Hiếu hạnh mùa Vu Lan
Một mùa Vu Lan nữa lại về, gợi lên trong sâu thẳm mỗi người con chúng ta biết bao nhiêu nỗi niềm sâu lắng.
Công ơn cha mẹ như trời, như biển
Công ơn cha mẹ như biển trời lai láng, như mạch nguồn chảy mãi không ngừng, cả một đời tần tảo sớm khuya không quản khó khăn gian nan vất vả lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ. Bao nhiêu gian nan đè nặng đôi vai trần gầy gò gân guốc, nắng mưa phủ kín mái đầu giờ đây tóc đã bạc màu pha sương. “Còn cha, còn mẹ thì hơn, mất cha, mất mẹ như dàn đứt dây. Đàn đứt dây còn xoay còn nối, cha mẹ mất rồi con chịu mồ côi”.
Khó mà có thể diễn tả hết được công ơn sinh thành của đấng từ phụ, chính vì vậy mà từ cổ xưa để ca ngợi công lao và đức hi sinh nhiều bài ca dao, bài vè đã ra đời cũng đã in sâu trong lòng mỗi chúng ta. Cho đến bây giờ khi nền kinh tế văn minh phát triển thì những giá trị nhân văn về chữ Hiếu cũng đã được các nhạc sĩ, các nhà thơ, nhà văn viết lên bằng cả tấm lòng hiếu kính. Càng may mắn hơn cho những thế hệ trẻ chúng tôi khi có duyên lành được nghe giảng về chữ Hiếu ngay tại đạo tràng Chùa Nổ (xã Quỳnh Lộc, thị Xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An,) thanh tịnh, tràn ngập ánh đạo từ bi.
Đại đức Thích Hải An trụ trì Chùa Nổ, y vàng trang nghiêm, đôi mắt hiền từ, giọng nói thanh nhã giảng cho chúng tôi nghe về đạo hiếu của một người con. Tất cả phật tử chúng tôi như đang được soi xét lại chữ hiếu của chính mình bằng tất cả tấm chân thành sám hối, nước mắt tuôn rơi tự khi nào giàn dụa trên khuôn mặt mọi người.
Đại đức Thích Hải An thả đăng nhân lễ Vu Lan.
Thầy Thích Hải An chia sẻ, Đức Phật từng dạy rằng, săn sóc người ốm cũng như săn sóc Đức Phật. Nếu người ốm đó lại chính là Cha Mẹ chúng ta, thì sự săn sóc phải ân cần chu đáo gấp trăm ngàn lần.
Trong kinh Phật có nói rằng: “Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên”, dù tu đạo nào, dù có học hay không học, Hiếu là gốc, Hiếu là trên trước, Hiếu là tất cả. Là con người thì phải tròn đạo Hiếu, phải nhớ ân nghĩa và đền trả những ân nghĩa ấy. Trong tất cả các ân nghĩa, có thể nói lớn lao nhất là ân nghĩa cha mẹ. Trong kinh có câu: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực”, nghĩa là: “Cha sinh ta, mẹ nuôi ta, ôi thôi cha mẹ sinh ta cực nhọc, muốn đền đáp ân đức của cha mẹ như với lên trời chẳng cùng”.
Công ơn của cha mẹ thật cao dày, chúng ta muốn đền trả, không thể nào đền trả cho hết được. Rõ ràng mỗi chúng ta từ lúc sinh ra cho tới lớn lên, nên danh nên phận trong xã hội, nếu không có cha mẹ nuôi dưỡng, lo lắng, chuẩn bị cho cuộc đời của chúng ta thì làm sao có được ngày hôm nay, làm sao có thể thành tựu được những gì quí báu trong đời. Có những người lâm vào hoàn cảnh bất hạnh không được sự chăm sóc, nuôi nấng của cha mẹ. Những người này thường ôm lòng oán hận đối với xã hội, đối với mọi người. Do đó gia giáo là điều hết sức quan trọng. Đây chính là phần trách nhiệm nặng nề của cha mẹ đối với chúng ta.
Hiếu là giá trị đạo đức cao đẹp, nhân văn được lưu giữ và truyền lại từ hàng ngàn năm nay. Chữ Hiếu ngày nay không chỉ bao hàm nội dung như chữ Hiếu ngày xưa là tấm lòng tri ân và báo đáp đối với cha mẹ mà rộng hơn đó còn là tấm lòng hiếu hạnh với nhân dân, với cộng đồng...
Gia đình là nền tảng quan trọng, cũng là nhân tố quyết định sự hình thành và phát triển của một con người. Chính vì vậy, Hiếu đạo trong gia đình cũng là yếu tố rất quan trọng nhất là trong bối cảnh xã hội hiện đại như hiện nay. Trong phạm vi gia đình người Việt thể hiện đạo hiếu là sự biết ơn với cha mẹ, tôn trọng cha mẹ, ông bà đó là công ơn sinh thành, nuôi nấng. Đó là sự chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già và thờ cúng khi đã qua đời. Truyền thống này đã có từ rất lâu đời, được duy trì từ đời này qua đời khác, trở thành đạo lý, tập tục, thấm sâu trong tiềm thức mỗi con người Việt Nam.
Hãy báo hiếu với cha mẹ mỗi ngày
Để đền đáp ơn đức sinh thành, những người con chúng ta cần phải hành động ngay trước khi quá muộn. Đừng để khi ngày sau cha mẹ mất mới ghi lời tiếc thương, bia đá vô tri nào đâu có nghĩa gì.
Lễ Vu Lan đã trở thành một lễ hội văn hoá tinh thần chung của xã hội (Ảnh: VOV)
Tại sao chúng ta có thể nói lời yêu thương với bạn trai hay bạn gái của mình mỗi ngày mà người sinh thành và nuôi dưỡng ta lại không được nghe những từ hạnh phúc đó? Như vậy có phải bất công lắm không? Chúng ta rất khó để có thể mở lời nói: “Con yêu mẹ, con thương cha”, nhưng cha mẹ sẽ rất hạnh phúc khi nghe những lời nói đó từ chính những người con của mình.
Hãy tập nói những lời yêu thương với cha mẹ mỗi ngày, không có gì là ngại ngùng khi bày tỏ yêu thương và mang niềm vui đến cho cha mẹ mình. Cha mẹ càng có tuổi, nhu cầu được quan tâm, trò chuyện càng cao. Đó là tâm lý chung của con người khi tuổi về già. Hãy thăm hỏi những câu đơn giản như “Hôm nay cha/mẹ ăn món gì? Có thấy ngon miệng không? Cha/mẹ ngủ ngon không? Cha/mẹ có thấy đau nhức ở đau không? …”.
Có rất nhiều thứ để quan tâm và khuyến khích cha mẹ nói ra những suy nghĩ trong lòng cũng như giúp cha mẹ cảm nhận tình yêu thương chúng ta. Đừng viện lý do bận bịu với công việc xã hội mà quên đi ngày xưa chính cha mẹ cũng vừa làm, vừa chăm sóc ta thật tốt. Một người con tròn chữ hiếu đạo là người con biết khuyến khích cha mẹ đến chùa nghe Pháp, niệm Phật. Tâm an lành thì sức khỏe mới tốt, mới sống thọ được với con cháu.
Chúng ta không nên để cha mẹ ở nhà mà nên khuyến khích cha mẹ tham gia các khóa tu học tại các chùa giúp cho cha mẹ cởi mở, hòa nhập, đặc biệt chống được căn bệnh trầm cảm tuổi về già. Bên cạnh đó, hãy giúp cha mẹ niệm Phật, ngồi thiền tại gia để tăng phúc báu, an lạc cho đời hiện tại. Cuối cùng là chúng ta cần phải sống thật tốt để cha mẹ không phải lo lắng cho mình. Ta không cần phải thật giàu có mới có thể báo hiếu cha mẹ.
Cách báo hiếu tốt nhất là hãy trở thành người có đạo đức, biết yêu thương, tôn trọng mọi người trong cuộc sống này. Hãy để cha mẹ tự hào khi trong mắt mọi người ta luôn là người biết đạo nghĩa, biết kính trên nhường dưới, và luôn biết nổ lực trong cuộc sống này. Để một việc nào đó trở thành thói quen, ta phải luôn suy tư và đặt mình vào việc đó. Kể cả việc yêu thương và bày tỏ tình yêu của mình với người thân, đặc biệt là đối với người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình.
Xin đừng ngại ngùng mà thể hiện tình cảm với cha mẹ, vì đến một ngày nào đó, ta cũng sẽ trở thành cha, thành mẹ, chắc chắn rằng lúc đó ta cũng rất mong muốn con cái của mình nói lời yêu thương và quan tâm mình.
THU NGUYÊN