Cha mẹ nên làm gì để bảo vệ con trước nạn bắt cóc trẻ em

Chia sẻ

Vụ bắt cóc trẻ 2,5 tuổi xảy ra ở Bắc Ninh mấy ngày qua làm rung động dư luận, khiến cha mẹ vô cùng lo lắng, sợ hãi. Mặc dù trong vụ án trên, cơ quan điều tra đã thành công khi giải cứu cháu bé kịp thời, nhưng vẫn còn rất nhiều vụ bắt cóc khác chưa tìm thấy nạn nhân.

Trao đổi về vấn đề này, Trung tá, Thạc sỹ tâm lý tội phạm Đào Trung Hiếu, cựu Điều tra viên Đội Điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội đưa ra nhiều lời khuyên có giá trị cho cha mẹ trong việc bảo vệ con trước nạn bắt cóc trẻ em.

Trung tá Đào Trung HiếuTrung tá Đào Trung Hiếu

Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em đang diễn biến hết sức nguy hiểm và khó lường tại Việt Nam, với sự gia tăng nhanh chóng về số vụ, cùng thủ đoạn gây án tinh vi, tính chất ngày càng táo tợn, liều lĩnh. Hành vi bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ gia đình nào, với trẻ em ở mọi lứa tuổi.

Thực tế, nhiều cha mẹ, người trông trẻ đang chủ quan, lơ đãng và bất cẩn, mất cảnh giác trong  việc bảo vệ trẻ. Cha mẹ thiếu sự giáo dục kỹ năng phòng chống bắt cóc của người lớn đối với trẻ em, còn trẻ thiếu kỹ năng phòng chống bắt cóc chiếm đoạt. Do đó, cha mẹ cần cảnh giác với các thủ đoạn của tội phạm này để luôn phòng ngừa cho con của mình. “Các “chiêu thức” mà chúng sử dụng có thể là lợi dụng lúc cha mẹ lơ đãng để tìm cách tiếp cận, câu nhử, dụ dỗ trẻ bằng bánh kẹo, đồ chơi… để trẻ đi theo chúng.

Chúng có thể giả danh người nhà của trẻ, hoặc là người được bố mẹ trẻ nhờ đón, để lừa giáo viên, lừa học sinh… để đưa đi; Đóng giả làm y tá, bác sĩ hoặc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để lân la làm quen với sản phụ tại các bệnh viện, rồi lợi dụng sơ hở để bắt cóc trẻ sơ sinh. Lợi dụng quan hệ quen biết hoặc lòng tốt của người dân, đối tượng tạo hoàn cảnh khó khăn để xin ngủ nhờ, rồi bắt cóc. Có nhiều vụ bắt cóc chính con, em, cháu ruột của mình để tống tiền người thân. Trẻ em bị lạc bố mẹ, lạc đường về nhà đứng khóc tại vỉa hè, đường xá, đối tượng đến dỗ dành, tỏ ra đáng tin cậy rồi lừa đưa các cháu đi…  Đối tượng cũng có thể kết bạn với trẻ qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… rồi rủ rê đi chơi, thăm quan, xem phim với chúng để bắt cóc, chiếm đoạt” – Trung tá Đào Trung Hiếu cho biếtBằng hình thức cho kẹo, đồ chơi..., nhiều trẻ đã bị kẻ xấu dụ dỗ rồi bắt cócBằng hình thức cho kẹo, đồ chơi..., nhiều trẻ đã bị kẻ xấu dụ dỗ rồi bắt cóc

Do đó, để bảo vệ trẻ, cha mẹ cần giáo dục kỹ năng phòng chống bắt cóc là cần thiết. Những kỹ năng này cần thường xuyên, kiên trì dạy trẻ và giúp trẻ hình thành phản xạ khi gặp phải các tình huống tương tự trên thực tế. Cha mẹ nói với trẻ về nạn bắt cóc trẻ em và hậu quả của nó một cách dễ hiểu nhất. Tạo cho trẻ ấn tượng rằng cần phải cảnh giác trước những gì không bình thường xảy ra với mình, để cẩn thận trong sinh hoạt, đi lại, giao tiếp.

Cha mẹ hãy dạy cho trẻ biết “những người lạ có thể tin tưởng”, gồm: thầy cô giáo, chú Công an, chú Bộ đội, bác nảo vệ cơ quan, nhà trường, nhân viên cửa hàng hoặc những bà mẹ có mang theo con nhỏ trên đường. Gặp tình huống nguy hiểm trẻ có thể trông cậy. Dạy trẻ nhớ thuộc lòng họ tên, số máy điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ, nhưng phải giữ bí mật và chỉ nói với những người “những người lạ có thể tin tưởng”. Cha mẹ yêu cầu trẻ không được nói chuyện, hay đi theo người lạ, không được nhận bất cứ đồ vật (bánh kẹo, đồ chơi…) của họ.

Tránh trường hợp bọn bắt cóc “mẹ mìn” là người đã từng quen hoặc những kẻ khôn khéo, qua mặt được giáo viên. Do đó, bố mẹ phải thống nhất với trẻ một “mật khẩu” trong gia đình mà chỉ bố mẹ hoặc những ai nói được mật khẩu đó thì trẻ mới được phép đi theo về. Việc làm này rất hiệu quả đối với trẻ đi học ở các nhà mẫu giáo, tiểu học, THCS. Khi bị người lạ kéo, dắt, lôi đi, cha mẹ cần huấn luyện cho bé biết kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho những người xung quanh. Nếu thấy có người, cần hét thật to để gây sự chú ý, như: “bắt cóc trẻ con, cứu cháu với” hoặc "các người không phải là bố mẹ tôi".

Khi trẻ vào độ tuổi tiểu học, THCS bắt đầu tham gia các hoạt động của trường lớp, cộng đồng, như đi dã ngoại, vệ sinh môi trường khu dân cư, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử… cha mẹ cần nhắc trẻ biết tuân theo các quy định của người phụ trách. Tuyệt đối không tách đoàn, chạy lăng xăng dễ bị lạc, bị bỏ rơi dẫn đến nguy cơ bị bắt cóc. Nếu trẻ đã đến tuổi đi chơi với bạn bè mà không có sự giám sát của người lớn, thì hãy dặn trẻ luôn luôn để mắt tới nhóm bạn.

Khi trẻ tham gia giao thông trên đường, dạy trẻ cần chú ý quan sát và luôn luôn cảnh giác với những chiếc xe lạ hoặc bất cứ ai đang đeo bám theo sau trẻ một cách không bình thường. Khi đó, trẻ cần dừng lại ở chỗ đông người, ghi nhớ hoặc ghi chép lại biển số xe của kẻ có biểu hiện theo dõi mình. Tuyệt đối đừng để trẻ đăng công khai những thông tin như họ tên đầy đủ, tên của những thành viên trong gia đình, số điện thoại, địa chỉ hoặc trường học của mình, anh em mình lên mạng, bởi bọn bắt cóc có thể lập nick giả, làm quen kết bạn rồi rủ rê đi chơi, thăm quan, du lịch, xem phim…rồi tận dụng thời cơ bắt cóc trẻ. Chúng cũng có thể khai thác các thông tin về gia đình trẻ để phục vụ cho mục đích đen tối của mình.

Ngay khi phát hiện con em mình đã bị thất lạc, hay bị bắt cóc (qua thông tin đối tượng báo về đòi tiền chuộc), gia đình nhất thiết phải trình báo với cơ quan Công an gần nhất (kể cả bị đối tượng ngăn cản báo Công an). Hợp tác chặt chẽ với Công an, không được tự ý làm bất cứ điều gì ngoài chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng phá án” – Trung tá Hiếu khuyên.

HỒNG NHUNG

 

Tin cùng chuyên mục

Xét xử cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng: Nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước toà, bị cáo thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của mình là đúng, phù hợp với kết luận điều tra nhưng khi nói lời sau cùng lại khẳng định không lừa tiền vợ chồng Đước.