Bạo lực tình dục: Tảng băng chìm của bất bình đẳng giới

Chia sẻ

Tình dục lâu nay vẫn được xem là chuyện tế nhị đằng sau cánh cửa phòng ngủ trong mỗi gia đình. Do đó, tình trạng phụ nữ bị bạo lực tình dục luôn bị che giấu, thậm chí nếu công khai thì người phụ nữ sẽ bị đổ lỗi đầu tiên, thay vì là một nạn nhân cần được bảo vệ.

Tình dục trong hôn nhân: "Chồng chúa, vợ tôi"

Là một nạn nhân bị bạo lực tình dục trong suốt 20 năm nhưng chị Lê Thị Thu Kh chưa một lần nói với ai về nỗi khổ của mình, thậm chí có những lần chị bị chồng bạo hành phải nhập viện cấp cứu nhưng vẫn không một lời tiết lộ với người thân để tìm kiếm sự giúp đỡ. Cho đến một ngày, chị không thể chịu nổi sự hành hạ trong phòng ngủ của chồng, chị đã lén trốn khỏi nhà tìm đến nhà tạm lánh nhờ giúp đỡ.

Chị Kh kể lý do khiến chị cam chịu khi bị chồng bạo lực tình dục là do anh bị yếu sinh lý. Sau khi chị sinh đứa con đầu xong thì sức khỏe tình dục của chồng chị có vấn đề. Anh bị yếu sinh lý, tìm thuốc uống mãi vẫn không cải thiện được. Trong khi đó, chị càng ngày càng nhuận sắc, đi đâu ai cũng khen ngợi "gái một con trông mòn con mắt". Anh ghen tuông và luôn sống trong tâm trạng sợ "mất vợ". Mặc cảm mình là "kẻ vô dụng" trên giường ngủ khiến cho chồng chị thay tâm đổi tính, trở thành một con người khác hẳn. Mỗi đêm, anh tìm cách hành hạ chị bằng những thú vui chăn gối học được trên mạng Internet. Không quan hệ được, anh cắn cấu, đánh đập, vần vò chị khiến cơ thể chị tím bầm, bộ phận sinh dục lúc nào cũng trong tình trạng viêm nhiễm bởi những đồ chơi tình dục anh mua về đưa vào cơ thể chị.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chị không dám kêu than vì sợ chồng càng mặc cảm thêm. Còn anh cho rằng cứ làm cho vợ rã rời, cơ thể bầm tím không còn quyến rũ nữa thì chẳng đi "mồi chài" được đàn ông bên ngoài. Có những lần đau đớn khổ sở quá, chị van xin chồng nhưng anh vẫn không buông tha. Thậm chí anh còn tuyên bố, nếu chị không thỏa mãn được anh bằng cách đó thì anh sẽ ra ngoài tìm "gái làng chơi" để mua vui. Chị biết tính chồng, nói là làm nên cố gắng cam chịu. Chuyện quan hệ vợ chồng tế nhị, chị chẳng dám kể cho ai nghe và cũng không muốn làm điều đó vì sợ tan cửa nát nhà. Cứ thế, gần 20 năm chị cam chịu nỗi đau đớn bị chồng bạo hành tình dục.

Khác với chị Kh, chồng chị Lê Thu V lại có sức khỏe tình dục khá tốt, nhu cầu chăn gối lúc nào cũng cao bất thường. Do vậy, anh luôn đòi hỏi vợ mọi nơi mọi lúc, bất chấp chị đang ốm đau hay đang trong thời kỳ "đèn đỏ". Sau khi sinh hai đứa con, sức khỏe người phụ nữ giảm sút nên chị chẳng có nhu cầu mấy về đời sống chăn gối. Tuy nhiên, chồng chị lại không thấu hiểu và chia sẻ điều đó. Anh vẫn tiếp tục bắt vợ chiều cả đêm lẫn ngày. Hai vợ chồng chị làm kinh doanh tại nhà nên điều kiện gần gũi nhau rất thuận lợi. Do đó, anh thích lúc nào là có thể bắt vợ chiều mình lúc đó.

Dù sức khỏe giảm sút nhưng chị V không thể từ chối chồng, mà có làm điều đó cũng không thể. Vì thế, cứ mỗi lần gần gũi chồng là chị cảm thấy giống như ác mộng. Thấy vợ "khô khan", anh tìm mua các loại sản phẩm hỗ trợ để những cuộc vui chăn gối được thăng hoa. Chị bị chồng biến thành "búp bê tình dục" lúc nào không hay. Bị chồng bạo hành tình dục thường xuyên, nhưng sự phản kháng từ chị gần như không có.

Nguyên nhân vì chị sợ làm điều đó thì chồng sẽ chán mình mà tìm đến người phụ nữ khác. Bởi trước đó, do quá sợ gần gũi chồng, chị đã phải lấy cớ về quê chăm mẹ đẻ ốm nặng để "trốn chồng" một thời gian. Ai ngờ, chồng chị biết được "âm mưu" của vợ nên đã ra ngoài quan hệ với gái mại dâm để “dằn mặt” vợ. Anh công khai luôn việc đó cho người thân biết, và đổ lỗi cho vợ không làm tròn bổn phận của người vợ trong phòng ngủ nên anh có "quyền" ra ngoài thỏa mãn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Lần đó, ai cũng bênh chồng chị và khuyên chị nên cố gắng chiều chồng. Họ cho rằng đàn ông có "quyền" trong phòng ngủ còn phụ nữ phải có nghĩa vụ đáp ứng. Nếu người vợ không đáp ứng đủ nhu cầu cho chồng là có... "tội". Và thế là, dù đau khổ thế nào, bị bạo hành tình dục ra sao, chị cũng không dám kêu than, phản kháng bởi định kiến về "nghĩa vụ" làm vợ ấy.

Hơn 90% phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ

Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đã thực hiện thành công hai cuộc Điều tra Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ. Cuộc điều tra lần thứ nhất thực hiện vào năm 2010, lần thứ hai thực hiện năm 2019, sử dụng phương pháp điều tra đa quốc gia về tình hình sức khỏe phụ nữ và bạo lực gia đình của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo kết quả Điều tra Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam lần thứ hai thì bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. 90,4% phụ nữ bị bạo lực thể xác/ bạo lực tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền. Tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời năm 2019 (13,3%) cao hơn so với năm 2010 (9,9%). Điều này đặc biệt đúng ở nhóm phụ nữ trẻ ở độ tuổi từ 18 - 24 (13,9% năm 2019 so với 5,3% năm 2010).

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Báo cáo kết quả điều tra cũng cho thấy, cứ 8 phụ nữ thì có 1 phụ nữ (13%) từng bị chồng bạo lực tình dục trong đời và 6% bị chồng bạo lực hiện tại. Bị ép quan hệ tình dục trái với ý muốn của người vợ - một dạng cưỡng dâm trong hôn nhân là hành vi bạo lực tình dục phổ biến nhất được phụ nữ chia sẻ.

Nhiều phụ nữ cho biết họ đã buộc phải quan hệ tình dục khi không muốn do sợ những gì chồng có thể làm nếu họ từ chối. Tác động của bạo lực tình dục thường trầm trọng hơn khi đi kèm với tần suất xảy ra bạo lực. Khoảng 3/4 phụ nữ thường bị cả hai hành vi bạo lực tình dục trong đời cho biết điều đó đã xảy ra với họ vài lần. Và cứ 10 phụ nữ thì có 1 phụ nữ cho biết bạo lực tình dục đã xảy ra nhiều lần đối với họ.

Theo các chuyên gia, bạo lực tình dục gây hệ lụy đối với phụ nữ gấp nhiều lần đối với các hành vi khác. Bởi bạo lực tình dục bao gồm cả hành vi bạo lực tinh thần, hành vi bạo lực thể xác trong đó. Nhưng nạn nhân lại không thể công khai việc mình bị bạo lực tình dục giống như công khai mình bị bạo lực tinh thần, hoặc bạo lực thể xác. Bởi bạo lực tình dục thường bị gắn với định kiến và sự đổ lỗi cho phụ nữ nhiều hơn. Kết quả họ là nạn nhân nhưng khi công khai ra thì có thể lại biến thành "thủ phạm" do sự đổ lỗi của xã hội, gia đình lên phụ nữ vì đã không làm tròn "bổn phận" phục vụ chồng. Đây cũng là lý do khiến cho bạo lực tình dục giống như tảng băng chìm trong vấn đề bạo lực đối với phụ nữ.

Nguồn gốc sâu xa của bạo lực chính là sự bất bình đẳng giữa hai giới bởi những định kiến, mặc định của xã hội lên vai trò giới. Câu chuyện bất bình đẳng giới vẫn còn nhức nhối nếu như nó không được giải quyết từ phần nổi lẫn phần chìm. Và đến chừng nào, bạo lực tình dục vẫn còn bị che giấu thì chừng đó tảng băng chìm của tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình vẫn không lộ diện hết để xóa bỏ.

NGUYỄN HUYỀN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.