Khai mạc trọng thể Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41

Chia sẻ

(PNTĐ) – Sáng 8/9, Đại hội đồng lần thứ 41, Hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA 41) với chủ đề "Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, theo hình thức trực tuyến.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 chủ trì hội nghị; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 tham dự. Tại 43 điểm cầu trực tuyến Đại hội đồng AIPA 41 có sự tham dự của 10 đoàn đại biểu nghị viện thành viên AIPA, 12 đoàn nghị viện quan sát viên AIPA.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạcChủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc AIPA 41

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch AIPA 41 nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 43 năm của AIPA, Đại hội đồng AIPA được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Trong lúc đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng tới các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội của mọi quốc gia trên toàn thế giới, việc chúng ta tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của các nghị viện đồng hành cùng Chính phủ các nước ASEAN vượt qua khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh, tiến lên phía trước vì ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân, vì sự hợp tác và phát triển của Cộng đồng ASEAN.

Đây là lần thứ 3, Quốc hội Việt Nam vinh dự đảm nhận trọng trách Chủ tịch AIPA và đăng cai Đại hội đồng AIPA. Sự kiện này khẳng định vai trò, trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam và sứ mệnh quốc tế của AIPA trong các cơ chế hợp tác đa phương, là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các nghị sỹ của dân, do dân và vì nhân dân mà chúng ta đang cùng nhau gánh vác.

Với tinh thần đó, chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng”, cùng với chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2020, biểu thị sự nhất trí và hưởng ứng kịp thời của AIPA và các Nghị viện thành viên AIPA đối với Chính phủ và nhân dân các nước ASEAN trong việc vượt qua mọi khó khăn, thúc đẩy đoàn kết, hợp tác, vì một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng và phát triển bền vững.

Trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng, Ủy ban Kinh tế AIPA sẽ thảo luận về chủ đề “Vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch COVID-19” nhằm đưa ra các giải pháp vừa tăng cường khả năng khôi phục nền kinh tế, vừa ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Về chính trị, AIPA tiếp tục ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, đóng góp duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ. Các nghị sỹ sẽ cùng nhau trao đổi về chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì hòa bình và an ninh bền vững trong ASEAN”.

Tại Đại hội đồng AIPA lần này, Ủy ban Xã hội AIPA sẽ thảo luận về chủ đề “Nâng cao vai trò của AIPA trong việc hỗ trợ Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN ứng phó với đại dịch COVID-19” và Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA thảo luận về “Vai trò của nữ nghị sỹ trong việc bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ”.

Đặc biệt, để nâng cao vai trò của nghị sĩ trẻ nói riêng, vai trò của thanh niên nói chung, lần đầu tiên chúng ta tổ chức Hội nghị Nghị sỹ trẻ AIPA để bàn về “Sự tham gia của các Nghị sỹ trẻ AIPA vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”.

Đánh giá cao các chủ đề thiết thực vừa mang tính thời sự, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài sẽ được trao đổi tại Đại hội đồng AIPA 41 lần này, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Mỗi Nghị viện chúng ta, với vai trò và trách nhiệm của mình, cần sát cánh với Chính phủ tìm mọi biện pháp sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19, khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân và thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN trong và sau đại dịch”.

Vì sự phát triển của Cộng đồng ASEAN tới năm 2025 và những năm tiếp theo, chúng ta cùng củng cố sự đoàn kết, hợp tác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thấu hiểu và chia sẻ trong AIPA, lấy lợi ích của người dân là trung tâm hành động trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc gia và pháp luật quốc tế.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; mở rộng hợp tác với các tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới, góp phần đổi mới hoạt động và nâng cao hiệu quả của AIPA; “biến lời nói thành hành động”, vì một tương lai tốt đẹp hơn thông qua việc xây dựng Tầm nhìn của AIPA; khẳng định ngoại giao nghị viện vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững, vì sự gắn kết và chủ động thích ứng; nâng cao khả năng tự cường trong ASEAN; cần tăng cường hơn nữa thông tin, tuyên truyền tới mọi người dân về AIPA, ASEAN nhằm nâng cao hiểu biết lẫn nhau và củng cố niềm tin - một nền tảng quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực của ASEAN.

Tuyên bố khai mạc Đại hội đồng AIPA 41, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mong chờ những kết quả thảo luận, đóng góp nhiều sáng kiến mới trên tinh thần xây dựng và hợp tác của quý vị nhằm góp phần đem lại thành công tốt đẹp của Đại hội đồng AIPA 41.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu trực tuyến gửi tới hội nghị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu trực tuyếnTổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu trực tuyến

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao và hoan nghênh việc tổ chức AIPA 41 theo hình thức trực tuyến, thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm của Quốc hội Việt Nam và Nghị viện các nước thành viên cùng đoàn kết, chung tay vượt qua khó khăn, thúc đẩy hợp tác và phát triển của Cộng đồng ASEAN.

Thế giới và khu vực Đông Nam Á đang trải qua những biến động nhanh chóng, sâu sắc chưa từng có, đặc biệt do những tác động của đại dịch Covid-19 và cọ xát chiến lược nước lớn. Toàn cầu hoá, liên kết và hội nhập quốc tế đang gặp nhiều khó khăn và cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với các quốc gia. Trong bối cảnh đó, Cộng đồng ASEAN nói chung và AIPA nói riêng cần gắn kết, tự cường để thích ứng với hoàn cảnh mới, đáp ứng những kỳ vọng ngày một cao hơn của người dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế.

Với đường lối, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, vì hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, Việt Nam gắn bó chặt chẽ với ASEAN. Một ASEAN vững mạnh, có vai trò trung tâm, là động lực của hợp tác khu vực và quốc tế sẽ vừa là chỗ dựa, vừa là mục đích của Việt Nam.

Cộng đồng ASEAN có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào việc có phục vụ và đáp ứng được nguyện vọng, lợi ích thiết thực của người dân hay không. Các nhà lập pháp, các nghị sĩ là đại diện rất quan trọng của người dân, là cầu nối giúp phản ánh tiếng nói, nguyện vọng của người dân, đồng thời giúp lan toả những giá trị, lợi ích của cộng đồng ASEAN đến người dân, doanh nghiệp. Trong suốt 43 năm qua, AIPA đã phát huy tốt vai trò của mình, đồng hành và đóng góp thiết thực vào những chặng đường phát triển của ASEAN.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, hơn bao giờ hết, đây là lúc AIPA tiếp tục đóng góp cho các nỗ lực thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, liên kết và hợp tác quốc tế, thượng tôn pháp luật, vì hoà bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Hội nghị AIPA 41 lần này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025 và định hướng phát triển sau năm 2025, ứng phó hiệu quả với những biến động phức tạp của môi trường quốc tế, khu vực và các thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tưởng rằng, Đại hội đồng lần này hướng đến "Tư duy vì cộng đồng, hành động vì cộng đồng" nhằm mục tiêu hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, gắn kết, có vai trò, vị thế quốc tế, thực sự hướng đến người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 khẳng định, AIPA là một tổ chức thiết yếu của các cơ quan lập pháp trong ASEAN. Trong những thập kỷ qua, hợp tác Nghị viện AIPA luôn có vai trò quan trọng, phối hợp cùng Chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN củng cố và duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định; hợp tác và phát triển; tăng cường gắn bó giữa người dân các quốc gia ở khu vực chúng ta.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểuThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu

Tại Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ có sự hợp tác chặt chẽ, bổ sung lẫn nhau trong thực hiện các nhiệm vụ lập pháp và hành pháp vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, cũng như thực hiện các nhiệm vụ của Tầm nhìn ASEAN 2025. Năm Chủ tịch AIPA 2020, dưới sự lãnh đạo của bà Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA, đã chủ động tổ chức rất nhiều hoạt động thúc đẩy vai trò của AIPA, mở rộng kết nối AIPA với Liên minh Nghị viện thế giới IPU...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao chủ đề của AIPA 41 là “Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, thể hiện cam kết và sự ủng hộ mạnh mẽ của AIPA và các Nghị viện thành viên, đối với nỗ lực của Chính phủ và nhân dân các nước thành viên ASEAN, hướng tới một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, thích ứng hiệu quả với các cơ hội và thách thức đặt ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu một số nội dung hợp tác quan trọng giữa AIPA với Quốc hội và Chính phủ các nước ASEAN: 

Một là, kênh hành pháp và kênh lập pháp ASEAN cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ thúc đẩy thực hiện thành công các Kế hoạch tổng thể, trên 3 trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; chú trọng đẩy mạnh liên kết kinh tế, tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, lồng ghép và hài hòa các quyết sách của ASEAN với các chương trình phát triển quốc gia.

Hai là, mong rằng các Nghị sĩ, Nghị viện thành viên AIPA tập hợp ý chí nguyện vọng của người dân, đưa ra khuyến nghị và cùng Chính phủ các nước ASEAN thể hiện trong các quyết sách về phương hướng phát triển của ASEAN, hình thành Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 lấy người dân làm trung tâm.

Ba là, các Nghị viện thành viên AIPA chung tay cùng Chính phủ các nước ASEAN xây dựng một Cộng đồng ASEAN hoạt động dựa trên luật lệ, thượng tôn pháp luật, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, giải quyết tranh chấp và khác biệt theo phương cách hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Mở rộng quan hệ với các đối tác, trong đó ASEAN luôn giữ vững vai trò trung tâm khu vực.

Đề cao đối thoại và tiếng nói quý báu của các vị đại biểu Quốc hội, các Nghị sĩ thành viên AIPA cùng kênh Chính phủ thúc đẩy tinh thần gắn kết người dân, góp phần làm sâu sắc thêm các giá trị và bản sắc văn hóa ASEAN vì một Cộng đồng ASEAN gắn kết, đùm bọc và chia sẻ lẫn nhau.

Đối thoại Lãnh đạo cấp cao ASEAN - AIPA tại Hội nghị ASEAN 36 là hiệu quả và cần được phát huy. Đối thoại đã giúp các Chính phủ triển khai nhiều chính sách nâng cao đời sống, an sinh xã hội; đồng thời cũng chuyển tải những hành động, việc làm của các Chính phủ tới người dân và vì lợi ích của người dân.

Tiếp theo lễ khai mạc sẽ là các phiên họp.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Quận Tây Hồ: Phấn đấu "đường sạch, cây xanh, Hồ Tây không rác"

Quận Tây Hồ: Phấn đấu "đường sạch, cây xanh, Hồ Tây không rác"

(PNTĐ) -  Sáng 27/4, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức Lễ phát động ra quân đảm bảo vệ sinh môi trường (VSMT), trật tự đô thị (TTĐT) với sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các lực lượng, đơn vị trên địa bàn quận. Hoạt động nhằm  đảm bảo công tác VSMT, TTĐT trên địa bàn Quận nói chung và xung quanh Hồ Tây nói riêng từng bước đi vào nề nếp.
Ấn tượng chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”

Ấn tượng chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”

(PNTĐ) - Tối 26/4, tại Quảng trường thành phố Điện Biên Phủ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”; tổng kết Cuộc thi tìm hiểu 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) và 70 năm Ngày ký hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 – 21/7/2024).
Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".
Bảo mật dữ liệu trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Bảo mật dữ liệu trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Sau khi xảy ra liên tiếp các vụ tấn công mã hóa dữ liệu, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong nước đã quan tâm đầu tư hơn vào an toàn thông tin. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng đã ráo riết chỉ đạo công tác này.