Chùa Trầm xa lắm

Chia sẻ

Không hiểu sao trong đầu tôi cứ vương vấn những câu thơ khi đặt chân tới chùa Trầm. Chùa Trầm (nằm ở Chương Mỹ, Hà Nội), không xa nội thành, cái tên cũng cứ vương màu diệu vợi.

Hoàng hôn buông xuống cửa chùa
Thinh không gió thoảng rót vừa tiếng kinh.

Không hiểu sao trong đầu tôi cứ vương vấn những câu thơ đó khi đặt chân tới chùa Trầm. Chùa Trầm (nằm ở Chương Mỹ, Hà Nội), không xa nội thành, cái tên cũng cứ vương màu diệu vợi.

Gọi là chùa Trầm nhưng đó là một quẩn thể gồm 3 ngôi chùa hợp lại.

Chùa chính rộng rãi và thoáng mát, có tường gạch xây bao xung quanh. Qua cổng vào sân, nhìn sang bên trái là Trầm Sơn Tử. Bước qua lớp bậc đá đầu tiên mới lên đến sân cửa chính, sân lát gạch đỏ, cây trồng dọc hai bên. Chùa mang nét thanh tịnh đơn sơ như bao ngôi chùa khác nhưng vẫn cứ gợi một nét êm ả, trong mát rất riêng. Là bởi bóng cây bao trùm trầm mặc hay bởi bóng núi tỏa dáng thanh tao?

Chùa TrầmChùa Trầm nằm ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Đặc biệt, ngay cạnh chùa chính có một cái động độc đáo - động Long Tiên, trong động là một ngôi chùa - tục gọi chùa Hang. Hang khá rộng và sâu, bước vào trong cảm nhận không gian mát lạnh. Thông với hang là đỉnh của một núi đá. Đứng bên dưới, ngước nhìn lên, tưởng như một giếng trời thu nhỏ với luồng sáng chói lói. Bỗng nhiên, thấy mình được chiếu rọi, được gột rửa từ một nguồn năng lượng vô hình, siêu nhiên nào đó của thiên nhiên, vũ trụ.

Trong chùa bày rất nhiều tượng Phật, khánh đá, chuông đồng, cả những bài kệ viết bằng chữ Nho trên vách. Mọi thứ đủ đầy và sắp đặt không khác gì một ngôi chùa thực thụ. Cảm giác thật đặc biệt khi đứng giữa hang, nghe âm âm vọng về những điều trong quá vãng. Là tiếng thủ thỉ của 48 pho tượng đá có từ thời Lê đã đứng lặng mấy trăm năm nơi này? Hay còn là tiếng vọng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của vị cha già dân tộc mấy chục năm trước?

Lịch sử và Phật pháp đan cài, hòa quyện dâng lên cảm giác rưng rưng khó nói nên lời.

Đi thêm một quãng nữa, sang bên kia sẽ tới ngôi chùa thứ 3 - chùa Vô Vi, nằm trên núi Vô Vi. Một cái tên gợi lên bao an yên, nhẹ nhõm - không ràng buộc, không liên quan. Vừa mới đặt chân đến thôi đã cảm giác bước vào một vùng núi non thủy tú dù ngôi chùa, ngọn núi ấy hết sức nhỏ xinh, không hề lớn lao, choáng ngợp.

Cổng chùa bằng đá vững chãi, nổi bật 3 chữ Hán “Vô vi tự”, 2 cánh cổng gỗ mở toang đón bước chân người lần theo từng bậc đá đi lên. Không gian tịch mịch mà không thâm u, buồn bã. Những vạt nắng xuyên nhẹ qua vòm cây, lối đi phủ đầy hoa đại, xung quanh như được ướp đẫm mùi hương nồng nàn, quyến rũ. Những cây đại ở đây cao lớn, ngả nghiêng theo sườn núi, hiện rõ dấu ấn thời gian qua lớp vỏ xù xì, thấm trải. Chỉ màu hoa, hương sắc vẫn mới mẻ, đậm đà. Gió đùa lá nhẩn nha, tiếng chim hót gần xa thưa vắng; mỗi bước chân, lại muốn dừng một chút để thu nhận hết vẻ an yên, sâu lắng. Thật diệu kì, một chốn vô tình đến mà cảm giác quen thuộc, như đã đợi mình từ rất lâu rồi. Hay bởi lòng mình bấy lâu vẫn hằng mong mỏi hai chữ “vô vi” như tinh thần của cái tên thuộc về chốn ấy.

Phía bên hông của nhà thờ tổ là một lối đi nhỏ cheo leo, men theo núi. Không gian phía sau mở ra một căn lầu nhỏ mái cong cong lợp ngói. Ngay cạnh là lầu Nghênh phong. Trong lầu, treo một quả chuông nhỏ đúc từ đầu thế kỉ 19 - quả chuông được treo trên vách đá, bên cạnh là hòn đá nhỏ nằm kẹp vô cùng độc đáo. Đúng như tên gọi, đứng trên lầu thấy tràn ngập gió, nhìn xung quanh, một bên là mênh mông đồng ruộng, một bên là dãy Tử Trầm phóng khoáng. Gió xui lòng phơi phới, nhẹ tênh.

Bước thật chậm để rời chùa mà lòng dường như còn vương vấn, vương vấn những giọt thời gian đẹp đẽ vừa tượng hình đã sắp vuột trôi.

Dưới chân đá vẫn miệt mài như nhủ với người rằng, dù thời gian, cuộc đời có bụi bặm, tàn phai thì ngày mai vẫn đáng mong chờ. Nâng niu từng khoảnh khắc hiện tại và sẵn lòng mở phía tương lai.

Chùa Trầm xa lắm nhưng cứ đi rồi sẽ thấy thật gần, Vô Vi mà không thoát tục lại giống khúc tự tình, đón lòng người vào cõi thực như mơ. Để yêu thêm cuộc sống - dù còn bộn bề hay thảnh thơi, trăn trở.

NHẤT MẠT HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.