Chàng rể “trời đánh”

Chia sẻ

Trong mắt bà Bình, Quang Quý, con rể bà là chàng rể “trời đánh”, chẳng được cái “nết” gì. Còn chị Lệ - con gái bà đang phải đứng giữa, không biết nên bênh mẹ hay bảo vệ chồng. Họ hễ nhìn thấy mặt nhau đã khó chịu…

1

Chị Lệ là con gái duy nhất của bà Bình. Khi chị vừa tròn 4 tuổi, bà Bình tạm xa chồng con để xuất khẩu lao động sang Nga. Cuộc sống bôn ba ở xứ người với bao vất vả, khổ sở, bà vẫn nhẫn nhục chịu đựng, chỉ mong sau này gia đình có cuộc sống tốt hơn. 5 năm bôn ba, bà đều đặn gửi tiền về quê cho chồng cất giữ. Chồng bà ở nhà dùng số tiền vợ gửi về để xây sửa nhà cửa, nuôi con ăn học và đầu tư kinh doanh.

Từ ngày mở công ty riêng, ông lại phải giao lưu nhiều. Xa vợ, chẳng mấy chốc, ông ngã vào lòng một cô gái trẻ - là nhân viên của công ty. Bà ở xứ người biết chuyện, vội vã đáp chuyến bay về quê để xác minh. Vừa đặt vali xuống, bà bất ngờ khi chứng kiến cảnh ông cùng cô gái trẻ kia trên chiếc giường hạnh phúc của mình. Bao nhiêu đau đớn, phẫn uất, căm hờn, bà trút giận lên chồng và người thứ ba. Từ đó, hai vợ chồng bà xung đột liên miên. Ông nói, ngày trước, khi bà rời xa ông để đi làm ăn, ông đã ngăn cản và nói trước hậu quả nên giờ bà phải chấp nhận. Ông nói thẳng băng không còn yêu bà và muốn ly hôn. Còn tài sản bà gửi về, không ai xác nhận là ông giữ…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bà không thể ngờ hành trang mà mình mang theo về nước chỉ còn là những đổ vỡ và mất mát. Nhiều đêm liền, bà nằm ôm gối khóc. Bà hận ông, trách mình ngu dại. Bà đồng ý ly hôn, chỉ cần được nuôi con và giữ lại căn nhà để hai mẹ con bà có chỗ ở. Số tiền mà ông đã đầu tư kinh doanh thì bà không đòi nữa. Ông đồng ý. Hai năm sau, ông kết hôn với người mới, cuộc sống đủ đầy, sung túc và có tiếp 2 đứa con. Còn bà ở vậy, những vết thương lòng theo thời gian dần nguôi ngoai, nhưng đôi lúc lại bùng lên, đau nhói nếu như có hình ảnh nào đó khiến bà nhớ lại kỷ niệm cũ.

2

Chị Lệ càng lớn càng thông minh, xinh đẹp. Những năm đại học, chị phải lòng chàng trai quê Quang Quý. Quý điển trai, nhanh nhẹn, có tài ăn nói. Ngày chị Lệ đưa người yêu về ra mắt, bà Bình ngay lập tức phản đối gay gắt. Bà bảo, bằng sự hiểu biết và từng trải của mình, bà thấy Quý không đáng tin. “Đàn ông mà môi đỏ, da trắng, dáng mảnh mai, lại còn khéo mồm miệng như vậy thì nhất định sẽ rất đa tình” – bà phân tích. Bà Bình lấy hình ảnh của chồng cũ ra so sánh: “Bố chị cũng vậy, đa tình đa thê. Chị định cưới thằng ấy về rồi chung chồng với người ta à?”. Rồi bà còn phân tích thêm, rằng nhà Quý tỉnh lẻ, nông dân nghèo, chưa có công việc ổn định, bà nhất định không cho hai đứa kết hôn vì không môn đăng hộ đối.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhưng tình yêu đã bén, dù mẹ có ra sức phản đối thì chị Lệ vẫn yêu, vẫn đòi cưới Quang Quý. Cho đến khi “gạo nấu thành cơm”, bà Bình đành chấp nhận tổ chức đám cưới. Sau khi kết hôn, phần vì không muốn xa con gái, phần lại sợ con khổ cực vất vả, bà Bình yêu cầu vợ chồng chị Lệ sống chung. Quang Quý nghĩ, vợ đang bầu bí nên cần người chăm sóc, với lại, chưa mua được nhà, nay ở nhờ nhà vợ thì có thể tiết kiệm được một khoản để dành mua nhà sau này nên đồng ý ở rể.

3

Từ ngày sống chung dù Quý ra sức lấy lòng mẹ vợ nhưng vẫn không thể khiến bà yêu thương anh hơn. Đi công tác xa về, Quý đều mua quà cho vợ và mẹ vợ. Quý cũng không ngần ngại phụ vợ và mẹ việc nhà… Biết mẹ vợ khó tính, Quý đã nhún nhường, nhưng vẫn luôn bị bà soi xét và can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của hai vợ chồng. Quý ăn gì, nói gì, mẹ vợ cũng để ý. Đi tiếp khách về muộn, mẹ vợ ca thán đủ điều, nói bóng gió đủ thứ. Quý ngáy to khiến bà không ngủ được, sáng hôm sau, bà mặt nặng mày nhẹ, ra thở dài vào thở vắn khiến không khí gia đình căng thẳng. Đi làm về mà chẳng may Quý quên để luôn tất ở trong giầy, mẹ vợ nhìn thấy đã gọi ngay ra mắng. Việc gì của hai vợ chồng, mẹ vợ cũng can thiệp làm Quý thấy mình cứ như “người thừa”. Đến cả chuyện vợ chồng “tế nhị”, mẹ vợ cũng tham gia, như khi thấy vợ gầy một chút, bà đã không ngần ngại nói: “Anh “hành” vợ vừa vừa thôi. Cái gì cũng phải điều độ”. Thậm chí có những lúc mẹ vợ nói cạnh khóe về chuyện nhà cửa, việc Quý ở nhờ hay so sánh vợ anh với những người con gái khác lấy được chồng giàu, nhà cửa đàng hoàng... khiến Quý chỉ biết cúi mặt im lặng.

Vì ở rể nên nhiều lần bố mẹ Quý nhớ con cháu muốn lên chơi, Quý cũng ngần ngại không dám mời. Lần ấy, vợ sinh con gái đầu lòng, bố mẹ Quý tay xách nách mang ít đồ quê từ trứng, thịt, cá, rau củ quả… lên để tẩm bổ cho con dâu. Thế nhưng, bà Bình không những không tiếp đón chu đáo, còn tỏ thái độ khó chịu, chê đồ quê héo, xấu không ngon khiến bố mẹ Quý rất tủi thân. Lần khác, khi mẹ Quý lên Hà Nội khám bệnh, phải sáng hôm sau mới biết kết quả nên vợ chồng đón mẹ về nhà nghỉ lại một hôm. Thế mà bà Bình đã lấy cớ để mắng nhiếc Quý trước mặt mẹ đẻ, khiến anh vô cùng xấu hổ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Không chịu được những mâu thuẫn dồn nén, Quý bàn với vợ ra ở riêng. Hai vợ chồng có một khoản tiết kiệm nhỏ, Quý vay mượn thêm để mua một căn chung cư thu nhập thấp. Chung cư chỉ cách nhà mẹ vợ khoảng 1 cây số. Hằng ngày bà Bình có thể qua lại được. Thế nhưng, đây lại là lúc vợ chồng lại xảy ra xung đột vì chị Lệ quen được mẹ chăm sóc, chiều chuộng nên không khéo vun vén việc nhà khi ở riêng. Áp lực nợ nần dồn lên vai, Quý ngày càng cau có. Bà Bình biết chuyện, sang nhà “giáo huấn” con rể đủ điều.

Lần này, Quý không thể chịu được. Anh yêu cầu bà hãy tôn trọng con rể. Những việc của vợ chồng anh, bà hãy để hai vợ chồng tự giải quyết. Bà Bình nghe thế, cơn nóng giận nổi lên, bà quát mắng, cho rằng con rể “cạn tàu ráo máng”. Bà giận dỗi bỏ về nhà… Chị Lệ thở dài. Đứng giữa, chị chẳng biết phải làm sao. Trước giờ, chị biết mẹ khó tính, còn chồng thì nóng nảy, gia trưởng. Nếu bênh mẹ thì mất lòng chồng và ngược lại…

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc, xưa nay, người ta thường nhắc đến mối quan hệ giữa “mẹ chồng – nàng dâu” dễ xung đột chứ ít khi có xung đột bởi quan hệ “mẹ vợ - chàng rể”. Song, cuộc sống nào cũng cần có sự ứng xử khéo léo của từng người. Trong trường hợp chàng rể ở chung với mẹ vợ, con rể hãy đối xử hiếu nghĩa với bố mẹ vợ, sống có trách nhiệm với gia đình; người vợ hãy khéo léo ứng xử để trở thành cầu nối giữa chồng với mẹ ruột mình, luôn nói tốt về chồng, không để mẹ can thiệp nhiều đến đời sống riêng tư của hai vợ chồng. “Trong trường hợp chồng phải ở rể, người vợ hãy giúp chồng hài hòa mối quan hệ với mẹ vợ bằng cách tôn trọng, cảm kích về việc chồng chấp nhận ở rể để duy trì hạnh phúc, đừng lấn lướt chồng bởi có đồng minh mà luôn để chồng cảm thấy không bị thua thiệt trong gia đình vợ” – bà Túy nói.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.