Giáo dục bằng biện pháp nhân văn

Chia sẻ

Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo học sinh, giáo viên, phụ huynh vì tính nhân văn, phù hợp với tư tưởng của giáo dục hiện đại.

Nhiều giáo viên cho rằng, đuổi học không phải là hình thức giáo dục tốt khi học sinh vi phạm kỷ luậtNhiều giáo viên cho rằng, đuổi học không phải là hình thức giáo dục tốt khi học sinh vi phạm kỷ luật (Ảnh: minh hoạ)

Đuổi học không phải phương pháp giáo dục tốt

Theo đó, Dự thảo Thông tư đã xóa bỏ một số hình thức kỷ luật học sinh vi phạm kỷ luật được cho là phản giáo dục như cảnh cáo trước lớp, cảnh cáo trước toàn trường, buộc thôi học 1 năm đang được quy định trong Thông tư 08/TT-BGDĐT ngày 21/3/1988. Thay vào đó, Dự thảo quy định ngoài các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực, tùy theo mức độ vi phạm, học sinh có thể phải chịu các mức kỷ luật: Khiển trách; cảnh cáo; tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm.

Đối với hình thức kỷ luật tạm dừng học trên lớp, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của học sinh, căn cứ đề xuất của hội đồng kỷ luật nhà trường, hiệu trưởng nhà trường sẽ xem xét, quyết định thời hạn tạm dừng học tập trên lớp tối đa là 2 tuần để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm.

Trong trường hợp phải áp dụng hình thức kỷ luật này, học sinh có thể thực hiện kế hoạch giáo dục tại nhà trường, gia đình hoặc cộng đồng dân cư dưới sự giám sát, hỗ trợ của cán bộ, giáo viên được phân công và gia đình học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội bày tỏ sự đồng tình với quy định mới trong Dự thảo. Theo thầy Lâm, nhiều học sinh vi phạm kỷ luật có gia cảnh éo le như bố mẹ ly hôn, bố mẹ đang chịu án tù do vi phạm pháp luật, gia đình có bạo lực… nên thiếu đi sự chăm sóc, dạy dỗ từ gia đình. Nếu khi các em phạm lỗi, nhà trường lại áp dụng hình thức đuổi học 1 năm thì ai sẽ quản lý các em. Đừng nghĩ rằng, sau khi bị đuổi học một thời gian, các em sẽ ân hận, hối lỗi, trở thành học sinh ngoan, biết vâng lời. Thực tế cho thấy sự buông lỏng từ nhiều phía càng khiến các em học sinh sau khi bị đuổi học dễ “lệch chuẩn”, chán học hơn.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Phạm Phúc Thịnh cũng cho rằng, đuổi học học sinh không phải là biện pháp giáo dục tốt. “Đa phần học sinh mắc lỗi có cá tính mạnh, ý thức kém, không thích học. Nếu khi vi phạm kỷ luật và bị trường đuổi học, các em sẽ càng như “cá gặp nước”, có thời gian đi chơi, tụ tập, quậy phá... Chưa kể, sau thời gian dài dừng học, kiến thức rơi rụng, các em càng tự ti và chán học, không muốn quay trở lại trường. Vì thế, đuổi học chỉ càng đẩy học sinh đi theo con đường “lệch chuẩn” nhanh hơn”.

Giáo dục tích cực bằng tình yêu thương

Theo các chuyên gia, xóa bỏ hình thức đuổi học 1 năm, không có nghĩa là nhà trường, xã hội dung túng, bó tay với hành vi vi phạm kỷ luật của các học sinh.

Theo cô giáo Tạ Thị Vĩnh Hà, trường THCS Nam Trung Yên, để cảm hóa học sinh hư không thể dựa vào hình thức kỷ luật hà khắc mà phải bằng tình yêu thương. Cô Hà đã tiếp nhận nhiều học sinh có cá tính mạnh, nhưng trong mắt cô, các em không phải học sinh cá biệt, hư hỏng. Ngược lại, cô luôn nhìn thấy thế mạnh, những điểm tốt đẹp để khơi gợi, động viên học trò phát huy. Cô còn có sổ nhật ký, cẩn thận ghi chú lại điểm cần lưu ý về tính cách, gia cảnh của những học sinh đặc biệt để từ đó tìm ra phương pháp giáo dục học trò phù hợp.

Cũng theo ông Phạm Phúc Thịnh, chúng ta cần có một phương pháp giáo dục khác hiệu quả hơn để cảm hóa các học sinh hư. Phương pháp đó không phải là “đẩy” học sinh tự do ngoài xã hội mà thiếu đi sự quản lý của gia đình, nhà trường mà cần tạo môi trường để học sinh phấn đấu, tu dưỡng. Chẳng hạn, khi học sinh vi phạm kỷ luật phải chịu hình thức tạm dừng học ở trường, các em cần được yêu cầu tham gia các hoạt động giáo dục khác như buộc phải lao động công ích, tham gia hoạt động tình nguyện tại trung tâm bảo trợ xã hội.

Đây cũng chính là tư tưởng giáo dục tiến bộ mà Dự thảo Thông tư của Bộ GD-ĐT đề cập tới. Theo Dự thảo, học sinh khi vi phạm sẽ được áp dụng các biện pháp kỷ luật tích cực như khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng đối với học sinh mắc khuyết điểm; tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý; yêu cầu học sinh thực hiện nhiệm vụ lao động phù hợp, vừa sức như: trực nhật, vệ sinh lớp học, trường học, dọn dẹp thư viện, trồng hoặc chăm sóc cây xanh trong khuôn viên nhà trường... Ngoài ra, giáo viên có thể yêu cầu học sinh sưu tầm, tìm hiểu sách, tài liệu, phim ảnh hoặc câu chuyện thực tế đã được trải nghiệm, có nội dung liên quan đến khuyết điểm của học sinh, sau đó trình bày suy nghĩ, cảm nhận về nội dung và bài học rút ra cho bản thân; tham gia hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ học sinh khác có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc chưa học tốt để cùng tiến bộ.

Có thể thấy, Dự thảo Thông tư về khen thưởng và kỷ luật học sinh đã khắc phục được một số bất cập trong việc xử lý, giáo dục học sinh vi phạm kỷ luật so với Thông tư hiện hành, tăng cường đưa ra các giải pháp giúp học sinh tự nhận thức được sai phạm và điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm. Tuy nhiên, để có thể thực hiện đúng theo tinh thần Dự thảo Thông tư, cần có sự tâm huyết, kiên trì của các thầy cô giáo.

Dự thảo Thông tư được công khai trên website của Bộ GD-ĐT tại địa chỉ moet.gov.vn và lấy ý kiến đến hết ngày 31/10/2020.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…