Phòng ngừa, chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết

Chia sẻ

Tháng 7-11 là thời gian cao điểm của sốt xuất huyết - bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Nếu không chẩn đoán, điều trị kịp thời, sốt xuất huyết có thể dẫn tới tử vong.

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai, sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue, nên được gọi là sốt xuất huyết Dengue (SXHD). Virus Dengue có 4 typ huyết thanh (Den1, Den1, Den3 và Den4). Ở Việt Nam có cả 4 typ huyết thanh này, vì vậy, một người có thể mắc cả 4 typ huyết thanh virus Dengue, có nghĩa năm nay mắc typ Den1, sang năm có thể mắc typ huyết thanh Den2…

SXHD lây truyền cho người bởi muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) và Aedes albopictus (muỗi hổ châu Á). Virus Dengue lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua vết đốt của muỗi Aedes do bản thân con muỗi đó có mang virus Dengue ở tuyến nước bọt của nó.

Những con muỗi này thường đẻ trứng vào nước ngọt sạch (bể, lu, chum, vại chứa nước ngọt, các ao hồ, lốp xe hỏng, chai, lọ chứa nước mưa…). Muỗi Aedes hoạt động cả ban ngày, cả ban đêm, nhất là sáng sớm, chiều tối và chỉ có muỗi cái mới đốt người và truyền bệnh SXHD.

Cách nhận biết bệnh SXHD

PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết: Triệu chứng của SXHD là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thời kỳ ủ bệnh của SXHD từ 3 - 6 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày, sau đó xuất hiện đột ngột sốt cao (kéo dài từ 2 -7 ngày), người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hố mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), có thể kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.
Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Sốt sẽ giảm vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 và kèm theo có xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi hoặc cả 2). Trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng (chảy máu tiêu hóa, thận), kinh nguyệt kéo dài, rong kinh (với phụ nữ) và có thể bị sốc.

Xuất huyết ở da dạng ban, dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân.

Đa số bệnh nhân SXHD thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích; gây biến chứng tràn dịch màng phổi, giảm protein máu, dấu hiệu màng não; nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

Đặc biệt lưu ý, trong bối cảnh dịch hiện nay, nhiều người mắc SXHD thường nhầm lẫn với bệnh Covid-19 do có một số triệu chứng giống nhau như: sốt, đau mỏi cơ. Bởi vậy, khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán.

Chăm sóc bệnh nhân mắc SXHD tại nhà

Khi bác sĩ xác định bệnh nhân mắc SXHD và cho phép chăm sóc tại nhà, gia đình cần lưu ý theo dõi sát phản ứng của người bệnh, nhất là trong 3 ngày đầu (khi chỉ có phản ứng sốt). Theo đó, người bệnh cần nghỉ ngơi tuyệt đối trong môi trường thoáng mát (có điều hòa nhiệt độ là lý tưởng), uống nước có pha bột điện giải oresol theo chỉ dẫn (từ 2 lít/ngày), uống nước hoa quả, sinh tố, bổ sung vitamin C, B1 và ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu năng lượng, giàu protein như cháo thịt nạc, súp…

Khi bệnh nhân sốt phải, giảm nhiệt cơ thể bằng cách: Uống thuốc paracetamol hạ sốt kết hợp với chườm nước mát ở vị trí nách, bẹn và các nếp gấp, lau toàn bộ cơ thể bằng nước ấm, cho bệnh nhân mặc quần áo thoáng. Người bệnh SXHD tuyệt đối không được dùng aspirin hoặc ibuprofen để hạ sốt mà chỉ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ C với liều paracetamol 10-15mg/kg/lần.

Trong ngày thứ 4-7, người nhà đặc biệt chú ý, khi bệnh nhân có dấu hiệu bất thường như mệt lả, vã mồ hôi, chân tay lạnh, đau bụng, nôn, khó thở, chảy máu cam hoặc chân răng, rong kinh… cần đến ngay cơ sở y tế để chữa trị ngăn ngừa biến chứng.

Phòng ngừa SXHD như thế nào?

Muốn phòng bệnh SXHD hiệu quả, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tập trung diệt muỗi và bọ gậy bằng mọi biện pháp từ dân gian đến chất hóa học, đặc biệt ở các địa phương đang có SXHD xảy ra. Đối với diệt muỗi, ngoài các biện pháp dân gian như: xua, bẫy, vợt, dùng hương muỗi… để bắt, diệt muỗi thì phun hóa chất diệt muỗi là một biện pháp rất có hữu hiệu.

Bên cạnh đó, người dân cần triệt để tiêu diệt bọ gây (loăng quăng), không cho chúng phát triển thành muỗi bằng cách: thau rửa chum, vại, lu, các vật dụng dùng đựng nước sinh hoạt và phải có nắp nậy kín, nuôi các loại cá để không cho muỗi vào đẻ trứng. Nếu gia đình, công sở, trường học có dùng lọ cắm hoa, cần thay nước hàng ngày. Ngoài ra, cần vệ sinh môi trường tốt và khơi thông cống rảnh, ao, hồ…để tiêu diệt trứng muỗi và bọ gậy.

Để tránh muỗi đốt, bạn phải nằm màn (cả lúc ngủ ban ngày lẫn ban đêm). Ở công sở, trường học, mọi người tránh muỗi đốt nên đi dày, có bít tất và mặc quần dài ống để tránh hở da vùng chân.

YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.