Phát triển, bảo tồn phải lấy thiên nhiên… “làm gốc”

Chia sẻ

Hơn 100 năm trước, người Pháp đã xây dựng ở Ba Vì nhiều biệt thự nghỉ dưỡng và quân sự cao cấp dành cho binh sĩ. Việc ứng xử và phát huy các phế tích này như thế nào để phát triển du lịch nhưng vẫn bảo vệ cảnh quan thiên nhiên là vấn đề mà nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, luôn trăn trở.

Một phần phế tíchthời Pháp thuộc tại coste 600 thuộc vườnQuốc gia Ba Vì.Một phần phế tích thời Pháp thuộc tại coste 600 thuộc vườn Quốc gia Ba Vì. (Ảnh: Melia)

Đánh thức phế tích

Ba Vì nằm trên độ cao 1.200m so với mực nước biển, khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm. Cũng như Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo, Bạch Mã... từ những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, người Pháp đã xây dựng ở Ba Vì nhiều biệt thự nghỉ dưỡng. Thực tế, con số xác định do phát lộ trên đất hiện có khoảng 130 biệt thự (kể cả những biệt thự chỉ còn nền hoặc đã bị phủ lấp). Đây là dấu tích quan trọng của di sản quy hoạch, kiến trúc vùng núi rừng đặc trưng thời thuộc Pháp; đồng thời cũng mang giá trị lịch sử, văn hóa và cảnh quan.

Trải qua gần 100 năm, sự khắc nghiệt của thời gian cùng với sự thiếu ý thức của con người đã khiến các phế tích ở những khu vực không được bảo vệ như việc coste 400 gần như biến mất. 10 năm trước, tại điểm cao này còn nhiều nền, tường phế tích biệt thự nằm dọc đường chính thì nay chỉ là một khoảng trống với màu xanh của cỏ. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền phải có hành động thiết thực để bảo tồn phế tích Pháp ở Ba Vì tại các điểm cao khác nhau, để nét đẹp văn hóa, lịch sử của quá khứ không bị chôn vùi.

Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm được đúc rút từ các địa phương cho thấy, dù làm gì thì việc bảo tồn, phát triển cũng phải “lấy thiên nhiên làm gốc”. Đừng để như bài học nhãn tiền là Tam Đảo, do quản lý chưa tốt nên bây giờ chỉ là một đô thị với tốc độ xây dựng chóng mặt và không hề có quy hoạch, kiến trúc riêng biệt… chứ không phải nơi nghỉ dưỡng như trước đây. Thứ còn lại duy nhất là lợi thế khí hậu. Lời giải của bài toán này là hài hòa lợi ích, không nên tuyệt đối hóa bảo tồn, tức là phải “đóng kín” lại.

Như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Không phải cứ bảo tồn là không được làm gì. Bảo tồn là để phục vụ con người, miễn là sự khai thác đó đảm bảo bền vững và không can thiệp vào tài nguyên. Chính người Pháp khi xây dựng các khu nghỉ dưỡng tại núi Ba Vì, trong tất cả các văn bản liên quan đã nhấn mạnh việc bảo tồn rừng, nghiêm cấm chặt phá cây, săn bắn, phá huỷ môi trường; phải coi thiên nhiên là “đặc sản”. Không có sự tùy hứng nào về ý tưởng thiết kế được phép tồn tại ở đây”.

Phát triển để bảo tồn, bảo tồn để phát triển

Mong muốn tôn tạo lại những phế tích thời Pháp thuộc ở núi Ba Vì để chúng không chỉ là dấu tích cổ, mà sẽ trở thành nơi thu hút du lịch, trải nghiệm, học tập lịch sử… nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: “Nếu chúng ta can thiệp khoa học, bài bản trên nền tảng pháp luật sẽ làm tăng thêm giá trị của khu rừng, đồng thời bảo tồn một cách bền vững. Nhưng giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì chắc chắn là một bài toán khó”.

“Trên thế giới đã có lời giải rất phổ biến và hiệu quả. Họ đã phát triển, cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa. Đó là một cách làm thiết thực để quá khứ không còn chỉ nằm trên giấy” – nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết.

Hiện nay, chính quyền, các cơ quan chuyên môn cùng một số nhà đầu tư tâm huyết đang có những thử nghiệm, bước đi thận trọng đầu tiên trong dự án bảo tồn và khai thác các phế tích cũ tại Ba Vì. Như tại điểm cao 600 vốn được coi là “đặc khu quân sự” của Pháp, tập đoàn Mélia đã dựng lại khu nghỉ dưỡng trên chính nền một số biệt thự của Pháp trước đây. Tận dụng móng công trình, tận dụng những bức tường đá dày 50cm, cải tạo, nâng cấp nhưng vẫn cố tình khoe ra quy hoạch bài bản mang dấu ấn Pháp. Hầu hết các công trình trong khu nghỉ dưỡng này nép mình một cách khiêm nhường vào thiên nhiên.

Đồng tình với việc nên có biện pháp để “đánh thức” tiềm năng của các phế tích Pháp ở Ba Vì, ông Đỗ Hữu Thế - Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì cho rằng: “Chúng ta cần chọn lọc cái gì khoanh được để bảo vệ, để đối chứng cho lịch sử. Phế tích hẳn thì phải xây dựng lại. Việc xây dựng này phải trên cơ sở tôn trọng quá khứ, hài hòa với thiên nhiên, bảo đảm vệ sinh môi trường sinh thái của Vườn Quốc gia Ba Vì và có định hướng của các nhà sử học, các nhà khoa học”.

Hải Yến 

Tin cùng chuyên mục