Tăng cường vai trò của nữ nghị sỹ trong việc đảm bảo việc làm và thu nhập cho lao động nữ

Chia sẻ

(PNTĐ) – Trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA 41, chiều 8/9, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Ban Tổ chức AIPA 41, Chủ tịch nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã phát biểu mở đầu phiên Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA (WAIPA) với chủ đề “Tăng cường vai trò của nữ nghị sỹ trong việc đảm bảo việc làm và thu nhập cho lao động nữ”.

Toàn cảnh phiên họp Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA (WAIPA)Toàn cảnh phiên họp Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA (WAIPA). 

Hội nghị do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì cùng sự tham dự của 42 nữ đại biểu ở các nước.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc Hội Tòng Thị Phóng khẳng định, thúc đẩy việc làm bền vững và thu nhập tốt hơn cho phụ nữ và nam giới trong môi trường tự do, bình đẳng, an toàn và tôn trọng nhân phẩm, là một trong những thước đo sự tiến bộ xã hội của một quốc gia, được ghi nhận trong nhiều văn kiện thế giới và khu vực.

Phụ nữ không ai bị bỏ lại phía sau

Chương trình phát triển bền vững của thế giới cho giai đoạn 2015-2030 đặt ra mục tiêu: “Đến năm 2030, đạt được việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tử tế cho tất cả phụ nữ và nam giới; trả lương bình đẳng cho công việc có cùng giá trị”. Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong 20 năm qua, những số liệu mới cập nhật của ILO cho thấy vẫn tồn tại sự bất bình đẳng dai dẳng giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp và điều kiện làm việc.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, đại dịch COVID-19 gây tác động nghiêm trọng đến đối tượng lao động nữ, gần 510 triệu người, tức là 40% số lao động nữ toàn cầu hiện đang làm việc trong 4 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất; trong khi cùng các ngành đó chỉ có 36,6% lao động nam. Vì vậ, xóa bỏ khoảng cách giới trong việc làm cần được ưu tiên hàng đầu nếu chúng ta muốn đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030.

Với những nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng cho phụ nữ, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là lĩnh vực lao động, việc làm.

Năm 2019, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi Bộ luật Lao động và một số luật liên quan để những quy định về lao động - việc làm đối với lao động nữ tập trung vào việc đảm bảo những quyền lợi cơ bản của người lao động và nâng cao năng lực thực thi chính sách về việc làm, thu nhập đối với lao động nữ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, trong những năm tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát để đảm bảo bình đẳng giới thực chất và không ai bị bỏ lại phía sau, bị bỏ bên lề.

Qua Nghị quyết “Thúc đẩy vai trò của nữ Nghị sỹ nhằm bảo đảm việc làm bền vững và thu nhập cho lao động nữ” được xem xét và thông qua tại Hội nghị, các Nghị viện thành viên sẽ góp phần thúc đẩy việc hiện thực hóa các cam kết toàn cầu và khu vực cũng như khuôn khổ pháp luật quốc gia trong lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn hội nghị tập trung thảo luận về kinh nghiệm của các Nghị viện thành viên và vai trò của nữ Nghị sỹ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong tiếp cận việc làm và thu nhập; đề xuất cơ chế hợp tác nghị viện ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng để thúc đẩy việc làm và thu nhập của lao động nữ, nhất là trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch toàn cầu COVID-19. 

Tăng nguồn lực, thực hiện bình đẳng giới

Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Việt NamBà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Việt Nam.

Các phát biểu của nữ nghị sỹ Brunei, Lào, Campuchia, Myanma.. đều nêu lên tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19 đến các ngành có nhiều lao động nữ. Đồng thời cho thấy sự bất bình đẳng nam, nữ vẫn còn và đòi hỏi có giải pháp tích cực hơn từ các nghị sỹ.

Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Việt Nam cho biết, tại Việt Nam vẫn còn sự chênh lệch giữa nam giới và nữ giới trong việc tiếp cận thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp và thu nhập bình đẳng.

Trong quý II/2020, lực lượng lao động nữ trong độ tuổi giảm 4,9% so với quý trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức giảm của lực lượng lao động nam trong độ tuổi. Tỷ lệ nữ thất nghiệp là 2,4% cao hơn nam giới (2,14%). Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 6,1 triệu đồng/tháng cao hơn 1,4 lần so với nữ (4,3 triệu đồng/tháng).

Mặc dù ở Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 song những tác động đến thị trường lao động vẫn rất lớn, nhất là với lao động nữ. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6/2020, Việt Nam có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Bao gồm, người bị mất việc làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Riêng ảnh hưởng giảm thu nhập chiếm cao nhất với 17,6 triệu người.

Để ứng phó với đại dịch Covid-19, các nữ đại biểu Quốc hội và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham gia quá trình xem xét và thông qua gói hỗ trợ tài chính cho người dân bị ảnh hưởng để đảm bảo thu nhập cho lao động và hộ gia đình.

Bà Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh: Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đề nghị AIPA tăng cường các hoạt động nghị viện, lập pháp, giám sát, quyết định ngân sách, thực hiện chức năng đại diện, hỗ trợ nâng cao năng lực của phự nữ, sẵn sàng ứng phó với đại dịch và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các tình huống khẩn cấp; tăng cường nguồn lực, thực hiện bình đẳng giới hướng tới đạt các mục tiêu phát triển bền vững trong đó có vấn đề việc làm bền vững, đảm bảo thu nhập đối với lao động nữ.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Đảng ủy xã Thanh Oai công bố và trao các quyết định về công tác cán bộ

Đảng ủy xã Thanh Oai công bố và trao các quyết định về công tác cán bộ

(PNTĐ) - Chiều ngày 1/7, Đảng ủy xã Thanh Oai tổ chức hội nghị công bố quyết định phân công, bổ nhiệm cán bộ, thành lập các cơ quan chuyên trách của Đảng ủy xã Thanh Oai mới – một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ về tổ chức, bộ máy, nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.