Nghị định 91/2020/NĐ-CP: “Kháng sinh liều cao” cho tin nhắn rác

Chia sẻ

Nghị định 91/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành được đánh giá là mảnh ghép cần thiết để hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm triệt tiêu vấn nạn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đã bủa vây người dùng từ lâu nay.

Ảnh minh họa.Ảnh minh họa.

Chỉ rõ khái niệm “rác”

Kể từ 1/10 tới, Nghị định số 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Với hàng loạt quy định mới cũng như mức xử phạt hành chính được tăng mạnh, Nghị định được xem là công cụ quan trọng nhằm chặn đứng những vấn nạn đã hành hạ người dùng điện thoại từ nhiều năm nay đồng thời làm trong sạch thị trường viễn thông trong nước. Điểm nổi bật của Nghị định là đã định nghĩa rõ ràng thế nào là tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Theo đó, mọi tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử có nội dung quảng cáo được gửi tới người dùng mà chưa nhận được sự đồng ý đều sẽ được liệt kê vào dạng "rác". Khái niệm rác này là cơ sở quan trọng để các nhà mạng dựa vào đó nhằm xử lý dễ dàng hơn nạn tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử rác, điều còn khá "mù mờ" trong các quy định pháp luật trước đây.

Đối với việc gửi tin nhắn quảng cáo cũng được Nghị định quy định rất rõ ràng. DN có nhu cầu chỉ được gửi duy nhất một tin nhắn quảng cáo đến các thuê bao di động. Nếu thuê bao từ chối nhận quảng cáo hoặc không trả lời tin nhắn trên, nhà quảng cáo không được phép gửi bất kỳ tin nhắn có nội dung tương tự đến thuê bao đó nữa. Trong trường hợp người dùng chấp nhận nhận những thông tin quảng cáo, DN cũng không được phép gửi quá 3 tin nhắn tới một số điện thoại, 3 thư điện tử tới một địa chỉ thư điện tử và 1 cuộc gọi tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người dùng. Thời gian thực hiện các nội dung quảng cáo cũng được quy định rõ khi chỉ được gửi tin nhắn trong khoảng thời gian từ 7 - 22 giờ mỗi ngày, gọi điện thoại quảng cáo từ 8 - 17 giờ mỗi ngày.

Trách nhiệm của DN viễn thông, dịch vụ internet cũng được yêu cầu cao hơn khi Nghị định bắt buộc các đơn vị này phải áp dụng công nghệ cao, hiện đại như xử lý dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI) vào các hệ thống chặn, lọc tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác dành cho người dùng sử dụng dịch vụ của mình. Đây được xem là yêu cầu tích cực nhằm gia tăng áp lực lên DN viễn thông, dịch vụ internet khi trước đây những biện pháp phòng tránh kiểu này được sử dụng khá hời hợt.

Về xử phạt, Nghị định 91 cũng đã nâng các mức lên cao hơn so với những văn bản pháp lý trước đây. Cụ thể, mức phạt có thể từ 5 - 100 triệu đồng đối với hành vi gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử quảng cáo đến người dùng khi chưa được sự đồng ý, đã từ chối hoặc không trả lời tin nhắn đăng ký quảng cáo. Đi kèm với đó, số điện thoại, tài khoản thư điện tử thực hiện hành vi vi phạm trên sẽ bị thu hồi. Đối với DN viễn thông, dịch vụ internet, mức phạt có thể lên tới 170 triệu đồng nếu không thực hiện các biện pháp ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử quảng cáo đến người dùng. Việc DN không ngăn chặn, thu hồi số điện thoại, địa chỉ thư điện tử thực hiện hành vi quấy rối người dùng theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng sẽ bị xử phạt.

Đầu số 5656: “Lá chắn” cho người dùng

Một trong những điểm mới và được đánh giá là có hiệu quả nhất cho người dùng là việc xây dựng Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác qua đầu số 5656. Công cụ này sẽ được vận hành bởi Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), cơ quan điều phối chính giữa các bên Nhà nước - DN nhằm ứng phó với vấn nạn quấy rối người dùng suốt nhiều năm trở lại đây. Theo đó, khi DN muốn thực hiện tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử có nội dung quảng cáo bắt buộc phải gửi một bản sao tới đầu số 5656 để phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát. Người sử dụng dịch vụ viễn thông, internet, thư điện tử cũng có thể phản ánh, cung cấp các bằng chứng qua đầu số 5656 nếu gặp phải tình trạng bị quấy rối bởi tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử rác không mong muốn.

Cũng thông qua đầu số 5656, người dùng có thể đăng ký số điện thoại của mình vào danh sách không quảng cáo. Đây là tập hợp các số điện thoại của người dùng đã đăng ký không chấp nhận bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn hay cuộc gọi quảng cáo nào. Các cá nhân, tổ chức có nhu cầu quảng cáo không được phép gửi tin nhắn hay thực hiện cuộc gọi có nội dung tương tự đến các thuê bao trong danh sách trên. Ngoài ra, Cục An toàn thông tin cũng sẽ đưa ra danh sách đen địa chỉ IP/tên miền phát tán thư điện tử rác, được cập nhật định kỳ và công khai trên Cổng/Trang thông tin điện tử của Bộ TT&TT. Nhà mạng, DN, cá nhân có thể sử dụng danh sách này để ngăn chặn những thư điện tử rác không mong muốn.

Như vậy có thể thấy, với việc ra đời của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP, không chỉ giúp các cơ quan quản lý, nhà mạng có đủ cơ sở pháp lý để triệt tiêu vấn nạn tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử rác đã hành hạ người dùng trong thời gian dài mà còn tạo ra nhiều "lá chắn" cho người dùng chủ động tự bảo vệ mình. Đồng thời, trách nhiệm của nhà mạng cũng được nâng lên một mức độ mới khi được xác định là thành phần cốt lõi với nhiều trách nhiệm đi kèm trong việc chống lại các thông tin rác, thay vì chỉ đóng vai "kép phụ" như từ trước tới nay.

Nghị định 91 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên định nghĩa thế nào là cuộc gọi rác và phân biệt chúng với cuộc gọi quảng cáo. Theo đó cuộc gọi rác là cuộc gọi quảng cáo mà người dùng nhận được khi chưa có sự đồng ý của họ. Trường hợp người dùng từ chối nhận cuộc gọi điện thoại quảng cáo, người quảng cáo phải chấm dứt ngay. Quy định chặt chẽ này không chỉ bảo vệ người dùng mà còn tạo cơ sở để cá nhân, DN có thể thực hiện các cuộc gọi quảng cáo đúng với pháp luật, qua đó giúp cho khách hàng có nhu cầu nhận được thông tin quảng cáo đúng với mong muốn của mình.

Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Khắc Lịch

Việc Nghị định 91 có hiệu lực sẽ tác động không nhỏ đến các DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, tài chính, bảo hiểm... Đây đều là những đơn vị sử dụng gọi điện, nhắn tin như một kênh bán hàng chính thức. Mặc dù Nghị định đã có quy định rất rõ các hành vi vi phạm cùng mức xử phạt cao nhưng nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ rất dễ dẫn tới các hình thức "lách luật". Có thể kể đến như DN sẽ đưa ra chương trình khuyến mại, giảm giá... với yêu cầu là người dùng phải chấp nhận nhận tin nhắn rác. Đây cũng không phải là phương thức mới bởi hiện tại các nhà mạng cũng đang có chương trình tặng data, tặng cước... nếu người dùng đồng ý nhận những tin tức quảng cáo.

Chuyên gia truyền thông Đoàn Nguyễn

Nghị định 91 là một quy định pháp luật rất cần thiết ở thời điểm này khi mà vấn nạn tin nhắn, cuộc gọi rác đang từng ngày quấy rối người dùng. Đặc biệt đầu số 5656 sẽ là công cụ tiện lợi để người dùng có thể chủ động ngăn chặn những cuộc gọi, tin nhắn rác không mong muốn. Tuy nhiên, để thực sự có hiệu quả, các cơ quan quản lý Nhà nước cần thực sự vào cuộc, đẩy mạnh công tác giám sát đối với những DN quảng cáo lẫn nhà mạng. Đặc biệt là việc triệt tiêu vấn nạn sim rác, đây cũng là một trong những nguồn chính dẫn tới tình trạng tin nhắn, cuộc gọi rác đang hoành hành.

Anh Hoàng Xuân Hiệp (Cầu Giấy, Hà Nội)

 HÀ THANH

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.