Tập trung giải quyết những vướng mắc đưa 10 dự án điện chậm tiến độ vào vận hành

Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 7/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì phiên giải trình “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo giải trình.


Quang cảnh phiên giải trìnhQuang cảnh phiên giải trình.

Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáoBộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ: Trong giai đoạn 2011-02019, ngành điện đã hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó, xứng đáng là một trong những trụ cột của nền kinh tế đất nước. Trong bối cảnh tăng tưởng nhu cầu điện năng luôn ở mức cao, ngành điện đã có nhiều cố gắng trong phát triển và cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.

Tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh, tăng 2,35 lần so với năm 2010 (101,4 tỷ kWh). Sản lượng điện tăng khoảng 10 lần từ năm 1990 đến 20219.

Về công tác đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện đã có sự phát triển mạnh mẽ và là điều kiện quan trọng cho việc đảm bảo an ninh cung ứng điện. Công tác đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm để đảm bảo thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới và hải đảo.

Đến nay, 100% số xã và 99,52% các hộ dân được sử dụng điện, trong đó 99,25% hộ dân nông thôn trên cả nước được sử dụng điện. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, tạo điều kiện để ngành điện từng bước tự chủ về tài chính, có đủ năng lực cho đầu tư phát triển.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng bình quân của nguồn điện giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13%/ năm. Giai đoạn 2016 - 2019, tăng trưởng xây dựng nguồn điện đã sụt giảm đáng kể với bình quân chỉ đạt 8%/năm. Trong đó, thủy điện giảm nhiều nhất, chỉ còn bình quân 5%/ năm; nhiệt điện than chỉ còn bình quân 10%/ năm.

Lý giải về nguyên nhân chủ yếu này là thủy điện đã khai thác hầu hết tiềm năng kinh tế trong giai đoạn trước; nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng.

Cụ thể, 10 dự án nguồn điện lớn dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2016 - 2020 theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng bị chậm tiến độ sau năm 2020 như: Thái Bình 2,  Cẩm Phả 3, Sông Hậu 1, Long Phú 1, Na Dương 2, Công Thanh...

Còn các nguồn điện năng lượng tái tạo mà chủ yếu là điện mặt trời thì đang tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với mục tiêu quy hoạch. Điều này do tác động từ chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Nhà nước.

Bộ Công Thương phân tích, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu phụ tải trong giai đoạn tới về cơ bản sẽ thấp hơn so với các kết quả dự báo trước đây. Theo kết quả dự báo mới nhất do Viện Năng lượng (Bộ Công thương) tính toán cho đề án Quy hoạch điện VIII, ở kịch bản cơ sở, nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030 với điện thương phẩm năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh. Theo đó, điện thương phẩm sẽ giảm 15 tỷ kWh vào năm 2025 và khoảng gần 230 tỷ kWh vào năm 2030 so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Tuy nhiên, do nhiều nguồn điện lớn bị chậm tiến độ nên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với công tác cung ứng điện trong giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, để đảm bảo cân đối cung cầu điện từ năm 2021, ngành điện cần nghiên cứu các giải pháp vận hành để sử dụng tối đa các nguồn điện hiện có và giải pháp tăng cường phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo do có thể triển khai xây dựng nhanh.

Bộ Công Thương đưa ra các giải pháp là tiếp tục khai thác hợp lý các nguồn điện mặt trời và điện gió. Các nguồn điện này cần được bổ sung sớm để đưa vào vận hành trong các năm từ 2021 - 2023 để bù lại phần điện năng không cung cấp được của các nhà máy nhiệt điện bị chậm tiến độ.

Ngoài ra, ngành điện cần tiếp tục ký kết các hợp đồng mua bán điện để nhập khẩu điện từ Lào phù hợp với Biên bản ghi nhớ đã ký giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; đảm bảo tổng công suất nhập khẩu từ Lào năm 2025 khoảng 3.000MW đồng thời xem xét tăng sản lượng nhập điện qua cấp điện áp 220 kV từ Trung Quốc.

Trong giai đoạn trung hạn và dài hạn, ngành điện sẽ ưu tiên phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời; chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống; phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Bên cạnh đó, ngành điện cũng bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường hợp tác, xuất nhập khẩu điện với các nước trong khu vực để đảm bào an ninh cung cấp điện; xây dựng lưới điện thông minh để đáp ứng yêu cầu vận hành linh hoạt, tích hợp được với tỷ lệ lớn các nguồn năng lượng tái tạo. 

Tại phiên giải trìnhTại phiên giải trình

Kết luận phiên giải trình, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Phải tập trung xử lý, giải quyết những tồn tại, vướng mắc để đưa 10 dự án điện chậm tiến độ vào vận hành, nhất là các dự án Long Phú 1, Thái Bình 2, Vũng Áng 2… Triển khai các tuyến truyền tải điện đã được phê duyệt, đã có quy hoạch trên nguyên tắc đã có dự án nguồn điện cần phải có dự án đường truyền để điện đi từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ một cách tốt nhất. Xử lý triệt để vấn đề môi trường đang tồn tại ở các nhà máy.

2. Khẩn trương xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và thông qua quy hoạch của ngành năng lượng nói chung và quy hoạch sơ đồ điện VIII nói riêng đảm bảo có tầm nhìn, có sự kế thừa sơ đồ điện VII điều chỉnh, có cơ cấu hợp lý, lấy hiệu quả làm chính, tránh tư tưởng cục bộ của các bộ, ngành, địa phương. Ví dụ, sơ đồ điện VII rất nhiều địa phương đề nghị dự án điện than (nhưng khi có quy hoạch rồi lại thực hiện không nghiêm), song lại từ chối và hiện nay nhiều địa phương lại đề nghị điện khí hóa lỏng, điện mặt trời, điện gió…. (Chưa bao giờ UBTVQH nhận được nhiều công văn của các địa phương, các đoàn ĐBQH như thời gian qua và theo tôi, quy hoạch VIII nên có độ mở cho hợp lý).

3. Cần áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại có khả năng tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm chi phí, giảm thải tác hại môi trường. Cần tập trung xử lý các vấn đề cần được giải quyết hiện nay của ngành năng lượng. Hết sức chú ý đến ngành cơ khí, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ… để giúp các doanh nghiệp này phát triển.

4. Về cơ chế giá điện: tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện đảm bảo các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng, khắc phục cho được cách tính giá điện chưa hợp lý như hiện nay.

5. Phát triển ngành năng lượng phải gắn với đảm bảo môi trường, xử lý kịp thời vấn đề môi trường, hướng tới một nền năng lượng xanh, sạch, tiết kiệm và hiệu quả.

6. Sớm sửa đổi một số luật có liên quan đảm bảo sự thống nhất, tránh chống chéo và tháo gỡ được khó khăn cho phát triển ngành năng lượng. Trước mắt là sửa đổi các luật: Luật Điện lực, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Bảo vệ môi trường.

7. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền để thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất, sử dụng năng lượng đảm bảo an ninh năng lượng trong tình hình mới.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Đoàn công tác thành phố Hà Nội dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Cam Ranh

Đoàn công tác thành phố Hà Nội dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Cam Ranh

(PNTĐ) - Ngày 17/4, trong khuôn khổ chuyến công tác đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, Đoàn công tác của thành phố Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến làm Trưởng đoàn cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các quận, huyện, sở, ngành đã tới dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Kiểm tra công tác quản lý đất đai 9 dự án ở An Giang

Kiểm tra công tác quản lý đất đai 9 dự án ở An Giang

Cơ quan chức năng tỉnh An Giang phải cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác quản lý đất đai đối với 9 dự án nằm trên địa bàn. Trong đó một số dự án từng bị Thanh tra Chính phủ kết luận có nhiều sai phạm.