Xứng đáng là tờ báo vì sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ

Chia sẻ

Ra đời vào đúng dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 8 năm 1986, 34 năm qua, báo Phụ nữ Thủ đô (PNTĐ) đã không ngừng phát triển, tạo dựng được vị trí vững vàng trong lòng nhiều thế hệ cán bộ, hội viên phụ nữ và bạn đọc cả nước.

Lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội chúc mừng Báo PNTĐ nhân dịp 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2020Lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội chúc mừng Báo PNTĐ nhân dịp 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2020 (Ảnh: Nguyễn Thực)

Bà Lê Kim Anh - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội: 

Tờ Báo đã luôn gắn bó với các cấp Hội, đồng hành với các vấn đề của phụ nữ 

Ra số báo đầu tiên vào đúng dịp 19/8/1986, đến nay đã 34 năm, báo PNTĐ luôn thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Hội LHPN Hà Nội, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, nhiệm vụ chính trị của Thủ đô và hoạt động của Hội Phụ nữ thành phố, tuyên truyền về bình đẳng giới, phản ánh chân thực, sinh động về đề tài người phụ nữ, về gia đình, lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em.

Với mục tiêu là diễn đàn vì sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ nên trong suốt quá trình phát triển, Báo PNTĐ đã luôn gắn bó với các cấp Hội, đồng hành với các vấn đề của phụ nữ, lắng nghe, tìm hiểu nhu cầu bạn đọc, luôn tự đổi mới, trăn trở tìm lối đi riêng. Đến nay, Báo PNTĐ ngày càng khẳng định chỗ đứng không thể thiếu trong lòng bạn đọc, được bạn đọc yêu mến với những trang, chuyên mục hấp dẫn. Những vấn đề nóng hổi của cuộc sống từ kinh tế, chính trị, xã hội đến tâm lý, giới tính, những mô hình, cách làm hay của các cấp Hội từ cơ sở, chi, tổ phụ nữ, những vấn đề tác động đến gia đình, đến phụ nữ đã được phản ánh kịp thời giúp chị em ứng xử trong gia đình, xã hội, nơi công sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng tổ ấm gia đình, phòng ngừa bạo lực,làm bạn cùng con, tình yêu giới tính; phụ nữ và hội nhập, kinh nghiệm phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng; hướng dẫn chị em chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, mua sắm, tạo nên nét đẹp văn hoá lành mạnh… Những nội dung trên đã khẳng định bản sắc riêng của báo PNTĐ, không trộn lẫn với các tờ báo khác.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực cố gắng lớn, trong 34 năm qua, bên cạnh việc nâng cao chất lượng các chuyên mục, các ấn phẩm, Báo PNTĐ đã tích cực khai thác các nguồn lực xã hội hóa, triển khai nhiều nhiều hoạt động xã hội, từ thiện, vì cộng đồng, vì phụ nữ và trẻ em yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, được đông đảo phụ nữ và bạn đọc Thủ đô và cả nước tin yêu.

Bà Phương Kim Dung - Nguyên Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, kiêm Tổng Biên tập đầu tiên của báo PNTĐ:

Báo Phụ nữ thủ đô sẽ tiếp tục khẳng định vị thế trong lòng độc giả

Giữa năm 1986, Thường trực Hội LHPN Hà Nội tổ chức họp bàn về việc có nên ra báo Phụ nữ Thủ đô (PNTĐ) hay không? Lúc đó, trên cả nước đã có hai tờ báo của giới nữ: báo Phụ nữ Việt Nam, báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh.

Bà Phương Kim Dung - nguyên Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, kiêm Tổng Biên tập đầu tiên của báo PNTĐBà Phương Kim Dung - nguyên Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, kiêm Tổng Biên tập đầu tiên của báo PNTĐ (Ảnh: H.Lan)

Tuy nhiên, khi tôi lên gặp các đồng chí trong ban Tuyên huấn Thành ủy để xin cấp phép, dù rất ủng hộ kế hoạch xây dựng báo PNTĐ, nhưng nhìn vào khó khăn bộn bề trước mắt, đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn đã tỏ rõ sự lo lắng, nghiêm túc hỏi rằng nếu Báo ra mấy tháng rồi đóng cửa thì sao? Phải giải thích thế nào với độc giả?

Với quyết tâm của Đảng đoàn Thành Hội, tôi đã đứng ra xin kiêm vị trí Tổng biên tập; cùng mọi người bàn bạc gấp rút về nội dung tờ báo; liên hệ cộng tác viên, phóng viên viết bài… Về nhân sự, Thường trực Thành hội đã điều một số cán bộ Hội được đào tạo ở trường báo chí của TW về làm Trưởng, Phó ban biên tập Báo; đồng thời báo cáo Ban tổ chức Thành ủy cho giữ 2 cán bộ sắp về hưu sang Báo làm thêm đến khi có người thay. Sau nhiều nỗ lực, báo PNTĐ đã được cấp phép và xuất bản số báo đầu tiên vào ngày 19/8.

Báo ra đời nhưng anh chị em tòa soạn không khỏi lo lắng vì ngay từ đầu đã xác định hoạt động theo cơ chế tự chủ trong khi nguồn tài chính hạn hẹp, giấy in cũng phải vay nhà in Quân đội... Sau này, khi miêu tả về Báo những ngày đầu thành lập, nhà thơ Trần Lê Văn - cộng tác viên của Báo đã ví von rằng: “Tòa cũng không mà soạn cũng không. Thế mà ra báo thật là ngông”. Quả thật thời điểm đó, Báo vô cùng khó khăn, thiếu thốn rất nhiều về cả nhân lực, vật lực.

Nhưng tất cả anh chị em tòa soạn đều đồng lòng, phóng viên không ngại đi hàng chục cây số bằng xe đạp để đến cơ sở Hội ở huyện xa đưa tin, dấn thân viết các bài điều tra sắc sảo, nắng mưa đạp xe đi bán báo… Dần dần, báo PNTĐ đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người dân Hà Nội nói chung, phụ nữ Thủ đô nói riêng khi ấy, lượng báo bán được ngày càng tăng.

Trải qua 34 năm hình thành và phát triển, báo PNTĐ hôm nay đã đổi mới không ngừng về cả nội dung và hình thức; phát huy vai trò là tiếng nói bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chị em phụ nữ; tích cực đấu tranh cho bình đẳng giới, quyền lợi nữ lao động… Phát huy tốt những gì đã và đang làm, tin rằng, báo PNTĐ sẽ tiếp tục khẳng định được vị thế trong lòng độc giả và làng báo Thủ đô, cũng như trên cả nước.

Chị Hoàng Kim Tới - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Mồ Đồi, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì:

Mong chị em phụ nữ dân tộc tiếp tục được đọc báo Hội

Mồ Đồi là 1 trong 14 thôn của xã Vân Hòa huyện Ba Vì. Đa phần người dân ở thôn chúng tôi là người dân tộc Mường, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Tháng 3/2019, chúng tôi đã được tiếp nhận báo miễn phí theo Đề án “Phát báo Phụ nữ Thủ đô miễn phí đến nữ công nhân lao động khu công nghiệp và chế xuất, phụ nữ xã nghèo và phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn TP Hà Nội năm 2019”.

Chị Hoàng Kim Tới - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Mồ Đồi, xã Vân Hòa, huyện Ba VìChị Hoàng Kim Tới - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Mồ Đồi, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì (Ảnh: H.Lan)

Tôi nhớ một hôm, chị Phó Chủ tịch là lãnh đạo Thành Hội đã đến trực tiếp về tận thôn làm việc về việc phát hành báo Hội, thăm hỏi đời sống và động viên hội viên phụ nữ dân tộc chúng tôi. Đó là kỷ niệm khiến tôi rất cảm động và ấn tượng vì tuy ở vùng sâu, xa mà chúng tôi vẫn được báo Hội và Hội cấp trên quan tâm sát sao. Mỗi tuần một lần, tôi nhận báo từ Hội LHPN xã, sau đó đưa tới nhà cho các chị em là phụ nữ dân tộc nghèo, cận nghèo trong thôn. Nhiều hôm trời mưa, đường đồi trơn trượt, tôi chỉ lo ngã sẽ làm hỏng báo, ướt báo. Nhưng đổi lại, mỗi khi được nhận báo, tôi thấy chị em người Mường đều vui, phấn khởi. Có gia đình còn chạy ra đón báo và nhiệt tình cảm ơn vì bình thường, chị em ít có điều kiện mua báo đọc. Với các cán bộ Hội chúng tôi, thông qua báo Hội, việc tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành phố, hoạt động, chỉ đạo của Hội LHPN cấp trên cũng thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, tiếc là hiện nay, đề án phát báo miễn phí cho phụ nữ dân tộc nghèo đã không được tiếp tục. Nhưng chúng tôi vẫn luôn mong phụ nữ nghèo dân tộc sẽ lại được phát báo Hội để đọc. Chúng tôi cũng mong báo Hội có thêm nhiều bài viết trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế để phụ nữ dân tộc học hỏi, phát triển kinh tế như chị em ở các địa bàn khác.

Bà Dương Thị Sửu - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 10 Hội LHPN phường Khương Đình, quận Thanh Xuân:

Đọc báo Hội rất bổ ích

Tôi nhận thấy báo Hội thời gian gần đây đã có nhiều thay đổi, các chuyên mục nhiều lên, các hoạt động của các cấp Hội LHPN được đăng tải kịp thời, nội dung báo phong phú hơn và bắt kịp với nhịp sống. Hiện nay, tại các cuộc sinh hoạt hội viên, cán bộ Hội chúng tôi đều tích cực tuyên truyền để hội viên mua báo Hội. Thông qua báo Hội, hội viên có thể đọc được nhiều thông tin bổ ích. Báo cũng có nhiều mục chuyên sâu để đọc như giáo dục, hôn nhân gia đình, làm đẹp, dạy nấu món ăn ngon… Ở Chi hội chúng tôi, có một số chị em nhờ đọc báo Hội mà đã biết cách giải tỏa những khúc mắc trong gia đình. Có chị nhờ đọc báo Hội mà biết địa chỉ để chữa được bệnh cho con sau nhiều năm lặn lội tìm kiếm. Quả thực, tôi thấy đọc báo Hội rất bổ ích.

Bà Dương Thị Sửu - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 10Hội phường Khương Đình, quận Thanh XuânBà Dương Thị Sửu - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 10 Hội phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Ảnh: H.Lan)

Bà Trần Thị Thanh Tâm - Chi hội phó Chi hội phụ nữ số 4 phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm:

Cả nhà gắn bó với báo Hội trong suốt 34 năm

Gia đình tôi gắn bó với báo PNTĐ từ những ngày đầu tiên báo thành lập. Mẹ chồng tôi là cán bộ phụ nữ nên trong nhà luôn có báo để đọc. Ngày đó, gia đình tôi không dư dả gì. Ấy thế nhưng, cả nhà có thể bớt ăn, bớt mặc chứ không bỏ mua báo Hội. Thói quen đọc báo Hội đã được truyền từ mẹ chồng sang tôi. Sau khi mẹ chồng mất, tôi vẫn tiếp tục mua Báo Hội. Hai năm gần đây, tôi còn tham gia phát hành báo Hội cho phường Phan Chu Trinh.
34 năm qua, tôi có biết bao kỷ niệm với Báo PNTĐ. Kỷ niệm gần đây nhất là hồi tháng Ba vừa qua, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở Hà Nội, một anh cộng tác viên phát hành của Báo đã bị nhiễm Covid-19. Hai chị cán bộ của Báo phát báo cho anh cộng tác viên F0 trở thành F1 còn tôi là F2. Khi được thông báo tin ấy, tôi mới càng thấu hiểu công việc của các cán bộ phóng viên, phát hành Báo thật vất vả. Theo quy định, tôi đã tự cách ly tại nhà 14 ngày. Hết hạn cách ly, tôi lại đi phát hành báo trở lại. Có người hỏi tôi không sợ dịch sao, tôi nói là có sợ, nhưng tôi làm vậy là vì biết báo Hội đang cần cho các hội viên PN. Khi trên mạng xã hội có nhiều thông tin trái chiều về dịch bệnh thì báo Hội là nguồn thông tin chính thống để định hướng cho chị em.

Bà Trần Thị Thanh Tâm - Chi hội phó Chi hội phụ nữ số 4 phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn KiếmBà Trần Thị Thanh Tâm - Chi hội phó Chi hội phụ nữ số 4 phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm (Ảnh: H.Lan)

Chị Chu Thanh Loan - Chủ tịch Hội LHPN phường Ngọc Hà, quận Ba Đình:

Chúc báo Hội sẽ tiếp tục  phát triển 

Trong nhiều năm qua, hội LHPN phường đã luôn làm tốt công tác vận động hội viên mua và đọc và làm theo báo Hội. Để phát huy hiệu quả của tờ báo Hội, chúng tôi đã tổ chức các nhóm đọc báo Hội, cùng nhau bình luận chia sẻ những bài báo hay, thiết thực. Điển hình là Chi hội PN địa bàn dân cư số 8 phường Ngọc Hà, cứ vào buổi sáng thứ 4 hàng tuần là các bác cán bộ hội viên lại tập trung đông đủ tại nhà văn hóa khu dân cư từ 8h tới 10h sáng để cùng nhau đọc báo Hội.

Chị Chu Thanh Loan - Chủ tịch Hội LHPN phường Ngọc Hà, quận Ba ĐìnhChị Chu Thanh Loan - Chủ tịch Hội LHPN phường Ngọc Hà, quận Ba Đình (Ảnh: H.Lan)

Cán bộ hội viên phụ nữ phường Ngọc Hà nhận thấy, báo Hội hiện nay đã có nhiều điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, nội dung của báo Hội phong phú, cập nhật kịp thời các thông tin chính trị-xã hội, các chính sách mới ban hành, đặc biệt là các chính sách có liên quan tới quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em. Hình thức trình bày của tờ báo cũng bắt mắt hơn. Báo đã có nhiều trang điểm nhấn như trang Phụ nữ cuộc sống, mỗi số đề cập chuyên sâu tới một vấn đề khác nhau. Trang báo được trình bày với nhiều ảnh đẹp, nhiều số nhìn như một bức tranh.

NHÓM PHÓNG VIÊN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Tổng kết tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ năm 2023-2024 trong các cấp Hội

Tổng kết tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ năm 2023-2024 trong các cấp Hội

(PNTĐ) - Ngày 15/4, Hội LHPN quận Thanh Xuân đã tổ chức Hội nghị Tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị năm 2023-2024 trong các cấp Hội và Tập huấn Quán triệt chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2024.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Hội LHPN Hà Nội: Bàn giải pháp tập hợp, thu hút phụ nữ trên không gian mạng

Hội LHPN Hà Nội: Bàn giải pháp tập hợp, thu hút phụ nữ trên không gian mạng

(PNTĐ) - Ngày 17/4, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp tập hợp, thu hút phụ nữ trên không gian mạng”. Chủ trì hội thảo có bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam và bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội.
Đánh giá, nâng cao chất lượng các mô hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp

Đánh giá, nâng cao chất lượng các mô hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp

(PNTĐ) - Ngày 17/4/2024, Hội LHPN quận Ba Đình đã tổ chức tọa đàm “Kinh nghiệm và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các mô hình thực hiện hiệu quả Chương trình, Đề án, Cuộc vận động mà Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đề ra”. Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm có bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội.