Tết Độc lập

Chia sẻ

Đối với người Việt Nam, ngoài Tết Nguyên đán cổ truyền còn có một cái Tết thật đặc biệt. Đó là Tết Độc lập vào dịp Quốc Khánh 2/9.

Với những thế hệ đã từng đi qua chiến tranh, Tết Độc lập bao giờ cũng mang đến nhiều cảm xúc mãnh liệt khó quên. Còn với những thế hệ sinh ra và lớn lên trong hòa bình, ngày Tết Độc lập cũng không kém phần náo nức trong màu cờ đỏ rợp khắp mọi con đường, góc phố. Khắp mọi miền đất nước, từ miền ngược đến miền xuôi, mọi người đều chung một niềm hân hoan đón chào ngày Tết Độc lập. Nhiều gia đình còn tổ chức ăn Tết Độc lập không kém gì Tết Nguyên đán cổ truyền.

Những bức ảnh vô giá về Tết Độc lập ngày 2/9.Những bức ảnh vô giá về Tết Độc lập ngày 2/9.

Hàng năm, cứ đến Ngày Quốc khánh 2/9, gia đình bà Nguyễn Thị Đoàn (P.Mễ Trì, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại tổ chức sum họp con cháu, làm mâm cỗ ăn Tết Độc lập rất ấm cúng. Trên tầng 3 ngôi nhà của bà Đoàn có hai phòng thờ: một phòng đặt Ban thờ tổ tiên, một phòng để ban thờ Bác Hồ. Lý giải về việc thờ Bác trong nhà, bà Đoàn bảo là để các thế hệ con cháu sau này mãi mãi ghi nhớ công ơn của Người đã tìm ra con đường cứu nước, đưa dân tộc thoát khỏi ách nô lệ. Bà Đoàn sinh ra và lớn lên ở Mễ Trì, là thế hệ có tuổi thơ chứng kiến những ngày toàn quốc và Hà Nội kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt, Mễ Trì cũng là nơi hứng chịu mưa bom trong trận chiến 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội. Do địch tập trung bắn phá Đài Phát thanh Mễ Trì để cắt đứt thông tin liên lạc lúc bấy giờ. Trong trận chiến đó, làng Mễ Trì bị thương vong nặng nề. Đến bây giờ, làng Mễ Trì vẫn có một ngày giỗ chung của cả làng vì nhà nào cũng có người bị chết do bom Mỹ rải thảm. Do đó, khi được sống trong hòa bình, bà Đoàn luôn biết ơn Bác Hồ, nhờ lý tưởng của Người đã soi đường chỉ lối cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.

Vì vậy, với bà Nguyễn Thị Đoàn, Ngày Tết Độc lập có ý nghĩa rất thiêng liêng. Năm nào, bà cũng làm mâm cơm đặt lên ban thờ Bác, và tổ chức cho con cháu quây quần ăn uống. Ý nghĩa của bữa cơm ngày Tết Độc lập được bà giảng giải cho con cháu hiểu. Những đứa trẻ vì thế cũng có thêm kiến thức về lịch sử, nhân lên lòng yêu nước qua câu chuyện của bà. Nhà bà Đoàn chỉ là một trong nhiều gia đình trên dải đất hình chữ S đón Tết Độc lập hàng năm trong niềm thành kính, thiêng liêng. Thậm chí đối với nhiều làng quê Việt Nam, và một số đồng bào dân tộc, Tết Độc lập còn trang trọng, thiêng liêng hơn cả ngày Tết truyền thống.

Tại Lệ Thủy (Quảng Bình) - quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tết Độc lập luôn được tổ chức lớn nhất trong năm. Có một câu vè vẫn được mỗi một người dân Lệ Thủy nhắc nhở nhau là: “Dù ai đi đâu về đâu/Mồng 2/9 cũng mong về nhà/Về xem lễ hội quê ta/Dưới sông bơi chải nhà nhà cờ bay”. Cứ đến Tết Độc lập chính quyền và người dân nơi đây lại tổ chức những nghi lễ tâm linh và nhiều lễ hội độc đáo, và các hoạt động báo công, báo hiếu với tổ tiên, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân. Vì thế, cứ đến ngày Quốc Khánh 2/9, người dân Lệ Thủy có đi làm ăn xa cũng đều về quê để đón Tết Độc lập.

Vào ngày Tết Độc lập, những người phụ nữ trong gia đình ở Lệ Thủy sẽ dậy từ rất sớm để đồ xôi, làm thịt gà chuẩn bị mâm cỗ cúng. Theo đó, mâm cỗ cúng được chuẩn bị trang trọng, đặt lên ban thờ để con cháu thắp hương tưởng nhớ công ơn của Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ, cũng như bày tỏ sự thành kính đối với tổ tiên. Sau khi làm cơm cúng xong, mọi người sẽ náo nức đi xem lễ hội đua thuyền ở sông Kiến Giang. Từ người già đến trẻ nhỏ đều nô nức đón Tết Độc lập trong niềm hân hoan xen lẫn thành kính.

Với đồng bào dân tộc thiểu số như đồng bào H’Mông ở Sơn La, cứ đến ngày Quốc khánh 2/9 là tất cả nô nức rủ nhau về thị trấn Mộc Châu (huyện Mộc Châu) để ăn mừng Tết Độc lập. Với họ đây là dịp để bày tỏ lòng biết ơn đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ đã đem lại độc lập, tự do, ấm no cho đồng bào H’Mông và người dân cả nước. Bà con dân tộc H’Mông chuẩn bị ăn Tết Độc lập trước đó cả tuần, cao điểm là từ ngày 29/8-2/9. Thế hệ trẻ người H’Mông được người già truyền lại rằng Tết Độc lập chính là ngày Tết của dân tộc mình.

Cứ thế, Tết Độc lập ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nó không chỉ là một ngày lễ của đất nước, mà còn là dịp để nhắc nhở, giáo dục tình yêu nước đối với mỗi người con nước Việt. Là sự tri ân và khắc ghi công lao trời biển của Bác Hồ, của các anh hùng liệt sĩ, những thương bệnh binh đã hi sinh xương máu của mình để giành độc lập dân tộc. Và một khi Tết Độc lập vẫn còn được mỗi người dân khắc ghi trong tâm khảm, trong sự trang trọng, thành kính, thì những giá trị lịch sử trường tồn của dân tộc vẫn luôn bất diệt. Để rồi mỗi khi sải bước trên những con đường rợp bóng cờ Tổ quốc, mỗi chúng ta càng thấy yêu hơn đất nước mình, sống có trách nhiệm với Tổ quốc, từ đó xây dựng, phát triển đất nước lên tầm cao mới.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển

Đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển

(PNTĐ) - Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz-Canel bày tỏ mong muốn có thêm doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với Cuba về nông nghiệp và chế biến thực phẩm, năng lượng, công nghiệp ô tô, sinh học-dược phẩm và các dịch vụ y tế để phát huy hiệu quả thế mạnh của mỗi nước, đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cả nước chung tay để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cả nước chung tay để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025

(PNTĐ) - Sáng 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025. Sự kiện được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 62 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự Lễ phát động tại điểm cầu UBND TP Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn.