Vàng tăng phi mã- cú đánh “trời giáng” xuống nhiều đám cưới ở Ấn Độ, Trung Quốc

Chia sẻ

Đồ trang sức bằng vàng - bao gồm một cặp vòng tay, nhẫn và hoa tai in hình rồng và phượng - được coi là của hồi môn cơ bản dành cho cô dâu theo truyền thống Trung Quốc. Tuy nhiên, mỗi chiếc vòng tay 1 lượng vàng hiện có giá lên đến 2.689 USD tại Hong Kong, đắt hơn 30% so với hồi đầu năm, đã khiến nhiều gia đình oằn mình…

Oằn mình vì những "đám cưới vàng"

Chuyên gia Jerry Jrearz thuộc First Asia Merchants Bullion (Hong Kong) dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng do xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc không có dấu hiệu chấm dứt. "Giá vàng có thể tăng lên đến 2.300 USD/ounce trong vòng 3 tháng tới", ông nói. Giá vàng tăng hơn 36% tính từ đầu năm do tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu và căng thẳng Mỹ - Trung. Giá kim loại quý ngưỡng 2.000 USD/lượng vào ngày 4/8 và chạm mức kỷ lục 2.075 USD vào sáng 7/8 trước khi bắt đầu giảm và tăng trở lại ngày 10/8.

Nhà phân tích vàng Jasper Lo nhận định, sự suy yếu của đồng USD và loạt biện pháp kích thích kinh tế của ngân hàng Trung ương các nước khiến vàng trở thành kênh đầu tư được ưa chuộng trong thời điểm hiện tại. Ông dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục biến động mạnh trong năm nay. Theo South China Morning Post, bà Amy Chan ở Hong Kong vô cùng lo lắng trong những ngày gần đây khi giá vàng thế giới tăng phi mã. Trong vài tháng tới, con gái của nhà tư vấn kinh doanh này sẽ kết hôn và bà muốn tặng con gái trang sức bằng vàng làm của hồi môn theo đúng phong tục truyền thống Trung Quốc. “Trang sức vàng là món quà phải có trong đám cưới của con gái tôi. Chắc chắn tôi sẽ không từ bỏ truyền thống này cho dù giá vàng cao đến mức nào đi nữa”, bà Chan khẳng định. Dù vậy, bà cho biết vẫn cảm thấy rất "đau khổ" khi giá vàng tăng cao kỷ lục trong thời gian qua. "Giá vàng tăng ảnh hưởng trực tiếp đến tôi. Vì khả năng tài chính hạn chế, tôi sẽ chỉ có thể mua được một vài món đồ trang sức cho con gái nếu giá tiếp tục tăng”, bà than thở.

Đám cưới ngập vàng ở Trung Quốc	ảnh BIĐám cưới ngập vàng ở Trung Quốc ảnh BI

Ông Clement Chan, CEO (giám đốc điều hành) hãng kế toán BDO lại cảm thấy nhẹ nhõm khi mua sớm đồ trang sức cho hôn lễ của con gái vào tháng 10 tới. “Thật may mắn vì tôi đã mua quà hồi môn cho con gái cách đây vài tháng. Chúng tôi tiết kiệm khoảng 25% chi phí đám cưới nhờ chuẩn bị sớm”, ông nói. Amy Chan không được may mắn như thế. Dù vậy, con gái bà rất thông cảm với mẹ. “Nền kinh tế đang trong trạng thái tồi tệ và đây cũng là thời gian khó khăn đối với mẹ tôi. Mẹ tôi vẫn sẵn sàng trả giá cao để mua vàng làm của hồi môn cho tôi. Tôi yêu mẹ và tôi sẽ mãi trân trọng những gì mẹ dành cho tôi", cô chia sẻ.

Hãng nghiên cứu thị trường IbisWorld ước tính doanh thu của ngành dịch vụ đám cưới ở Trung Quốc những năm gần đây là 23,9 tỷ USD. Dự kiến, trong 5 năm tới, doanh thu ngành này sẽ tăng trưởng ổn định 3,5% mỗi năm và có thể lên tới 26 tỷ USD vào năm 2022. Một lĩnh vực khác đặc biệt được hưởng lợi từ xu hướng này là ngành công nghiệp trang sức, một nghiên cứu cho thấy một nửa doanh số bán đồ trang sức ở Trung Quốc có liên quan đến dịch vụ đám cưới. Lựa chọn hàng đầu của 75% người mua hàng dưới 40 tuổi ở các thành phố phát triển nhất của Trung Quốc là nhẫn cưới vàng, kim cương được làm theo đơn đặt hàng. Đại diện chuỗi trang sức quốc tế Hong Kong Chow Tai Fook hoạt động tại Trung Quốc kỳ vọng: “Ở Trung Quốc, với con số hơn 10 triệu cặp đôi mỗi năm có ý định làm đám cưới, cộng với việc người dân ngày càng giàu có và có thị hiếu cao hơn trong việc lựa chọn trang sức và kim cương, chúng tôi tin rằng nhu cầu về trang sức cưới và nhẫn đính hôn kim cương sẽ tiếp tục tăng lên”. Trong vòng 30 năm qua, phong tục cưới hỏi và tổ chức hôn lễ ở Trung Quốc đã có sự thay đổi rõ rệt, theo chiều hướng ngày càng xa hoa và rình rang hơn trước.

Đối với phần lớn người dân Trung Quốc, đám cưới là một trong những dịp trọng đại nhất của đời người, thế nên bất luận là người giàu hay người nghèo, cho dù ở nông thôn hay thành thị, đều luôn muốn được nở mày nở mặt với họ hàng, làng xóm. Cùng với đó là quan niệm lễ cưới là dịp để chứng tỏ sự thịnh vượng của gia tộc và khoe tiền tài, cũng như thế lực của gia đình mình, đặc biệt là những gia đình trong giới kinh doanh. Không chỉ cầu kỳ về mặt nghi thức, nhiều đám cưới tại Trung Quốc còn rất chú trọng đến hình thức và quy mô. Những đám cưới nào càng đông khách mời, càng nhiều sính lễ và càng toát lên sự giàu có, xa hoa thì càng khiến cho người ta phải trầm trồ, xuýt xoa không ngớt. Và chính lối suy nghĩ ấy đã tạo ra những "đám cưới vàng" ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Văn hóa cưới nặng nề ở Ấn Độ

Thị trường vàng lớn thứ hai thế giới là Ấn Độ đã chứng kiến một thời kỳ ế ẩm do nền kinh tế phát triển chậm lại cùng với việc giá kim loại quý này tăng phi mã đến 30% trong năm nay. Ông bà Janaki và Venkataraman Iyengar cần mua nhiều món quà hồi môn và quần áo sari lụa cho đám cưới của con gái dự kiến tổ chức vào tháng 12 năm nay. Họ tìm đến thành phố Kanchipuran để mua quần áo lụa dệt bằng tay cùng với nhiều món đồ trang sức lấp lánh. Chỉ khi họ đến nơi, họ mới nhận ra một vấn đề nghiêm trọng: Giá vàng leo thang chóng mặt đã thành một cú đánh trời giáng đối với đôi vợ chồng có mức thu nhập trung bình này. Họ đã phải dành dụm nhiều năm cho đám cưới con gái. Họ từng dự định tặng con 20 pavan vàng (160 gram) dưới dạng đồ trang sức và dùng số tiền 550.000 rupee (tương đương 180 triệu đồng) trong tài khoản tiết kiệm để tổ chức hôn lễ. Riêng việc này thôi đã là một thử thách lớn của ông Venkataraman, người làm việc tại một trạm sửa xe với mức lương 30.000 rupee/tháng. Nhưng sau khi nhận báo giá, họ sẽ phải chi thêm 200.000 rupee.

Vàng Ấn Độ cao hơn 125 USD/oz so với giá vàng hiện tại ở London	ảnh BIVàng Ấn Độ cao hơn 125 USD/oz so với giá vàng hiện tại ở London ảnh BI

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), đôi vợ chồng ông Venkataraman chẳng hề đơn độc trong cơn bối rối này. Thứ tình yêu lâu năm cho kim loại vàng của các gia đình ở Ấn Độ đã bị thử thách bởi một loạt yếu tố nội bộ và quốc tế, đầu tiên là thương chiến Mỹ - Trung, sau đó là nền kinh tế tăng trưởng chậm ở trong và ngoài nước cũng như động thái thu mua vàng ồ ạt của Trung Quốc và Nga. Giá vàng bật tăng cao đang ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm tại Ấn Độ. Tại đa số vùng miền ở đất nước Nam Á này, truyền thống mua sắm của hồi môn và chi tiền tổ chức đám cưới là trách nhiệm của nhà gái. Trang sức vàng – giữ một ý nghĩa văn hóa nặng nề - chiếm phần đáng kể trong việc chi tiêu. Hiện nay, các ông bố, bà mẹ không biết họ nên giảm bớt số sari hay vay thêm tiền để mua vàng và trang sức. “Chúng tôi không thể làm gì khác. Về cơ bản, danh tiếng của gia đình và mối quan hệ giữa con gái và nhà chồng phụ thuộc cả vào việc này. Tôi không ngờ giá vàng tăng đột ngột như vậy”, ông Venkataraman nói. Thứ kim loại quý màu vàng này ảnh hưởng đối với mọi khía cạnh cuộc sống ở Ấn Độ, từ lễ thôi nôi của em bé đến đám cưới và các dịp lễ tết khác. Người nông dân mua vàng khi mùa màng bội thu. Gần 2/3 nhu cầu mua sắm vàng ở đất nước này xuất phát từ vùng nông thôn. “Tạm thời, vàng đang mất sức hấp dẫn và người tiêu dùng đang chờ đợi đến khi giá giảm hoặc ổn định lại”, ông Rajendra Jain, Giám đốc quản lý tại một công ty vàng hàng đầu Ấn Độ cho biết.

Theo Ủy ban Thúc đẩy Xuất khẩu Trang sức và Đá quý, doanh thu từ trang sức vàng và kim cương trước đó được dự kiến tăng 7% hàng năng trong vòng 3 – 5 năm tới, tuy nhiên đợt suy thoái gần đây đã chứng minh điều ngược lại. Ước tính, các hộ gia đình Ấn Độ đã tích lũy khoảng 25.000 tấn vàng – giá trị gần 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này – theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Điều này đồng nghĩa với việc người Ấn Độ tích trữ nhiều vàng nhất thế giới. Cơn sốt vàng ở quốc gia Nam Á này một phần được củng cố bởi Chính phủ Ấn Độ có một loạt các chương trình kích thích kinh tế liên quan đến loại kim loại quý trên. Chẳng hạn, các cá nhân có thể gửi vàng tại ngân hàng để lấy lãi suất, trong khi các trái phiếu vàng hay vàng kỹ thuật số đều không thu hút được người đầu tư. Phải trả mức giá cao do nguồn cung vàng khan hiếm, người thân và khách mời tại các đám cưới Ấn Độ đang phải sử dụng vàng nấu chảy từ các đồ vật gia truyền để tái sử dụng làm quà cưới.

Dọc theo con đường hẹp của khu chợ bán đồ trang sức truyền thống Zaveri ở Mumbai, có thể thấy nhiều cửa hàng đăng biển quảng cáo "Ở đây mua vàng trang sức cũ". Những người mua vàng ở Ấn Độ đang phải chịu mức giá cao hơn 125 USD/oz so với giá vàng hiện tại ở London do chính phủ Ấn Độ cố gắng hạn chế lượng vàng nhập khẩu đang tăng mạnh.

Khoảng 1 triệu cặp đôi dự kiến sẽ kết hôn trong mùa cưới năm nay. Với người dân Ấn Độ, vàng luôn luôn được ưa chuộng, của hồi môn của cô dâu thường là những đồ trang sức nặng như vòng cổ hoặc vòng đeo tay nặng tới 50 gram hoặc nhiều hơn. Tuy nhiên, do chính sách hạn chế lượng vàng nhập khẩu đã hạn chế nguồn cung vàng cho thị trường sản xuất đồ trang sức, nên thị trường huy động được thêm 20.000 tấn vàng đang được lưu trữ trong các hộ gia đình Ấn Độ, gấp 35 lần so với lượng vàng dự trữ của Ngân hàng Trung Ương Ấn Độ. Ước tính có khoảng 400 tấn vàng tái chế cung cấp cho thị trường so với mức bình thường khoảng 130 tấn. Haresh Soni, Chủ tịch hiệp hội trang sức và đá quý Ấn Độ cho biết :"Nhìn chung, thị trường vàng khá ảm đạm, chính sách hạn chế nhập khẩu vàng không tạo thuận lợi cho thị trường và đang dẫn đến chi phí tăng cao. Hầu hết người tiêu dùng hiện nay lựa chọn đồ trang sức được làm từ vàng tái chế".

NGUYỄN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.