SOS: Hành vi bạo lực gia đình ngày càng nghiêm trọng

Chia sẻ

Liên tục các vụ bạo lực gia đình xảy ra trong thời gian gần đây khiến dư luận lo ngại về tính chất phức tạp và mức độ nghiêm trọng của nó, các hành vi bạo lực xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của người phụ nữ.

Hiện trường nơi xảy ra vụ án chồng giết vợ rồi tự sát tại Phúc Thọ ngày 2/9/2020Hiện trường nơi xảy ra vụ án chồng giết vợ rồi tự sát tại Phúc Thọ ngày 2/9/2020 (Ảnh: Int)

Gia tăng hành vi xâm hại tính mạng phụ nữ

Ngày 2/9/2020, tại xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã xảy ra vụ án mạng thương tâm. Do mâu thuẫn, Nguyễn Chí Cảnh (38 tuổi) đã giết chết vợ là Đ.T.H (34 tuổi) rồi tự sát. Người vợ đã tử vong, còn đối tượng Cảnh cũng đang được cấp cứu tại bệnh viện. Sự việc xảy ra làm rúng động cả làng quê yên bình.

Ngày 24/8, Hội LHPN quận Bắc Từ Liêm nhận được báo cáo của Hội LHPN phường Đông Ngạc về việc chị N.T.Đ (quê Ý Yên, Nam Định), hiện đang sinh sống trên địa bàn phường) bị chồng bạo hành. Ban Thường vụ Hội LHPN phường Đông Ngạc đã chủ động vào cuộc tìm hiểu sự việc và nắm bắt nội dung: Chị Đ kết hôn với anh T.T.T và có hai con trai. Đến năm 2014, gia đình anh chị gặp biến cố phải bán nhà, đất đi để trả nợ. Biến cố liên tục xảy ra, vợ chồng chị phải chuyển chỗ ở thêm 2 lần nữa. Đến năm 2019, do nhiều mâu thuẫn, chị Đ đề nghị ly hôn nhưng anh T không chấp nhận. Mâu thuẫn liên tục xảy ra khiến chị Đ mấy lần phải sang nhà chị gái ở. Ngày 22/8/2020, vợ chồng anh chị tiếp tục mâu thuẫn, anh T đã đánh, đấm vào mặt, đầu vợ gây chấn thương phần mềm.

Theo lời kể của chị Đ, chị đã nhiều lần bị chồng bạo hành nhưng vì con nên đã nín nhịn. Khi chị đòi ly hôn, anh T đã tịch thu giấy tờ tùy thân của chị.

Ngay sau khi nắm bắt thông tin, Hội LHPN TP Hà Nội đã chỉ đạo Hội LHPN quận chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể giải quyết vụ việc. Hiện chị Đ đang điều trị tại bệnh viện, tình hình sức khỏe tốt. Anh T đã đưa các con vào chăm sóc vợ, đồng thời xin lỗi vì có hành vi đánh vợ trong lúc tức giận.

Công an huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình cũng vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Đoàn Ngọc Huy (SN 1982, trú tại huyện Kiến Thụy, tỉnh Thái Bình) về hành vi đốt vợ. Nguyên nhân bắt đầu từ việc vợ Huy cằn nhằn do chồng thường xuyên uống rượu dẫn đến xung đột xảy ra. Khoảng 8h tối ngày 23/8, Huy đã dùng xăng đổ lên người vợ rồi châm lửa đốt. Mặc dù được hàng xóm đưa đi cấp cứu kịp thời, song người vợ vẫn bị bỏng 90% cơ thể, hiện đang trong tình trạng nguy kịch...

Cần có cơ quan thẩm quyền giám sát đối tượng gây BLGĐ

Mặc dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) và các bộ luật liên quan đã có những quy định cụ thể trong việc phòng, chống BLGĐ, nhưng thực tế vẫn xảy ra rất nhiều vụ bạo lực, thậm chí nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng khiến dư luận hoang mang, ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của phụ nữ. Trong khi đó, nhiều người vẫn mang tư tưởng định kiến với nạn nhân bị bạo lực, khiến nạn nhân thấy xấu hổ, im lặng chấp nhận và không dám tố cáo. Như vụ việc chị Đ ở phường Đông Ngạc bị bạo lực, nhiều người cho rằng, người vợ “phải như thế nào đó” mới bị chồng đánh. Rõ ràng, dù có mâu thuẫn, thì cách hành xử đánh người vợ gây thương tích là hành vi sai trái và vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần được xử lý nghiêm thay vì hòa giải “dĩ hòa vi quý” đơn thuần.

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, về khía cạnh luật pháp, mọi hành vi bạo lực với bất kỳ ai cũng là vi phạm pháp luật, chưa nói đến với những người thân yêu của mình. Về mặt tâm lý, mọi mâu thuẫn đều có thể giải quyết bằng những hình thức phi bạo lực khác như trao đổi, tranh luận, nhắc nhở, giáo dục… “Phụ nữ cần tự giải cứu chính mình, đừng giấu kín, hãy chia sẻ hoàn cảnh của mình với người thân trong gia đình, hàng xóm, bạn bè để nhận được tư vấn, chỉ dẫn cách phòng tránh bạo lực. Sau đó, hãy dũng cảm lên tiếng, phản đối, tố cáo người bạo lực với mình. Đừng tin “một điều nhịn, chín điều lành”, bởi “càng nhân nhượng thì… càng bị bạo lực” - chuyên gia tư vấn khuyên. Cuối cùng, phải học cách sống tự lập, tự chủ, tự quyết, để thấy rằng nếu là vợ chồng sống hạnh phúc thì rất tốt, nhưng nếu không được như thế, có biện pháp giải thoát cho bản thân và con cái…” - chuyên gia tư vấn khuyên.

Theo GS-TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển cho rằng, Luật Phòng chống BLGĐ đã đi vào cuộc sống được hơn 10 năm, nhưng một số điều khoản của Luật vẫn còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn. Do đó, để ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn BLGĐ, chúng ta cần kiên quyết thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, có tính răn đe, giáo dục thực sự chứ không phải ở hình thức, giáo điều. Sau khi xử lý các vụ việc bạo lực, cần có cơ quan có thẩm quyền giám sát chặt chẽ đối tượng gây bạo lực trong thời gian dài để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nạn nhân. Có như vậy, nạn nhân bị BLGĐ mới dám đứng ra để tố cáo hành vi bạo lực, kể cả khi bị đe dọa trả thù.

Quỳnh An

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.