BẦM ƠI!

Chia sẻ

Trong số rất nhiều sáng tác của Tố Hữu (1920 – 2002), cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam, tôi đặc biệt ấn tượng với bài "Bầm ơi", viết năm 1948.

Ai về thăm mẹ quê ta
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm...
Bầm ơi có rét không bầm!
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non
Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.
Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!
Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều
Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!
Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.
Con ra tiền tuyến xa xôi
Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền.
Nhớ thương con bầm yên tâm nhé
Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân.
Con đi xa cũng như gần
Anh em đồng chí quây quần là con.
Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí
Bầm quý con, bầm quý anh em.
Bầm ơi, liền khúc ruột mềm
Có con có mẹ, còn thêm đồng bào
Con đi mỗi bước gian lao
Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm!
Bao bà cụ từ tâm như mẹ
Yêu quý con như đẻ con ra.
Cho con nào áo nào quà
Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi.
Con đi, con lớn lên rồi
Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con!
Nhớ con, bầm nhé đừng buồn
Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm.
Mẹ già tóc bạc hoa râm
Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con...
                                                        (1948)
                                                        TỐ HỮU

Bài thơ làm sống dậy hình ảnh người mẹ miền trung du bình dị, giàu lòng yêu nước, rất thương lo cho đứa con đang cầm súng bảo vệ Tổ quốc; cũng là tiếng lòng của người con chiến sĩ nơi mặt trận luôn nhớ thương và biết ơn người mẹ ở hậu phương.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Có hiểu rõ hoàn cảnh ra đời ta mới cảm nhận đúng bài thơ. Vào những năm 1947, 1948, đoàn văn nghệ sỹ trên hành trình “nhận đường” đã chọn xã Gia Điền (Hạ Hoà, Phú Thọ) làm nơi dừng chân và hoạt động. Khi ấy các tác giả: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân đã ở lại thôn Gốc Gạo xã Gia Điền. Chủ nhà trọ là bà Nguyễn Thị Gái - vùng này quen gọi mẹ là "bầm" hay "bủ". Khi các văn nghệ sỹ đến ở, bủ Gái đã dọn xuống bếp, nhường nhà trên cho khách. Theo những người già trong thôn kể lại: Bấy giờ ban ngày bủ Gái lên nương gieo ngô, trồng đỗ hay xuống ruộng cấy lúa. Tối về, bủ dùng lá chuối khô bện đệm nằm cho đỡ rét. Cứ vào đêm khuya lại nghe thấy có tiếng khóc nho nhỏ từ phía bếp. Các văn nghệ sĩ hỏi mãi, bủ Gái mới tâm sự: Vì quá thương lo đứa con trai đi vệ quốc quân không thấy thư hay tin tức gì về. Biết vậy, các nhà văn đề nghị Tố Hữu sáng tác một bài thơ giả làm thư con trai bủ Gái. Tố Hữu nhận lời và viết liền mạch bài thơ "Bầm ơi". Hôm sau, nhà thơ Tố Hữu nói đây là thư của con trai bủ gửi về rồi đọc cho bủ Gái nghe, bủ Gái mừng lắm và từ đó hết khóc thầm.

Mở đầu sáng tác này như lời của đứa con từ mặt trận gửi cho mẹ: “Ai về thăm mẹ quê ta/ Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm/ Bầm ơi có rét không bầm…”. Từng chữ là nỗi nhớ mẹ, là lời thăm hỏi ân tình của người con nơi xa. Những từ láy liên tiếp cùng với nghệ thuật đảo ngữ “Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn” thể hiện rõ tình thương yêu mẹ trước cái rét mùa đông khắc nghiệt. Người con hình dung cảnh tượng mẹ lao động vất vả "Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non", trong lòng càng thương mẹ hơn nữa: "Mưa phùn ướt áo tứ thân/ Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!". Nghệ thuật so sánh rất điển hình ở đây - thường được làm mẫu về hiệu quả của phép tu từ - đã nêu bật tình thương mẹ nhiều như những hạt mưa không ai đong đếm hết được của đứa con xa. Liền đó, người con an ủi mẹ: "Thương con bầm chớ lo nhiều bầm nghe". Dù con từng trải gian khổ nhưng đồng đội sẻ chia nên sẽ vượt qua được hết. Còn bầm ở nhà chỉ một thân vò võ "muôn nỗi tái tê".

Thương mẹ nhiều nhưng không quên nhiệm vụ chiến đấu, người con chiến sỹ động viên mẹ: "Con ra tiền tuyến xa xôi/ Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền/ Nhớ thương con bầm yên tâm nhé". Con tuy xa mẹ nhưng lại có bao nhiêu bà mẹ khác "yêu quý", chăm lo cho con "như đẻ con ra". Người con xa mẹ, được đơn vị huấn luyện, đào tạo và học anh, học em nên "Con đi đã lớn lên rồi/ Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con". Phần cuối bài, người con truyền tới mẹ niềm tin vào ngày mai chiến thắng: "Nhớ con, bầm nhé đừng buồn/ Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm". Ý thơ này khiến bài thơ đọng lại trong lòng người âm hưởng rất lạc quan. Toàn bài, với thể thơ lục bát thân thuộc dễ đi vào lòng người, tác giả ngợi ca tình yêu thương con cùng với tình yêu nước vô bờ của người mẹ Việt Nam đã tạo nên sức mạnh giúp những người con vững tin để chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc. Bài thơ trở thành suối nguồn ân tình sâu nặng của những người chiến sỹ nơi mặt trận dành cho người mẹ hậu phương. Đến nay, tuổi của bài thơ đã hơn nửa thế kỷ nhưng đọc lại vẫn thấy thật hay và xúc động lòng người.

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.