Từ Thủ đô Anh hùng đến Thành phố vì hòa bình

Chia sẻ

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Hà Nội trở thành trung tâm chính trị của cả nước. 75 năm qua, Hà Nội đã khẳng định vị trí đầu tàu và trở thành điểm đến hòa bình, an toàn trong mắt bạn bè quốc tế.

Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc, khẳng định vị thế Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc, khẳng định vị thế "Thành phố vì hòa bình" hơn 20 năm qua (Ảnh: Int)

Đánh dấu Thủ đô một nước có độc lập chủ quyền trên bản đồ thế giới

Đêm 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Ngày 14/8, Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định khẩn trương tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, và bọn bù nhìn tay sai trước khi quân đồng minh Anh, Tưởng vào Việt Nam. Riêng với Hà Nội, việc khởi nghĩa được cân nhắc kỹ vì Hà Nội có khoảng hơn 1 vạn quân Nhật chiếm đóng. Ban Thường vụ Xứ ủy chủ trương cho thành lập ngay Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa.

Tối ngày 15/8, theo Chỉ thị của Xứ ủy, Thành ủy triệu tập hội nghị bất thường gốm cán bộ và đội trưởng các đội công nhân xung phong, Thanh niên xung phong ở Chùa Hà (nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) để rà soát lực lượng và bàn những công việc vấp bách cần triển khai gấp rút cho cuộc khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội diễn ra với một sức mạnh quật khởi và tốc độ phi thường, giành thắng lợi nhanh, gọn, vang dội, không đổ máu đã có tác dụng to lớn cổ vũ, thúc đẩy quá trình tổng khởi nghĩa trong toàn quốc mau chóng dành được thắng lợi. Khởi nghĩa Hà Nội- nơi kẻ thù đặt trung tâm đầu não của chúng cùng với khởi nghĩa ở Huế, Sài Gòn và các thành phố quan trọng khác, đóng vai trò quyết định đến thắng lợi hoàn toàn của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm1945 của nhân dân Việt Nam.

Sáng ngày 16/8, đồng chí Nguyễn Khang cấp tốc phổ biến Nghị quyết của Xứ ủy về thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội. Ngày 17/8, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội, quần chúng cách mạng đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng, biến diễn đàn của Chính phủ Trần Trọng Kim thành cuộc mít tinh tuyên truyền đường lối cách mạng, kêu gọi toàn dân tổng khởi nghĩa. Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình và từ kinh nghiệm cuộc biểu tình ngày 17/8, Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội quyết định tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19/8 bằng phương thức tổ chức mít tinh hiệu triệu quần chúng rồi biến thành cuộc tuần hành vũ trang, dùng áp lực của quần chúng có lực lượng vũ trang làm nòng cốt chiếm đóng các cơ quan trọng yếu trong thành phố, giành chính quyền.

Sáng sớm ngày 19/8, cả Hà Nội vùng dậy. Lực lượng vũ trang tổ chức thành hai cánh tỏa đi chiếm đóng cơ quan trọng yếu của địch. Cánh thứ nhất do đội Công nhân xung phong dẫn đều có nhiệm vụ chiếm đóng Phủ khâm sai, Tòa thị chính, Kho bạc, Bưu điện và Sở cảnh sát. Cánh thứ hai do Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong Hoàng Diệu dẫn đầu có nhiệm vụ chiếm Trại Bảo an binh và Ty liêm phóng bắc Kỳ. Đồng thời Mặt trận Việt Minh cử đoàn cán bộ trực tiếp gặp gỡ đàm phán với quân Nhật tại Tổng Hành dinh của chúng. Cuộc đàm phán diễn ra gay go nhưng do sự khôn khéo, linh hoạt của ta đã buộc quân Nhật phải chấp nhận yêu cầu, án binh bất động, không can thiệp vào công việc của Việt Minh, chấp nhận chính quyền cách mạng.

Thắng lợi của cuộc đàm phán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cuộc khở nghĩa Hà Nội. Tối ngày 19/8, các cơ quan quan trọng của chính quyền bù nhìn đã về tay cách mạng. Việt minh hoàn toàn làm chủ thành phố. Hà Nội bừng sáng trong màu cờ đỏ. Cuộc khởi nghĩa ở trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa của cả nước đã hoàn thành thắng lợi.

Ngày 2/9/1945, nửa triệu đồng bào Hà Nội thuộc mọi tầng lớp ở nội thành và các vùng lân cận nô nức đổ về quảng trường Ba Đình để chứng kiến một sự kiện vô cùng trọng đại của đất nước, của dân tộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân đồng bào, long trọng tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên của khu vực Đông Nam Á. Từ thời khắc đó, Hà Nội trở thành Thủ đô của một quốc gia độc lập có chủ quyền, ghi tên trên bản đồ thế giới.

Khẳng định vị trí là trái tim đầu tàu của cả nước

Sau Cách mạng Tháng Tám, cùng với cả nước, Hà Nội đã trải qua những năm tháng chiến đấu anh dũng để giành độc lập tự do qua hai cuộc kháng chiến cứu nước. Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, Hà Nội lại bước vào công cuộc đổi mới xây dựng, kiến thiết Thủ đô phát triển. Những chuyển biến về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng- an ninh của Hà Nội đã thể hiện rõ, từng bước khẳng định vị trí là trái tim đầu tàu của cả nước. Để có được những thành tựu này, các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá đã được cụ thể hóa qua các kỳ Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội.

Chặng đường 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng bộ TP Hà Nội, trên cơ sở các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong các văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội từ đại hội X đến đại hội XVI, và đã để lại những bài học kinh nghiệm quý như: Quá trình đổi mới phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, thực tiễn của Thủ đô, đề ra các chủ trương, chương trình, những quyết sách đúng, phù hợp với quy luật khách quan và nguyện vọng của nhân dân. Toàn bộ hoạt động của Đảng và Chính quyền TP có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, biết coi trọng dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, dựa vào dân, lấy sức dân để kiến tạo và phục vụ nhân dân. Quán triệt sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ vai trò vị thế Thủ đô “đầu não chính trị-hành chính quốc gia”, chủ động vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn…

Đặc biệt, để đưa Thủ đô phát triển sánh vai cùng với các Thủ đô của các nước phát triển trong khu vực, Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI đã đề ra những mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2016-2020 rất cụ thể. Đó là đề ra 4 mục tiêu, 5 nhiệm vụ chủ yếu và 3 khâu đột phá, trong đó nhấn mạnh 3 khâu đột phá, bao gồm: Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa, từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Một số chỉ tiêu được đề ra: Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 8,5-9%. Cơ cấu kinh tế năm 2020: dịch vụ đạt 67-67,5%, công nghiệp-xây dựng đạt 30-30,5%, nông nghiệp đạt 2,5-3,0%. GRDP bình quân/đầu người/năm: 140-145 triệu đồng. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới: 70-75% tổng số xã (tăng thêm khoảng 110-130 xã so với năm 2015). Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu TDP văn hóa: 72%; làng được công nhận và giữ vững làng văn hóa: 62%, gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa: 88%.

Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia: 65-70%; tỷ lệ số giường bệnh/vạn dân: 23, số bác sĩ/vạn dân: 13,5; tỷ lệ xã phường đạt chuẩn quốc gia về y tế (theo chuẩn mới của Bộ Y tế): 100%. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo: 70-75%; tỷ lệ thất nghiệp thành thị: dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo cuối kỳ theo chuẩn mới: dưới 1,2%...

Điểm đến hòa bình

Cuối năm 1998, sau khi nhận được thông báo của UNESCO, Ủy ban UNESCO Việt Nam đã kiến nghị với Hà Nội về việc tham gia ứng cử danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" vào đầu năm 1999. Mặc dù tiêu chí danh hiệu rất cao, nhưng Hà Nội đặt quyết tâm cao, tích cực chuẩn bị hồ sơ và các điều kiện cần thiết, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban UNESCO Việt Nam xây dựng đề án, kế hoạch tham gia ứng cử, trình Chính phủ phê duyệt.

Ngày 16/7/1999, tại LaPza (Thủ đô nước Cộng hòa Bolivia), Hà Nội vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Đến nay, Hà Nội vẫn là thành phố duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nhận danh hiệu này. Với uy tín này, Hà Nội không chỉ là một điểm đến an toàn cho du khách thế giới, mà còn là nơi được lựa chọn tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn của khu vực và thế giới.

Với những thành tựu đã đạt được cùng truyền thống anh hùng của Hà Nội, ngày 4/10/2000, Chủ tịch Nước đã ký tặng Bằng khen “Tặng thưởng thành phố Hà Nội danh hiệu Thủ đô Anh hùng vì đã có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Danh hiệu cao quý này là kết quả tinh thần lao động, chiến đấu, sáng tạo được kết tinh từ bao đời nay, là sự chung tay vun đắp của cả nước góp sức cùng Hà Nội. Trên mảnh đất địa linh nhân kiệt này đã chứng kiến nhiều chiến công hiển hách chống ngoại xâm, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và xây dựng Thủ đô ngàn năm văn hiến. Trong thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội lại tiếp tục làm nên những kỳ tích rạng rỡ non sông, tiêu biểu cho trí tuệ và khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam, được thế giới ngợi ca là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người".

Nguyễn Nam

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.