Ông ơi, cho tôi xin... cách ly!

Chia sẻ

Có những hôm đầu tắt mặt tối, đi làm về chưa kịp nghỉ ngơi, bà Dung đã thấy chồng đến gần và đòi bà phải… chiều! Mệt tới mức thở không ra hơi, bà chỉ biết vừa cố lảng tránh, vừa nài nỉ chồng, “Thôi ông ơi, cho tôi xin… cách ly”. Nhưng nào ông có tha cho…

Con cái đã lớn cả, lập gia đình rồi ở riêng. Nhưng dường như bà Dung vẫn chưa được thảnh thơi một ngày nào. Bà là lao động chính trong nhà. Không phải ông Cường – chồng bà không thể đi làm được, mà bởi ông “ăn không ngồi rồi” đã thành cái thói, cái nết chả tài nào sửa được. Hàng ngày, trong lúc vợ đang lăn lưng ra làm đủ việc tay chân, vất vả mưa nắng thế nào, ông chả cần biết. Ông còn bận ăn sáng, đi cà kê uống nước chè, hút thuốc lào, ngồi nói chuyện đời từ quán nước chè đầu làng cho đến tụ tập bài bạc với mấy ông hàng xóm.

Cứ thế hết ngày, bà Dung đi làm về mà chưa chắc ông đã về trước. Cái sân, cái bếp – lúc bà Dung đi làm, nó bẩn thế nào – thì lúc bà về, nó vẫn y chang, có khi còn bẩn hơn. Bà mệt mỏi lắm, nhưng không bảo ông được, cũng chẳng nhờ cậy được con. Còn may là bà chưa ốm đau bệnh tật gì, nên gắng sức làm lụng ngày nào hay ngày đó. Nhưng oái oăm lắm, ông Cường ăn chơi, rượu chè còn chưa đủ “tam khoanh”, nên cứ bắt bà Dung phải chiều chuộng cái sự rạo rực của mình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Là người phụ nữ phải làm bằng hai để lo cho gia đình, lo cho người chồng chỉ biết ăn nằm, bà Dung trông gầy guộc và già hơn nhiều so với tuổi. Bà còn ít tuổi hơn ông Cường, nhưng ông sống “thanh cảnh”, an nhàn hơn bà nên cứ phúng phính, tràn trề sinh lực cả ra. Cùng với đó, nhu cầu sinh lý của ông vẫn còn hừng hực lắm. Thành thử, bà Dung “không chiều được cũng phải chiều”. Ông không cần biết bà đi làm về mệt mỏi thế nào, ốm đau ra sao, chỉ cần ông muốn là bà phải đáp ứng. Có hôm ông hùng hổ sấn tới, xé toạc quần áo của bà. Phụ nữ tuổi xế chiều, đã lao động chân tay cả ngày, không được ai chăm sóc, chiều chuộng, nâng niu, lại còn bị ép phục vụ chồng, thì sao mà có cảm giác gì được? Chỉ thấy đau đớn, khó chịu, cố kìm nén chịu đựng cho cơn ham muốn của chồng qua nhanh mà thôi. Có hôm mệt quá, bà van xin ông cho nghỉ, nhưng ông không thèm nghe. Bà cố tránh né thì ông Cường vác cây chổi đuổi theo và đánh. Bà cứ không chiều là ông đánh, thâm mắt, sưng môi là còn nhẹ. Nặng là hôm sau bà Dung không lết nổi đi làm.

Người ta cứ thấy ông Cường đỏ da thắm thịt, còn bà Dung thì vừa gầy vừa xanh, thì mới trêu “nhà này tốt trống hại mái” rồi cười cười trêu ghẹo bà yêu chồng thế! Bà Dung lại tưởng người ta biết nỗi khổ của mình, thế là “bưng” hết chuyện vợ chồng mình ra mà kể.

Bà kể có hôm đang làm việc nhễ nhại mồ hôi, ông Cường ở nhà bốc điện thoại gọi cho bà. Ông bảo “về bảo cái này” nhưng bà quá thừa hiểu chẳng có chuyện gì cả, ngoài chuyện ông đang “máu” chuyện kia.

Bà cố trì hoãn mấy lần nhưng ông liên tục gọi về. Cuối cùng bà đành tặc lưỡi: “Thôi thì về nhắm mắt nhắm mũi cho ông ấy muốn làm gì thì làm. Vớ phải người khác có điều kiện thì đã bỏ tiền ra mua “bánh” rồi. Chồng mình làm gì có tiền, mà không chiều thì không được”.

Nghĩ vậy nên bà về nhà. Y như rằng, vừa bước chân vào phòng, ông Cường đã lôi bà lên giường hì hục một lúc rồi thôi. “Lúc đó tôi cứ nhắm mắt đếm cừu, lạy trời lạy phật cho ông nhà tôi mau hết cơn hứng mà thôi. Người ngoài cứ bảo tôi yêu chồng nhưng nói thật tôi toàn bị lão ấy “hấp diêm” kiểu đó thôi”, bà Dung cứ kể tuồn tuột với hàng xóm như thế.

Qua dăm ba lượt kể nữa, câu chuyện của vợ chồng bà Dung, ông Cường trở thành đề tài “hot” của cả xóm. Người thì chê ông Cường là “già rồi còn dê”, người thì trách bà Dung “có cái khoản đó thôi mà không chiều được chồng”. Nhưng chung quy, cái xóm đó có thêm chuyện phiếm để cười suốt một thời gian dài. Bà Dung “mách” xong rồi lại sấp ngửa lo kiếm ăn chứ có kịp để ý người ta đồn đại gì đâu…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cho đến khi, ông Cường say khướt ở nhà hàng xóm. Rượu vào lời ra, mấy ông bạn nhậu mới chê ông, “già rồi thì nhẹ nhàng thôi, để cho bà ấy đi kêu khắp nơi, xấu hết mặt anh em đàn ông chúng mình!”. Ông Cường nghe chả hiểu gì, thì được thể có bà hàng xóm chen miệng vào, bảo: “Vợ ông mách hết rồi! Gớm, già mà chả giữ sức gì cả, cứ đòi chị ấy suốt. Hay hai ông bà đang tính kiếm đứa nữa cho vui cửa vui nhà đấy!”. Rồi người ta cười ha hả, chỉ có ông Cường là sôi máu lên vì xấu hổ. Ông gọi ngay bà Dung, bắt bà bỏ hết việc để về cho ông… xử lý!

Hôm đó, ông đánh bà một trận nhừ tử. Bà vừa chạy vừa kêu cứu, hàng xóm nhảy bổ ra can ngăn. Nhưng ông Cường đang điên tiết, ông cứ vùng ra rồi chạy theo, giáng cây chổi vào người bà thậm tệ. Kết quả, lúc ông tỉnh cơn say cũng là khi bà Dung “thân tàn ma dại”. Ông vẫn không thôi chì chiết: “Sao mà ngu thế không biết, chuyện gia đình cứ đi sổ toẹt ra cho thiên hạ chê cười! Bà cứ chờ đấy, tôi còn đánh nữa!”.

Chẳng còn cách nào khác, cũng chẳng còn ai có thể khuyên nổi ông Cường, Hội Phụ nữ buộc phải vào cuộc. Suốt một thời gian dài, các chị đến khuyên nhủ, kiên trì thuyết phục hai vợ chồng phải thay đổi. Biết rằng hạnh phúc gia đình vốn được xây dựng trên nền tảng tình yêu, bên cạnh đó là trách nhiệm vợ chồng và đời sống tình dục. Chính vì thế, sự hòa hợp trong tình dục sẽ quyết định rất nhiều đến hạnh phúc và gắn bó gia đình. Có thể, ông Cường cho rằng việc kéo dài thời gian quan hệ và tăng tần suất quan hệ là thể hiện bản lĩnh đàn ông. Ông suy nghĩ rằng quan hệ thật nhiều sẽ giúp phụ nữ thỏa mãn và không thể nghĩ đến người đàn ông nào khác. Nhưng quan niệm ấy lại không giống như suy nghĩ của người phụ nữ. Rất nhiều người phụ nữ không đạt được cực khoái do bạn đời quá thiếu tế nhị, từ đó mỗi lần quan hệ là những lần hụt hẫng hoặc đau đớn – như bà Dung đang phải chịu đựng. Một cuộc sống tình dục lành mạnh là một phần sức khỏe của người cao tuổi. Vì vậy, hai ông bà nên thường xuyên giao tiếp vợ chồng, chăm sóc sức khỏe, duy trì tình cảm tốt đẹp, mạnh dạn trao đổi với nhau về nhu cầu và những rắc rối về “chuyện ấy” để cùng nhau tìm cách khắc phục – chứ không phải là ép buộc thì mới giữ gìn tình nghĩa chung thủy. Và cũng phải “liệu cơm gắp mắm” tùy sức, không nên ham muốn quá mức dẫn đến kiệt quệ.

Còn với bà Dung, là phụ nữ cao tuổi khi tới tuổi mãn kinh, cơ thể có những rối loạn dẫn đến tình trạng mệt mỏi, lo âu, chán nản, bực bội, cáu gắt vô cớ, chuyện giảm ham muốn tình dục là rất bình thường, rất cần sự quan tâm, thấu hiểu của người chồng. Phụ nữ có trăm ngàn nỗi khổ nhưng thứ khiến chị em sợ nhất đó là phải làm “chuyện ấy” khi mình không thích. Ông Cường phải thay đổi, quan tâm chăm sóc sức khỏe của vợ nhiều hơn, không nên để bà làm lụng suốt ngày, phải biết chia sẻ gánh nặng cùng bà. Có như vậy, hai ông bà mới thấu hiểu cho nhau, cuộc sống mới bớt đi vất vả. Suy cho cùng, cả hai đều có gánh nặng của riêng mình: Ông có gánh nặng về nhu cầu mà bà thì không hiểu; bà phải nai lưng ra làm “nuôi” ông mà ông vẫn “tung tăng” như không có gì!

Cuối cùng, trong căn nhà ấy cũng đã dần thay đổi. Người ta đã thấy ông Cường thay vì chắp tay sau lưng đi lượn suốt ngày thì giờ cũng vác cày, vác cuốc đi làm cùng vợ. Bà Dung cũng có da có thịt hơn, tươi tỉnh và thôi không kể chuyện chồng… đòi!

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.