Đổi mới chương trình, khai giảng không quá 45 phút

Chia sẻ

Ngày 5/9 tới, hơn 22 triệu học sinh cả nước sẽ bước vào năm học mới 2020-2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Đây là năm học đầu tiên ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, bắt đầu từ lớp 1.

Trường mầm non Quang Trung, quận Hà Đông đã sẵn sàng các điều kiện an toàn để đón học sinh tựu trườngTrường mầm non Quang Trung, quận Hà Đông đã sẵn sàng các điều kiện an toàn để đón học sinh tựu trường

Hạn chế tập trung đông người

Đến nay, các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP Hà Nội đều đã hoàn tất công tác chuẩn bị đón năm học mới.

Tại trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm, năm học 2020-2021 có hơn 3.000 học sinh. Trước thềm năm học, trường đã hoàn tất việc sửa sang phòng học, thực hiện công tác vệ sinh trường lớp, trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, máy đo thân nhiệt... Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường đều đã được trang bị kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch Covid-19.

Trường mầm non Quang Trung, quận Hà Đông có quy mô học sinh hơn 750 trẻ, chia làm 20 lớp. Theo cô giáo Đặng Thị Thảo, Hiệu trưởng, công tác khử khuẩn khuôn viên trường học được trường tiến hành đều đặn hàng tuần. Trước thềm năm học mới, giáo viên nhà trường cũng đã tập trung lau rửa toàn bộ đồ dùng, đồ chơi phục vụ việc dạy học bằng dung dịch Cloramin B, thực hiện tuyên truyền tới cha mẹ học sinh về các biện pháp an toàn phòng chống dịch. Sĩ số các lớp học tại trường đều đạt quy định, đảm bảo giãn cách để phòng chống dịch.

Lễ khai giảng năm học mới 2020 - 2021 sẽ được tổ chức thống nhất trên địa bàn TP vào sáng ngày 5/9 theo hình thức trực tiếp (tập trung tại trường học, cơ sở giáo dục). Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu tùy theo điều kiện thực tế, các nhà trường bố trí số lượng học sinh tham dự khai giảng tập trung phù hợp, bảo đảm giãn cách theo quy định; chú trọng nội dung đón học sinh đầu cấp. Các đơn vị, trường học có diện tích nhỏ, hẹp tập trung khai giảng cho học sinh đầu cấp và đại diện học sinh các khối lớp khác. Số học sinh còn lại bố trí dự khai giảng trong lớp học.

Chương trình khai giảng cũng sẽ được tổ chức ngắn gọn (không quá 45 phút). Các đơn vị, trường phân luồng đón học sinh ngay từ cổng trường để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 (đo thân nhiệt, phát bổ sung khẩu trang, sát khuẩn tay, hướng dẫn vị trí tập trung...). Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, đại biểu có biểu hiện ho, sốt, khó thở không đến trường tham dự khai giảng; cha mẹ học sinh không đưa con vào trong trường học, không tụ tập đông người phía ngoài cổng trường.

Sở GD-ĐT yêu cầu, sau khi học sinh đi học, nhà trường không được tổ chức các hoạt động tập thể, tập trung đông người, hoạt động ngoại khóa, tham quan... Việc tổ chức chào cờ thực hiện tại lớp học, hạn chế các hoạt động có sự tham gia của nhiều lớp. Các trường có tổ chức ăn bán trú không tổ chức ăn tập trung đông người.

Điều chỉnh nội dung dạy học

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình Giáo dục phổ thông đổi mới bắt đầu từ lớp 1. Đối với các lớp 2, 3, 4, 5, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo tinh giản chương trình hiện hành theo hướng tiếp cận chương trình GD phổ thông mới tăng tính tích hợp nhưng vẫn giữ yêu cầu cần đạt của chương trình. Thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay).

Việc điều chỉnh nội dung dạy học này nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và bảo đảm thực hiện chương trình trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Theo đó, 10 môn học sẽ điều chỉnh nội dung dạy học, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh Học, Tin học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tích hợp một số nội dung thành các chủ đề; điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Đặc biệt, sẽ không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung không được hướng dẫn: Không dạy; học thêm; khuyến khích học sinh tự đọc, tự làm, tự thực hiện.

Xác định giáo viên là lực lượng quan trọng quyết định thành công triển khai Chương trình, Bộ GD-ĐT yêu cầu các nhà trường, các địa phương cần làm tốt công tác bố trí, sắp xếp giáo viên đảm bảo số lượng, cơ cấu và chất lượng.

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, đến nay, toàn bộ 772 trường tiểu học và trường phổ thông có cấp tiểu học của Hà Nội đã phối hợp với các nhà xuất bản tập huấn cho giáo viên tất cả các môn về SGK mới, bảo đảm 100% giáo viên dạy lớp 1 năm học mới 2020 - 2021 sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về giảng dạy SGK mới.

Xử lý nghiêm nếu để xảy ra tình trạng lạm thu

Đầu mỗi năm học, vấn đề được nhiều PHHS quan tâm là có xảy ra tình trạng lạm thu hay không? Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, vừa qua, Bộ đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh thực hiện các khoản thu đầu năm học 2020-2021. Trong đó, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh các địa phương phải lập đường dây nóng, chủ động rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng lạm thu.

Tại Hà Nội, năm học 2020-2021 sẽ thực hiện giữ nguyên mức học phí tại các cơ sở giáo dục công lập như năm học 2019-2020. Theo ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, đối với các khoản thu khác, các nhà trường trên địa bàn sẽ phải thực hiện nghiêm theo Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND của UBND TP; không thực hiện thu, chi khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định; không trực tiếp thu kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Cũng theo ông Chử Xuân Dũng, các nhà trường khi thu tiền của người học phải thực hiện trả chứng từ thu kịp thời, đầy đủ, đúng quy định; tuyệt đối không giao nhiệm vụ cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền. Đặc biệt, nhà trường cần lưu ý thực hiện việc giãn thời gian thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm. Tuyệt đối không được để học sinh vì gia đình khó khăn không có tiền đóng góp mà phải bỏ học.

Bài và ảnh: TRUNG THU

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.