Việt Nam tăng cường tính hiệu quả của ngoại giao trong năm 2020

Chia sẻ

Với vị trí Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành trung tâm chú ý tại khu vực.

Theo tờ The Interpreter, năm 2020 được đánh giá là năm bận rộn của Việt Nam, với nhiều thách thức đối với chính sách đối ngoại. Ngoài việc giữ chức Chủ tịch ASEAN với mục tiêu chính nhằm ổn định tình hình khu vực, Việt Nam đã và đang đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. “Trọng trách kép” đó đi kèm với những áp lực lớn, đồng thời cũng là thời điểm thuận lợi để Việt Nam thu hút thêm sự chú ý của cộng đồng quốc tế về tình hình tại Biển Đông.

Tuy nhiên, để thực hiện được những chiến lược ngoại giao đó không hề đơn giản, nhưng không phải không thể thực hiện được.

Năm 2020, ASEAN sẽ tập trung vào thực hiện đàm phán liên quan đến Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), trước khi được đưa ra lấy ý kiến chấp thuận vào năm 2022. Với tư cách Chủ tịch, Việt Nam sẽ là đại diện của ASEAN với các đối tác nước ngoài - tiêu biểu là Trung Quốc và quốc gia này có thể sẽ cứng rắn hơn so với Chủ tịch ASEAN tiền nhiệm là Thái Lan, vốn không có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha.

Thêm vào đó, năm 2020 sẽ là năm đầu tiên của Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đây là chiến lược nhằm đối trọng với cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa Bắc Kinh - Washington và là cách để dung hòa các bên trong môi trường chiến lược hiện nay. Trong chiến lược này, Việt Nam sẽ nhấn mạnh những chi tiết liên quan đến “quyền tự do hàng hải” để phù hợp với lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, lợi thế này sẽ không làm vơi bớt đi những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt ở vị trí Chủ tịch ASEAN, nhất là trong vấn đề đàm phán COC, bộ quy tắc được kỳ vọng sẽ ngăn ngừa căng thẳng tại những khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Quá trình đàm phán vốn dĩ đã vấp phải nhiều trở ngại bởi sự bất đồng quan điểm giữa hai bên trong việc giải quyết các tranh chấp.

Theo giới quan sát, việc sớm đạt được COC có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông nhưng điều cốt lõi là nội dung thỏa thuận phải gồm những điều khoản đảm bảo cho mục đích đó. Tờ The Sydney Morning Herald đăng bài bình luận của cây bút Paul Malone chuyên phân tích các vấn đề quốc tế, cho rằng COC là cơ hội để Trung Quốc và các bên ở Đông Nam Á đạt được giải pháp hòa bình về tranh chấp ở Biển Đông.

Trong khi đó, Tổng biên tập tờ Nikkei Asian Review Toru Takahashi nhận định rằng không như giai đoạn soạn thảo ban đầu vốn, ASEAN và Trung Quốc sẽ đối diện nhiều khó khăn trong đàm phán nhằm xóa bỏ những cách biệt lớn về quan điểm. Theo ông, Bắc Kinh thể hiện “bộ mặt hợp tác” trong khi vẫn có các động thái gây căng thẳng trên thực địa.

The Interpreter nhận định, Việt Nam cũng có thể sử dụng vị thế Uỷ viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vốn chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, nhằm lên tiếng về vấn đề Biển Đông, thu hút thêm sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Một cách tiếp cận pháp lý khác mang tính thực dụng hơn, đó là Việt Nam có thể giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua trọng tài quốc tế.

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, Bắc Kinh đang phải đối phó với nhiều vấn đề cả trong nước và ngoài nước, đây có lẽ là cơ hội lớn để Hà Nội củng cố vị thế và tranh thủ sự chú ý của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia có cùng cảnh ngộ.

Tuy nhiên, sử dụng vấn đề pháp lý hay luật pháp trong vấn đề Biển Đông là một chiến lược rủi ro. Bởi lẽ, Trung Quốc vẫn sẽ bất chấp để bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài gây bất lợi cho mình, như cách mà quốc gia này đã làm trong vụ kiện với Philippines hồi năm 2016.

Đương nhiên, không có cơ hội nào trong số này giải quyết được những thách thức mà Việt Nam đang đối mặt. Việt Nam nhận thức sâu sắc được điều này. Nhưng những gì mà họ có thể làm là khai thác tối đa những đòn bẩy ngoại giao tiềm năng, để bảo vệ lợi ích quốc gia tốt hơn.

Cuối cùng, Việt Nam cần phải vận dụng khéo léo thời cơ cũng như các cơ hội về mặt chính trị để tận dụng sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào các vấn đề khu vực, và cụ thể hơn là lợi ích của chính quốc gia mình. Chính sách đối ngoại Việt Nam được đánh giá là có tính bao trùm, khá linh hoạt trong từng thời kỳ. Đặc biệt, với việc đảm nhận “trọng trách kép” giúp cho tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố và sẽ tạo thêm ưu thế cho quốc gia, nhất là khi phải đương đầu với các thách thức trong khu vực.

Hà Nội dường như đã vạch ra được con đường đi đúng đắn, phù hợp riêng cho mình.

HẠNH CHI

Theo https://baoquocte.vn/the-interpreter-viet-nam-tang-cuong-tinh-hieu-qua-cua-ngoai-giao-trong-nam-2020-122346.html

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.