Đề nghị bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nạn nhân

Chia sẻ

Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPN Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo tham vấn trường hợp cháu N.T.H (SN 2004, trú tại huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, hiện đang tạm trú tại Ngôi nhà Bình yên) nhằm tìm ra hướng đi cho vụ việc cháu bé nghi bị xâm hại tình dục.

Vụ án không được khởi tố vì thiếu chứng cứ

Đến Hội thảo, chị N.T.T (mẹ cháu bé P.T.H (SN 2004) bị nghi xâm hại tình dục nghẹn ngào kể, chồng chị mất từ năm 2017 do tai nạn lao động. Do bị nhiễm chất độc da cam, cháu H bị khuyết tật trí tuệ, có giấy xác nhận của UBND Thị trấn Thanh Sơn, Phú Thọ. Học hết lớp 6, cháu nghỉ học do không biết đọc, viết và đánh vần các con chữ.

Hội thảo tham vấn về vụ việc cháu H tại Ngôi nhà Bình yênHội thảo tham vấn về vụ việc cháu H tại Ngôi nhà Bình yên.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, hằng ngày, chị T đi làm, cháu H trông nhà. Ngày 4/5/2020, chị phát hiện cháu bị chảy máu ở bộ phận sinh dục. Nghĩ con “đến tháng”, chị mua băng vệ sinh cho con rồi tiếp tục đi làm. Khi sang hàng xóm chơi, bà Long – hàng xóm thấy cháu bé đi khập khiễng nên gặng hỏi, H mới khai thật là bị ông Bùi Văn N (SN 1956, hàng xóm) xâm hại tình dục (XHTD). Bà Long bảo cháu H cởi ra xem thì phát hiện thấy vết bầm tím ở chân cháu. “Nghe hàng xóm kể lại, tôi đau lòng quá, vội đưa con đi khám tại bệnh viện tư thì được xác nhận màng trinh không rách nhưng có dấu hiệu bị XHTD. Hai ngày sau, tôi mới đi trình báo công an thì các vết thâm ở đùi con gái đã mờ. Tại cơ quan công an, con gái tôi kể còn bị 5 người đàn ông khác sàm sỡ, đều là hàng xóm, trung niên. Cháu không dám kể với mẹ, vì bị dặn nếu kể sẽ chém chết" – chị T nghẹn ngào.

Theo chị T, do tin tưởng công an đã vào cuộc nên gia đình không chụp lại các vết thương tích trên cơ thể và bộ phận sinh dục cháu bé khi mới xảy ra sự việc. Quần áo cháu bé cũng đã được giặt sạch sẽ.

Kết luận giám định pháp y ngày 14/5/2020 đối với trường hợp cháu H cho thấy, bộ phận sinh dục của cháu H không có dấu hiệu tổn thương; không tìm thấy tinh trùng và xác tinh trùng trong dịch âm hộ của cháu. Trên cơ thể cháu không có thương tích gì. Do đó, ngày 24/6/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Thanh Sơn ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo khoản 1, Điều 157, Bộ luật Tố tụng hình sự vì "Không có dấu hiệu phạm tội". Không đồng ý với phán quyết này, chị T tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi Viện KSND huyện (2 lần). Ngày 20/7, Viện KSND huyện Thanh Sơn mời mẹ cháu H lên làm việc. Tuy nhiên đúng thời gian này, mẹ con cháu H đang trú tại "Ngôi nhà bình yên" để được hỗ trợ, giúp cháu ổn định tâm lý, nên chưa thể có mặt theo giấy mời của Viện KSND huyện Thanh Sơn.

Chưa đảm bảo quy trình tố tụng thân thiện

Sau khi hai mẹ con chị T đang lưu trú tại NBY, Công an huyện Thanh Sơn đã điện thoại nhiều lần cho chị về quê để gặp nhưng sau đó, Công an huyện đã đồng ý làm việc với hai mẹ con chị tại Trung tâm Phụ nữ và phát triển. Bà Lê Thị Phương Thuý, đại diện Ngôi nhà Bình yên cho rằng, sau khi tìm hiểu, cán bộ của Ngôi nhà bình yên nhận thấy, quá trình làm việc của cơ quan điều tra với gia đình cháu P.T.H là chưa phù hợp với trẻ, đặc biệt là với trẻ khuyết tật, có thời điểm hỏi cháu kéo dài tới 7 giờ đồng hồ, cách hỏi và câu hỏi không thân thiện với trẻ vị thành niên, cần được trợ giúp pháp lý. “Điều tra viên đã hỏi với nhiều từ chung chung, từ chuyên môn, hỏi đi hỏi lại nhiều lần cùng một nội dung khiến cháu H cảm thấy sợ hãi, lúng túng, toát mồ hôi… Điều này không đúng với quy trình tố tụng thân thiện với một cháu bé bị khuyết tật trí tuệ” – bà Thúy nói.

Bà Trịnh Thị Lê, Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) cũng cho rằng, với cháu H là dạng khuyết tật trí tuệ, do đó, khi làm việc tại cơ quan điều tra phải có người giám hộ đi cùng. Đồng thời, khi làm việc với cơ quan điều tra, nếu thời gian hỏi dồn dập và quá lâu thì sẽ gây ra rối loạn cho cháu bé. Những lời khai của cháu H dù rời rạc cùng lời làm chứng của hàng xóm, gia đình cháu rất cần được xem xét thấu đáo để vừa tránh bỏ lọt tội phạm, vừa giúp bảo vệ cho cháu bé sau này.

Lo ngại về chứng cứ, bà Dương Thị Xuân, Khoa sức khoẻ, tâm lý trẻ vị thành niên - Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định, hiện tại cháu H trong trạng thái căng thẳng, lo âu, tâm lý không ổn định. “Một vấn đề nữa là cháu bé có kết cấu màng trinh dày, nên khi có dấu hiệu tác động đến bộ phận sinh dục (như quan hệ tình dục), màng trinh rất khó rách, thậm chí không bị rách. Đây là yếu tố y khoa và chúng tôi đang kiểm tra, chưa có kết luận cụ thể. Do đó, chứng cứ rách màng trinh khi bị xâm hại tình dục rất khó xác định” – bà Xuân cho biết.

Còn luật sư Nguyễn Thị Minh Khuê, Hội Phụ nữ Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, mặc dù chứng cứ yếu, nhưng trong quá trình tiếp cận vụ việc, cơ quan điều tra thấy có một mâu thuẫn đáng xem lại, đó là gia đình và các nhân chứng cung cấp là cháu H có các vết xây xước ở chân tay, nhưng kết luận giám định và thời điểm giám định là vào tối ngày 6/5/2020, lại nói không có dấu vết gì cả. Vì vậy, cần phải thu thập thêm tài liệu, chứng cứ để có căn cứ đề nghị cơ quan điều tra xem xét lại vụ việc.

QUỲNH AN

 

Tin cùng chuyên mục

Xét xử cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng: Nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước toà, bị cáo thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của mình là đúng, phù hợp với kết luận điều tra nhưng khi nói lời sau cùng lại khẳng định không lừa tiền vợ chồng Đước.