Tìm dâu “ăn cơm trước kẻng”

Chia sẻ

Chuyện con dâu “ăn cơm trước kẻng” rất tối kỵ trước đây. Thế nhưng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, một bộ phận mẹ chồng lại muốn tậu dâu “cả trâu lẫn nghé”. Bởi lo sợ cưới phải “dâu điếc” khiến gia đình tuyệt tự.

Tìm dâu  “ăn cơm  trước kẻng” - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Nhà có hai đứa con, một trai, một gái. Khi con đến tuổi lấy vợ, bà rủ rỉ bảo con phải “thử máy” trước cho chắc chắn. Con trai nghe mẹ nói thế cười bảo “mẹ người ta” thì cấm cửa con dâu “ăn cơm trước kẻng” còn mẹ mình thì khuyến khích chuyện đó. Đúng là mẹ bây giờ có tư tưởng... quá thoáng.

Chuyện bà muốn tìm dâu “ăn cơm trước kẻng” lan truyền ra ngoài, nhiều người hỏi bà sao lại “vẽ đường cho hươu chạy” kiểu đó. Làm vậy khác nào khuyến khích con trai quan hệ tình dục trước hôn nhân vốn chẳng tốt đẹp gì. Bà bảo thời nay muốn chắc chắn con dâu cưới về sinh đẻ được thì chỉ có cách đó thôi. Nếu không, cưới phải “dâu điếc”, gia môn tuyệt hậu thì càng bất hạnh hơn.

Hóa ra, trước đây bà từng làm y tá khoa sản. Hàng ngày chứng kiến cảnh giới trẻ đưa nhau đến bệnh viện nạo hút thai, bà thấy hoang mang. Bởi có những cô gái đến phòng khám nạo hút thai rất nhiều lần khiến khả năng sinh đẻ sau này gần như không có. Tình trạng vô sinh thứ phát ngày càng gia tăng. Nói đâu xa, nhiều đồng nghiệp của bà lên chức mẹ chồng gần chục năm nay nhưng vẫn không có cháu. Nguyên nhân là do con dâu bị vô sinh thứ phát. Bao nhiêu năm nay, gia đình tốn kém bao nhiêu tiền bạc để chạy chữa nhưng không có kết quả, hạnh phúc của con cái lủng củng khiến cha mẹ đôi bên mất ăn mất ngủ.

Do đó, bà cứ xui con trai “thử máy” vợ tương lai trước cho chắc. Gia đình bà chấp nhận chuyện con dâu “ăn cơm trước kẻng” miễn là có cháu nối dõi. Có mẹ mở đường, con trai bà thoải mái trong chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân. Rồi, nó cũng nhanh chóng đưa bạn gái về ra mắt bố mẹ và xin phép cưới vì…bác sĩ đã xác nhận. Bà vui vẻ tổ chức đám cưới cho con.

Mấy tháng sau, bà vui mừng đón đứa cháu đích tôn. Nhưng từ khoảnh khắc đón cháu trên tay từ phòng sinh ra, bà bất chợt thấy ngờ ngợ. Đứa bé sơ sinh không có nét gì là của cha mẹ, hay ông bà cả. Nó còn có những đặc điểm “là lạ” tóc hung, xoăn tít, da nâu mà mấy đời nhà bà không ai có cả. Nhưng rồi niềm vui có cháu át đi sự hoài nghi.

Tuy nhiên, cháu càng lớn, nỗi hoài nghi trong bà lại xuất hiện. Để sáng tỏ, bà âm thầm đi làm xét nghiệm ADN cho cháu. Kết quả khiến bà như rơi xuống vực thẳm, đứa cháu này không phải là huyết thống của con trai bà. Khi sự thật được sáng tỏ cũng là lúc hạnh phúc của con trai bà đổ vỡ, bởi nó chẳng chấp nhận cảnh “nuôi con tu hú”. Ngày ly hôn, nó đổ lỗi tại bà nên cuộc đời nó mới…bất hạnh, đau đớn thế này. Nếu ngày trước bà không khuyến khích nó lấy cô gái dễ dãi “ăn cơm trước kẻng” thì đâu đến nỗi. Giá bà như những người mẹ khác, nghiêm khắc, coi trọng tiết hạnh của con dâu thì có lẽ nó đã lấy được cô vợ đoan chính, sinh con đúng huyết thống cho mình.

Con trai đổ vỡ hôn nhân chưa lâu thì con gái cũng ôm con về xin ly hôn. Hóa ra, chuyện bà khuyến khích con trai “ăn cơm trước kẻng” cũng vô tình ảnh hưởng đến con gái. Nó chấp nhận cho bạn trai quan hệ trước hôn nhân, có thai trước khi cưới. Tuy nhiên, khi con gái bà về nhà chồng lại không được bên đó đón nhận giống như bà.

Họ cho rằng, con gái bà “bẫy” con trai họ, cố tình có thai để được gả vào gia đình giàu có. Họ không bỏ cháu nhưng có ác cảm với cô con dâu dễ dãi “ăn cơm trước kẻng” ấy. Cuộc hôn nhân của con gái bà đầy buồn tủi, nhưng nó âm thầm cam chịu không dám nói ra sợ bố mẹ buồn. Cho đến khi, nó không thể sống nổi trong sự coi thường của bố mẹ chồng, chồng lại không bảo vệ chở che nên đã quyết định ly hôn.

Mỗi tối, ôm đứa cháu ngoại còn nhỏ mà phải sống cảnh có mẹ xa bố, bà quặn lòng hối hận. Trên tầng trên, đứa con trai không vượt qua được cú sốc “đổ vỏ” cho người khác, uống say kêu la, lảm nhảm cả đêm. Cuộc đời của hai đứa con dang dở, đau khổ, thất bại trong hôn nhân bởi chính tư tưởng sai lầm của bà.

THU VÂN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.