Một đầu sách giáo khoa "cõng" hàng chục đầu sách tham khảo

Chia sẻ

Cứ vào đầu năm học, không ít phụ huynh lại nhăn nhó vì tình trạng mua sách giáo khoa cho con nhưng lại phải “cõng” thêm nhiều đầu sách tham khảo. Và đầu năm học này, câu chuyện buồn trên lại tái diễn.

Phụ huynh học sinh và học sinh đang bị bủa vây bởi rừng STK “đi kèm” SGKPhụ huynh học sinh và học sinh đang bị bủa vây bởi rừng STK “đi kèm” SGK

Tiền sách tham khảo nhiều hơn sách giáo khoa

Theo phản ánh của cha mẹ học sinh trường tiểu học An Phong, quận 8, TP. Hồ Chí Minh, bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 năm học 2020-2021 được thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt, gồm 8 môn học bắt buộc (Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật) và môn tự chọn là Ngoại ngữ (Tiếng Anh). Nhưng, trong bộ sách nhà trường giới thiệu tới phụ huynh học sinh lên tới 25 đầu mục với sự kết hợp của 3 bộ sách. Số tiền phụ huynh học sinh phải trả nếu mua trọn bộ danh mục sách này cũng lên tới 800.000 đồng.

Một phụ huynh có con học lớp 9 ở Hà Nội chia sẻ: “Đầu năm học, tôi bỏ tiền ra mua SGK thì ít, mà mua sách tham khảo (STK) thì nhiều. Cứ cuối mỗi năm học trước, trường đều cho gia đình học sinh đăng ký mua SGK cho năm học sau. Tuy nhiên, trong danh sách ấy, ngoài SGK, trường còn “đính” kèm thêm các đầu STK, sách bài tập. Về lý, việc mua các đầu sách này là tự nguyện, nhưng, không phải phụ huynh nào cũng phân biệt được đâu là sách “cần học” và sách “đọc thêm”. Vì thế, nhiều người chọn cách đăng ký trọn bộ theo gợi ý của trường”. Tuy nhiên, theo vị phụ huynh này, sau khi mua, STK được sử dụng như thế nào, vào lúc nào, hiệu quả đến đâu thì không thấy giáo viên kiểm tra, nhắc nhở. Kết quả là có nhiều cuốn, từ lúc mua tới khi kết thúc năm học vẫn nằm im lìm trên giá sách.

Nhà trường chỉ được tham gia phát hành SGK, việc phát hành STK nên trả lại cho các nhà sách. Có như vậy mới tránh được tình trạng nhập nhèm trường giới thiệu sách “có chủ đích” và giới thiệu “sách khách quan” với phụ huynh học sinh. Ngoài ra, phụ huynh và học sinh cũng tên trở thành những “nhà thông thái” trong lựa chọn STK dựa trên năng lực tiếp thu của con em và khả năng tài chính của gia đình. Phụ huynh và học sinh cần thấu hiểu quyền của mình trong lựa chọn sách, vì mua nhiều STK mà con em không có năng lực tiếp thu, không học đến là lãng phí. (TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng)

Theo ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ VIGEF, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, câu chuyện STK dạy và học ở các trường phổ thông đã có từ lâu và cứ dấy lên mạnh mẽ là vào thời điểm đầu năm học, gây ra những bức xúc trong xã hội ở nhiều nơi và nhiều vùng. Bình thường, nơi phát hành STK là nơi in bản mẫu sách, là các công ty, các cửa hàng, đại lý bán STK. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có Phòng GD-ĐT, nhà trường cũng trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia phát hành SGK và STK. Lý do vì sách và tài liệu lưu hành trong nhà trường là mặt hàng đặc biệt, có số khách hàng đông, dễ “chạy hàng” và đôi khi việc “tự nguyện mua” hay “phải mua”, thường rất tế nhị, ít khi được rạch ròi.

Bên cạnh đó, phát hành phí hay tiền chi cho chiết khấu thường có tỷ lệ phần trăm cao càng làm tăng tính hấp dẫn cho hoạt động này. Để “thuận tiện”, một số nhà sách thường bó lại SGK và STK thành một túi và gọi chung là bộ sách dành cho học sinh. Chính vì thế mới xảy ra chuyện một số phụ huynh ở TP.Hồ Chí Minh đã phải mua cho con bộ sách lớp 1 lên tới 23 cuốn gồm cả SGK và STK.

Cố PGS Văn Như Cương, nguyên Chủ tịch HĐQT trường Lương Thế Vinh khi còn sống cũng thẳng thắn chỉ rõ tình trạng HS được chào mời mua “sách ngoài” là có thực. Trường của ông cũng từng nhận được nhiều lời mời mua sách của các đơn vị cung ứng sách, kèm theo đó là lời hứa sẽ chia “hoa hồng” cho nhà trường nếu bán được sách nhưng ông luôn từ chối. Lâu dần, biết trường ông không mua sách, cũng chẳng ham… hoa hồng nên các đơn vị chán, không gọi lại nữa. Như thế đủ thấy, nhiều trường vì lợi nhuận mà gợi ý học sinh mua các loại sách, vở tham khảo thì có thể gây quá tải cho học sinh, còn phụ huynh thì tốn kém không biết bao nhiêu tiền bạc.

Để trị bệnh nan y “bia hơi kèm lạc”?

Năm nào cũng vậy, cứ đầu mỗi năm học, khi có lùm xùm quanh việc SGK bán kèm với STK, Bộ GD-ĐT lại ra các công văn chấn chỉnh, nhưng rồi đâu lại hoàn đó. Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các Sở GD-ĐT triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung về SGK, STK đã được quy định tại Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 41/2010/TT năm 2010 của Bộ GD-ĐT. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và tự nguyện, không bắt buộc.

Theo ông Đặng Tự Ân, để giải quyết tình trạng nan y “bia hơi kèm lạc” trong phát hành SGK cần có giải pháp đồng bộ, giữa một bên là các biện pháp hiệu quả về quản lý nhà nước với một bên là tăng cường sự vận động đề cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm cộng đồng và lòng tự trọng, trắc ẩn của các thầy cô với học sinh và gia đình.

Lập lại trật tự xuất bản SGK, STK ngay từ khi thay SGK lớp 1

Hiện nay có tình trạng STK được xuất bản và phát hành tràn lan, tới mức “loạn”. Có những tác giả, do có sức hấp dẫn với giáo viên và học sinh nên đứng tên chủ biên nhiều cuốn sách, bộ sách khác nhau, mặc dù nội dung na ná giống nhau. Nhiều nhà xuất bản phát hành nhiều đầu sách khác nhau với cùng một chủ đề. Tôi đã từng mua một tập STK về ngồi đọc, rất buồn là chỉ giữ lại được một số cuốn tính trên đầu ngón tay. Đa phần là sách viết với chất lượng không đạt, nhiều cuốn sao chép sách đã phát hành hoặc bổ sung, thêm bớt những cuốn đang ăn khách. Thị trường STK một thời bỏ mặc không được quản lý, dẫn đến áp lực lên học sinh, tạo ra tình trạng quá tải ở các nhà trường, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh. Thực trạng cũ vẫn còn nóng hổi và sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho các cấp quản lý và xã hội có những quyết sách mạnh mẽ để lập lại trật tự việc xuất bản, phát hành STK ngay từ khi thay SGK lớp 1, nếu không sẽ là quá muộn, bước theo vết xe cũ. Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ VIGEF, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học-Bộ GD-ĐT

Ông Đặng Tự Ân phân tích, hệ thống STK cùng với hệ thống SGK tạo thành kho tư liệu quý, giúp cho giáo viên và học sinh ở các nhà trường có điều kiện dạy tốt và học tốt. SGK tuy đã thể hiện tinh thần chủ đạo của chương trình môn học quốc gia, nhưng vẫn chưa đủ, chưa viết được hết các khía cạnh khai thác của các đơn vị kiến thức ở các môn học hay lớp học. Vì thế khi viết SGK, các tác giả thường chuẩn bị và viết STK đồng thời. Nhưng, nói như vậy không có nghĩa việc xuất bản STK có thể thả nổi, “trăm hoa đua nở”, ai ai cũng viết và nhà nhà xuất bản. Nhà xuất bản phải được sự đồng ý của Bộ GD-ĐT để có kế hoạch xuất bản STK. Về nội dung STK, ngoài hội đồng biên tập, việc đánh giá nội dung, hình thức của các nhà xuất bản trước khi in nên có ý kiến thẩm định, góp ý của các chuyên gia giáo dục, các cán bộ chỉ đạo chuyên môn trung ương và địa phương.

Về phía các nhà trường, ông Ân cho rằng, nên đứng ngoài khâu phát hành STK. Thay vào đó, nhà trường chỉ nên công khai những cuốn SGK bắt buộc để học sinh mua làm học liệu học tập. STK khác nếu cần thiết, nhà trường có thể trang bị và bổ sung thường xuyên vào thư viện để giáo viên và học sinh có thể cùng tham khảo trong quá trình dạy và học.

Theo GS Phạm Hồng Tung, ĐH Quốc gia Hà Nội từng chia sẻ, tại nhiều quốc gia như Đức, người ta không khuyến khích HS, gia đình học sinh tự mua SGK, STK. Vì thế, STK được bán trên thị trường rất đắt. Thay vào đó, các nhà trường cung cấp đủ SGK, STK mà trường cho là tốt cho HS mượn đọc, học trong thư viện. Học sinh không cần mang sách về nhà. Như vậy cũng hạn chế tình trạng các gia đình phải mua nhiều sách cho con em. Tại Việt Nam, việc bán SGK, STK chưa thực hiện được như nước bạn. Vì thế, giải pháp có thể làm là thẩm định và công khai một bộ học liệu trọn vẹn, đầy đủ cho cả một môn học và công khai cho học sinh, phụ huynh học sinh biết. Khi học theo bộ học liệu trọn vẹn đó, đảm bảo học sinh không cần phải mua thêm STK bên ngoài. Như vậy sẽ tránh tình trạng 1 bộ SGK bán kèm cả rừng sách tham khảo tràn lan như hiện nay.

Bài và ảnh Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…