Phụng sự Tổ quốc nhờ có "hậu phương" vững chắc

Chia sẻ

Với Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVT) Đỗ Văn Trì, dù làm gì, ở cương vị nào cũng phải cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho xã hội. Và bà Ngô Thị Liên là người đã âm thầm hi sinh, gánh vác việc nhà và nuôi dạy các con thành đạt để chồng yên tâm làm tốt nhiệm vụ.

Vợ chồng Đại tá, Anh hùng LLVT Đỗ Văn TrìVợ chồng Đại tá, Anh hùng LLVT Đỗ Văn Trì (Ảnh: H. Nhung)

22 tuổi được Bác Hồ tuyên dương Anh hùng LLVT

Đại tá, Anh hùng Đỗ Văn Trì (SN 1944, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, HN) năm nay đã gần 80 tuổi, hiện trong một cánh tay vẫn còn 24 mảnh đạn chưa thể lấy ra được. Đại tá Đỗ Văn Trì sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Thụy Văn (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Bố ông tham gia tiền khởi nghĩa, bị địch bắt ra Hải Phòng rồi giết hại. Các anh em của ông cũng đều nhập ngũ, người bị hi sinh, người trở về thì bị chất độc da cam.

Tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Đỗ Văn Trì lên đường nhập ngũ. Sau 1 tháng huấn luyện, ông được cử vào lực lượng quân tình nguyện đi làm vận tải và công tác thương binh, tử sĩ. Được 3 tháng, do thiếu quân số, ông được điều về đơn vị chiến đấu, trở thành xạ thủ trung liên thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, chiến đấu ở Thượng Lào.

Tháng 7/1965, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ phòng ngự vùng đồi H3-Q6 (thuộc khu vực Tháp Xưa và Hứa Mường, Lào). Trận đánh ác liệt kéo dài 15 ngày, ông bị thương nặng khi bị một quả đạn cối nổ gần hất ngã. “Tay phải tôi bị gãy, xương lộ cả ra ngoài. Đầu chảy máu. Thấy bụng tưng tức, tôi sờ vào thấy ruột lòi ra. Tôi nhờ anh em nhét ruột vào, lấy bát cơm úp lại rồi quấn băng quanh người giữ lấy cái bát và tiếp tục chiến đấu. Nhưng máu vẫn chảy nhiều, tôi phải vào trong hầm, dùng cánh tay còn lại và hai chân lắp băng đạn chuyển lên cho anh em chiến đấu” – Đại tá Đỗ Văn Trì kể.

Sau trận đánh hôm đó, trận địa được giữ vững. Đơn vị cử lực lượng phía sau lên thay và chuyển thương binh ra ngoài. Vì thiếu người khiêng, ông nhường cáng cho đồng đội, còn mình cố đi bộ chờ cáng trở lại đón sau. Ông nhớ lúc phân loại thương binh còn có nghe bác sĩ bảo: “Ca này sắp chết rồi”. Bác sỹ Lê Nguyên Sơn, người cấp cứu cho ông ở bệnh viện Sầm Nưa hồi ấy khâm phục nói: “Lúc đó tình huống khẩn cấp cần tiến hành mổ gấp, phải cắt bỏ hai thùy gan của thương binh mới lấy được mảnh đạn. Ca mổ kéo dài 12 giờ, chỉ gây tê mà anh Trì không hề kêu la. Sau này, chúng tôi còn được biết anh ấy đã đi bộ suốt hai ngày trời trong tình trạng bị thương nặng như vậy để đến được bệnh viện”.

Sau lần đó, vì tỷ lệ thương tật cao, ông buộc phải phục viên. 2 tháng sau, bất ngờ đồng chí Hoàng Văn Thái (lúc bấy giờ là Phó tổng Tham mưu trưởng) cử người về quê thông báo quyết định gọi ông trở lại quân đội. Bất ngờ hơn, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì thành tích đặc biệt trong chiến đấu tại vùng đồi H3-Q6. “Đó là lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ. Hồi đó, tôi mới 22 tuổi, mới 2 tuổi quân, chưa là đảng viên, quân hàm thượng sỹ. Bác bảo: “Cháu này trẻ quá nhỉ”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thưa: “Thưa Bác, cháu này người Thái Bình”. Bác Hồ tặng tôi một cái bút máy, một chiếc đồng hồ, một chiếc khay đồng có khắc chữ vòng quanh “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Sau này, tôi còn vinh dự được gặp Bác Hồ 5 lần và nhiều lần được trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp” - ông kể.

Trở lại Sư đoàn 316, ông luôn khát khao được ra chiến trường phục vụ chiến đấu. Nhiều lần đề đạt nguyện vọng, ông cũng được cấp trên đồng ý cho về Trung đoàn 174, trở lại chiến trường Lào. Gần 6 năm chiến đấu trên đất bạn, cuối năm 1973, ông nhận lệnh cùng đơn vị trở về nước và trở thành Trung đoàn trưởng Trung đoàn 148. Cuối năm 1974, ông và đơn vị vào Nam chiến đấu, gây tiếng vang trong chiến dịch Tây Nguyên, được tuyên dương anh hùng ngay tại mặt trận. Sau đó, ông chỉ huy đơn vị lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia và tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Ông trở thành Sư đoàn trưởng Sư đoàn 313, rồi Tham mưu phó Quân khu 2 đến khi nghỉ hưu năm 2003.

Với những thành tích của mình, ông được nhà nước Lào tặng hai Huân chương, trong đó có 1 Huân chương cao quý nhất nước Lào. Sau khi về hưu, ông dành tặng những món kỷ vật suốt quãng thời gian cống hiến cho cách mạng của mình cho Bảo tàng quân đội: đó là tấm Huân chương cao quý nhất nước Lào, Huy hiệu Anh hùng LLVT do Bác Hồ tự tay gắn lên ngực áo và bức ảnh ông được tuyên dương Anh hùng…

“Không có vợ, tôi không thể làm được gì cả”

Ông kể, trước khi lên đường nhập ngũ, mẹ và chị gái giục ông lấy vợ. Thế nhưng, ông nhất quyết không chịu, mặc dù trong lòng đã thầm thương trộm nhớ người con gái cùng thôn tên là Ngô Thị Liên. Mãi đến năm 1967, ông mới về quê xin phép hai bên gia đình tổ chức đám hỏi vợ. Dạm ngõ xong, ông lại lên đường sang Lào, hẹn có dịp sẽ về cưới. Bà Liên ở nhà, trở thành “nàng dâu non”, một mình đảm đương, gánh vác việc của hai gia đình.

4 năm sau, khi được cử về học lớp đào tạo trung đoàn trưởng, ông xin nghỉ phép 10 ngày để về quê cưới vợ. Lễ vật dẫn cưới lúc ấy chỉ có buồng cau với ít trầu, cây thuốc lá và mấy món chè tươi, không cỗ bàn gì, đơn sơ mà vui. “Sống bên nhau được mấy ngày thì chồng tôi lại về đơn vị bên Lào, còn một mình tôi chăm lo việc xã, tần tảo lo lắng việc nhà cho hai bên nội, ngoại” – bà Liên nói.

Đến năm 1973, khi về nước tham dự khóa tập huấn Trung đoàn trưởng toàn quân, ông tranh thủ ghé qua nhà mấy hôm. Lần đó, bà mang bầu, sinh con trai cả Đỗ Xuân Quý. Năm 1975, Giải phóng miền Nam xong, mọi chiến sỹ đều có tin tức cả, người về, người có thư, thế nhưng, ông còn mải miết làm nhiệm vụ truy quét tàn binh nên không biên thư cho vợ. Bà ở nhà lo lắng quá đành viết một lá thư gửi lên Tổng cục Chính trị hỏi thăm tin. Tổng cục mới gửi bức thư đó vào đơn vị cho ông. Lúc này, ông mới viết thư về bảo vợ yên tâm. Đầu năm 1976, ông theo đơn vị ra Bắc, được ghé qua nhà mới biết mặt con trai đầu và có thêm con gái thứ hai.

Con gái thứ ba sinh năm 1979, khi Yên Bái xảy ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Cả 3 lần sinh, bà đều vượt cạn một mình. “Suốt bao nhiêu năm tôi đi chiến đấu, thư từ còn hạn chế, vợ tôi ở nhà không một lời kêu ca oán thán. Tôi lại vô tâm, nhiều khi đi là biền biệt, 10 năm ở Lào, may mắn về nhà được ba lần, lâu nhất cũng chỉ 2-3 ngày rồi lại đi” – ông Trì kể.

Mãi đến khi ông về hưu, hai vợ chồng mới có điều kiện chăm sóc nhau. Ông chinh chiến lăn lộn ở chiến trường nhiều năm, bị thương mổ hơn 10 lần, sức khỏe không tốt, bệnh tật giày vò, bà là người chăm sóc, lo từ giấc ngủ, bữa cơm, viên thuốc cho ông. Bù lại, ông luôn cố gắng lạc quan, luyện tập thể thao hằng ngày, giữ gìn sức khỏe để bà vơi đi lo lắng. Các con đều thành đạt và lập gia đình riêng, chỉ có người con trai cả là theo nghiệp bố. Các cháu học giỏi ngoan ngoãn. Đại tá Đỗ Văn Trì mỉm cười: “Với tôi, cuộc sống như vậy là mãn nguyện lắm rồi”.

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.