Nội quy của ông

Chia sẻ

Ngày trước, cứ vào cuối tuần là nhà tôi và nhà hai bác lại sang ông bà nội ăn bữa cơm sum họp. Với chúng tôi, đó là ngày được nghỉ ngơi, vì không phải lo nấu cơm nên có thể ngủ nướng một chút.

Bà nội tôi rất đảm nấu tới 3 mâm cho 20 người mà mâm nào cũng đủ các món. Bữa cơm bà nấu còn ngon hơn cơm nhà. Bình thường, mẹ tôi đi làm về muộn nên nấu cơm tối khá đơn giản. Bố con tôi cũng dễ tính, ăn gì cũng xong.

Song, đến một ngày, sau bữa ăn trưa, ông nội bỗng nhiên cho họp gia đình. Trước mặt đông đủ con cháu, ông tuyên bố: “Từ nay, con nào muốn sang nhà ông bà ăn cơm thì phải tự nấu. Bà sẽ không nấu cho con cháu nữa”. Tôi hỏi: “Sao sang nhà ông bà ăn cơm lại phải tự nấu ạ? Đây là nhà của ông bà mà”. Ông tôi lừ mắt: “Ông nói cho các con, cháu nghe, bà là mẹ, là bà trong gia đình chứ không phải là người giúp việc”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tất cả chúng tôi nhìn nhau, không nói gì. Trong đại gia đình của tôi, lời ông nội đã nói ra như đinh đóng cột, không thể suy chuyển.

Trở về nhà hôm đó, mẹ tôi ca cẩm với bố: “Ông lẩm cẩm rồi. Con cháu tự nấu cơm thì ăn ở nhà mình luôn, đâu cần sang nhà ông bà nữa. Cả tuần đã vất vả, cuối tuần muốn nghỉ ngơi một chút thì con cháu mới sang nhà ông bà”.

Và thế là tuần sau đó, nhà tôi không sang nhà ông bà nữa. Thay vào đó, vào bữa trưa cuối tuần, mẹ gọi đồ ở ngoài mang tới, hoặc cả nhà úp mì tôm, ăn xì soạp rồi lại lên giường nằm xem tivi.

Hóa ra, nhà hai bác tôi cũng như vậy. Vì thế, mấy tuần sau khi ông “ra quy định mới”, chả con cháu nào đến ăn cơm nữa.

Tôi cứ tưởng vậy là xong. Nào ngờ, một hôm, ông nội lại triệu tập họp gia đình lần hai. Trong cuộc họp, ông phê bình con cháu vô tâm, không biết suy nghĩ. Ông nói, việc sang nhà ông bà ăn cơm, không phải để no cái bụng nên thích ăn thì sang, không ăn thì thôi. Đó chính là trách nhiệm phải làm của con cháu với ông bà. Cả tuần ông bà đã không được ở gần con cháu, cuối tuần con cháu phải đến thăm ông bà. Ngoài ra, việc ông bà yêu cầu con cháu phải tự nấu cơm cũng là để con cháu biết việc phải làm. Bây giờ, bà nội tôi đã già yếu, lại mới bị bệnh khớp, vào cuối tuần, bà phải tất bật đi chợ, đứng bếp nấu cơm rất vất vả. Trong khi đó con cháu thì mạnh khỏe lại cứ đợi giờ tới ăn là không đúng đạo lý.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Lần thứ hai, chúng tôi lại ngồi im, không dám ho he gì. Và rồi từ những lần sau, mấy nhà chúng tôi liền phân công nhau thay phiên đi chợ, nấu cơm, hoặc là mỗi người sẽ tự đảm nhiệm một món để tới trưa mang sang nhà ông bà cùng ăn. Nhà nào mẹ bận thì “cử” con gái lớn sang nhà ông bà trước để phụ giúp việc bếp núc. Nhờ thế mà bà nội không còn phải tất bật lo cho con cháu, mà bữa cơm trưa sum họp vẫn được duy trì. Tôi thấy ông nội rất vui, vì con cháu đã biết “sửa sai”.

Ông nội tôi là vậy, rất cứng rắn và quy củ. Nhưng phải thừa nhận, nhiều quy định của ông đưa ra rất đúng giúp định hướng kịp thời cho con cháu điều hay lẽ phải. Vì thế mà cả nhà luôn kính trọng và nghe lời chỉ dạy của ông.

TRUNG THU

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.