Nhà hát online: Tương lai sân khấu thời công nghệ?

Chia sẻ

Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, câu chuyện xây dựng “nhà hát online” trở thành “cứu cánh” cho nền sân khấu - giải trí trong bối cảnh bệnh dịch, và xa hơn nữa sẽ là tương lai của nền sân khấu trong thời đại 4.0, lại được nhiều người quan tâm.

Đầu tháng 5, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông đã họp bàn với lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn để cùng xúc tiến cho giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0. Theo ý tưởng đó, trước mắt, Cục sẽ đưa các chương trình nghệ thuật có sẵn của 12 nhà hát thuộc Bộ VHTT&DL để phát trên nền tảng kỹ thuật số. Sau đó sẽ mở rộng ra tất cả các nhà hát trên toàn quốc. Khán giả có thể truy cập vào kênh này để xem một số tiết mục, chương trình hoặc vở diễn của một số nhà hát.

Cảnh trong vở "Bệnh sĩ" của Nhà hát kịch Việt Nam.Cảnh trong vở "Bệnh sĩ" của Nhà hát kịch Việt Nam.

Ngày 22/8, vừa qua, một chương trình xứng danh “nhà hát online” đã được phát trực tiếp trên sóng VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam. Đó là hòa nhạc “Giai điệu tổ quốc” được thực hiện tại Nhà hát Lớn Hà Nội, mà không hề có khán giả tại chỗ. Đối diện với sân khấu là hơn 500 ghế trống. Các nghệ sĩ phải vận dụng trí tưởng tượng để hình dung mình đang biểu diễn trước hàng triệu khán thính giả đang ngồi trước màn ảnh nhỏ. Một công việc đầy thách thức, nhưng là giải pháp an toàn cho cả các nghệ sĩ và công chúng trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Từ khi dịch Covid-19 khởi phát trên thế giới, ở rất nhiều nơi bị “cách ly xã hội” hay bị phong tỏa đã có những chương trình được thực hiện hoàn toàn không có khán giả trực tiếp, chỉ phát trên các nền tảng kỹ thuật số khác nhau, từ Youtube, Fanpage đến truyền hình. Đây là cách thức duy nhất để có thể mang các chương trình đến tận nhà khán giả, khi họ không thể đến rạp hát để thưởng thức. Đồng thời đó cũng là một phong trào thể hiện sự kết nối của các nghệ sĩ khi muốn đưa nghệ thuật đồng hành với công chúng trong cuộc chiến chống Covid-19. Và như thế, các chương trình dạng “nhà hát online” chứa đựng những thông điệp đẹp đẽ về sự kiên cường của nghệ thuật giữa dịch bệnh.

Ở Việt Nam, suốt mùa dịch năm nay đã có nhiều chương trình mang tính kết nối giữa các nghệ sĩ, được phát trực tuyến trên Yotube để phục vụ khán giả đã để lại những ấn tượng đẹp.

Xa hơn nữa, hình thức phát trực tuyến trên các nền tảng kỹ thuật số như Facebook, Fanpage, Youtube hoàn toàn không có gì mới kể từ khi truyền thông xã hội bùng nổ. Nhà nhà “phát trực tiếp”, người người có thể livestream như “hội chợ”.

Trong “cái chợ online” ồn ào đó, công bằng mà nói vẫn là một thị trường lớn của nghệ thuật, chẳng hạn các dịch vụ phim trực tuyến như Netflix đang đe đọa mô hình phát hành phim truyền thống. Với âm nhạc thì từ lâu, môi trường kỹ thuật số đã trở thành đại lộ để đến với công chúng, thậm chí lượng khán giả trên đó thành thước đo cho thành công của tác phẩm cả về mặt nghệ thuật và thương mại.

Trong bối cảnh đó, bộ môn nghệ thuật sân khấu chắc chắn sẽ không là ngoại lệ. Nhiều người có thể nghĩ rằng, với đặc thù là tính tương tác rất cao giữa khán giả và sân khấu, cho nên sân khấu còn lâu mới có thể… online được. Khán giả cần đến thưởng thức trực tiếp tại nhà hát. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ sân khấu cũng rất khó có thể diễn được một cách hết mình trước các hàng ghế trống. Bởi họ không giống như diễn viên đóng vai trên phim trường, hay ca sĩ trong phòng thu âm – họ là những người nhập vai trực tiếp.

Ý kiến đó cũng rất có lý. Có thể nhà hát online sẽ không loại trừ nhà hát truyền thống, nhưng nó sẽ tồn tại song song, phục vụ đồng thời cả hai đối tượng: Khán giả trực tiếp đến sân khấu và khán giả qua màn ảnh nhỏ. Sự kết hợp này tại Việt Nam từ chục năm trước đã có một thể nghiệm – đó là chương trình Nhà hát truyền hình trên VTV. Theo đó, mỗi vở diễn sân khấu không chỉ đón khán giả tại rạp mà còn được truyền hình trực tiếp trên tới hàng triệu người. Chương trình này ban đầu rất “hot” vì nó đánh trúng vào tâm lý tôn sùng các chương trình được truyền hình trực tiếp của khán giả Việt, nhưng sau đó cũng đuối dần. Thời đại 4.0 hình thức “phát trực tiếp”, “livestream” đã bão hòa, hai chữ “trực tiếp” trên truyền hình không còn là lời mời gọi hấp dẫn nữa, nếu nó không thực sự hấp dẫn.

Cho đến nay mô hình “Nhà hát online” này vẫn đang trong quá trình xây dựng, nên còn quá sớm để khẳng định là có thành công hay không. Nhưng có thể nói ngay rằng, dù dịch Covid-19 còn kéo dài hay sẽ sớm được kiểm soát, thì việc đưa các tác phẩm sân khấu lên môi trường kỹ thuật số (bằng cách phát trực tiếp từ Nhà hát hay chỉ là đăng tải các video tác phẩm) để tiếp cận khán giả là con đường tất yếu. Nhưng nó có đem lại hiệu quả, trở thành cứu cánh cho sân khấu trong thời đại 4.0 hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng của chính các chương trình sân khấu đó, sau đó là cách thức quảng bá.

Mỹ Nguyễn

Tin cùng chuyên mục