Để ly hôn là một cuộc chia tay văn minh

Chia sẻ

Ly hôn là điều không ai muốn, nên nếu có thể, hãy giữ lại cho nhau chút tình nghĩa. Bởi trước khi đổ vỡ, vợ chồng từng có những giây phút hạnh phúc và những đứa con chung.

Những cặp vợ chồng vẫn nắm tay nhau sau khi ly hôn

Nam ca sỹ nổi tiếng Bằng Kiều và người vợ xinh đẹp Trizzie Phương Trinh đã từng có với nhau một hạnh phúc viên mãn với ba đứa con rồi chia tay trong sự ngỡ ngàng của nhiều người hâm mộ. Ngạc nhiên hơn, hậu chia tay cả hai vẫn cư xử nhã nhặn, dành cho nhau những lời tốt đẹp, tôn trọng. Đặc biệt, mới đây, Trizzie Phương Trinh tiết lộ, mỗi năm, chồng cũ vẫn đều đặn trợ cấp 100.000 USD (2,3 tỷ đồng) cho mẹ con cô - một con số không hề nhỏ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Không ít người đàn ông khi ly hôn, họ chọn ra đi với hai bàn tay trắng, toàn bộ tài sản đều để lại cho vợ con. Chẳng phải vì giàu có, mà bởi họ cảm thấy mình đã có lỗi với tuổi trẻ của người mình từng gọi là vợ. Đó chỉ là một trong những điều họ muốn bù đắp lại cho người phụ nữ mình đã từng yêu thương, mặn nồng. Câu chuyện hậu ly hôn của chị Chi là một ví dụ. Vợ chồng chị Chi chia tay sau một thời gian ly thân mà không thể hàn gắn được tình cảm. Thế nhưng, sau khi ly hôn, chị vẫn dành cho chồng cũ một sự tôn trọng nhất định. Trong lời nói của chị và chồng cũ không có sự hằn học hay bêu xấu đối phương. Trước khi ra Tòa, cả hai thỏa thuận về nuôi con và chia tài sản. Do mới có một con chung nên chị Chi được quyền nuôi con, còn anh Phương – chồng chị sẽ chu cấp hàng tháng, tùy vào mức thu nhập của anh. Mỗi tháng, vợ chồng chị sẽ dành một đến hai ngày cùng nhau đưa con đi chơi, để bé không cảm thấy hụt hẫng.

Chị Chi nhanh chóng quen với cuộc sống chỉ có hai mẹ con, tự tìm cho mình những niềm vui khác trong cuộc sống. Còn Phương, đơn giản là anh xách một vali quần áo rời khỏi căn nhà đang sinh sống suốt mấy năm qua. Cuối tuần, anh vẫn về thăm con. Kỳ lạ, sau ly hôn, anh lại dành cho mẹ con chị nhiều thời gian hơn, có hôm còn dùng bữa tối hoặc ngủ lại cùng con.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, Trung tâm Tuổi trẻ và Hạnh phúc nhớ lại một cuộc ly hôn khiến bà cảm động mãi. Người chồng đi công tác nước ngoài và có tình cảm với người phụ nữ khác. Sau khi nghe chồng thành thật về việc đã ngoại tình và có con riêng, dù rất đau đớn, chị vợ vẫn nhẹ nhàng nói: Vậy thì anh phải có trách nhiệm với mẹ con cô ấy. Chúng ta sẽ tính ly hôn sao cho con không bị tổn thương. Hai vợ chồng thống nhất để hai con cho vợ nuôi, còn chồng trợ cấp nuôi con đến khi trưởng thành. Phiên tòa diễn ra chỉ trong 15 phút, người chồng đồng ý nhường lại căn nhà tập thể mà cơ quan cấp cho vợ con ở, còn mình thuê nhà ở riêng cùng với vợ mới. Kết thúc phiên tòa, anh chị cùng nhau đi chợ, đón con và ăn chung bữa cơm cuối cùng như chưa hề có việc gì xảy ra. Mỗi ngày, cứ 8 giờ tối, anh chồng lại sang nhà vợ cũ để dạy con học, đến khi các con đi ngủ. Có điều, anh không còn ngủ lại với vợ con nữa. “Tâm sự với tôi, chị nói, khi quyết định ly hôn, chị đã khóc và suy nghĩ rất nhiều. Ai cũng muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và vẹn toàn, ly hôn là điều không ai mong muốn. Nhưng, khi tình cảm không còn như xưa thì không nên níu kéo, và sau tình nghĩa vợ chồng, anh chị còn tình bạn. Cao hơn cả, chị sợ các con bị tổn thương. Chính vì vậy, chị để các con nhận ra rằng, dù bố không ở cùng với các con nhưng vẫn sẽ luôn yêu thương, quan tâm và chăm sóc các con mỗi ngày” – bà Túy kể.

Đừng để sự tranh giành của cha mẹ trở thành cú sốc trong tâm hồn con cái

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, trước kia, chỉ khi vợ chồng sống với nhau khá lâu, mâu thuẫn nảy sinh, đã cố gắng, tìm mọi cách khắc phục, hàn gắn, bất đắc dĩ lắm mới nghĩ đến ly hôn. Nhưng ngày nay, những đôi vợ chồng trẻ có quan điểm “ở được với nhau thì ở, không ở thì giải tán cho sớm!”. Chính vì vậy, tỉ lệ các cuộc ly hôn diễn ra ngày càng nhiều.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đã có khá nhiều vụ ly hôn suôn sẻ, đó là những cặp vợ chồng còn trẻ, thuận tình ly hôn, cả hai cùng có khả năng độc lập về tài chính, con cái chưa có hoặc có mới chỉ 1 con. Nhưng cũng có khá nhiều đôi lây nhây, tranh cãi, chửi bới nhau, làm mọi việc trở nên “lanh tanh bành” trước khi chia tay. Đây thường là những đôi một bên muốn chia tay, bên kia muốn níu kéo, bên này khá giả, bên kia phụ thuộc kinh tế. Rồi, cả hai tranh nhau nuôi con, tranh nhau tài sản, chủ yếu là lặt vặt, phía người chồng không chịu “đền bù tuổi xuân” cho vợ, bắt cô ấy ra đi với hai bàn tay trắng.

Trong nhiều vụ ly hôn, người phụ nữ vô cùng thiệt thòi. Đi làm dâu 5 – 7 năm, nhưng ở nhà của bố mẹ chồng, nên không có gì để chia, nghĩa là “đến thế nào, đi thế ấy”, với hai bàn tay trắng và dắt theo đứa con. Nhiều chị em phụ nữ cố gắng đấu tranh để con đỡ thiệt thòi, phải có chút tài sản, tài chính, nên mới vất vả, chi li. Nhiều anh đàn ông không muốn bỏ vợ, lý do anh ta bạo lực hoặc ngoại tình, vợ không thể chấp nhận phải viết đơn ly hôn. Níu kéo vợ không được, người đàn ông dùng biện pháp kinh tế để phá đám, trả thù. Lúc này, anh ta không nghĩ đến con nữa, mà dùng mọi cách để vơ vét tài sản chung, mong sao cho vợ xót quá mà từ bỏ ý định ly hôn.

“Việc chi li hay tham lam trong phân chia tài sản khi ly hôn chỉ làm cho chút tình người, sự tôn trọng còn sót lại giữa hai người tan biến nốt. Không ít trường hợp đẩy hai người vào hận thù, lôi kéo đứa con về mình làm đồng minh hoặc ngăn cản nhau thăm nom con sau ly hôn, khiến cho cuộc ly hôn để lại hậu quả nặng nề đến nhiều năm sau, thậm chí cả quãng đời còn lại” – chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho biết.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cũng có nhiều cặp vợ chồng đã ứng xử với nhau rất văn minh sau khi ly hôn. Họ không tranh giành, không chì chiết, không xúc phạm nhau trước mặt các con. Họ luôn tạo cho con một không khí ấm cúng, thuận hòa, để con cảm nhận dù cha hoặc mẹ không ở bên thì các con vẫn nhận được sự quan tâm đầy đủ. Chính sự tranh giành, xúc phạm nhau của cha mẹ sẽ tạo ra cú sốc và vết thương tâm lý vô cùng lớn đối với con cái. “Ly hôn là hai người không còn tình yêu, nhưng tình người vẫn phải còn lại, ứng xử với nhau đừng “cạn tàu ráo máng”, bởi hai người ít hay nhiều đã có những năm tháng “đầu gối tay ấp”. Sau ly hôn, cha mẹ hãy ưu tiên mọi thứ cho đứa con chung, đừng biến con trở thành công cụ để bên này lôi, bên kia kéo, mặc cả. Người không nuôi con (do Tòa phán quyết hay tự vợ chồng thỏa thuận) cần đối xử tử tế với người trong tương lai sẽ nuôi con mình và người đó sẽ tạo điều kiện để mình thăm nom, thực hiện nghĩa vụ với con sau ly hôn.

Hơn nữa, nếu vợ chồng chưa có tài sản chung, chỉ có chút ít tài sản không lớn (xe máy, ô tô, ti vi, tủ lạnh…), vài cuốn sổ tiết kiệm, hai bên cần công khai và nên tự thỏa thuận chia, sao cho sau ly hôn, đứa con không bị ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày quá lớn. Nếu có tài sản chung khá lớn như công ty, cổ phiếu, bất động sản… hãy công khai để tòa phán quyết, tránh việc tranh cãi nhau ở tòa” – chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn khuyên.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.