The La Khê - ngọn đèn dầu trước gió

Chia sẻ

Sản phẩm the La Khê (Hà Đông) đã có một thời vàng son, từ phục vụ cung đình vua quan, người quyền quý đến xuất khẩu sang các nước châu Âu.

The La Khê được dệt từ 100% sợi tơ tự nhiên với công phu từ đôi tay khéo léo và tư duy tính toán, canh sợi sao cho cân đối, họa tiết sắc nét... The kén tay thợ, kén cả người dùng và nguy cơ the La Khê chỉ còn là hoài niệm.  

Vàng son một thuở

Vào làng La Khê, chúng tôi được nghe ông Ngô Văn Hỷ (70 tuổi), người từng làm thợ dệt năm xưa kể chuyện làng nghề the, sa. Đưa mắt về xa xăm, ông Hỷ nói: Tôi dệt the, lụa từ tấm bé, lớn lên đi bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trở về quê, không còn theo nghề nữa nhưng thời gian càng xa thì ký ức về tiếng kẽo kẹt vẫn còn nguyên vẹn. Ông Hỷ tự hào, the làng La chúng tôi đã đi vào những câu ca, câu tụng có tiếng trong vùng như “The La, Lĩnh Bưởi, chổi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên”, “Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh, Cót”.

Làng La Khê hình thành từ thế kỷ thứ 5 với tên gọi La Ninh, trong đó La có nghĩa là lụa, the, sa; Ninh có nghĩa là thịnh vượng, bền lâu. Đến thế kỷ 15, làng mới đổi tên thành La Khê (có nghĩa là làng dệt lụa bên dòng sông nhỏ). Trước thế kỷ 17, làng La Khê chủ yếu dệt sồi, đũi phục vụ người dân Thăng Long xưa. Ðầu thế kỷ 17, khi người Hoa ở vùng Lưỡng Quảng (Trung Quốc) di cư sang Việt Nam mang theo nghề dệt thủ công. Trong số đó, có mười gia đình người Hoa đến La Khê lập nghiệp, đem nghề dệt the, sa nhuộm đen và công nghệ dệt tiên tiến dạy lại cho dân làng. Bấy giờ, hầu hết dân làng La Khê đều sống bằng nghề canh cửi nên đã tiếp cận rất nhanh. Từ đây, các sản phẩm the, sa, vân, địa, quế, gấm vóc của La Khê với những họa tiết, hoa văn tinh xảo dần thay thế sồi, đũi nhờ chất lượng được nâng cao như mỏng, nhẹ hơn nhưng lại rất bền và đẹp, được các tầng lớp quý tộc ưa chuộng.

Anh Lê Đăng Toản bên khung cửiAnh Lê Đăng Toản bên khung cửi

Đầu thế kỷ 19, làng La Khê cùng với các làng La Nội, Ỷ La, La Tinh, Yên Lộ, Nghĩa Lộ đều thuộc tổng La Nội huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Tới năm 1831, La Khê (cùng cả tổng La Nội) được chuyển về thuộc huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, Hà Nội.

Năm 1823, triều đình nhà Nguyễn ra sắc lệnh lập La Khê thành một xưởng dệt cho kinh thành Huế, đồng thời cho cả làng được miễn đi lính để tập trung cho việc phát triển làng nghề. Thời vua Thiệu Trị năm 1840, xưởng dệt làng La Khê gọi là Chức tạo cục, hằng năm sản xuất và cung cấp cho triều đình theo định mức 600 tấm sa màu. Và chợ Cầu Ðơ mỗi tháng họp sáu phiên là nơi người dân La Khê bán buôn để đưa sản phẩm đi khắp cả nước. Đầu thế kỷ 20, sản phẩm the La Khê còn được xuất khẩu đi các nước châu Âu. Sau năm 1954, nghề dệt the La Khê tạm lắng, người dân quay sang dệt vải bông, khăn mặt, thảm đay, phục vụ sinh hoạt trong thời chiến. Nghề dệt the ở La Khê giảm dần, người dân bỏ cửi sang các nghề khác. Đến năm 2003, làng nghề được UBND tỉnh Hà Tây hỗ trợ phục hồi nghề cổ. Đây cũng chính là cơ duyên đưa anh Lê Đăng Toản (sinh năm 1974) trở lại làm nghề và kiên trì làm cho đến ngày nay.

Khi đó, việc phục dựng nghề được các nghệ nhân trong làng dù tuổi đều đã cao, tâm huyết truyền lại con cháu. Nghệ nhân Nguyễn Công Toàn đã tận tình truyền nghề cho anh Toản và để lại lời dặn: “Con cố giữ lấy cái nghề truyền thống của làng”. Câu nói thật đơn giản như đặt lên vai anh Toản một sứ mệnh giữ nghề cổ của cha ông.

Xưởng dệt La Khê – nguy cơ thành bảo tàng khung cửi

Xưởng dệt the duy nhất hiện nay chứa cả lịch sử làng nghề cổ nằm trong ngõ nhỏ bên giếng đình, khu di tích Bia Bà. Thường ngày, tại xưởng anh Toản có thêm 2, 3 người thợ cùng làm. Đợt này dịch Covid-19 kéo dài, hàng bán không chạy nên chỉ có mình anh trong không gian 100m2 với 10 bộ khung cửi. Những khung gỗ đã nhuốm màu thời gian, sắt hoen rỉ… chỉ còn 4 chiếc nằm ngay ngắn chờ tay người thợ. Giới thiệu về khung cửi, anh Toản bảo: “Có lẽ tôi có duyên nợ với những đồ cổ này nên mới bám trụ làm nghề như vậy”.

Xưa kia, bên những khung cửi này là bao thế hệ người thợ tâm huyết làm nghề, giữ nghề và mang đến sản phẩm the La Khê nổi tiếng trong nước và xuất khẩu đi châu Âu… Giờ đây chỉ còn duy nhất anh Lê Đăng Toản còn gắn bó canh cửi.

Anh Lê Đăng Toản đang chuốt tơAnh Lê Đăng Toản đang chuốt tơ

Gần 20 năm cần mẫn bám trụ với nghề, anh Toản cũng rất nhiều tâm tư. Nghề dệt the lắm công phu, đòi hỏi phải kiên trì tới cùng. Khó nhất là khâu làm mẫu, vẽ hoa văn cầu kỳ, lựa sao cho từng họa tiết sắc nét, vì vậy mỗi mẫu phải mất vài tháng đến cả nửa năm mới xong. Ví như, mẫu áo Thủy Ba làm cho một người Việt Kiều sống tại Mỹ, đúng 6 tháng ròng rã mới xong. Từ ngày phục dựng dệt the La Khê đã có hơn 20 mẫu được phục dựng như: Tứ linh, tứ quý, chữ thọ, hoa sen, song hạc, mây trời… Xét về sự cầu kỳ, tinh xảo, chất lượng của hàng the, sa La Khê, có thể nói không thua kém hàng của Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Sản phẩm the, sa La Khê có những ưu điểm như mềm mại, thoáng mát, điều hòa thân nhiệt tốt, ít bị nhăn, xô hay dạt khi vò, giặt. So với lụa, mẫu mã hoa văn của the không phong phú và màu sắc đơn giản do dệt dọc. The La Khê được dệt từ sợi tơ tằm 100% chất lượng cao nên giá thành cao hơn sản phẩm dệt công nghiệp. Vì vậy mà the La Khê cũng kén người dùng.

Anh Toản chia sẻ: “Làm hàng rất công phu mà mỗi mét the bán ra không được công là bao. Mỗi cây the dài 50m chỉ được lãi 700-800 nghìn đồng”. Hiện nay, anh Toản nhập tơ ở Bảo Lộc để làm hàng, dù khó khăn anh vẫn luôn bảo đảm 100% tơ tằm cho sản phẩm the La Khê. “Dù thế nào tôi cũng phải làm hàng đảm bảo uy tín, chất lượng” - anh Toản khẳng định.

Vì đơn thương độc mã, lại không đủ nguồn lực, vốn ít, không có người đồng hành nên anh Toản hiện xuất hàng cho cửa hàng ở làng Vạn Phúc bán. Không tên tuổi, không nhãn mác. Anh Toản cho hay: “Giờ chỉ cố cầm cự, giữ được ngày nào hay ngày đó mà thôi”.

Từ đầu năm nay, cơn đại dịch Covid-19 ập đến, tiếp tục gây khó khăn cho Toản. Hàng không bán được, thợ đành phải cho nghỉ, bản thân anh chỉ túc tắc làm với số lượng ít ỏi. 8 tháng nay, anh Toản chỉ xuất được 4 cây the, sa, trong khi tầm này năm 2019 được gấp gần 6 lần (chừng 25 cây). Xưởng dệt này anh Toản vẫn duy trì thuê của địa phương và hoạt động leo lắt. Anh Toản nói vui: “Nghề canh cửi lận đận nó vận vào, tôi như nặng nợ với tiền nhân. Mai này không còn đủ sức làm nữa thì có lẽ nơi đây thành bảo tàng khung cửi cổ La Khê”.

Do nhu cầu xã hội giảm, người dân La Khê có nhiều việc làm mới nên nghề dệt the, dệt sa, dệt lụa dần bị chìm vào quên lãng, có nhớ chăng là khi những người già từng làm thợ dệt trở về miền ký ức. Ông Ngô Văn Hỷ còn nhớ cái mùi ngai ngái của sa, lụa; tiếng lách cách thoi đưa, tiếng guồng tơ, suốt chỉ. Rồi những câu ca vọng về: “The La, lụa Vạn, vải Canh/ Nhanh tay đem bán, ai sành thì mua”...

Chúng tôi rời La Khê với một niềm mong muốn, xưởng dệt mà anh Lê Đăng Toản đang cố gắng giữ nghề sớm được các cấp ngành và chính quyền quan tâm, hỗ trợ để giữ một sản phẩm quý - the La Khê.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.