Kỳ cuối: Đau đầu tìm giải pháp bảo tồn

Chia sẻ

Làm thế nào để những giá trị nghệ thuật truyền thống độc đáo của mảnh đất Thăng Long không chỉ được bảo tồn mà còn được tiếp lửa trong đời sống tinh thần người Hà Nội là vấn đề đang đau đáu hiện nay của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật truyền thống.

Trình diễn âm nhạc dân gian tại Đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm)Trình diễn âm nhạc dân gian tại Đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm)

Thực trạng chưa thể vui

Hà Nội đã có những thành công nhất định trong công tác bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Có thể thấy rõ điều đó ở hai trong số di sản nghệ thuật truyền thống của Hà Nội: múa dân gian và hát xẩm. Đầu những năm 2005 trở về trước cả 2 loại hình nghệ thuật này không mấy khi được nhắc tới và cũng chẳng mấy ai biết về sự tồn tại của nó như một di sản của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Mọi việc thay đổi đáng kể khi năm 2006, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội triển khai dự án khôi phục các điệu múa cổ. Qua đó, công chúng mới biết Hà Nội hiện còn hơn 50 điệu múa cổ. Trong đó có những điệu múa hết sức độc đáo, chẳng hạn ở xã Văn Đức huyện Gia Lâm có hai điệu múa là “Lễ chữ” ở làng Trung Quan, “Múa gậy” của làng Chử Xá; xã Quang Trung huyện Phú Xuyên có điệu “Múa bài bông” của làng Phú Nhiêu. Đặc biệt, làng Triều Khúc thuộc huyện Thanh Trì có điệu múa “Trống bồng” hay còn được gọi với tên “Con đĩ đánh bồng”. Đây là điệu múa hết sức độc đáo, người múa là trai làng mặc trang phục giả nữ. Làng Triều Khúc còn có các điệu múa khác như múa “Chạy cờ”, “Múa rồng” thể hiện biểu trưng sức mạnh và hào khí của đất và người Thăng Long - Hà Nội.

Năm 2005, nhóm các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ tâm huyết với âm nhạc truyền thống dân tộc ở Hà Nội do nhà nghiên cứu, cố GS.TS.NGND Phạm Minh Khang đứng đầu đã phục hồi và làm thức giấc những câu hát xẩm Anh Khóa, Ba bậc và đặc biệt là xẩm Tàu điện vốn từng một thời quen thuộc với người Hà Nội…Ở một góc độ, nếu không có những hoạt động như trên, nhiều điệu múa sẽ không được đông đảo người yêu nghệ thuật truyền thống biết đến.

Con số những di sản được quan tâm phục hồi ở Hà Nội có thể còn nhiều hơn thế. Tuy nhiên nó cũng chỉ là số ít trong bình diện chung của toàn bộ di sản văn hóa nghệ thuật của đất nước. Và vì thế, nói về thực trạng của các di sản nghệ thuật truyền thống, các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng không chỉ ở riêng Hà Nội mà ở cả nước, các di sản văn hóa đều đang có nguy cơ mai một.

Nhìn nhận vấn đề bảo tồn nói chung của Hà Nội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đánh giá: “Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa đáp ứng được kỳ vọng của những người trong cuộc, đặc biệt là những người yêu văn hóa Thủ đô. Ta thấy nhiều di sản được đầu tư và hỗ trợ tuy nhiên chưa tương xứng với sự phát triển của thành phố”.

Ở góc độ khác, TS Bùi Hoài Sơn cũng thừa nhận xu hướng mai một các giá trị nghệ thuật truyền thống đang tồn tại trong giai đoạn hiện nay. Ông Sơn cho rằng: “Xu hướng mai một đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như bối cảnh xã hội chịu ảnh hưởng từ quá trình phát triển nhanh của kinh tế xã hội, tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, thói quen, thị hiếu của người dân thay đổi, nhất là do sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội, internet…”.

“Cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa đến các di sản văn hóa ở Hà Nội, để các di sản này thực sự có thể góp phần vào sự phát triển của Thủ đô, thực sự đáp ứng được mong muốn của người dân”- TS. Bùi Hoài Sơn nhận định.

Muốn bảo tồn, giữ lửa cần sự chung tay của nhiều bên

Trong khi nhà nghiên cứu văn hóa quan tâm tới chính sách thì các nhà nghiên cứu ứng dụng thực tiễn, nghệ nhân, nghệ sĩ gắn với các bộ môn nghệ thuật truyền thống ở Hà Nội lại có những quan tâm chi tiết gắn với lĩnh vực mình theo đuổi. Ngoài khía cạnh đam mê chế tác nhạc cụ dân tộc cổ truyền chúng tôi đã đề cập, NSND Xuân Hoạch còn là học trò của đệ nhất đàn đáy Thăng Long xưa, cố nghệ nhân Đinh Khắc Ban. Đồng thời cũng là người được cố nghệ nhân tin tưởng trao lại cho cây đàn quý của mình, đến nay nó đã 100 năm và là cây đàn đáy cổ nhất Thăng Long - Hà Nội.

Hai anh em nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Thúy Hòa thuộc Giáo phường Ca trù Thái HàHai anh em nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Thúy Hòa thuộc Giáo phường Ca trù Thái Hà. 

Có được cơ duyên này là trong quá trình hành nghề, từ những năm 1970, NSND Xuân Hoạch đã tìm tới và học đàn đáy của cố nghệ nhân Đinh Khắc Ban. Thấy người học trò tiếp thu nhanh, lại say nghề, tin tưởng sẽ giữ được tiếng đàn gia truyền của gia tộc, khi chuẩn bị về với tổ tiên cố nghệ nhân đã trao lại cho ông. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, NSND Xuân Hoạch lại đau đáu nỗi niềm giống như của người thầy đàn đáy mình năm xưa. Song song với đó, NSND Xuân Hoạch còn có một mong muốn khác nữa là có học trò chân truyền về xẩm và chế tác nhạc cụ cổ truyền gắn với bộ môn nghệ thuật này. Vậy nên đối với NSND Xuân Hoạch điều ông quan tâm nhất hiện nay là “có được một học trò chân truyền”.

Đối với Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Khuê, việc gìn giữ bản sắc nghệ thuật của Giáo phường Ca trù Thái Hà không phải vấn đề ông quan tâm, bởi lẽ điều đó gia đình ông đã và đang làm tốt từ mấy chục năm qua. Song điều ông quan tâm nhất là “làm sao để có thể phục dựng lại một số bài bản gắn với hát Cửa đình. Trước đây, cùng với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như của TP Hà Nội, tôi mới chỉ hỗ trợ được một phần nhỏ cho các làng Lỗ Khê ở Đông Anh và Cổ Đạm ở Hà Tĩnh”. Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê nói, ông sẵn sàng tham gia phục dựng lại những bài bản, thể cách của ca trù gắn liền với lối hát cửa đình.

Tất nhiên, để ước nguyện của NSND Xuân Hoạch và nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê thành hiện thực, cần có những chính sách mang tính khả thi của ngành văn hóa và thành phố cụ thể về vấn đề này.

Trong khi đó, việc chế tác nhạc cụ ở khu vực phố cổ hiện nay đã thất truyền. Những học trò chế tác nhạc cụ truyền thống trước đây từng gắn với phố cổ hoặc có mối liên quan tới phố cổ thì vẫn còn tồn tại ở những khu vực bên ngoài phố cổ nhưng vẫn thuộc nội và ngoại thành Hà Nội. Có thể nó sẽ thất truyền trong gia đình, nhưng hoàn toàn có thể duy trì được nghề này nếu có sự quan tâm kịp thời và có những ưu đãi dành cho người trẻ muốn theo đuổi cái nghề đặc biệt của dân tộc này.

Ví dụ, có thể tái hiện nghề bằng cách bố trí một không gian trình diễn nằm trong khuôn viên đình, đền... thuộc khu phố cổ dưới sự quản lý, điều hành của ngành văn hóa, và coi đây là một nét văn hóa của Hà Nội.

Đối với những giá trị riêng có trong tính chất âm nhạc cũng như trình diễn của nghệ thuật Hát văn gắn liền với Thăng Long - Hà Nội, Hà Nội vẫn còn may mắn khi vẫn còn hiện hữu những tay đàn, giọng ca bậc nhất như cụ nghệ nhân Hoàng Trọng Kha, và các thế hệ học trò có tâm huyết, đau đáu với nghề. Họ sẵn sàng truyền lại những điều hay, cái đẹp, lề lối trong văn hóa trình diễn gắn liền với nghệ thuật này ở Hà Nội, cũng như giữ cho tiếng đàn giọng văn ở Hà Nội được tốt nhất có thể. Song cái khó ở đây lại xuất phát từ người học. Người học hát văn hiện nay chủ yếu là học hát theo lối tân thời ngày nay để chiều lòng các ông đồng bà cốt nhằm kiếm được nhiều việc làm. Có nghĩa là, người học hiện nay coi đây là một nghề để kiếm sống. Sẽ thật đáng tiếc nếu những giá trị tinh tế nhất, cốt lõi nhất lại bị mai một bởi sự thờ ơ của chính những người hoạt động liên quan đến lĩnh vực này. Vì thế rất cần lớp trẻ tự nhận thức tầm quan trọng và tự nguyện góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị di sản của cha ông.

TS. Bùi Hoài Sơn khẳng định: “Xét về phương diện chung, các di sản văn hóa phi vật thể ở Hà Nội đang có nguy cơ thất truyền do: Bối cảnh xã hội làm cho các di sản này không được thực hành, thị hiếu, thói quen của người dân thay đổi, các nghệ nhân liên quan đến các lĩnh vực này dần già yếu và mất đi khiến cho tri thức liên quan đến di sản văn hóa cũng biến mất theo”. Chính vì vậy, để giá trị di sản nghệ thuật truyền thống không bị mai một và đặc biệt những giá trị tinh túy nhất của di sản không bị thất truyền, rất cần có những nhìn nhận kịp thời thấu đáo để có những kế hoạch phục hồi phát huy giá trị di sản một cách thiết thực nhất.

Bên cạnh nỗ lực của chính quyền, ngành văn hóa thì còn cần sự phối hợp mật thiết của các nhà nhà nghiên cứu, nghệ nhân giàu kinh nghiệm và đặc biệt sự tham gia trực tiếp của lực lượng trẻ có đủ tài và tâm. Có sự nhận thức đúng, chuẩn, có những phản ứng kịp thời, có những nghệ nhân tài ba, tâm huyết, có những người trẻ có trách nhiệm... chắc chắn di sản sẽ được “chấn hưng”, tỏa sáng trong đời sống hôm nay.

Bài và ảnh: NGUYỄN BẢO - ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Global Junior Fashion Week 2025 - Lan tỏa thông điệp về thời trang thân thiện với môi trường

Global Junior Fashion Week 2025 - Lan tỏa thông điệp về thời trang thân thiện với môi trường

(PNTĐ) - Global Junior Fashion Week 2025 - tuần lễ thời trang trẻ em với sự tham gia của các nhà thiết kế đến từ Hà Nội, lan tỏa thông điệp về thời trang bền vững, truyền cảm hứng về trách nhiệm xã hội đến thế hệ trẻ. Mỗi BST, mỗi tiết mục trình diễn là 1 nốt nhạc trong bản giao hưởng của thiên nhiên, mang theo thông điệp về sự sống và niềm hy vọng cho tương lai xanh, tạo nên 1 bản giao hưởng trọn vẹn.
Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

(PNTĐ) -Tối 30/6, đêm Chung kết cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025 - Mrs Grand Vietnam 2025 đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vượt qua 20 thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành, Nguyễn Thị Thưa - cán bộ đang công tác tại Cục Thông tin, Thống kê (Bộ Khoa học và Công nghệ) - đã xuất sắc giành ngôi vị cao nhất: Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025. Câu nói ấn tượng của Nguyễn Thị Thưa trong phần ứng xử đã chiếm được cảm tình của nhiều người là: Nếu có cơ hội, tôi muốn lan tỏa thông điệp rằng: “Phụ nữ có thể làm được mọi thứ, nếu bạn tin rằng mình xứng đáng”.