Nghĩa vụ làm dâu

Chia sẻ

Nghĩ tới những điều mẹ chồng gây ra với mình, Phương Anh chỉ biết thở dài xót xa. Không muốn chồng khó xử, nên sau này cô sẽ vẫn đối xử phải phép với mẹ chồng. Có điều những gì cô làm sẽ chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ đúng với phận làm dâu, không hơn không kém.

Buổi sáng một ngày thứ Sáu cách đây 2 năm, Phương Anh mở mắt thức giấc, nhấc chân định bước xuống giường cô bỗng thấy cơ thể nặng nề giống như “đi mượn”. Toàn thân mỏi nhừ, tay chân hoạt động vô cùng khó khăn, không theo ý muốn. Đây hẳn là hậu quả của trận sốt cao đùng đùng tối qua, sau khi cô về nhà trong bộ dạng toàn thân ướt sũng vì dầm mưa.

Số là chiều hôm trước Phương Anh đi dự sinh nhật của bạn thân. Lúc ra về thì trời bất ngờ nổi gió, mây đen ùn ùn kéo đến. Cô liền tăng ga, muốn nhanh chóng trở về nhà nhưng vẫn không sao thoát được. Cơn mưa ập đến quá nhanh, tuôn xối xả. Vì quên không cất áo mưa vào cốp xe, Phương Anh đành nghiến răng chịu ướt, đội mưa về. Cô không muốn về trễ. Hơn ai hết, Phương Anh biết nếu bữa tối không được nấu xong theo đúng giờ quy định, bố mẹ chồng sẽ chẳng thương xót mà mắng nhiếc cô thậm tệ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hôm sau nằm trên giường, cảm nhận từng cơn đau đầu ập đến, nước mắt Phương Anh cứ thế lăn dài, đầy tủi hận. Nếu không phải do bố mất sớm, mẹ đột ngột qua đời thì cô hẳn không bị nhà chồng ngược đãi, xem thường như lúc này. Ngay từ hồi Phương Anh và chồng mới tìm hiểu, mẹ chồng đã tỏ rõ thái độ không thích cô.

Cô nhớ, có lần đến chơi nhà, vô tình nghe thấy bà than thở với bạn bè qua điện thoại rằng: “Bố mất từ khi nó mới mấy tháng tuổi, mẹ lại là dân buôn bán ngoài chợ… Một đứa trẻ lớn lên trong gia đình như vậy, không có sự dạy dỗ của cả bố lẫn mẹ, sợ là tâm tư, tính cách cũng bị “méo mó”, không như người bình thường. Nhà chỉ có hai mẹ con, biết đâu sau này nó rước cả mẹ đẻ về nhà bố mẹ chồng ở cùng; có khi còn bòn rút tiền của chồng để nuôi mẹ… Khi ấy, chả cứ thằng Lâm (chồng Phương Anh), người làm bố, mẹ như tôi cũng phải sống khốn sống khổ”.

Nhiều lần Phương Anh bị mẹ chồng xúc phạm. Đã có lúc cô nghĩ tới chuyện chia tay, nhưng rồi lại phát hiện mình rất yêu Lâm. Chính sự chăm sóc, động viên và thấu hiểu của Lâm đã thuyết phục trái tim và lý trí, khiến cô quyết định đặt “tự ái” sang một bên, đồng ý kết hôn và chấp nhận đối diện với sự ghét bỏ của mẹ chồng. Sâu trong thâm tâm, cô thầm nghĩ, chỉ cần mình đối xử với mẹ chồng thật tâm, chắc chắn sẽ “lay chuyển” trái tim của bà.

Nhưng, từ khi về làm dâu, cô và mẹ chồng thường xuyên xảy ra xích mích. Nhà chồng cô khá đông người, ngoài gian phòng khách cả nhà chỉ có một căn buồng nhỏ duy nhất rộng chừng 8m2, nhưng lại không có cửa, thông với gian chính. Sinh hoạt vợ chồng vì thế gặp vô vàn bất tiện. Đi thuê nhà sẽ tốn một khoản, trong khi bên nhà mẹ đẻ, phòng của cô cũng vẫn còn, lại rộng rãi, chưa kể chỗ đó rất gần cơ quan của cả hai vợ chồng. Phương Anh nghĩ đơn giản rằng, bây giờ khó khăn, vợ chồng nên tiết kiệm, tận dụng mọi sự giúp đỡ để làm đà sau này tách ra… Chồng cô hiểu tính vợ nên rất ủng hộ.

Tuy nhiên, khi Phương Anh thưa chuyện với mẹ chồng, cô liền bị bà mắng xối xả: “Cô nói vậy khác nào tát một cái vào mặt tôi? Cô muốn thằng Lâm sang đấy ở, rồi rêu rao là con trai tôi “bám váy vợ”, chỉ là thằng “ở rể”, rằng tôi không thể nuôi, không thể dạy được con trai mình?... Bao nhiêu con gái gia đình tử tế không ưng, con trai tôi đúng là đui mù mới vớ phải gia đình chợ búa như nhà cô? Cô rốt cuộc cho nó ăn bùa mê thuốc lú gì”. Phương Anh đứng chôn chân nghe mẹ chồng nói, hai hàng nước mắt cứ thế tuôn rơi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

- Mẹ, con dù thế nào cũng vẫn là con dâu mẹ. Mẹ có thể mắng, có thể chỉ dạy con nhưng tuyệt đối không được xúc phạm gia đình con. Đứng trước mặt mẹ, con tự tin nói rằng mình là người tử tế, có ăn học đàng hoàng… Mẹ không nên dùng từ lời nặng nề như vậy - Phương Anh vừa nói vừa lấy tay lau những hàng nước mắt đang lăn dài trên má, rồi cô quay người, trở lại buồng gấp gọn vài bộ quần áo cho vào túi.

Phương Anh dự định tối nay khi chồng về, cô sẽ nói chuyện với chồng rồi ngày mai qua nhà mẹ đẻ ở một vài hôm cho thoải mái. Nhưng… trời chưa kịp tối, cô đã nhận hung tin. Từ điện thoại của mẹ cô, một giọng nam hốt hoảng: “Tôi thấy người phụ nữ này lưu tên cô là con gái. Bà ấy bị tai nạn trên đường. Chúng tôi giúp gọi cấp cứu và đang đưa người vào bệnh viện…”. Phương Anh vô thức trở nên đờ đẫn, luống cuống hỏi địa chỉ rồi bắt xe tới chỗ mẹ. Không may, mẹ cô bị chấn thương sọ não, xuất huyết não trong nặng nên không qua khỏi.

Mẹ qua đời, căn nhà trở thành tài sản thừa kế của Phương Anh. Cô bàn với chồng và xin phép chuyển sang đó ở. Không sống cùng nhưng từ khi mẹ mất đi, Phương Anh luôn nhắc bản thân rằng cuộc sống thật ngắn ngủi và cô sẽ chăm sóc nhiều hơn cho bố mẹ chồng của mình. Vì thế, hầu như tuần nào cô cũng ghé về thăm bố mẹ chồng vài lần, còn mua rất nhiều thứ biếu ông bà.

Có điều, Phương Anh càng cố gắng bao nhiêu, lại càng nhận lại sự kỳ thị, hắt hủi bấy nhiêu. Hoa quả cô mua về bị mẹ chồng quẳng sang một chỗ, có lần bà còn móc máy rằng: “Nhà tôi không ăn đồ “hương hoa” của người đã khuất”. Đồ ăn Phương Anh nấu mang sang biếu, mẹ chồng hết chê nhạt, lại kêu mặn, rồi so sánh cô với con dâu nhà khác…

Từng lời nói, ánh mắt và sự “hắt hủi” của mẹ chồng như ngàn nhát dao đâm vào trái tim Phương Anh. Sau một thời gian làm dâu, cô càng nhận thức rõ ràng một điều rằng, tất cả sự hiếu lễ, chăm sóc và nỗ lực cô làm bấy lâu nay để “hóa giải” mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu dường như đều vô nghĩa. Suy cho cùng, mẹ chồng vẫn luôn coi thường và đối xử với cô như người dưng. Dần dần, cô cũng ít qua thăm bố mẹ chồng hơn, chỉ về nhà khi có việc cần hoặc giỗ, Tết.

Khoảng cách giữa Phương Anh và mẹ chồng có lẽ ngày càng lớn nếu không có sự việc em chồng cô lấy vợ. Mẹ chồng cô có thêm con dâu thứ hai. Khác với Phương Anh, em dâu cô xinh đẹp, trẻ trung, làm nhân viên ngân hàng, gia đình lại khá giả. Khổ nỗi, cô nàng rất lười biếng, quen được chiều chuộng và ích kỷ, keo kiệt, chỉ biết mình. Thời gian đầu ăn cơm chung, cô con dâu thứ hai chỉ đưa một phần tiền cho bố mẹ đi chợ… nhưng rất ít và có tính toán cụ thể từng ngày.

Vì lương của ông bà không nhiều, chỉ hơn 4 triệu mỗi tháng nên khi đi chợ chỉ dám mua các loại rau củ, thịt, đậu thông thường. Chê bố mẹ không biết mua đồ, em dâu cô bàn với chồng sẽ “ở chung nhưng ăn riêng”. Cô nàng còn sắm một chiếc tủ lạnh riêng. Mỗi lần mang đồ ăn qua biếu bố mẹ chồng, Phương Anh đều thở dài ngao ngán. Trong khi tủ của ông bà chủ yếu là rau, hoặc một ít thịt cấp đông gần hết hạn mua giảm giá trong siêu thị; thì bên tủ của con trai, con dâu thứ hai thịt cá đầy đủ, toàn đồ tươi ngon, đắt giá.

Tuần vừa rồi đột nhiên mẹ chồng cô bị sốt xuất huyết, lại đúng dịp bố chồng đi du lịch cùng hội người cao tuổi trong khu; em chồng đưa vợ và con về ngoại dự đám cưới. Mẹ ốm, vợ chồng cậu em cũng chẳng bận tâm, gọi điện phó mặc tất cả cho anh chị. Phương Anh buộc phải ở lại mấy hôm chăm mẹ chồng.

Thấy con dâu nghỉ làm ở nhà, bận rộn dọn dẹp nhà cửa, mua đồ ăn bổ dưỡng chăm sóc mình, lại so với con dâu thứ, lúc này mẹ chồng Phương Anh mới rõ hơn sự hiếu thuận của cô, và nhận ra những việc mình làm trước kia hoàn toàn vô lý. Có điều vết sẹo mẹ chồng để lại trong trái tim Phương Anh không dễ lành. Cô sẽ vẫn đối xử tốt với bố mẹ chồng theo đúng bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ dâu con. Nhưng chắc sẽ cần nhiều thời gian để cô khơi lại tình cảm yêu thương dành cho mẹ chồng như trước kia.

HÀ CHÂU

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.