"Đánh thức" giá trị phế tích Pháp tại Vườn quốc gia Ba Vì

Chia sẻ

Sáng 9/9, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Tập đoàn khách sạn quốc tế Melia (Melia Hotels International) đã tổ chức buổi Tọa đàm khoa học với chủ đề “Phát huy giá trị phế tích của Vườn quốc gia Ba Vì” tại Hà Nội. Tọa đàm thu hút sự tham gia của 150 chuyên gia đầu ngành về bảo tồn trong và ngoài nước.

Tại tọa đàm, lần đầu tiên những di sản tư liệu về một thị trấn sầm uất, một khu nghỉ dưỡng mà người Pháp đã dày công xây dựng tại độ cao 400m, 600m, 800m và 1.000m trên núi Ba Vì được công bố.

Toàn cảnh Tọa đàmToàn cảnh Tọa đàm

Nằm trên độ cao 1.200m so với mực nước biển, nơi đây không chỉ mang trong mình những giá trị tài nguyên sẵn có, vị trí địa lý và điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi, thảm thực vật đa dạng và phong phú, nó còn chứa đựng cả một đời sống văn hóa, lịch sử, giá trị tâm linh linh thiêng cách đây gần 100 năm. Sự tồn tại của thị trấn đó được minh chứng bởi cả trăm nền phế tích vẫn còn nguyên lớp tường đổ nát, rêu phong, hoang phế nằm rải rác giữa núi Ba Vì.

Sống động hơn là câu chuyện của họa sĩ, dịch giả Trinh Lữ - người kể lại câu chuyện của cha ông (cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc) đã mua đất và xây nhà, đưa gia đình sinh sống tại đây: "Cuối cùng thì chỉ có một mình ông Ngọc làm nhà và đưa vợ con lên ở trong mảnh đất phân lô số 8 thuộc Lô quy hoạch số 1 tại cote 1.000. Mới đầu là một nhà lá chừng 50 mét vuông nền để ở tạm. Sau là nhà xây 200 mét vuông nền, bằng cả bê tông, gạch, đá, mái lớp ván gỗ thông phủ nhựa đường.

Năm 1944, thời cuộc không yên, việc xây nhà trên núi cao cực kỳ khó khăn về mọi mặt; phải là người rất quyết tâm và yêu Ba Vì lắm mới có thể vượt qua những khó khăn ấy" - dịch giả Trịnh Lữ kể lại.

Quả thật, nếu ai đã đến và thấy những phế tích trong vườn quốc gia Ba Vì thì đều biết đó là một câu chuyện cần được làm giàu thêm giá trị của lịch sử, môi trường, cảnh quan mà chúng ta đang hưởng thụ. "Việc phát huy nó, khai phá nó, làm thức tỉnh nó để phục vụ cộng đồng được thăm quan, sống cùng một thời kỳ lịch sử là một hướng đi cần thiết. Cần bảo tồn và khai thác được khí hậu, cảnh quan mẹ thiên nhiên đã ban tặng, bảo vệ rừng nguyên sinh một cách hài hòa và tích cực. Nhưng nếu đầu tư thái quá cũng không đúng, để yên cũng không đúng. Tìm ra phương án và đường đi là nhiệm vụ của thời đại chúng ta hôm nay" - GS. Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định.

Một phần di tích ở cốt 600, Ba VìMột phần di tích ở cốt 600, Ba Vì

Đau đáu về vấn đề bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn, tại buổi tọa đàm, nhiều tham luận đã đưa ra đánh giá trên nhiều khía cạnh: Từ những ký ức về di sản ở Ba Vì trước năm 1945, những tài liệu thiết kế còn được lưu giữ; những cách tiếp cận khác nhau về văn hóa, bảo tồn, cảnh quan, lịch sử, kiến trúc; cho tới những giải pháp quy hoạch, lịch sử, kiến trúc và những giải pháp đầu tư để đạt tới mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đó, quan điểm của Hội Kiến trúc sư Việt Nam về giải pháp ứng xử với phế tích tại Vườn quốc gia Ba Vì là cần thiết khai thác khu phế tích này thành điểm du lịch nghỉ dưỡng, lịch sử, văn hóa nhưng phải khai thác, ứng xử phù hợp với môi trường tự nhiên vốn có dựa trên 5 nguyên tắc chính đó là: Kết hợp sống cùng di tích; bảo tồn nguyên trạng phế tích như bộ phận của cảnh quan; xây dựng các công trình mới bên cạnh phế tích kiến trúc, cảnh quan; khôi phục, phục dựng và tôn tạo cảnh quan, đưa thêm và lựa chọn cây xanh phù hợp, đặc trưng.

Dinh Toàn quyền tại cốt  600, Vườn Quốc gia Ba VìDinh Toàn quyền tại cốt 600, Vườn Quốc gia Ba Vì

Phó giáo sư Đặng Văn Bài, chuyên gia đầu ngành về bảo tồn di tích nhận định rằng: Không chỉ cần các nhà đầu tư có tầm nhìn, có tiềm lực tài chính, thông minh mà còn cần phải có cái tâm, không lấy lợi nhuận làm mục tiêu mà lấy hiệu quả và sự bền vững của dự án làm đích mới có thể thực sự bảo tồn và phát huy được những giá trị tốt đẹp của di tích. Ông cũng kiến nghị và kỳ vọng Melia Ba Vì sẽ phối hợp với Vườn quốc gia Ba Vì xây dựng một bảo tàng sinh thái mang tầm cỡ quốc tế với khái niệm không chỉ bảo tồn hệ sinh thái mà còn bảo tồn cả văn hóa, di tích cũng như các lễ hội nhằm bảo tồn các ký ức, giá trị văn hóa, lịch sử.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho biết: Giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì là một bài toán khó, nhưng không phải không có lời giải. Trên thế giới, bài toán này đã có lời giải hiệu quả. Người ta đã phát triển, cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa. Đồng thời, đó cũng là cách thiết thực nhất để quá khứ không chỉ còn nằm trên giấy. Phương thức này cũng tạo nguồn kinh phí để phần nào bù đắp cho việc duy trì và bảo vệ di tích vốn đã rất eo hẹp. Chia sẻ tâm tư của mình, nhà sử học Dương Trung Quốc hy vọng không gian này sẽ được bảo tồn không chỉ với thiên nhiên mà còn được bảo tồn trong lòng mỗi người.

Di tích trên cốt 700 tại Vườn Quốc gia Ba VìDi tích trên cốt 700 tại Vườn Quốc gia Ba Vì

Bảo tồn và phát triển không gian văn hóa – kiến trúc Ba Vì là công việc có ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng. Có thể coi đó như một công việc tiếp nối những người đi trước và thực hiện điều đó như một trách nhiệm của thế hệ và sứ mệnh của con người với thiên nhiên vĩ đại và thiêng liêng.

Đánh giá về quy hoạch tổng thể, giáo sư Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, nhìn chung các cốt đều giữ được hiện trạng sát so với quy hoạch của Pháp năm 1942, các tuyến đường không bị thay đổi nhiều. Khu vực cốt 600m được tập trung xây dựng nhiều nhất. Khu nghỉ dưỡng Melia Ba Vi Retreat được xây dựng ở đây đảm bảo giữ đúng các chức năng nghỉ dưỡng như các kiến trúc sư Pháp đã hoạch định ở khu vực này. Các cốt khác như cốt 700m, các phế tích được giữ nguyên hiện trạng (chỉ còn nền) trở thành các điểm du lịch. 

Trên thế giới, rất nhiều Vườn quốc gia hoặc khu bảo tồn văn hóa được sử dụng như một nguồn lực quan trọng cho việc bảo tồn chính các di tích, di sản ấy. Đó là điều mà Bagan (Myanmar), Ăng-co (Campuchia), Ephesus (Thổ Nhĩ Kỳ)… đã làm. Bên cạnh Vườn quốc gia Pilanesberg, người ta đã xây cả một tổ hợp khách sạn, giải trí, sân golf phục vụ khách thăm viếng vườn quốc gia nổi tiếng nhất thế giới này.

Khu nghỉ dưỡng Melia Ba Vì không phải là một khu nghỉ dưỡng quá lớn so với các khu nghỉ dưỡng trên thế giới, thậm chí ngay tại Việt Nam. Nhưng những vấn đề mà nó vấp phải trong quá trình xây dựng lại không hề nhỏ: Chúng ta đôi khi đã bỏ lỡ những cơ hội để chủ trương bảo tồn gắn với phát triển, mà theo đó đem lại những giá trị đích thực của di sản trong đời sống đương đại, mang lại cho cộng đồng những không gian văn hóa nghỉ dưỡng nhân văn, xứng tầm.

 ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.