Chuyện người đàn ông đa nghi và thiếu hiểu biết

Chia sẻ

Người đàn ông không dám đi xe máy tới tận cửa phòng tư vấn tâm lý của chúng tôi, anh sợ có ai là người quen nhìn thấy, nên gửi xe rất xa và đi bộ tới.

Đến cửa, anh cũng phải mắt trước mắt sau, rồi khi thấy không có người qua lại, mới “chạy tọt” vào, dáng của “kẻ đột nhập”. Cung cách vào phòng, cộng với dáng người “cao to đen hôi” của anh khiến cô nhân viên trực văn phòng lo sợ, chạy tới gần chặn lại và hỏi: “Chú ơi, chú đi đâu đấy ạ?”. Chỉ khi cô biết đấy là “khách hàng đến tư vấn”, cô mới thở phào và thú nhận: “Chú làm cháu hết hồn”.

Người đàn ông ấy ngoài 40 tuổi, lấy vợ 15 năm, có 2 con gái, cháu lớn vừa học xong lớp 8, cháu bé năm tới vào lớp 5. Tuy có hộ khẩu ở quận nội thành, nhưng gia đình anh sống ở một khu rất khó khăn, phức tạp về an ninh, trật tự, môi trường. Cả hai vợ chồng anh đều là người lao động tư do. Anh làm đủ nghề, từ bốc vác chợ đầu mối đến chạy xích lô, khi xích lô lỗi thời thì anh chuyển qua chạy xe ôm, kiêm cả “ai thuê gì làm ấy”. Vợ anh cũng là “dân” vận chuyển hoa quả thuê ở chợ đầu mối, nhưng nay đã tự kinh doanh hoa quả.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Lý do anh đến văn phòng tư vấn là nghi vợ có bồ, muốn được các chuyên viên tư vấn hướng dẫn cách bắt quả tang và xử lý thế nào cho đúng, mục đích để vợ biết sợ, lần sau không tái phạm. Khi được hỏi tại sao anh nghi vợ ngoại tình, có bồ, khi không bắt được, không nhìn thấy vợ có người đàn ông khác thì anh kể ra nhiều dấu hiệu. Nào là trước đây vợ chồng rất hăng hái trong chuyện ấy, tuần cứ phải ba lần, có hôm mưa gió, không đi chơi, không chạy xe được, cả hai ở nhà, con cái lại đi học hết, thế mà còn “làm được hai lần”. Thế mà dạo này vợ bỗng tỏ ra không ham hố, chồng có đòi hỏi thì miễn cưỡng đáp ứng, nhưng không thấy rực lửa, có hôm còn kêu mệt. Rồi anh thấy ít quan tâm đến chồng. Trước đây, hay mua đuôi bò hầm về cho chồng nhậu, thỉnh thoảng làm con vịt về đánh tiết canh, nấu nồi bún măng, cả nhà sì sụp. Nhưng giờ chuyện đó không có nữa. Nào là hôm nọ anh về đột xuất, thấy vợ đóng cửa, anh gõ mãi mới mở, hóa ra vợ trong nhà vệ sinh. Hỏi tại sao lại ở trong đó lâu, vợ bảo bị viêm đường tiết niệu, khí hư ra nhiều, ngày thay rửa cả chục lần. Đấy, bản thân anh là người khỏe mạnh, sạch sẽ, ngoài vợ ra anh không ăn nằm với người phụ nữ nào khác, vậy mà vợ “viêm đường tiết niệu”, vậy là do “thằng khác” đổ bệnh vào.

Anh cũng kể khu anh ở là dân “tứ xứ” giang hồ, thất nghiệp, trốn nợ lên Hà Nội tá túc, làm thuê, có người chỉ có mỗi việc “ngày ngủ đêm thức đánh bạc”, nên chuyện sinh hoạt tùm lum là có. Nhiều đêm, đang ngủ, thấy hàng xóm đánh cãi nhau to, hóa ra chồng bắt quả tang vợ đang ôm ấp người đàn ông khác, mà lại là “thằng nghiện”. Chính vì thế, anh cũng nghi vợ “léng phéng” nên mới no xôi chán chè, mới không ham muốn chồng, mới không yêu, không quan tâm đến chồng, mới bị người khác đổ bệnh cho. Anh nói, tra hỏi vợ, vợ chỉ bảo “ông điên à, làm gì có thằng nào?”. Dọa vợ rằng nếu bắt được thì giết cả hai, vợ cũng bảo: “Thích thì cứ theo dõi, không thì ở nhà mà coi”. Anh cũng dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ, như lấy sim rác điện thoại gọi cho vợ kiểm tra, đi làm nhưng về đột xuất, nhưng vẫn không có kết quả. Anh đang định nhờ đứa cháu họ đang học Bách khoa đến lắp cho cái camera theo dõi, nhưng phải lắp bí mật, chờ hôm nào vợ về quê mới dám làm…

Nhận thấy đây là người đàn ông nóng tính, thật thà, ít hiểu biết, sống đơn giản và đa nghi, chuyên viên tư vấn liền khơi gợi, hỏi han anh ấy về đời sống tình cảm, kinh tế của hai vợ chồng, những công việc hàng ngày, những khó khăn hiện nay anh chị phải đối mặt để anh ấy “nhìn rõ mình hơn”. Tâm lý người phụ nữ, nhất là tâm lý tình dục thường phụ thuộc trực tiếp vào cử chỉ, thái độ của người chồng, vào những áp lực của cuộc sống hàng ngày, vào tuổi tác, sức khỏe chung. Chính vì thế, khi đánh giá một người phụ nữ hay người đàn ông, không bao giờ được so sánh hôm nay với “trước đây”, để rồi có những suy diễn lệch lạc đáng tiếc.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hóa ra, anh chị cùng hai con sống trong một căn nhà chỉ hơn cấp bốn một chút, diện tích 24 mét vuông, 18 mét khu ở chính, còn 6 mét cơi nới thêm là khu bếp, vệ sinh, tắm rửa… Gia tài lớn nhất là “hai đứa con”, sau đến cái xe máy anh đang chạy kiếm ăn hàng ngày, rồi đến cái dây chuyền 4 chỉ của vợ anh “lâu lâu đi đâu mới đeo”. Nói chung đi làm đến đâu, có đến đâu thì ăn tiêu hết đến đó. Đợt giãn cách xã hội vừa rồi do dịch Covid-19, anh chị tưởng không trụ nổi. Anh chạy xe ôm thì không ai đi nữa. Chợ không họp thì anh cũng chẳng bốc vác gì cho ai, hoa quả chị cũng chẳng bán được. Bọn trẻ ở nhà đòi học trực tuyến, nhưng nhà không có máy tính, bố mẹ cũng không biết gì, không hỗ trợ được con, bèn gửi các cháu về quê học ké với mấy đứa em con ông chú. Vợ chồng trụ lại, chi tiêu bằng chút tiền tiết kiệm trước đó cũng phải hết sức tằn tiện. Đã vậy, lại còn “chó cắn áo rách”, vợ anh ngã gẫy chân, sợ vào viện tốn tiền, lại sợ bị lây dịch nên anh chỉ đưa vợ đi ông lang chữa theo cách “bó lá”. Cả đời hai vợ chồng chưa biết “nghỉ mát” là gì. Nếu có chỉ là mỗi dịp đầu năm, sau Tết cũng chưa bán hàng, rảnh rỗi thì đi du xuân, lễ bái đây đó một chút thôi. Chị cũng chẳng bao giờ được nhận quà của chồng, chẳng biết đến sinh nhật. Mọi công việc gia đình, từ lo kinh tế, lo cho con học hành, đối nội, đối ngoại hai quê, ma chay, hiếu hỉ… một mình chị lo hết. Anh chỉ có nhiệm vụ đi làm, được bao nhiêu thì đưa vợ. Tối thì đi ăn uống ở ngoài, nếu hôm nào không có hội nào rủ thì về ăn cơm vợ. Ăn xong thì xem vô tuyến một tí rồi ngủ. Tuần gắng sức “duy trì vui vẻ” với vợ đôi ba lần. Vậy là hết.

Khi trò chuyện thêm với người đàn ông này, chuyên viên tư vấn nhận ra rằng anh còn không biết rằng con gái anh 14 tuổi rồi, tức là đã dậy thì, có kinh, sắp lớn rồi, nên vợ chồng cần ý tứ hơn trước khi “vui vẻ” với nhau. Anh cũng không biết rằng người phụ nữ ngoài 40 là cũng “chững lại” với những ham muốn, rồi vài năm nữa chị ấy còn có hiện tượng “tiền mãn kinh”, rồi mãn kinh, kéo theo là sự giảm ham muốn, khô rát khi quan hệ vợ chồng. Anh ấy cũng còn không biết rằng bệnh nấm, viêm nhiễm đường tiết niệu không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục, không phải quan hệ với người lạ bị người ta “đổ cho”, mà đơn giản là bệnh tự phát, tự sinh. Anh ấy còn không biết rằng khi trong đầu người phụ nữ phải lo toan trăm bề, từ việc mai lấy tiền đâu nộp cho con, đến chuyện không biết nồi cá kho để trên bếp đã cất đi chưa… cũng khiến người phụ nữ xao nhãng “chuyện vui vợ chồng”…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sau khi trò chuyện khá lâu, người đàn ông ấy nhận ra “khổ thân cô ấy”, thấy vợ mình thiệt thòi so với nhiều người phụ nữ khác, thấy mình chưa làm gì cho vợ con bớt khổ, thấy mình vô tâm lại còn đa nghi. Trong khóe mắt người đàn ông “cao to đen hôi” ấy, tôi thấy rịn ra một giọt nước mắt, giọt nước mắt của sự tử tế và lương thiện.

Khi câu chuyện đã đến đoạn này, chuyên viên tư vấn không thấy cần thiết phải trao đổi kỹ hơn về các biện pháp phòng chống ngoại tình hay theo dõi bắt quả tang nữa. Đôi bên bàn bạc về cách làm gì để nâng cao đời sống gia đình. Nếu anh ấy vẫn theo nghề chạy xe, thì phải thay đổi. Trước tiên, ăn mặc sạch sẽ, không được nhếch nhác, luộm thuộm. Thứ hai, mua một chiếc điện thoại thông minh vừa phải, học cách sử dụng thành thạo, có thể cài đặt các phần mềm chạy xe công nghệ, giao hàng, tìm đường… Ngày nay vẫn duy trì lối làm ăn cũ là thất bại, là bị “cánh xe ôm công nghệ họ vượt lên”. Dành dụm tiền, sửa sang lại nơi ăn chốn ở một chút. Có thể làm cái gác xép cho con gái lớn sang năm đã học cấp Ba rồi lên đó học bài và ngủ riêng cho yên tĩnh hơn. Cho vợ đi khám lại chỗ chân gãy ở bệnh viện, có chiếu, chụp đàng hoàng, xem việc bó lá có hiệu quả không, có lành hẳn chưa. Nhắc và đưa vợ đi khám phụ khoa ở bệnh viện phụ sản, để chữa dứt điểm bệnh viêm đường tiết niệu…

Cứ như thế, câu chuyện đã trở thành “bàn cách tạo dựng hạnh phúc gia đình”. Người đàn ông gai góc, xù xì ấy đã được rất nhiều bài học, anh ấy bắt tay chuyên viên tư vấn thật chặt và cảm ơn rối rít. Khi ra về, anh ấy bảo: “Chúc bác dồi dào sức khỏe để còn giúp nhiều người như chúng em nữa!”. Anh ấy ra về và chúng tôi thấy vui trong lòng!

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.