Hậu phương của những "chiến sĩ áo trắng"

Chia sẻ

Bước vào cuộc chiến chống Covid-19 đợt 2, nhiều y bác sĩ trên cả nước đã tình nguyện lên đường, chi viện cho “chiến trường” chống “giặc dịch” tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Khó khăn, vất vả, nguy cơ lây nhiễm luôn hiện hữu nhưng không khiến các y bác sĩ chùn bước, bởi phía sau họ luôn có “hậu phương” vững chắc làm động lực, tiếp thêm sức mạnh.

Đại úy, BS Nguyễn Anh Đức cùng đồng nghiệp trước khi thực hiện ca mổ cho bệnh nhân tại BV 19-8 Bộ Công an.Đại úy, BS Nguyễn Anh Đức cùng đồng nghiệp trước khi thực hiện ca mổ cho bệnh nhân tại BV 19-8 Bộ Công an. (Ảnh: NVCC) 

BS Trần Thanh Linh thăm khám cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng đang điều trị tại Đà Nẵng.BS Trần Thanh Linh thăm khám cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng đang điều trị tại Đà Nẵng. (Ảnh: BYT)

Gia đình “tiếp sức”, khó khăn nào cũng có thể vượt qua

Ngày 31/7, Đại úy, BS Nguyễn Anh Đức (khoa Chấn thương chỉnh hình) và Đại úy, BS Nguyễn Tiến Mạnh (khoa Ngoại bụng) cùng 2 bác sĩ của bệnh viện (BV) 19-8 Bộ Công an được điều động cấp tốc vào chi viện cho BV 199 Bộ Công an (Đà Nẵng). Thời gian từ khi nhận quyết định tới lúc lên đường chưa đầy 24 giờ khiến gia đình các anh không khỏi bất ngờ. Bên cạnh niềm vui khi chồng, con mình được chọn trong số 1.200 nhân viên của BV để lên tuyến đầu chống dịch, còn có sự lo lắng vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, chưa biết khi nào kết thúc.

BS Đức kể: “Vợ chồng mình có 2 con nhỏ, bé đầu 4 tuổi, bé thứ 2 mới 6 tháng. Thời điểm mình vào Đà Nẵng cũng là lúc vợ bắt đầu đi làm trở lại sau khi nghỉ sinh. Đây một khó khăn với vợ mình, chưa kể cô ấy phải tự tay chăm sóc con cái, nhà cửa, mà mình lại không thể ở bên đỡ đần.

Hôm mình đi, hai vợ chồng cũng không nói được với nhau nhiều, chỉ giao tiếp bằng ánh mắt, cảm xúc rất khó tả. Mình vẫn nhớ khoảnh khắc xách vali từ nhà ra sân bay, chỉ kịp hôn nhẹ lên má vợ và dặn dò ở nhà cố gắng giữ sức khỏe rồi nhanh chóng vào trong làm thủ tục, chỉ sợ nếu nấn ná, hai vợ chồng không kìm được nước mắt”.

Còn BS Mạnh chia sẻ: “Mấy ngày đầu nhận công tác mới tại BV 199, các thành viên trong đoàn bận túi bụi, hầu hết ở lại BV vì lượng bệnh nhân rất đông (do chuyển từ BV C Đà Nẵng và BV Đa khoa Đà Nẵng sang). Không ít trường hợp đa chấn thương nặng, phải mổ cấp cứu trong điều kiện chống dịch nghiêm ngặt và cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Bởi vậy, bọn mình có rất ít thời gian liên lạc với gia đình. Sau này công việc vào guồng, mình cũng chỉ có 5-10 phút buổi tối gọi video call về cho vợ, con. Chỉ vài phút ngắn ngủi nhưng quý giá vô cùng”.

Qua cuộc gọi, chỉ cần nhìn thấy nụ cười, nghe được lời vợ động viên “cố gắng vượt qua thời điểm khó khăn này để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, cùng những câu nói nhí nhảnh của con lớn: “Bố ơi, bao giờ bố mới về?” hay “Bố phải dùng “sức mạnh” đánh bay Covid để sớm về với con nhé”... cũng đủ để các bác sĩ được “giải tỏa” nỗi nhớ, cảm nhận sự ấm áp, hạnh phúc gia đình để tiếp thêm nghị lực “chiến đấu” chống dịch. Có lẽ vì hiểu được điều đó, nên dù rất lo lắng, những người vợ như chị Tạ Thị Loan (vợ Đại úy, BS Nguyễn Văn Mạnh) vẫn nén lòng, thầm lặng dõi theo chồng từ xa.

“Quả thật, những việc làm dù giản đơn, nhưng thể hiện sự quan tâm sâu sắc mà “hậu phương” gửi gắm cho tiền tuyến; giúp các y bác sĩ có thêm động lực làm tốt nhiệm vụ; góp phần cùng Đà Nẵng nói riêng, và cả nước nói chung đẩy lùi dịch bệnh, để y bác sĩ sớm được đoàn tụ với gia đình. Hơn lúc nào hết, mình luôn thấy biết ơn và trân quý vợ vì cô ấy đã thay mình chăm lo cho gia đình trong suốt quãng thời gian này. Càng trong lúc khó khăn, mình mới càng thấy sự hy sinh của hậu phương gia đình là to lớn.

Vững vàng giữa tâm dịch

Trước đó, dòng “tâm thư” viết vội được đăng tải trên trang facebook cá nhân của BS Tạ Bá Toàn (BV Bạch Mai) - thành viên đội phản ứng nhanh được cử vào chi viện “chiến trường” Đà Nẵng khiến nhiều người không khỏi xúc động.

Tranh thủ 5-10 phút nghỉ ngơi buổi tối, BS Mạnh lại gọi điện thoại cho vợ, con để vơi đi nỗi nhớ nhà và có thêm động lực chống dịch.Tranh thủ 5-10 phút nghỉ ngơi buổi tối, BS Mạnh lại gọi điện thoại cho vợ, con để vơi đi nỗi nhớ nhà và có thêm động lực chống dịch. (Ảnh: NVCC)

Trong vài dòng ngắn ngủi, BS Toàn bộc bạch: “Thương con trai của bố, ngày bố nhận lệnh lên đường chống dịch, con trai bố sốt cao 40 độ, nôn mửa, con kêu mệt nhiều. Bố thương lắm, nhưng chỉ biết để trong lòng, vì sự bình an của con trai bố, những người bố yêu thương, vì ở nơi đây cần bố. Sáng nay mẹ điện báo con đã hết sốt, bố mới yên tâm công tác. Mong sao bệnh dịch sớm được đẩy lùi, để bố sớm được về với các con”.

Đó là vào ngày 26/7, khi BS Toàn đưa vợ con về thăm ông bà ngoại. Buổi trưa, khi phát hiện con trai sốt cao hơn 40 độ cũng là lúc anh nhận được điện thoại của BV, thông báo đúng 19 giờ tập trung để bay vào Đà Nẵng, chi viện cho công tác chống dịch Covid-19. Hiểu được nỗi lo của chồng, chị Kim Huế (vợ BS Toàn) đã khéo léo động viên anh yên tâm lên đường công tác; ở nhà chị sẽ chăm sóc, cho con uống thuốc và theo dõi tình hình để thông báo với anh.

Hơn ai hết, BS Toàn biết rõ trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc điều động đột xuất là điều bình thường. Đây cũng chỉ là một trong những khó khăn mà đội ngũ y bác sĩ đang chống dịch phải trải qua. “Nhưng là người bố, khi thấy con trai ốm sốt, nhớ bố rồi khóc nấc trong điện thoại đòi bố về… mình không sao kìm được nước mắt” - BS Toàn tâm sự.

Còn với chị Kim Huế và hai con, BS Toàn chính là người anh hùng trong lòng ba mẹ con. “Thấy chồng làm việc trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi ướt sũng, vết khẩu trang đeo 12 tiếng in hằn trên khuôn mặt mệt mỏi vì có quá nhiều bệnh nhân... người vợ nào không xót xa. Mỗi cuộc gọi ngắn mình và con gọi cho anh, anh đều nói không mệt nhưng mình biết anh đã quá vất vả rồi. Mỗi nghề đều có trọng trách, sứ mệnh riêng và “không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người”. Bởi vậy, mình rất tự hào về chồng. Chồng mình luôn nói rằng gia đình là điểm tựa tinh thần vững chắc của anh, nhưng với mình và con, anh cũng là nguồn động lực lớn lao”.

Nhờ sự tin tưởng, ủng hộ của gia đình, dù việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại tâm dịch Đà Nẵng rất áp lực nhưng tinh thần của anh Toàn luôn vững vàng.

Ấm lòng vì có gia đình, bạn bè, đồng nghiệp sát cánh

Tham gia hỗ trợ tại Đà Nẵng từ những ngày đầu tiên dịch bệnh bùng phát trở lại, BS Trần Thanh Linh (Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của BV Chợ Rẫy - người có biệt danh “Bác sĩ 91” do trực tiếp điều trị cho Bệnh nhân 91), được giao nhiệm vụ thiết lập, chịu trách nhiệm chuyên môn về hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng tại Đà Nẵng.

Tới giờ, BS Linh vẫn nhớ buổi chia tay Ban giám đốc và đồng nghiệp BV Chợ Rẫy dành cho ekip 3 bác sĩ đầu tiên được cử chi viện cho Đà Nẵng. Không khí ấy giống như những người lính sắp lên đường hành quân. “Trong “cuộc chiến” này, chưa biết đến thời điểm nào mới có thể khống chế hoàn toàn dịch tại Đà Nẵng. Chúng tôi lên đường bằng tất cả nhiệt huyết, nỗ lực, trách nhiệm, lương tâm người thầy thuốc, ít ai đặt ra mốc thời gian trở về mà chỉ tâm niệm hai điều: gia đình và nhất định sẽ quay trở về” - bác sĩ Linh tâm sự.

“Gia đình chúng tôi cũng xác định là mình đi hết dịch, tức phải thắng trong “trận chiến” này mới quay trở về. Người Việt mình có điểm rất hay là sống rất tình cảm. Xung quanh gia đình có bạn bè, người thân, tình làng nghĩa xóm… tạo nên sự gắn kết, nên dù có ở xa hay gần tôi đều cảm thấy ấm lòng” - BS Trần Thanh Linh xúc động.

THẢO HƯƠNG - QUỲNH ANH 

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.