là một lựa chọn vào đời tốt đối với nhiều học sinh đã hoàn thành chương trình THCS. (Ảnh: học sinh trường Trung cấp Kế toán Hà  Nội)Học trung cấp nghề cũng là một lựa chọn vào đời tốt đối với nhiều học sinh đã hoàn thành chương trình THCS. (Ảnh: học sinh trường Trung cấp Kế toán Hà Nội)

Lối đi có nhiều lợi thế

Lê Phương Linh, SN 2001 là cựu học sinh ngành Kế toán của trường Trung cấp Kinh tế Hà Nội. Sau khi không đỗ vào trường THPT công lập, Linh đã chuyển hướng sang đi học nghề. Trong quá trình học, Linh vừa học nghề, vừa học song song chương trình THPT. Sau 3 năm, Linh quyết định học liên thông lên bậc cao đẳng. Hiện nay, Linh đã hoàn thành học kỳ 1 của năm thứ nhất ngành tiếng Anh Thương mại tại trường Cao đẳng Cộng đồng.

Linh cho biết, ban đầu chọn học trường nghề là do không đỗ vào trường THPT công lập mong muốn. Tuy nhiên, trong quá trình học, Linh nhận thấy quyết định này của mình là hoàn toàn chính xác. Trường nghề đã giúp Linh học và thực hành chuyên sâu về nghề kế toán. Với hai tấm bằng trung cấp kế toán và cao đẳng tiếng Anh Thương mại, Linh có thể sớm tìm việc làm, kiếm tiền nuôi bản thân và phụ giúp gia đình.

Trần Linh Trang, cựu sinh viên khóa 51B1, khoa Kế toán, trường Trung cấp Kinh tế Hà Nội lại chủ động lựa chọn con đường học trung cấp nghề. Sau khi hoàn thành chương trình THCS, xét năng lực của bản thân và nhu cầu của gia đình, Trang đã không thi lên THPT. Khi đi học nghề, Trang học chuyên sâu về kế toán. Tốt nghiệp trung cấp năm 2018, Trang đã liên thông thẳng lên bậc đại học và hiện đang là sinh viên trường đại học Đại Nam. Trang cho biết, dù là học THPT hay chọn học trung cấp nghề thì cuối cùng, các bạn trẻ vẫn có thể chạm được đích đến mong muốn.

Trường Trung cấp Kinh tế Hà Nội, tiền thân là trường Cán bộ Tài chính, mỗi năm tuyển sinh 550 chỉ tiêu hệ trung cấp đối với các ngành Tài chính doanh nghiệp, Kế toán doanh nghiệp, Kế toán hành chính sự nghiệp. Hình thức xét tuyển qua học bạ 2 môn Toán và Ngữ văn. Theo quy định tại khoản 13 Điều 7 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ, học sinh đã tốt nghiệp THCS học trung cấp sẽ được miễn học phí. Chương trình đào tạo của hệ trung cấp lại chú trọng thực hành, bám sát thực tiễn nên sinh viên có thể đáp ứng công việc của doanh nghiệp ngay sau khi ra trường. Muốn học tiếp lên cao, các em vẫn có thể học liên thông lên cao đẳng nếu chưa có bằng tốt nghiệp THPT, hoặc liên thông lên đại học nếu đã tốt nghiệp THPT.

Tương tự, trường Trung cấp Công nghệ và Kinh tế đối ngoại năm học này cũng tuyển 280 học sinh vào lớp 10 hệ hai văn bằng THPT và trung cấp chính quy. Thay cho thi tuyển, thí sinh chỉ cần nộp học bạ để được xét tuyển vào trường. Vừa học cấp 3, học sinh sẽ được học các ngành nghề với thời gian thực hành lên tới 60% tổng thời gian học.

Theo đại diện nhà trường, học “hệ 9+ trung cấp” chính là một trong những con đường vào đời phù hợp với học sinh tốt nghiệp cấp 2. Thông thường, sau khi hoàn thành chương trình THCS, học sinh phải mất từ 6-7 năm để hoàn thành chương trình THPT và lấy bằng cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, nếu theo học hệ 9 + trung cấp, học sinh chỉ mất 3 năm để có bằng trung cấp chính quy và bằng tốt nghiệp THPT. Sau khi học xong, học sinh có thể học liên thông lên các trường đại học để lấy bằng cử nhân, kỹ sư. Theo con đường này, 18 tuổi, các em đã có thể gia nhập thị trường lao động với mức lương của một người cử nhân thực hành, kỹ sư thực hành. Song song đó vẫn có thể lấy được bằng đại học nếu có nhu cầu.

Cần thay đổi tư duy

Theo ông Lê Danh Quang, trưởng khoa Công nghệ ô tô trường CĐ Nghề Công nghệ cao Hà Nội, học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS không phải là “đường cùng” với học sinh trượt trường THPT công lập mà phải coi đây là xu hướng tiến bộ, cần khuyến khích. Không chỉ có lợi thế cho người học mô hình 9 + trung cấp còn có lợi cho xã hội khi giúp giảm tải được tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, cử nhân ra trường nhưng thất nghiệp do thiếu kỹ năng, học không đúng năng lực, sở thích của bản thân. Trong thời buổi hội nhập kinh tế, cạnh tranh việc làm cao, yếu tố để doanh nghiệp chọn tuyển dụng nhân sự là kỹ năng tay nghề, năng lực làm việc của người lao động chứ không chỉ ở bằng cấp. Vì thế, dù là học hệ nào (trung cấp nghề hay cao đẳng, đại học), thì người học có năng lực cũng sẽ đều thành công. Thực tế tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao cho thấy, nhiều sinh viên trưởng thành từ hệ trung cấp, cao đẳng nghề hiện có công việc tốt, mức lương rất cao.

Lời khuyên cho các học sinh tốt nghiệp THCS có ý định học trung cấp nghề, nếu đã xác định rõ ngành nghề yêu thích thì hãy tự tin đăng ký học ngành đó. Tuy nhiên, với những bạn chưa rõ định hướng nghề thì nên chọn những ngành có ích cho chính cuộc sống của mình sau này. Nếu trong quá trình học các em tìm thấy đam mê thì tiếp tục phát triển, đầu tư. Nếu chưa thực sự ưng ý với lựa chọn của mình thì những kiến thức được học, được thực hành ở trường nghề cũng sẽ hỗ trợ nhiều cho các em trong tổ chức cuộc sống gia đình sau này. Hiện nay, có một số ngành nghề được đào tạo ở bậc trung cấp như kế toán, nấu ăn, du lịch, thợ cơ khí điện lạnh, làm đẹp… đều có thể giúp ích cho học sinh trong cuộc sống, dù có thể sau này các em có làm nghề đó hay không.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.