Việt Nam tích cực thúc đẩy hợp tác Mekong - Lan Thương

Chia sẻ

Ngày 24/8, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ Ba theo hình thức trực tuyến, cùng với lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Mekong - Lan Thương trực tuyến tại điểm cầu Hà NộiThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Mekong - Lan Thương trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh: Int)

Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng chung”, hội nghị đã rà soát tình hình hợp tác giữa 5 nước sông Mekong và Trung Quốc, đồng thời thảo luận và thông qua một số văn kiện hợp tác mới. Tại hội nghị, Lào chuyển giao chức đồng Chủ tịch cho Myanmar để thay mặt các nước sông Mekong cùng chủ trì hội nghị với phía Trung Quốc trong 2 năm tiếp theo.

Cơ chế hợp tác tiểu vùng năng động

Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) với sự tham gia của 6 nước ven sông gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc là ý tưởng được Thái Lan đề xuất lần đầu tiên vào năm 2012.

HNCC MLC lần thứ nhất được tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 3/2016, khẳng định cam kết của 6 nước đối với hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại tiểu vùng Mekong, đồng thời đề ra các định hướng lớn cho MLC.

Theo đó, 6 nước sẽ cùng thúc đẩy hợp tác trên 3 trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế và phát triển bền vững, văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân; 5 phương hướng ưu tiên là kết nối, nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên biên giới, hợp tác quản lý tài nguyên nước, phát triển nông nghiệp và nỗ lực xóa đói giảm nghèo. Các nguyên tắc cơ bản của hợp tác là đồng thuận, bình đẳng, phối hợp và tham vấn lẫn nhau, tự nguyện, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.

Cho đến nay, MLC đã cơ bản duy trì cơ chế họp cấp cao 2 năm/lần, họp thường niên cấp bộ trưởng, họp SOM và các nhóm làm việc. 6 nước thành viên đã thống nhất thành lập năm trung tâm hợp tác trong khuôn khổ MLC.

Bên cạnh đó, các nước cũng thúc đẩy trao đổi học thuật thông qua thành lập Trung tâm nghiên cứu toàn cầu về Mekong. Đến nay, MLC đã triển khai hơn 400 dự án sử dụng Quỹ đặc biệt MLC.

Sự tham gia tích cực của Việt Nam

Việt Nam đã tham gia tích cực vào MLC ngay từ quá trình thành lập và có nhiều đóng góp về nội dung, lĩnh vực hợp tác. Việt Nam cũng đã chủ động tham gia xây dựng các văn kiện quan trọng, mang tính định hướng hợp tác; và đặc biệt là đã đẩy được hợp tác nguồn nước trở thành một lĩnh vực ưu tiên của MLC. Đồng thời đề xuất một số dự án hợp tác liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước, đưa ra các sáng kiến cụ thể như thiết lập kênh liên lạc (đường dây nóng) trong hợp tác xử lý các tình huống khẩn cấp trên sông Mekong, được các nước ủng hộ và đã đi vào triển khai thực tế.

Việt Nam cũng ủng hộ việc xây dựng cơ chế tài chính bảo hiểm rủi ro thiên tai và hỗ trợ tái thiết, khắc phục hậu quả, hợp tác nghiên cứu khoa học chung thông qua Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong - Lan Thương.

Trong năm 2020, Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động của hợp tác MLC, cụ thể: Tổ chức hoạt động kỷ niệm Tuần lễ MLC lần thứ 3 năm 2020 tại Hà Nội; 4 dự án của Việt Nam đăng ký sử dụng Quỹ đặc biệt MLC năm 2019 đã được chấp nhận và Việt Nam đã đăng ký thêm 5 dự án của các địa phương sử dụng Quỹ đặc biệt MLC năm 2021.

Trước những thách thức lớn về phát triển, môi trường, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang tác động không nhỏ đến hoạt động kinh tế - xã hội của tất cả các nước thành viên, tại cuộc họp Bộ trưởng MLC lần thứ 5 tại Lào ngày 20/2 vừa qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã kêu gọi các nước hợp tác tăng khả năng chống chịu của các nền kinh tế trước những biến động và bất ổn khó lường, tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực dễ bị tổn thương, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nền kinh tế của các nước thành viên.

Vinh Hà

Tin cùng chuyên mục

Đoàn công tác thành phố Hà Nội dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Cam Ranh

Đoàn công tác thành phố Hà Nội dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Cam Ranh

(PNTĐ) - Ngày 17/4, trong khuôn khổ chuyến công tác đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, Đoàn công tác của thành phố Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến làm Trưởng đoàn cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các quận, huyện, sở, ngành đã tới dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Kiểm tra công tác quản lý đất đai 9 dự án ở An Giang

Kiểm tra công tác quản lý đất đai 9 dự án ở An Giang

Cơ quan chức năng tỉnh An Giang phải cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác quản lý đất đai đối với 9 dự án nằm trên địa bàn. Trong đó một số dự án từng bị Thanh tra Chính phủ kết luận có nhiều sai phạm.