Trường nghệ thuật kêu cứu vì bị “cắt” hệ đào tạo

Chia sẻ

Hiện nay, một số trường năng khiếu nghệ thuật ở Trung ương và địa phương đang “ngồi trên đống lửa” khi không thể tuyển sinh đầu vào trung cấp, bởi theo Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp có những quy định thay đổi dẫn đến xáo trộn rất lớn trong hệ thống các trường này.

Nhiều thí sinh là học sinh hệ trung cấp của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã giành giải cao tại các cuộc thi nghệ thuật âm nhạc quốc tếNhiều thí sinh là học sinh hệ trung cấp của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã giành giải cao tại các cuộc thi nghệ thuật âm nhạc quốc tế (Ảnh: H.H)

Học viên, giáo viên đồng loạt... kêu cứu

Học viện Múa Việt Nam nhận được công văn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị dừng tuyển sinh năm 2020 đối với 2 ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp. Lý do là vì theo các quy định Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Học viện không có chức năng đào tạo trình độ trung cấp.

Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, ông Trần Văn Hải vô cùng lo lắng: “Nếu như những năm trước, từ tháng 7, tháng 8 hầu hết các trường đào tạo năng khiếu nghệ thuật bước vào mùa tuyển sinh. Tuy nhiên mùa tuyển sinh năm nay, kế hoạch này đang phải dừng lại. Tất cả các trường đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng năng khiếu nghệ thuật đang chờ quyết định từ Thủ tướng Chính phủ, cho phép hay không cho phép các trường tiếp tục tuyển sinh đào tạo theo hình thức đặc thù này”.

Trường Cao đẳng Múa Việt Nam chính thức trở thành Học viện Múa Việt Nam từ năm 2019. Hơn 60 năm qua trường chủ yếu đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, bây giờ không được phép đào tạo trình độ trung cấp thì đội ngũ giảng viên múa sẽ ra sao? Không chỉ vậy, vấn đề chính là quy trình đào tạo một diễn viên múa cần được uốn nắn rèn luyện ngay từ nhỏ để đáp ứng các tiêu chí tiêu chuẩn khắt khe của nghề nghiệp như: độ mềm, độ dẻo, độ mở của xương hông... Từ đó mới có thể rèn dũa những kỹ năng, kỹ thuật múa và những yêu cầu khắt khe khác của ngành nghệ thuật này. Vì vậy, nghệ thuật múa bắt buộc phải tuân thủ tiêu chí tuyển chọn, đào tạo từ nhỏ ở bậc trung cấp.

Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng đang trong tình thế tương tự. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết: "64 năm nay hệ trung cấp vẫn tồn tại trong Học viện, giờ có quy định mới, chúng tôi như đứng giữa hai làn đường, chưa biết đi đường nào. Tiếp tục đào tạo trung cấp, cao đẳng thì là làm chui, nhưng không thể dừng lại vì đặc thù của đào tạo tài năng nghệ thuật là phải dạy từ nhỏ. Quá trình đào tạo năng khiếu nghệ thuật vô cùng gian khổ và chấp nhật sự đào thải rất cao. Hệ trung cấp tuỳ theo từng loại hình âm nhạc nhưng cũng phải đào tạo từ 6 năm đến 9 năm. Chỉ cần nhìn vào 5 năm trở lại đây, số lượng giải thưởng âm nhạc mà học sinh hệ trung cấp của Học viện Âm nhạc Việt Nam đạt được lên tới 200 giải thưởng ở tầm khu vực và thế giới đã chứng minh việc đào tạo hệ trung cấp là phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay”.

Không được đào tạo từ nhỏ, không có tài năng nghệ thuật

Đại diện các cơ sở đào tạo thuộc Bộ VHTT&DL đã nhiều lần nêu những vấn đề trong quá trình thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp thời gian qua và đề nghị xây dựng cơ chế đặc thù trong đào tạo năng khiếu, nghệ thuật, thể thao.

Ví dụ như giao cho các trường chủ động xây dựng thời gian đào tạo; xây dựng chính sách cho đội ngũ cán bộ giáo viên trong lĩnh vực nghệ thuật; chính sách cho từng lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thể thao… Vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã cử Đoàn công tác khảo sát việc thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Đoàn công tác đã lắng nghe các ý kiến của nhiều thầy cô giáo ở Học viện và của lãnh đạo Vụ Đào tạo Bộ VHTT&DL và đưa ra nhận định rằng các văn bản quy định pháp luật về giáo dục vẫn chưa thực sự phù hợp đối với các ngành đào tạo năng khiếu nghệ thuật. Từ đó, đề nghị Bộ VHTT&DL cần có văn bản kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể đối với lĩnh vực đào tạo đặc thù này.

Được biết, Bộ VHTT&DL cũng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về những bất cập trong công tác đào tạo, tuyển sinh ở các trường năng khiếu nghệ thuật. Trước mắt là đề nghị cho các trường nghệ thuật của Bộ VHTT&DL vẫn được tiếp tục đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng như mô hình đã thực hiện trong bao năm qua.

Trên thực tế có thể thấy, nếu thực hiện theo quy định cứng của Luật không cho đào tạo sơ cấp, trung cấp thì chẳng khác gì xoá sổ đối với đào tạo nghệ thuật. Đã tới lúc cần có những quy định cụ thể, rõ ràng mang tính đặc thù riêng cho các cơ sở đào tạo năng khiếu nghệ thuật để có được cơ sở pháp lý quan trọng tạo sự ổn định cho phát triển nguồn đào tạo nhân lực cho nghệ thuật. Từ đó, các cơ sở đào tạo năng khiếu nghệ thuật mới có thể yên tâm, không phải lo lắng trước mỗi mùa tuyển sinh phải đứng ở ngã ba đường.

HOÀI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục