Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu

Chia sẻ

Sáng 24/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã khai mạc Hội thảo khoa học “75 năm ngoại giao Việt Nam: Bài học kinh nghiệm và định hướng”.

Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2020), cũng là sinh hoạt khoa học nhằm đánh giá khách quan, khoa học những đóng góp của Ngành đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục tổng kết những bài học kinh nghiệm của Ngoại giao 75 năm qua và xây dựng định hướng cho sự phát triển của Ngoại giao trong bối cảnh chiến lược mới của đất nước; là dịp tri ân các thế hệ cán bộ tiền bối, kết nối giữa các thế hệ ngoại giao, giáo dục cho thế hệ hiện tại truyền thống vẻ vang của Ngành trong suốt 75 năm qua.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học 75 năm ngoại giao Việt Nam: Bài học kinh nghiệm và định hướng.Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học 75 năm ngoại giao Việt Nam: Bài học kinh nghiệm và định hướng. (Ảnh: thegioivavietnam)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, cách đây 75 năm, nền ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại đã ra đời và vinh dự được Bác Hồ, vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên trực tiếp lãnh đạo. Ngay từ những ngày đầu lập nước, dưới sự lãnh đạo kiệt xuất của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng tiền bối, Ngoại giao đã khéo léo, bản lĩnh thể hiện vai trò tiên phong trong việc giữ vững độc lập nước nhà, góp phần quan trọng bảo vệ thành công chính quyền cách mạng non trẻ.

"Trong suốt 75 năm qua, ngành Ngoại giao đã luôn đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và có những bước trưởng thành vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước kia cũng như sự nghiệp đổi mới, hội nhập và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế" - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nêu rõ.

Trong sự nghiệp đổi mới, Ngoại giao Việt Nam có sứ mệnh mới, góp phần quan trọng tạo dựng và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đồng thời linh hoạt, sáng tạo tìm ra phương cách mới thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước, góp phần quan trọng nâng cao thế và gia tăng thế lực cho đất nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Ngoại giao đã nỗ lực chung tay góp sức cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân xây dựng cơ đồ và đạt được những kết quả quan trọng. Thực vậy, từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới, nay Việt Nam đã sẵn sàng vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, đóng góp có trách nhiệm vào công việc của thế giới với vị thế ngày càng cao.

Hội thảo có 2 phiên gồm: Phiên 1 về "75 năm ngoại giao Việt Nam góp phần giành độc lập dân tộc, thống nhất, xây dựng bảo vệ tổ quốc và công cuộc đổi mới đất nước" và Phiên 2 về "Phát huy vai trò tiên phong của ngoại giao củng cố môi trường hòa bình và phát triển trong thời kỳ phát triển mới của đất nước".

 Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, mở rộng, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất với các nước, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển, an ninh của đất nước, tạo sự đan xen, gắn kết giữa lợi ích Việt Nam với các nước. Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng (như CPTPP, EVFTA…), qua đó tạo ra động lực mới cho phát triển.

Những thành tích vẻ vang đã đạt được trong chặng đường 75 năm trưởng thành và phát triển đã thể hiện rõ nét vị trí, vai trò của ngành ngoại giao nói riêng và công tác đối ngoại nói chung trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Những thành tựu của ngành Ngoại giao là “điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước” cũng khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và các chủ trương đối ngoại của Đảng ta mà trong đó Bộ Ngoại giao là cơ quan tham mưu nòng cốt.

Như Bác Hồ căn dặn, “chúng ta có quyền tự hào nhưng chúng ta không được tự mãn” với những gì đã đạt được. Bởi lẽ, trong giai đoạn chiến lược mới của đất nước, môi trường đối ngoại có nhiều biến động phức tạp và khó lường, thời cơ nhiều hơn song thách thức cũng gia tăng. Những năm qua, và đặc biệt từ đầu năm 2020, với tác động của đại dịch Covid-19, tình hình thế giới và khu vực đang chuyển biến hết sức nhanh chóng, sâu sắc và khó lường.

Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là nguyện vọng của các dân tộc trên thế giới, song thế giới và khu vực đang gặp nhiều thách thức hơn, trong đó có tình trạng kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng, cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng, thách thức về an ninh biển đảo, nhất là những diễn biến phức tạp trong vấn đề Biển Đông, sự nổi lên của các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, an ninh nguồn nước, môi trường... đã và đang tác động trực tiếp, nhiều chiều tới môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, củng cố vững chắc môi trường quốc tế thuận lợi, thu hút các nguồn lực cho phát triển và nâng cao vị thế đất nước đặt ra những yêu cầu mới ngày càng cao cho công tác đối ngoại. Theo đó, đối ngoại ngày càng đóng vai trò tiên phong trong việc bảo đảm môi trường hoà bình, thuận lợi cho phát triển; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Cùng với quốc phòng và an ninh, đối ngoại cũng là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên với sự tham gia, vào cuộc của tất cả các Bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.

Làm sao “biến nguy thành cơ” và định vị đất nước một cách có lợi nhất trong cục diện mới đang định hình là yêu cầu cấp thiết của công tác đối ngoại. Hội nghị Ngoại giao 30 (tháng 8/2018) đã đề ra nhiệm vụ xây dựng một nền ngoại giao hiện đại để thích ứng với tình hình mới đang thay đổi nhanh chóng và phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn lợi ích quốc gia - dân tộc.

Tổng kết hoạt động ngoại giao 75 năm qua, nhất là đánh giá thực hiện Nghị quyết của Đại hội XII của Đảng là dịp để chúng ta kiểm nghiệm những bài học kinh nghiệm quý báu của ngoại giao Việt Nam, từ đó tăng thêm bản lĩnh, tích luỹ thêm kinh nghiệm, kiến thức, dám đổi mới, năng động, sáng tạo tiếp cận theo cách mới... để xây dựng một nền ngoại giao hiện đại, trên cơ sở kế thừa truyền thống ngoại giao Việt Nam và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối ngoại mà Đảng và Nhà nước giao phó trong tình hình mới.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của hội thảo hôm nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh mong muốn các vị đại biểu, diễn giả có mặt tại đây sẽ đóng góp các ý kiến đánh giá và kiến nghị thẳng thắn, khách quan, khoa học để ngành ngoại giao tiếp tục triển khai tốt hơn nữa nhiệm vụ đối ngoại.

Theo đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Hội thảo cần tập trung vào 5 nội dung sau:

Thứ nhất, đánh giá, làm sâu sắc hơn những đóng góp của ngành ngoại giao 75 năm qua, nhất là trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Thứ hai, làm rõ hơn những bài học lớn về đối ngoại, phân tích bản sắc của ngoại giao Việt Nam, để từ đó ngoại giao trong giai đoạn mới phát huy tốt hơn những kinh nghiệm, truyền thống quý báu của các thế hệ đi trước, đồng thời trân trọng và phát huy những bản sắc của ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thứ ba, đánh giá yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra cho công tác đối ngoại, từ việc tiếp tục đổi mới tư duy đến làm thế nào phát triển các mối quan hệ song phương đi vào chiều sâu hiệu quả thực chất; đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương; nâng cao hiệu quả ngoại giao kinh tế; tăng cường ngoại giao văn hoá và thông tin đối ngoại, công tác bảo hộ công dân và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thứ tư, đề xuất những biện pháp để tăng cường thống nhất nhận thức và nâng cao hiệu quả phối hợp, tạo đồng thuận giữa các binh chủng đối ngoại cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương, tạo thành sức mạng tổng hợp to lớn trên mặt trận đối ngoại, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Thứ năm, đề xuất những giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ đối ngoại theo hướng ngày càng bản lĩnh, chuyên nghiệp, hiệu quả; đồng thời đưa ra các khuyến nghị về xây dựng nền ngoại giao hiện đại để đáp ứng tốt nhất những yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

MINH NHẬT

Tin cùng chuyên mục

Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.