Phố nhỏ, ngõ nhỏ nhà ai ở đó?

Chia sẻ

Ngày còn bé, Hà Nội trong tôi là cái gì vừa xa vời vừa tráng lệ, Hà Nội hiện lên qua những câu chuyện kể về gia đình của một bà trong họ, là những chiếc bánh mì quý giá mà các bác, các chú mang về làm quà sau mỗi chuyến “kinh lý thủ đô”.

Và cứ ao ước, mong mỏi được đến. Rồi cũng đặt chân và dần quen thuộc. Đã bớt choáng ngợp với những xô bồ, hiện đại, thấy lắng lòng hơn với những điều đơn sơ, bé nhỏ của mảnh đất này. Thậm chí còn thương, rưng rưng với những góc vất vả, lầm lụi – những phố nhỏ, ngõ nhỏ, nhà nhỏ giữa dọc ngang phố phường, quán xá.

Nhớ mãi lần đầu tiên “được ở Hà Nội” - là năm thi đại học. Địa điểm thi ở trường THPT Chu Văn An, ngẫu nhiên gần nhà cô họ. Ở đó 3 ngày thôi mà có những trải nghiệm khó quên. Vì lần đầu được ra khu sân sau lăng Bác xem lễ duyệt binh, hạ cờ; được thấy một không gian vừa mênh mông, khoáng đạt, vừa trang nghiêm, thành kính đến thế; được thưởng thức những món quà sáng vừa ngon vừa tinh tế vừa… đắt hơn hẳn ở quê. Và ấn tượng nhất là những sinh hoạt trong căn nhà tập thể siêu nhỏ của cô. Không biết nhà được bao nhiêu mét vuông, chỉ biết nhỏ lắm. Nhỏ đến mức mọi thứ đều được treo lên, không có một đồ vật nào thừa, đến mọi thành viên trong nhà cũng có dáng nhỏ nhắn, gầy gò chắc để phù hợp với không gian sống. Không có giường, chỉ dùng chiếu; chiếu trải ra lúc ăn cơm, khi đi ngủ, xong lại cuốn vào gọn gàng không để lại bất kì dấu vết nào. Đối diện là bếp, cùng dãy với một loạt gian bếp của các nhà trong khu. Tất nhiên nhỏ hơn phòng ở. Vừa làm chỗ nấu nướng, vừa là chỗ tắm giặt luôn. Mà mỗi lần vào đó, tôi cảm giác mình sắp sửa được biến hình thành người tí hon hoặc diễn viên xiếc uốn dẻo chuẩn bị chui vào hộp diêm. Dù muốn giúp vô cùng, đành bất lực đứng ngoài nhìn con gái cô trổ tài xoay xở trong cái hộp diêm đó để chuẩn bị những bữa cơm vẫn đầy đủ như thường. Và suốt mấy ngày ở đó, nhà vệ sinh vẫn là điều bí mật.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sau này, có dịp lang thang khu phố cổ mới vỡ ra nhiều điều. Biết rằng không chỉ nhà cô mới nhỏ nhắn như thế. Mà có rất nhiều, rất nhiều những ngôi nhà khác “bé đến không tưởng”. Nhưng người ta không chỉ sống, còn buôn bán, làm ăn quanh năm, suốt tháng.

Ghé vào một hàng bún riêu đang bốc khói thơm lựng, bối rối vì không bàn nào trống nửa chỗ. Được chỉ đi vào ngõ đối diện, nhà số 5. Ôi ngõ- hẻm thì đúng hơn, hun hút, trộn đủ thứ mùi. Nhà số 5 - một căn phòng bé xíu, xếp vài bộ bàn ghế, may quá còn một bàn. Vừa yên vị đã được nhờ đứng dậy để cô phục vụ mở cánh cái tủ lạnh to đùng được tận dụng đang nép vào một góc phòng.

Ăn xong, hỏi nhà vệ sinh, được chỉ đi vào vị trí tận cùng ngõ - cũng là nhà vệ sinh chung. Ôi cái nhà vệ sinh thần thánh, chắc đã tồn tại gần thế kỉ. Nó còn giản dị hơn cả những nhà vệ sinh ở quê, gợi lên cái cảm giác vừa quen, vừa lạ, vừa phục vừa thương. Phục và thương những con người đã gắn bó, làm ăn với những hộp diêm bé nhỏ, những cung cách sinh hoạt có một không hai trong những chốn chật chội, xập xệ, cũ càng giữa thủ đô hoa lệ.

Rời khu ăn uống, lang thang qua mấy con đường ngang dọc như bàn cờ, ra đường chính, ngồi một góc trong quán cà phê nhìn thấy mùa thu đã về trên phố. Nắng trải vàng như mật ong, gió đa tình đùa bỡn đám lá khô lạo xạo. Hình như, nắng, gió cũng thích chu du ở những nơi mênh mông, khoáng đạt. Bỏ quên những chen chúc, ngột ngạt ở những con đường nhỏ hun hút phía trong.

Bỗng nhớ nôn nao câu hát ”phố nhỏ, ngõ nhỏ, nhà tôi ở đó. Đêm lặng nghe trong gió, tiếng sông Hồng thở than”.

Có một Hà Nội rộng lớn, hiện đại, vẫn có một Hà Nội nhỏ bé, chật chội đến rưng rưng!

NHẤT MẠT HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

(PNTĐ) - Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen Hoa Học Trò đã hỗ trợ nữ nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim nhiều kiến thức trên hành trình làm mẹ. Cùng với một số cuốn sách chị đã xuất bản như "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay", "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", các bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội của chị cũng luôn được đông đảo các bậc cha mẹ đón đọc.
Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

(PNTĐ) - Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.