Bờ sông vẫn gió... người không thấy về

Chia sẻ

“Bờ sông vẫn gió” là bài thơ khóc mẹ của Trúc Thông, mới đọc tưởng nhà thơ đứng trước hương hồn người mẹ đã khuất mà trào dâng cảm xúc. Nhưng thực ra, bài thơ được sáng tác năm 1983 - trong một lần về thăm quê, và một năm sau đó, mẹ của nhà thơ mới qua đời.

Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió
Người không thấy về
Xin người hãy trở về quê
Một lần cuối... một lần về cuối thôi
Về thương lại bến sông trôi
Về buồn lại đã một thời tóc xanh
Lệ xin giọt cuối để dành
Trên phần mộ mẹ vương hình bóng cha
Cây cau cũ, giại hiên nhà
Còn nghe gió thổi sông xa một lần
Con xin ngắn lại đường gần
Một lần... rồi mẹ hãy dần dần đi.
                                        Trúc Thông

“Bờ sông vẫn gió” là bài thơ khóc mẹ của Trúc Thông, mới đọc tưởng nhà thơ đứng trước hương hồn người mẹ đã khuất mà trào dâng cảm xúc. Nhưng thực ra, bài thơ được sáng tác năm 1983 - trong một lần về thăm quê, và một năm sau đó, mẹ của nhà thơ mới qua đời. Dường như linh cảm về cái chết cận kề của người mẹ già yếu đang đến rất gần làm bộc phát những lời thơ nghẹn ngào, xúc động đến ám ảnh.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thực ra bài thơ không có gì mới về nội dung, ngôn ngữ, thể loại… kể cả hình ảnh. Một bờ sông quê trong chiều đầy gió với những tàu lá ngô xào xạc. Nhưng lạ kì thay, ngay ở câu thơ đầu tiên, chỉ với chữ “lay” thôi, người đọc đã phải chững lại.

Thường người ta dùng từ “lay” khi miêu tả những cây cao, lớn lúc chuyển động trong gió. Ở đây, Trúc Thông dùng nó cho lá ngô, một loại lá dài, tàu nhỏ. Dường như có điều gì xao động.

Bờ sông vẫn gió/ Người không thấy về

Thì ra, lá ngô lay động đánh thức trong lòng người nỗi chạnh buồn, xa xót. Động từ “lay” đầy biểu cảm chạm đến sự mong manh, thảng thốt.

Dù trong câu thơ lặp lại hai lần hình ảnh bờ sông và gió nhưng sự lặp lại này hoàn toàn không đơn điệu mà càng nhấn mạnh nỗi đau đáu ngóng trông. Cảnh vật thì vẫn vậy, cớ sao “người” không thấy về? Người ở đây chính là mẹ. Mẹ đã đi về mãi cuối trời.

Có lẽ, trong những nỗi mất mát của đời người thì mất mẹ là nỗi đau lớn nhất. Dù ở tuổi nào, trưởng thành đến đâu thì khi không còn mẹ, cả một khoảng trống mênh mông không gì bù đắp nổi đã hiện hữu trong lòng. Khoảng trống ấy hoang hoác khi vô tình gặp cảnh cũ. Làm dấy lên niềm mong mỏi tha thiết của đứa con:

Xin người hãy trở về quê

Một lần cuối... một lần về cuối thôi

Lời cầu xin khắc khoải, tha thiết. Không chỉ một lần, mà tới mấy lần “lệ xin giọt cuối để dành”, “con xin ngắn lại đường gần”. Khi nhận ra nỗi mất mát là quá lớn, người con sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ mong được gặp lại mẹ - dù chỉ một lần. Mẹ hãy một lần trở về.

Từ “về” được nhắc đi nhắc lại tới 5 lần: không thấy về, về quê, lần về cuối, về thương, về buồn… Không phải là sự trở về đơn thuần mà là sự trở về của tâm tưởng và cảm xúc. Không gian đằng đẵng, thời gian mênh mông nhưng hình ảnh mẹ, cuộc đời vất vả tảo tần của mẹ còn in đậm trong tâm trí và trái tim con.
Chỉ một vài hình ảnh đã làm hiện lên không khí vừa xa vời vừa gần gụi: bến sông trôi, thời tóc xanh, cây cau, giại hiên nhà… quê và mẹ hiện lên đủ đầy và rưng rưng; yêu thương nức nở. Thấp thoáng cả hình bóng cha.

Còn nghe gió thổi sông xa một lần
Con xin ngắn lại đường gần

Cặp đối “sông xa - đường gần” càng tô đậm khao khát của người con. Con xin được làm tất cả trong khả năng của mình để đổi lấy một lần về của mẹ” một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi”.

Biết không thể chống lại quy luật của tạo hóa nhưng vẫn ước ao, mong ngóng. Điều ước đó chỉ để nói một điều rằng: Con đã không còn mẹ, con đã “mồ côi”- dù không còn bé nhỏ. Nhưng nghĩ về mẹ, vẫn thấy bé bỏng vô ngần. Không còn mẹ, điểm tựa tinh thần vững vàng, bền bỉ nhất đời cũng đã rời bỏ con. Cho con được một lần nữa nhìn thấy người, rồi người dần dần đi… cho lòng con đỡ hẫng hụt, xa vắng.

Chỉ “một lần“ thôi - điều cầu xin khắc khoải ấy được lặp đi, lặp lại đến 3 lần:

Một lần cuối…một lần về cuối thôi
Còn nghe gió thổi sông xa một lần
Một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi.

Những dấu chấm lửng xao xác đưa lời con rơi vào cõi thinh không vô định. Để lại một khoảng lặng nhưng đồng thời gợi lên bao đồng cảm nơi người đọc.

Có người nói, bài thơ này của Trúc Thông thật giản dị so với những sáng tác trên con đường cách tân thơ của ông nhưng lại được nhắc đến nhiều nhất, làm nên tên tuổi của nhà thơ. Bởi sự giản dị đó đã đạt đến cái ngưỡng, đẹp lấp lánh và chạm đến trái tim mọi người.

Bài thơ là tiếng khóc thăm thẳm của người con mất mẹ.

Và không ngạc nhiên khi người ta nhớ, thuộc và yêu bài thơ đến thế. Bởi tình mẫu tử luôn là sợi dây bền chặt, thiêng liêng nhất trong cuộc đời này!

NHẤT MẠT HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.